Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Đài Loan
[MINH HUỆ 25-02-2021]
Con xin kính chào Sư phụ tôn kính!
Kính chào các bạn đồng tu!
Tôi là đệ tử Đại Pháp đắc Pháp năm 2000. Dưới sự khích lệ của các bạn đồng tu, tại Pháp hội này, tôi đã tổng hợp lại một vài tâm đắc thể hội trong 21 năm tu luyện của bản thân, hồi báo với Sư phụ và chia sẻ cùng các đồng tu.
1. Cuộc đời tôi trước khi đắc Pháp
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê yên bình, chất phác. Do gia cảnh nghèo khó, sau khi tốt nghiệp tiểu học tôi không thể tiếp tục học lên mà phải đi làm. Sau khi kết hôn, tôi vẫn phải đi làm để trang trải cuộc sống, nhưng ước mơ được đi học luôn nhen nhóm trong lòng tôi. Nhờ sự động viên của chồng, tôi đã đi học bổ túc. Tôi học từ cấp hai đến hết cấp ba liền một mạch trong 6 năm, kết quả học tập của tôi luôn dẫn đầu, nên được thầy cô và các bạn yêu quý.
Hồi tưởng lại cuộc đời trước khi đắc Pháp, không phải nỗ lực làm việc thì cũng là chăm chỉ học hành. Tuy có bận rộn, nhưng trong lòng tôi dường như vẫn luôn chờ đợi một điều gì đó.
2. Hữu duyên đắc Pháp
Một ngày nọ, một người bạn tu luyện Pháp Luân Công hỏi tôi có muốn luyện công không, còn đưa cho tôi một quyển sách bảo tôi đọc. Lúc đó tôi nghĩ rằng: Mình bận thế này thì lấy đâu ra thời gian mà luyện công? Nhưng người bạn ấy rất kiên nhẫn, mỗi lần đến gặp tôi, cô ấy đều rủ tôi đi luyện công. Tôi luôn lấy cớ bận việc, cứ trì hoãn mãi cho đến nửa năm sau, tôi mới quyết định đi mua cuốn “Chuyển Pháp Luân”.
Thật bất ngờ, khi tôi mở cuốn Chuyển Pháp Luân và nhìn thấy hình ảnh của Sư phụ, tôi bắt đầu khóc. Trong khi đọc Pháp, tôi đã rơi nước mắt, và thậm chí khóc rất to. Có một ý nghĩ mạnh mẽ trong lòng tôi: Đây là điều mình đang chờ đợi! Lúc này, tôi đã hiểu, mục đích tôi đến thế giới này là gì, tôi đã phải chịu rất nhiều khổ, chỉ là để đắc Pháp này.
3. Những khảo nghiệm và trách nhiệm khi làm phụ đạo viên
Hơn mười năm về trước, tôi là phụ đạo viên của một điểm luyện công. Khi đó, điểm của chúng tôi có rất nhiều học viên mới, vậy nên cũng có rất nhiều khảo nghiệm.
Một lần, các đồng tu phát sinh mâu thuẫn tại điểm luyện công. Một đồng tu cao tuổi cảm thấy ấm ức, liền khóc to thành tiếng. Lúc này, mọi người trong công viên đều hướng mắt về chỗ chúng tôi quan sát. Trong tâm tôi rất lo lắng, cho rằng hành động này của đồng tu sẽ làm cho mọi người không lý giải Đại Pháp, vì vậy đã xuất ra một niệm đầu bất thiện với bà.
Sau khi về nhà, tôi liền mở cuốn “Pháp Luân Đại Pháp nghĩa giải”, học vài lượt phần “Kiến nghị tại Hội nghị Phụ đạo viên Pháp Luân Đại Pháp Bắc Kinh [1994]”, khi đọc đến:
“Như vậy làm một phụ đạo viên, khi chư vị tổ chức một nhóm người luyện công, thì trách nhiệm của chư vị là gì?” (Kiến nghị tại Hội nghị Phụ đạo viên Pháp Luân Đại Pháp Bắc Kinh [1994])
Từ trong Pháp của Sư phụ tôi minh bạch ra, làm phụ đạo viên là có sứ mệnh, nếu giữa các học viên cần sự điều phối, thì phải cố gắng hết sức giúp đỡ họ, không nên có bất kỳ một niệm đầu bất hảo nào với các đồng tu.
