Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
[MINH HUỆ 06-12-2021] Bà Ngô Tú Cầm ở thành phố Bạch Sơn, tỉnh Cát Lâm từng ba lần bị giam cầm vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công, và giờ đây bà lại bị kết án một lần nữa.
Ngày 8 tháng 6 năm 2021, bốn cảnh sát của Công an huyện Tĩnh Vũ đã đột nhập vào căn hộ đi thuê của bà Ngô và bắt giữ bà. Họ cũng lục soát nhà bà và tống giam bà trong tại Trại tạm giam thành phố Bạch Sơn. Một thẩm phán của Tòa án thành phố Bạch Sơn đã kết án bà Ngô bốn năm tù cùng với khoản tiền phạt 2.000 nhân dân tệ vào ngày 18 tháng 11 năm 2021.
Còng tay và sốc điện bằng dùi cui ở trong trại lao động cưỡng bức
Kể từ khi chính quyền cảnh sát Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, bà Ngô đã bị giam trong trại lao động hai lần vào các năm 1999 và 2008, bị kết án năm năm tù vào năm 2011.
Chỉ vài ngày sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, bà Ngô bị bắt và bị đưa tới Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Hắc Chủy Tử. Lính canh nhắm mục tiêu vào bà và hai học viên khác là bà Chu Nga và bà Hà Hoa để gia tăng bức hại. Họ trói tay ba học viên ra sau lưng và trói hai chân lại ở tư thế kiết già. Các học viên bị trói trong tư thế đau đớn này 8 tiếng một ngày trong suốt ba ngày và không được phép sử dụng nhà vệ sinh trong thời gian đó. Đồng thời lính canh đánh đập họ mỗi ngày. Chân của bà Ngô nổi đầy mụn nước và sau đó bà hầu như không thể đi lại được.
Hình vẽ minh họa phương thức tra tấn: Trói tay ra sau lưng, chân bị buộc chặt trong tư thế kiết già 8 tiếng mỗi ngày.
Một ngày vào tháng 12 năm 2000, ba học viên đã ngăn các lính canh dán tờ rơi phỉ báng Pháp Luân Công trên tường phòng giam của họ. Các lính canh đã kéo bà Chu và bà Hà đến một văn phòng để đánh đập và dùng dùi cui điện sốc điện họ, gây ra đau đớn tột độ. Sau đó, lính canh còng tay những nữ học viên này, dán miệng họ lại rồi dán những tờ rơi vu khống lên này lên họ.
Sau đó một lính canh đã kéo lê bà Ngô vào văn phòng và bà đã gỡ những tờ rơi trên người hai học viên ngay khi nhìn thấy chúng. Một lính canh khác đưa bà ra khỏi văn phòng và còng tay bà vào khung giường, trong khi lính gác thứ ba dùng dùi cui điện sốc điện bà. Cuộc tra tấn này kéo dài cả buổi sáng.
Sau phiên tra tấn bà Ngô bị biệt giam. Họ còng bà ra sau lưng và bắt bà phải ngồi trong tư thế kiết già trong hai tuần kế tiếp. Khi rời khỏi phòng biệt giam, tay và chân của bà đã bị sưng tấy nghiêm trọng.
Rời khỏi nhà để tránh bức hại
Ngày 11 tháng 2 năm 2003, một nhóm cảnh sát từ Phòng 610 huyện Tĩnh Vũ đã bắt gặp bà Ngô đang phát tặng tờ tài liệu Pháp Luân Công và giam bà tại một trại tạm giam trong tám ngày. Hai ngày sau khi bà trở về nhà, cảnh sát đã lục soát nhà bà. Bà quyết định rời nhà đi trốn để tránh bị sách nhiễu.
Tháng 7 năm 2005, một số cảnh sát thuộc Công an huyện Tĩnh Vũ đã đến tìm bà Ngô ở thị trấn Lộ Thủy Hà, huyện Phủ Tùng. Thời điểm đó, bà đang làm những công việc lặt vặt và một mình nuôi con nhỏ 12 tuổi.
Bức thực và ép uống thuốc độc hại cho đến gần chết
Ngày 22 tháng 4 năm 2008, người của Đồn Công an Tam Xóa Tử đã bắt giữ bà Ngô khi bà phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công ở huyện Giang Nguyên. Ngày 13 tháng 5, cảnh sát đã tự ý đưa bà tới Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Hắc Chủy Tử để cưỡng bức lao động một thời gian. Lính canh đã lột quần áo của bà Ngô hòng ép bà phải mặc đồng phục trại lao động.
Ngày 16 tháng 3 năm 2009, khi bà từ chối mặc đồng phục, một lính canh đã còng tay và tra tấn bà. Hai ngày sau, một lính canh khác đưa bốn người đàn ông đến. Trong đó một người đã sốc điện bà bằng dùi cui điện, một người khác liên tục tát vào mặt bà. Hai người còn lạt lột sạch quần áo của bà.
