Bài chia sẻ của một học viên Pháp Luân Đại Pháp Trung Quốc tại Úc
Con xin kính chào Sư phụ tôn kính!
Xin kính chào các đồng tu!
Tôi xin được chia sẻ trải nghiệm thù thắng khi giảng chân tướng ở Khu phố Tàu trong hai năm qua. Nhiều chấp trước của tôi đã được phơi bày để tôi có thể loại bỏ chúng.
Phát tài liệu là một trong những hoạt động chính về chứng thực Pháp mà tôi đã tham gia kể từ khi chuyển sang Úc. Khi càng thích nghi với môi trường tu luyện ở bên ngoài Đại lục, tôi lại càng nhận thức rõ hơn về an bài từ bi của Sư phụ đối với tu luyện của tôi. Do Melbourne phải trải qua nhiều đợt phong tỏa do dịch bệnh, tôi cảm thấy rằng mọi cơ hội đến Khu phố Tàu đều vô cùng quý báu.
Tu bỏ chấp trước vào tự ngã
Khi tôi còn nhỏ, gia đình đã nhấn mạnh với tôi rằng ‘con người cần phải có tên tuổi và danh tiếng tốt’. Vì thế, tôi để tâm đến những gì người khác nghĩ về mình. Ở Trung Quốc, mọi người vẫn luôn bình phẩm về nhau, vì vậy tâm cầu danh và chấp vào tự ngã của tôi càng mạnh mẽ hơn. Tôi sợ bị người khác hiểu lầm và coi thường.
Vào một dịp cuối tuần tháng 10 năm 2019, khi tôi định công viên để luyện công và phát tài liệu chân tướng, một đồng tu đột nhiên rủ tôi đến Khu phố Tàu. Vào thời điểm đó, tôi vừa mới quay lại tu luyện Đại Pháp, vì vậy tôi biết trạng thái tu luyện của mình chưa tốt để đến Khu phố Tàu và nói chuyện với mọi người.
Tôi cũng có linh cảm rằng sẽ gặp người chủ cũ, quản lý của tôi tại một phòng khám Trung y ở Melbourne. Tôi chưa nói với anh về Pháp Luân Công, vì vậy tôi lo lắng không biết anh sẽ nói gì nếu nhìn thấy tôi. Tôi liền từ chối lời đề nghị và nói: “Không! Không! Không! Tôi không đến Khu phố Tàu đâu, tôi chỉ đến công viên thôi.” Vị đồng tu ấy nói: “Làm sao bạn có thể chứng thực Pháp đây?” Tôi không còn lựa chọn nào khác nên đành lên xe của cô ấy.
Khi đến Khu phố Tàu, tôi cảm thấy toàn thân khó chịu, thậm chí không thể cầm nổi tài liệu chân tướng cho tử tế. Nhiều người qua lại. Có rất nhiều người thuộc các sắc tộc khác nhau lướt nhanh qua, vì vậy tôi cần nhanh chóng chuyển đổi giữa tài liệu chân tướng tiếng Trung và tiếng Anh.
Sau khoảng hai, ba tiếng, tôi chỉ có thể phát được vài tờ tài liệu chân tướng. Thỉnh thoảng, có mấy người lạ nhìn chằm chằm vào tôi. Khi tôi cố gắng đưa tài liệu chân tướng cho người Trung Quốc, dường như họ còn không buồn nhìn tôi, thậm chí có người còn nói: “Tại sao còn trẻ như vậy mà lại làm việc này?” Điều tốt là những người phương Tây thường hành xử lịch sự.
Cuối ngày hôm đó, bác sỹ A thực sự xuất hiện như tôi nghĩ. Thấy tôi, anh ngạc nhiên đến mức nhảy cẫng lên và la lớn, “Em tu luyện Pháp Luân Công à?” Khi anh hét lên, tất cả các đồng tu xung quanh đều nhìn về phía tôi, và tôi chỉ muốn chui xuống đất mà trốn. Tôi vội cười và nói: “Pháp Luân Công rất tốt, và em đã bắt đầu tu luyện khi mới mười tuổi. Anh có muốn lấy một tờ báo để đọc không?” Anh xua tay từ chối. Ít nhất anh không nói gì tiêu cực, chỉ là ngạc nhiên khi thấy tôi tu luyện Pháp Luân Công.