Có một lần, tôi bận đến hơn 8 giờ tối mới ăn cơm, vừa ăn được vài miếng, đồng tu gọi điện thoại cho tôi nói rằng thân thể bà cảm thấy rất không thoải mái, và muốn tôi ngay bây giờ đến nhà đọc Pháp cho bà ấy nghe. Bởi vì đồng tu ấy không biết chữ, nên gặp khó khăn khi học Pháp. Mặc dù đang ăn cơm, nhưng tôi nghĩ, Sư phụ dạy chúng ta phải tu thành bậc Chính giác tiên tha hậu ngã. Tôi lập tức để cơm ở đó và đến nhà đồng tu đọc Pháp cho bà nghe, sau khi nghe xong đồng tu cảm thấy đỡ hơn rất nhiều, liền bảo tôi mau về nhà vì lúc đó cũng đã rất muộn rồi. Về đến nhà là hơn 10 giờ tối, tôi mới tiếp tục ăn nốt cơm. Khi đó trong tâm tôi không có chút oán trách nào, vì tôi biết đây là trách nhiệm mà một phụ đạo viên nên làm.
Tôi làm phụ đạo viên vài năm, sau đó vì để chuyên tâm hướng dẫn các học viên tham gia hạng mục gọi điện giảng chân tướng, nên việc phụ đạo viên ở điểm luyện công do một đồng tu khác đảm đương.
4. Tạo môi trường gọi điện giảng chân tướng, cùng các đồng tu nỗ lực tinh tấn
Nhớ lại khi còn là người thường, tôi lúc nào cũng bận rộn. Hiện tại tôi hiểu được, thì ra những kinh nghiệm gọi điện thoại được tích luỹ trong người thường trước khi đắc Pháp, là vì để chuẩn bị cho hôm nay làm tốt việc cứu độ chúng sinh. Nhờ những kinh nghiệm và quá trình luyện tập này, tôi rất nhanh có thể nắm vững cách gọi điện thoại cứu người.
Trong quá trình gọi, tôi thường xuyên bị người ở đầu dây bên kia chửi mắng. Bất kể lời nói của họ khó nghe như thế nào, nhưng trong tâm tôi thường chỉ có một niệm: “Anh ấy không phải chửi mình. Mình ở đây là để cứu anh ấy.”
Có lần, tôi bị mắng những lời rất khó nghe. Tôi vẫn kiên nhẫn và nói: “Anh à, xin hãy nghe tôi nói…” Người đàn ông ấy vẫn tiếp tục mắng. Tôi nói tiếp: “Anh à, chúng ta có thể đã ở một đời một kiếp nào đó từng hứa hẹn với nhau, anh bảo tôi rằng tại thời điểm này hãy đến đánh thức anh, như vậy anh mới được đắc cứu, hiện tại lời hẹn ước đó đã đến rồi, anh à, anh nhất định phải thoái đảng mới có thể đắc cứu. Tôi thật sự vì anh mà đến…“ Tôi vừa nói vừa khóc, lúc này tôi phát hiện bên kia không còn tiếng mắng chửi nữa, chỉ còn một mình tôi đang nói, cuối cùng tôi nghe thấy giọng nói ấm áp truyền đến từ đầu dây bên kia: “Được, tôi thoái.”
Gọi điện thoại trực tiếp đối diện với chúng sinh, có thể rèn luyện cho tôi tính độc lập, và loại bỏ rất nhiều tâm sợ hãi. Khi đó, tôi thấy các đồng tu, kể cả đồng tu cao tuổi, rất muốn tham gia vào hàng ngũ cứu người, nhưng đều không dám nói. Vì có khinh nghiệm làm phụ đạo viên, nên tôi đã chủ động đi hỏi các đồng tu xem họ có muốn cùng tham gia gọi điện thoại hay không, rất nhiều đồng tu đều nói họ không dám giảng chân tướng và cũng không biết giảng. Tôi khích lệ các đồng tu và chúng tôi đã cùng nhau học gọi điện thoại, cùng nhau tinh tấn cứu người.