Bà Ngô đã tuyệt thực để phản đối sự ngược đãi này. Lính canh còng tay bà trong 40 ngày, và trong thời gian đó, lính canh đã bức thực và tiêm cho bà những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Một lính canh đã giẫm chân lên người bà và tát bà, trong khi hai người khác dùng thắt lưng quất vào mặt bà. Sau đó, họ trói tay và chân bà vào khung giường và tiêm cho bà bốn lọ thuốc không rõ nguồn gốc. Hai bác sĩ liên tục nhét một chiếc ống vào dạ dày bà để bức thực bà. Khi thấy bà Ngô tái xanh và run rẩy mất soát, một bác sĩ cho rằng bà có thể sẽ tử vong, nên sau đó lính canh đã tháo những chiếc kim ra.
Tái hiện phương thức tra tấn: Một học viên bị trói vào khung giường trong khi bác sĩ tiêm vào người cô ấy những loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Lãnh đạo trại từ chối thả bà Ngô sau khi bà mãn hạn vào ngày 22 tháng 7 năm 2009. Ngày hôm sau, hai lính canh đã đánh bà Ngô vào ban đêm, tuyên bố rằng họ “đại biểu cho chính phủ đánh bà”. Họ giữ bà thêm 4 tháng trước khi thả bà vào ngày 13 tháng 11.
Năm năm bị tra tấn ở trong tù
Ngày 7 tháng 3 năm 2011, cảnh sát đã bắt bà Ngô tại nhà và giam bà trong trại tạm giam huyện Tĩnh Vũ. Bà đã bị kết án năm năm tù và đưa tưới Nhà tù Nữ Cát Lâm.
Trong một tháng của năm 2015, một lính canh và một tội phạm nghiện ma túy đã cùng nhau tra tấn bà Ngô. Từ ngày 23 tháng 11 đến ngày 22 tháng 12 năm đó, họ liên tục kéo quần áo của bà với lý do “sửa lại tư thế ngồi cho bà ấy”. Kết quả là quần áo của bà ấy bị rách nát, và sự giằng xé dữ dội cũng khiến bà bị bầm tím ở vai và cánh tay, và nhiều vết xước trên cổ.
Trong một thời gian, họ bắt bà phải đứng nhiều tiếng đồng hồ. Khi bà mệt mỏi, bà chỉ được phép ngồi trên nền bê tông. Vào những ngày khác, bà Ngô bị tra tấn bằng cách buộc phải ngồi bất động trên một chiếc ghế đẩu nhỏ xíu từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối, ngoại trừ lúc ăn uống hoặc sử dụng nhà vệ sinh. Bà Ngô được trả tự do vào ngày 27 tháng 2 năm 2016.
Hình vẽ minh họa phương thức tra tấn: Ngồi bất động trên một chiếc ghế đẩu nhỏ trong nhiều tiếng đồng hồ.
Thủ phạm bắt giữ hơn mười học viên
Một trong những thủ phạm tham gia bức hại bà Ngô trong vụ bắt giữ gần nhất này là Vu Học Quân, đại đội trưởng của Đại đội An ninh Nội địa thuộc Công an huyện Tĩnh Vũ. Trong suốt nhiệm kỳ kéo dài gần một thập niên của mình, ông ta đã bắt giữ hơn mười học viên Pháp Luân Công. Hai trong số các học viên đã chết do bị tra tấn, ba người lĩnh án tù, và ba người bị giam trong các trại lao động cưỡng bức. Vu đã lục soát nhà của các học viên Pháp Luân Công nhiều lần, tịch thu tài sản cá nhân của họ bao gồm máy tính, máy in và tiền mặt. Chồng của bà Ngô không thể chịu được áp lực trước sự sách nhiễu triền miên của Vu nên đã ly hôn với bà.
Hai học viên đã chết sau khi bị Vu bắt là ông Vương Học Châu và ông Chu Kế An. Họ đã qua đời sau khi chịu đựng những thương tích thể xác và sang chấn tinh thần do bị tra tấn trong tù.
Tháng 4 năm 2008, Vu đã bắt giữ ông Vương khi ông đang đạp xe. Một thẩm phán đã kết án ông bốn năm tù. Ông Vương đã bị đánh đập đến chết trong ba năm thụ án tù tại Nhà tù Tứ Bình, ở tuổi 41.
Vào ngày 2 tháng 9 năm 2008, Vu đã bắt giữ ông Chu tại nhà. Sau đó ông Chu bị kết án năm năm. Trong thời gian thụ án tại Nhà tù Công Chủ Lĩnh, các lính canh đã đánh đập ông Chu cho đến khi họ làm gãy những chiếc dùi cui gỗ và thắt lưng da mà họ đang sử dụng để tra tấn ông. Đôi chân của ông bị thương nặng đến nỗi móng chân của ông bị bong ra và ông bị nội thương không bao giờ lành. Sau khi ông Chu được thả, ông vẫn hôn mê và không có cảm giác thèm ăn. Ông sống trong nỗi sợ hãi thường trực và đã qua đời vào tháng 1 năm 2016, ở tuổi 50.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/6/434439.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/1/2/197918.html
Đăng ngày 04-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.