Trong tháng tiếp theo, tôi chỉ đứng ở Khu phố Tàu như một tượng gỗ. Lưng và chân của tôi rất đau, và tôi cảm thấy kiệt sức chỉ sau vài tiếng đồng hồ. Do tâm lo sợ và truy cầu, tôi thường thúc ép bản thân đề cao trong tu luyện. Tôi đã rất lo lắng rằng mình không thể xử lý các tình huống bất ngờ và ảnh hưởng đến thanh danh của Đại Pháp. Một lần, khi đang đến Khu phố Tàu, tôi đã nghĩ: “Liệu hôm nay có người chế nhạo mình không? Mình có thể tìm được cái cớ để không phải đến Khu phố Tàu không đây?” Nhưng tôi biết việc khuân vác các thùng tài liệu, bảng và dựng lều đối với những đồng tu lớn tuổi là rất khó khăn. Dần dần, tôi không còn nghĩ đến việc bỏ trốn nữa, vì biết rằng nơi đó cần tôi, dù tôi chỉ đóng một vai trò rất nhỏ.
Một đồng tu đã giảng chân tướng ở Khu phố Tàu nhiều năm qua nói với tôi rằng điểm giảng chân tướng này đã được lập từ thời gian đầu của cuộc bức hại Pháp Luân Công, và bà đã giảng chân tướng ở đây gần 20 năm. Ngoài ra, còn có những đồng tu đã tham gia giảng chân tướng ở đây hơn 10 năm, điều này làm tôi rất khâm phục.
Một hôm, khi một đồng tu lớn tuổi cố gắng đưa tài liệu chân tướng cho một người đến từ Trung Quốc Đại lục, người đàn ông này đã nói những lời rất thô lỗ, nhưng đồng tu lớn tuổi vẫn mỉm cười và khuyên ông nên đọc tài liệu. Tôi vô cùng cảm động trước thiện tâm của bà ấy, nghĩ rằng các đồng tu đã làm việc này nhiều năm như vậy, trong khi tôi chỉ đứng đó và ngại ngùng không dám trò chuyện nhiều. Tâm tật đố và tự ti đồng thời nổi lên. Đúng lúc đó, một người đàn ông phương Tây cao lớn đi ngang qua. Tôi chào hỏi anh ấy một cách lịch sự và đưa cho anh ấy tài liệu giảng chân tướng. Không ngờ anh ấy nói: “Lần nào tôi cũng thấy cô đứng ở đây. Cô làm tốt lắm!” Tôi thực sự không có ấn tượng gì về người này, nhưng những lời nói của anh ấy đã khích lệ tôi rất nhiều. Tôi ngộ rằng chính Sư phụ đã động viên tôi tiếp tục. Kể từ đó, tôi gạt chấp trước vào tự ngã sang một bên, và tiếp tục giảng chân tướng ở Khu phố Tàu.
Thế nào là trạng thái đúng đắn của một học viên
Trong hai năm giảng chân tướng ở Khu phố Tàu, tôi nhận thức được yêu cầu đối với đệ tử Đại Pháp ở các điểm giảng chân tướng tuyến đầu là rất cao. Khi tâm trí tôi không bị can nhiễu, tôi phát được nhiều tài liệu chân tướng hơn. Ngược lại, hiệu quả của việc cứu người sẽ giảm đi rất nhiều khi tâm tính của tôi không được đề cao hoặc khi tâm tôi bất tịnh. Phát tài liệu chân tướng trên phố có vẻ dễ dàng, nhưng đôi khi tôi cảm giác như có rất nhiều cản trở và khó khăn. Lưng và chân của tôi bị đau trong khoảng một năm, và thỉnh thoảng tôi cảm giác đau nhức đến tận từng tế bào.
