Bài viết của Kỷ Trân Nghiên, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 16-01-2022] Vào tối ngày 14 tháng 1 năm 2022, một ngọn núi lửa dưới biển ngoài khơi Tonga đã phun trào, gây ra cảnh báo sóng thần ở một số hòn đảo Nam Thái Bình Dương, trong đó có quần đảo Nhật Bản.

Một trong những vụ phun trào núi lửa lớn nhất ở Tonga trong nhiều thập kỷ

Một ngọn núi lửa dưới biển gần biển ngoài khơi vương quốc Tonga ở Nam Thái Bình Dương đã phun trào hai lần, gây ra sóng thần vào khoảng 5 giờ chiều ngày 14 và 15 tháng 1 năm 2022. Thủ đô của quốc gia này, Nuku’alofa, và các thành phố khác đã bị bao phủ bởi tro núi lửa. Toàn quốc bị mất điện, liên lạc qua điện thoại và các dịch vụ trong nước cũng bị cắt.

Vụ phun trào lớn của núi lửa này được gọi là Hunga Tonga-Hunga Haapai, nằm cách Nuku’alofa khoảng 65 km về phía Bắc.

aa19fb8a06ceb62e28688ca5577e3324.jpg

Núi lửa phun trào ở Tonga (Nguồn: Internet)

Đài phát thanh New Zealand (RNZ) đưa tin, núi lửa phun trào lần đầu tiên vào thứ Sáu (14 tháng 1), và lần phun trào thứ hai vào hôm thứ Bảy, lúc 5 giờ 26 phút chiều giờ địa phương.

Lần phun trào thứ hai kéo dài ít nhất 8 phút và người ta nghe thấy một tiếng động lớn như sấm ở Fiji, cách đó 800 km.

Ngày 15 tháng 1, các đợt sóng đã vượt qua đường bờ biển của Nuku’alofa và tràn đến các con đường ven biển, làm ngập lụt các ngôi nhà. Vua Tupou VI của Tonga đã phải sơ tán khỏi cung điện và dân chúng phải chạy đến các khu đất cao hơn.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy có một đám mây tro bụi khổng lồ và sóng xung kích lan truyền cùng với vụ phun trào. Cơ quan Địa chất Tonga cho biết khí, khói và tro bụi từ ngọn núi lửa phun xa cách đó tới 20 km (12,4 dặm).

Một trận sóng thần cao 0,8 mét đã được quan sát tại địa phương. Sau đó, cảnh báo sóng thần đã được ban hành cho Fiji và Samoa, hai nước láng giềng của Tonga. Cảnh báo sóng thần cũng đã được ban hành cho bờ biển phía Tây của Hoa Kỳ và Bang Hawaii, British Columbia, Canada và Đảo Bắc của New Zealand.

Tại thời điểm viết bài, Cục Khí tượng Úc đã duy trì cảnh báo về mối đe dọa trên biển cho các vùng của Queensland, New South Wales, Victoria và Tas.

Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Quốc gia của New Zealand, cách Tonga 2.300 km, đã phát hiện thấy những đợt biển động bất thường, mạnh mẽ và không thể đoán trước được ở ngoài khơi bờ biển phía Bắc và phía Đông của Đảo Bắc của đất nước này.

Chuyên gia về núi lửa tại Đại học Auckland ở New Zealand, Shane Cronin, nói với BBC rằng ông tin vụ phun trào này là lớn nhất ở Tonga trong ba thập kỷ qua. “Điều đáng chú ý nhất là cường độ dữ dội và tốc độ lan truyền nhanh chóng của nó.” Ông nhận xét: “Đó là một trong những vụ phun trào tồi tệ nhất ở Tonga trong thập kỷ qua.

Nhật Bản đưa ra cảnh báo sóng thần

Lúc 11 giờ 55 phút tối giờ địa phương vào thứ Bảy, ngày 15 tháng 1, một cơn sóng thần cao 1,2 mét đã xảy ra tại Kagoshima, Nhật Bản, và một con sóng cao 3 mét đã xuất hiện dọc theo bờ biển khu vực này. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo sóng thần đối với một số khu vực ven biển vào sáng sớm 16 tháng 1.

Đây là cảnh báo sóng thần đầu tiên của Nhật Bản kể từ tháng 11 năm 2016. Một trận sóng thần 1,1 mét đã được quan sát thấy tại cảng Kuji, tỉnh Iwate lúc 2 giờ 26 phút sáng ngày 16 tháng 1 và mực nước triều vẫn đang tăng. Sau đó, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã ban hành cảnh báo sóng thần cho tỉnh Iwate trước 3 giờ sáng.

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cũng cảnh báo về những đợt sóng thần khác và kêu gọi cư dân địa phương ở lại các khu vực an toàn cho đến khi cảnh báo được dỡ bỏ. Tính đến 4 giờ sáng ngày 16 tháng 1, không nhận được báo cáo chính thức nào về tình trạng thương vong.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/16/436893.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/1/17/198183.html

Đăng ngày 19-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share