Khi đó, có một địa điểm có thể sử dụng, tôi chia mọi người thành hai bên, một bên đã biết gọi điện thoại và dám giảng chân tướng, bên còn lại là không dám giảng. Tôi nói với các đồng tu: những ai dám giảng chân tướng mời mọi người sang phòng bên cạnh có máy tính, còn chưa dám làm thì hãy tạm thời ngồi sau tôi nghe tôi gọi điện, đợi mọi người tự tin muốn gọi điện rồi thì lúc nào cũng có thể gọi, như vậy có được không? Các đồng tu đều đồng ý. Tôi tin chắc rằng, chỉ cần có hoàn cảnh này các đồng tu sẽ rất nhanh có thể thành thục, mỗi người phát huy công năng của lạp tử của Đại Pháp, làm tròn sứ mệnh cứu người.
Sau một đoạn thời gian cùng nhau học hỏi, giao lưu lẫn nhau, mọi người đều dần dần dám đảm nhận việc giảng chân tướng, không còn sợ hãi khi gọi điện cứu người.
5. Quá trình tu luyện khi tham gia công tác bán vé Shen Yun
Có một năm, đồng tu trong nhóm quảng bá Shen Yun gọi cho tôi, muốn tôi phụ trách phòng vé của trung tâm vé Đài Trung. Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự. Tôi hỏi đồng tu: Tôi không học kế toán, như vậy có được không? Đồng tu nói: “Bạn có thể làm được.” Chính niệm của tôi được củng cố, tôi nghĩ: “Đây nhất định là phương diện mình cần phải tu.” Tôi nói với bản thân rằng không được sợ không làm được, chỗ nào không hiểu thì nhờ đồng tu hướng dẫn, vậy là tôi đồng ý nhận công việc đó, theo đồng tu vừa học vừa làm.
Ở môi trường này tôi đã trải qua rất nhiều khảo nghiệm, từ đội phụ trách vé nội bộ cho đến các đồng tu bán vé ở bên ngoài.
Trong quá trình học điều phối phòng vé, tôi phát hiện có một số vấn đề cần điều chỉnh nên đã tham khảo ý kiến của một người phụ trách khác, anh ấy nói: Tôi muốn cùng mọi người thảo luận. Vì vậy đội bán vé đã cùng nhau họp, tôi phụ trách liệt kê những nội dung cần chỉnh sửa, sau đó hỏi ý kiến của từng đồng tu. Trong cuộc họp, các đồng tu đã đưa ra ý kiến phản hồi nhưng không nhiệt tình.
Sau buổi làm việc này, các học viên đã tham gia đều không muốn đến trung tâm bán vé. Có lần vừa đến văn phòng, chuông điện thoại không ai trả lời, tôi vội nhấc máy, là một người muốn mua vé, tôi lấy sổ ghi chép lại thông tin của người khách hàng, người đó nói rằng một lát nữa sẽ đến lấy vé.
Lúc này, đồng tu in vé vẫn chưa đến, và một đồng tu phụ trách phòng vé cũng không có ở đó. Tôi phải học cách xuất vé, đồng tu ở hạng mục khác ở đó thấy tôi không biết sử dụng máy tính liền dạy tôi, tôi viết lại những điều đó vào sổ, xuất vé ra sao, đổi vé như thế nào, tôi ghi lại từng bước cần thực hiện. Sau khi in vé xong, tôi liền đi đối chiếu với đơn đặt hàng. Vé được chuẩn bị sẵn sàng trước khi vị khách đến, và tôi đã giao cho khách một cách thuận lợi.
Tôi còn nhớ có lần cần in một trăm năm mươi vé, lúc đó cảm thấy áp lực lắm, sợ mình thao tác sai, tôi kiểm tra đi kiểm tra lại nhiều lần để đảm bảo vé không bị lỗi. Mắt nhìn chằm chằm vào máy tính, miệng không ngừng nhẩm giá vé và số vé, tim tôi đập càng lúc càng nhanh, tay tôi run lên và đổ mồ hôi, lo lắng đến mức đầu óc trở nên trống rỗng. Đột nhiên tôi nhớ đến một đoạn Pháp của Sư phụ:
“Đệ tử chính niệm túc
Sư hữu hồi thiên lực” (Sư đồ ân, Hồng Ngâm II)
Tay tôi ngừng run. Tôi tự nhủ rằng đừng lo lắng, có Sư phụ đang ở bên coi sóc, tôi chỉ đang dùng thân thể này để phối hợp, mọi việc đều do Sư phụ làm. Cuối cùng, tôi đã in xong chỗ vé.