Tôi thực sự cảm thấy việc này thật khó khăn khi cơ thể và tinh thần của tôi không thoải mái, khi những người qua đường đối xử tệ với tôi, khi tôi không phát được nhiều tài liệu, và khi những lời nói và hành động của các đồng tu động đến chấp trước của tôi. Tuy nhiên, tôi nhớ lại những lời Sư phụ giảng:
“Thời tôi tu luyện trong quá khứ, có rất nhiều cao nhân đã giảng cho tôi câu này, họ nói: “Nan Nhẫn năng Nhẫn, nan hành năng hành.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)
Ngoài ra, bạn cùng phòng của tôi, cũng là một đồng tu, còn đưa tôi đến Khu phố Tàu bất kể hoàn cảnh nào, vì vậy cuối cùng, tôi đã bước qua giai đoạn thiếu kiên định khi chính niệm của tôi chưa đủ mạnh.
Sau khi xem bộ phim “Đường về”, tôi rất ấn tượng với diễn viên nữ phát tài liệu chân tướng với nụ cười trên mặt và biểu hiện thiện lương, thuần khiết. Lập tức, tôi nhận ra đây là những điều mà một người tu luyện nên có: an hòa, từ bi, mỹ hảo và thiện lương. Vì vậy, tôi quyết định thay đổi biểu cảm của mình từ vẻ mặt lạnh như tiền sang sắc mặt tươi cười, từ im lặng chuyển sang chủ động chào hỏi mọi người. Tôi biết một số đồng tu khác có thể làm điều này một cách tự nhiên, nhưng đối với tôi, một người rất coi trọng thể diện, đây là một bước đột phá đáng kể.
Tôi luôn tự nhắc nhở bản thân: Tất cả mọi người trên thế giới đều từng là người thân của Sư phụ, và tất cả chúng sinh đều được Sư phụ an bài để được nghe chân tướng và được cứu độ. Dần dần, tôi nhận thấy khi tôi đối xử với những người qua đường như bạn bè và người thân ở kiếp trước, tôi có thể cười với họ một cách tự nhiên, và lời nói của tôi trở nên thân thiện và không cứng nhắc. Họ cũng mỉm cười đáp lại, và nhiều người Trung Quốc đã nói “cảm ơn” một cách lịch sự ngay cả khi họ không nhận tài liệu.
Một ngày Chủ nhật, tôi đến khu Box Hill để dán áp phích vì đã quá muộn để đến Khu phố Tàu. Lúc đó, một cụ già tới hỏi đường. Vì không thông thạo khu vực đó nên tôi đã xin lỗi và nói với ông là tôi không biết. Một đồng tu đã giúp đỡ ông. Một tuần sau, tôi quay lại Khu phố Tàu và ông ấy tình cờ đi qua. Tôi đã mỉm cười và đưa cho ông ấy một tờ báo. Ông cụ nói với tôi: “Tôi đã gặp cháu tuần trước ở Box Hill.” Tôi nói: “Ông có trí nhớ tốt quá!”. Ông ấy vui vẻ nói: “Tôi đã nhận ra cháu khi cháu cười!”
Kể từ đó, tôi cố gắng giữ nụ cười và một tư thế đứng tốt, hy vọng có thể truyền tải sự mỹ diệu của Đại Pháp cho những người qua đường.
Tất nhiên, đôi khi không dễ để giữ nụ cười khi không được khỏe, hoặc lúc đang vượt quan tâm tính. Tôi nhớ có lần đưa tài liệu chân tướng cho một sinh viên người Trung Quốc, cô ấy trừng mắt mắng tôi là đồ ngu, khiến tôi có chút động tâm. Nhưng tôi vẫn nhớ tới Pháp của Sư phụ.
Sư phụ giảng:
“Như mọi người đã biết, [khi đã] đạt đến tầng La Hán, [thì] gặp sự việc gì cũng không để trong tâm, hết thảy những sự việc nơi người thường đều hoàn toàn không để tâm, đều là vui vẻ thoải mái; chịu thiệt thòi lớn đến mấy, vẫn cứ vui vẻ thoải mái. [Nếu] thật sự có thể làm được vậy, thì chư vị đã đạt đến quả vị sơ cấp của La Hán.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)
Tôi nhận ra đây là trạng thái mà tôi nên có, và lập tức quy chính bản thân, vẫn mỉm cười và phát tài liệu chân tướng cho người tiếp theo đi ngang qua.