Sau sự việc này, các đồng tu đã yêu cầu tôi hướng nội. Tại sao mọi người không muốn đến trung tâm bán vé? Tôi đã hướng nội tìm bản thân, nhưng vẫn không thể tìm thấy điều gì. Lúc này, tôi nhớ Sư phụ giảng:
“Tôi nghĩ điều này đều có liên quan đến tu luyện của chư vị, không phải là giúp chư vị tiêu nghiệp thì là giúp chư vị đề cao tâm tính, cho nên chư vị phải đối đãi một cách đúng đắn.“ (Giảng Pháp tại Pháp hội New Zealand [1999])
Vì vậy, tôi đã gọi điện thoại cho từng đồng tu tham gia phụ trách phòng vé, và chia sẻ với họ về suy nghĩ của tôi: “Tôi đến đây là để tu luyện, không phải đến để làm trưởng nhóm, nếu tôi có làm sai hay có điểm nào chưa rõ mong rằng mọi người gánh vác nhiều hơn, những việc tôi cần kiểm tra tôi sẽ làm theo quy tắc, những việc không có ảnh hưởng quá lớn thì có thể linh động.”
Trong quá trình điều phối, tôi nhận thấy bản thân mình sợ cái này sợ cái kia, nên trung tâm bán vé mới xuất hiện tình huống căng thẳng như vậy. Trong quá trình phối hợp ít hay nhiều sẽ có những va chạm. Suy cho cùng, chúng ta là người tu luyện, và mọi người đều có thể tìm ra những thiếu sót của bản thân, chúng ta nên cùng nắm tay nhau tiếp tục tiến lên phía trước.
Mặt khác, do cách thức bán vé của Shen Yun được điều chỉnh hàng năm, nên thói quen mua vé và thanh toán của đa số các học viên cũng cần phải thay đổi theo. Tuy nhiên, một số đồng tu bán vé không thể hoàn toàn chấp nhận, điều này khiến tôi cứ mãi không hiểu tại sao lại như vậy. Nếu có bất kỳ sự chỉnh sửa nào trong trung tâm bán vé, mọi người chỉ cần cùng nhau thực hiện theo sự điều chỉnh đó là được rồi. Tại sao lại có ý kiến với tôi như vậy, tôi thường xuyên cảm thấy rất tổn thương, rất ấm ức, ngày nào cùng khóc mỗi khi về nhà. Tôi nghĩ tôi chỉ muốn đến tu luyện cứu người, sao lại phải chịu ấm ức như vậy, khi tôi chưa tu luyện thì ai cũng khen ngợi tôi, rất ít khi phải nghe những lời khó nghe từ những người ghét mình. Tại sao lần này làm một công việc không lương lại còn bị chỉ trích? Càng nghĩ về điều đó, tôi càng cảm thấy buồn.
Tôi vẫn nhớ có lần, sau khi buổi biểu diễn kết thúc, một đồng tu tới muốn trả lại một số vé. Tôi đã không hiểu cho những nỗ lực và nhu cầu bán vé của học viên đó, tôi nghĩ rằng mình có lý và nói với cô: “Tôi đều làm theo những thông tin về đổi và hoàn vé”, và vô cùng kiên quyết nói rằng buổi biểu diễn đã kết thúc rồi không thể hoàn lại vé nữa. Kết quả là giữa chúng tôi xảy ra xung đột nhỏ. Lúc đó, tôi nhớ đến Sư phụ giảng:
“ngữ khí, thiện tâm trong công tác, thêm vào đó là đạo lý có thể cải biến nhân tâm, chứ mệnh lệnh vĩnh viễn không thể!” (Thanh tỉnh, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Chớp mắt đã vài năm trôi qua, các đồng tu bán vé dần dần hiểu rằng việc điều chỉnh là cần thiết để hệ thống bán vé phản ánh tình hình xuất vé thực tế, để mọi chúng sinh có thể được cứu như mong đợi. Trung tâm bán vé hiện tại cũng vận hành một cách thành thục và càng ngày càng chuyên nghiệp hoá, vì vậy công việc quản lý phòng vé do đồng tu hiểu về kỹ thuật tiếp tục đảm nhiệm.