Năm nay, do tác động của đại dịch đến tâm lý của chúng sinh, việc thu thập chữ ký và phân phát tài liệu chân tướng ở Khu phố Tàu khó khăn hơn bao giờ hết. Khi thời tiết xấu và ngoài phố vừa ẩm vừa lạnh, tôi thấy các đồng tu thậm chí còn tích cực hơn trước và nhiệt tình đưa bảng thu thập chữ ký cho những người qua đường. Tôi cũng thấy nhiều người rất vui khi để lại chữ ký của họ và có thái độ rất ủng hộ. Điều này khiến tôi thấy được khoảng cách giữa bản thân và các đồng tu lâu lăm, những người đã tu luyện vững vàng trong nhiều năm. Chính niệm mà họ tu xuất được đã hóa giải những lo lắng của người khác, và giúp thêm nhiều người có cơ hội để lựa chọn một tương lai tốt đẹp cho bản thân. Chứng kiến việc này, tôi càng có động lực để tinh tấn tu luyện.
Khu phố Tàu
Trong thời gian diễn ra cuộc biểu tình chống dẫn độ ở Hồng Kông, tôi đã đưa một ấn bản đặc biệt của Epoch Times cho một phụ nữ Trung Quốc, nhưng bà ấy vui vẻ nói: “Tôi đến từ Hồng Kông, tôi sẽ chỉ lấy báo ở Hồng Kông. Cảm ơn cô.”
Cũng có một cụ già đến từ vùng Đông Bắc Trung Quốc. Mặc dù các đồng tu đã giúp ông thoái xuất khỏi ĐCSTQ, nhưng khi tôi cố gắng đưa báo cho ông, ông không nhận và nói rằng ông không đọc được. Tôi đưa cho ông tài liệu của Minh Huệ, nhưng ông cũng không muốn nhận. Trong ba tháng tiếp theo, ông đều đến Khu phố Tàu hàng tuần khi tôi ở đó, và lần nào ông cũng nói với tôi như: “Cháu lại đi quảng bá cái này à? Cháu đưa tờ rơi cho mọi người nhưng họ không muốn nhận! Cháu đề nghị người ta ký nhưng họ không ký. Ông không biết đọc, mà cháu đưa cho ông tờ báo…”
Ông cứ đi đến tới lui như vậy. Dường như ông cố ý nói những lời này để chọc tức tôi, nhưng lần nào tôi cũng lịch sự trả lời ông: “Ông ơi, cuối tuần nào cháu cũng ở đây, tờ rơi và báo là thông điệp sự thật nên mọi người sẵn lòng đọc. Nhiều người đã ký. Cháu có thể đọc báo cho ông nếu ông không biết đọc.”
Tôi không hề cảm thấy mất kiên nhẫn hay khó chịu về ông suốt ba tháng đó. Đôi khi, mặc dù tôi biết ông cố ý nói những điều đó, tôi vẫn chào hỏi ông với tâm thái của một người tu luyện và trả lời một cách lịch sự.
Một hôm, ngay sau khi tôi tạm biệt một người đàn ông phương Tây đã ký vào bản kiến nghị, tôi quay lại và thấy ông đang đứng ở đó. Tôi mỉm cười chào ông. Ông chìa tay ra, nhìn tờ báo trên tay tôi và nói: “Cho ông xin một bản.” Tôi hỏi ông: “Ông chưa lấy một tờ bao giờ ạ?” Ông nói: “Trước đây, tôi chưa bao giờ hỏi xin.” Tôi hỏi lại: “Ông có muốn cháu đọc cho ông nghe không ạ?” Ông nghiêm nghị trả lời: “Không cần cháu đọc, ông có thể đọc cho cháu nghe.” Cả hai chúng tôi đều bật cười. Thật kỳ lạ là từ đó đến giờ ông ấy không bao giờ quay lại.