6. Hướng nội đào sâu căn nguyên của chấp trước
Tu luyện nhiều năm như vậy, tôi luôn cảm thấy bản thân vẫn còn nhiều tâm vẫn chưa tìm ra. Khi chia sẻ cùng các đồng tu, tôi phát hiện bản thân mình không hề thật sự hiểu hướng nội tìm.
Một ngày nọ, khi tôi đang học thuộc bài Pháp “Càng về cuối càng tinh tấn”, đọc đến đoạn:
“Một cá nhân trong [quá trình] tu luyện sẽ có rất nhiều quan cần phải vượt qua; nguyên nhân tạo ra [như vậy] là vì từ khi sinh ra làm người trở đi chính là đã liên tục sản sinh các loại các dạng quan niệm đối với nhận thức xã hội nhân loại, từ đó sản sinh những chấp trước.” (Càng về cuối càng tinh tấn, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)
Tôi bắt đầu hướng nội để tìm hiểu xem những chấp trước của tôi là gì. Tôi bắt đầu tìm từ trước khi tu luyện: Từ nhỏ tôi luôn được coi là một đứa trẻ ưu tú, điều này khiến tôi sinh ra tâm hoan hỷ, tâm mong muốn được ngưỡng mộ, tâm tự cho mình giỏi hơn người khác, tự cho mình là đúng, tâm hiển thị… tâm nào cũng có. Tôi không biết mình lại có nhiều tâm chấp trước đến vậy, chắc chắn vẫn còn nữa, tôi tiếp tục tìm bản thân
Đột nhiên tôi phát hiện ra, những tâm này tập trung lại với nhau mà hình thành nên cái tâm tự hào rất cứng đầu, nó khiến toàn thân tôi tràn đầy kiêu ngạo. Cuối cùng, tôi đã tìm căn nguyên của những chấp trước của tôi, chính là tâm kiêu ngạo.
Từ trước tới giờ tôi luôn cảm thấy tại sao tôi vẫn không tu xuất được tâm từ bi? Thì ra nó đã bị cái tâm kiêu ngạo tích lũy trong đời của tôi ức chế. Khi tôi tìm ra gốc rễ của những chấp trước của mình, tâm tôi ngay lập tức cảm thấy nhẹ nhàng, một cảm giác mà tôi chưa bao giờ cảm thấy trước đây. Lúc này, tôi nhận ra rằng muốn thay đổi người khác thì trước hết mình phải thay đổi chính mình, chỉ khi tu tốt bản thân, mọi thứ mới trở nên tốt. Hiện tại, tôi nhận ra rằng, rốt cuộc tôi đã học được cách hướng nội tìm, rốt cuộc tôi đã biết cách sử dụng pháp bảo này rồi.
Con xin khấu tạ Sư phụ từ bi cứu độ và ban cho các đệ tử pháp bảo hướng nội tìm. Ngài đã bảo vệ đệ tử trên suốt con đường tu luyện, không ngừng điểm hoá, vì đệ tử mà gánh chịu tất cả và cho đệ tử có cơ hội được tái sinh. Trong quá trình 21 năm tu luyện, đệ tử mới có thể phá trừ cái mê, và vượt qua hết khảo nghiệm này đến khảo nghiệm khác
Trên đây là tâm đắc thể hội tu luyện của tôi, do tầng thứ có hạn, có điểm nào không phù hợp, mong các đồng tu từ bi chỉ chính.
Con xin cảm tạ Sư phụ!
Cảm ơn các bạn đồng tu!
(Bài chia sẻ trình bày tại Hội chia sẻ tâm đắc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp tại Đài Loan năm 2021)
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2021/12/25/435261.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/31/197511.html
Đăng ngày 27-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.