Ngoài ra, tôi đã gặp lại bác sỹ A vài ngày trước khi Melbourne bị phong tỏa. Trước đó, tôi đã gặp anh vài lần trong hai năm qua, nhưng anh không bao giờ muốn nhận tài liệu chân tướng. Lần này, anh đến cùng một cặp vợ chồng lớn tuổi, và khi tôi đưa tờ báo cho người vợ, bà đã từ chối. Ngay sau đó bác sỹ A cầm tờ báo và nói với tôi: “Em có thể quay lại làm việc bán thời gian ở phòng khám của tôi, và em có thể chọn ngày làm việc phù hợp với lịch của em. Thật tốt nếu em có thể phát báo tại phòng khám của tôi!” Tôi rất ngạc nhiên khi nghe điều đó, nên hỏi lại anh: “Anh cho phép em làm như thế chứ?” Anh nói: “Tất nhiên! Thật tốt khi em có thể tích đức trong khi làm việc!” Tôi rất vui khi thấy một ông chủ người Trung Quốc như anh có thể nói những lời như vậy, và tôi rất vui vì anh đã hiểu chân tướng.
Tôi cũng nhận ra điều quan trọng là các đệ tử Đại Pháp làm hạng mục với chính niệm mà không bị phân tâm. Sự kiên định là cách chứng thực Pháp mạnh mẽ nhất mà không cần dùng đến ngôn từ.
Vào một số dịp cuối tuần, người quản lý của công ty dọn vệ sinh nơi tôi làm muốn tôi tạm thời giúp cô ấy thêm một vài ca, bởi vì những khách hàng quen thường yêu cầu gấp vào cuối tuần và mức lương thì cao hơn ngày thường. Nhưng tôi luôn từ chối và nói với cô ấy rằng tôi có việc tình nguyện ở Khu phố Tàu. Mặc dù cô ấy có đôi chút thất vọng sau một vài lần bị từ chối, nhưng điều tốt là các đồng nghiệp rất ủng hộ và chủ động giúp tôi dù phải làm thêm giờ. Khi tôi nghỉ việc, người quản lý của tôi đã nhắn tin cho tôi và nói: “Trong hai năm qua, tôi đã hiểu được tín tâm của cô. Tôi sẽ đọc kỹ cuốn Chuyển Pháp Luân khi tôi sẵn sàng, và sẽ tìm hiểu tại sao cô và nhiều người khác đã hết lòng vì đức tin này như vậy.”
Mặc dù người quản lý của tôi có thể nghĩ không tốt về tôi vì tôi đã từ chối làm việc vào cuối tuần, nhưng thật tốt là cuối cùng cô ấy đã hiểu được các học viên Đại Pháp và cho mình một cơ hội tốt để đắc Đại Pháp trong tương lai. Con xin tạ ơn Sư phụ đã từ bi gia trì!
Lời kết
Trong hai năm qua, mặc dù tôi chưa làm tốt về nhiều mặt, nhưng tôi thực sự cảm kích khi được tu luyện. Tôi đã có thể tu bỏ nhiều chấp trước và quan niệm ngoan cố nhờ sự giúp đỡ của Sư phụ. Tôi cũng biết ơn các đồng tu tại điểm giảng chân tướng ở Khu phố Tàu, vì họ đã âm thầm hỗ trợ và khoan dung với những thiếu sót của tôi. Tôi thấy vui mừng khi nhìn thấy niềm vui của những chúng sinh hiểu được chân tướng của Đại Pháp, nhìn thấy sự thay đổi của người Trung Quốc sau khi họ hiểu chân tướng, và thấy những du học sinh phương Tây, Việt Nam và Trung Quốc hỏi về việc tham gia lớp học chín ngày và địa điểm mua sách Đại Pháp.
Trong buổi học Pháp gần đây, tôi đã tìm thấy rất nhiều chấp trước ẩn giấu, trong đó một số tâm tôi đã bỏ qua nhưng trước đây lại coi là chân lý tuyệt đối. Một số chấp trước được tôi nhìn ra thông qua các mâu thuẫn với các đồng tu. Tôi muốn cảm ơn Sư phụ và các đồng tu đã giúp đỡ tôi.
Trên đây là những chia sẻ về trải nghiệm tu luyện của tôi. Mong các đồng tu từ bi chỉ ra những chỗ còn thiếu sót.
Con xin tạ ơn Sư phụ!
Xin cảm ơn các bạn đồng tu!
(Trình bày tại Pháp hội Tâm đắc thể hội trực tuyến Úc năm 2021)
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/6/434405.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/8/196914.html
Đăng ngày 30-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.