Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 22-12-2021] Một năm sau khi ông Vương Bằng Nghĩa, 72 tuổi, ở thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh mất tích, gia đình ông mới biết rằng ông đã bị bí mật kết án năm năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Gia đình đã mất liên lạc với ông Vương kể từ ngày 23 tháng 6 năm 2020. Mãi đến gần đây họ mới biết rằng ông đã bị Toà án thành phố Phủ Thuận kết án và bị đưa tới Nhà tù Khang Gia Sơn.

Ông Vương là một quân nhân chuyển nghiệp, trước khi nghỉ hưu ông từng làm việc tại một cơ quan dưới quyền quản lý của Cục Lương thực Phủ Thuận. Trước bản án gần đây nhất ông đã từng bị bắt giữ vài lần và đã từng bị lãnh án một năm lao động cưỡng bức và thụ án bốn năm tù. Lương hưu của ông cũng đã bị đình chỉ.

Ông Vương bị bắt lần đầu vào giữa tháng 2 năm 2002 vì viết dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp là chính Pháp” ở trên đường phố. Ông bị giam hai tuần ở trong Trại tạm giữ thành phố Phủ Thuận. Ông bị bắt một lần nữa sau khi bị tố cáo vì dán các tấm áp phích có thông tin Pháp Luân Công vào cuối tháng 3. Ông đã tuyệt thực bảy ngày tại Trại tạm giữ thành phố Phủ Thuận và bị đưa tới bệnh viện để bức thực. Mười ba ngày sau, cảnh sát đã đưa ông tới Trại Lao động Cưỡng bức Vu Gia Bảo để thụ án một năm lao động cưỡng bức.

Vào mùa xuân năm 2008, ông Vương bị bắt lần nữa sau khi bị tố giác vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Sau 12 ngày bị nhốt trong Trại tạm giữ thành phố Phủ Thuận, ông đã bị kết án 1,5 năm lao động cưỡng bức, nhưng Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia đã từ chối tiếp nhận ông vì huyết áp cao.

Lần bắt giữ tiếp theo của ông xảy ra vào ngày 2 tháng 9 năm 2015, sau khi bị tố cáo vì dán áp phích có thông tin về làn sóng kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo chính quyền cộng sản, kẻ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Ông Vương đã bị Toà án quận Đông Châu kết án bốn năm tù với tội danh “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật,” một cái cớ được chính quyền quy chuẩn hòng khép tội các học viên Pháp Luân Công. Sau đó ông bị đưa tới Nhà tù Đông Lăng vào tháng 4 năm 2016.

Ngày 16 tháng 5 năm 2016, ông Vương bị đưa tới phòng tra tấn. Lúc đấy bốn lính canh và một tù nhân đang tra tấn vài học viên ở đó. Ông cố gắng thuyết phục họ không tham gia bức hại các học viên, nhưng họ từ chối lắng nghe, lăng mạ và cấm ngủ ông. Lính canh Tôn Bằng đã dùng giày để đánh vào mặt và đầu ông Vương suốt cả buổi chiều. Lần tra tấn này đã khiến mặt ông bị biến dạng và đầu ông sưng vù, đầu óc mơ màng và mờ mắt.

Sau khi ông Vương được trả tự do vào ngày 1 tháng 9 năm 2019, ông đã tới ngân hàng để lấy lương. Một giao dịch viên nói với ông rằng lương hưu của ông đã bị đình chỉ và ông được yêu cầu trả lại 11 tháng lương đã lĩnh trong khi ông ngồi tù một năm đầu (khoảng thời gian trước khi việc lương hưu của ông bị đình chỉ).

Ông Vương tới cục bảo hiểm xã hội để hỏi về vấn đề trên. Một nhân viên nói rằng theo chính sách mới, người nghỉ hưu không được nhận lương trong thời gian thụ án tù. Ông Vương phân trần rằng lương hưu của ông có được nhờ 30 năm làm việc chăm chỉ của ông, chứ không phải do chính phủ ban ơn. Thêm vào đó, nơi làm việc của ông đã phá sản, ông phải tự trả tiền bảo hiểm cho mình và cục bảo hiễm xã hội chỉ quản lý khoản tiền đó chứ không phải là người sở hữu nó. Ông nói thêm rằng bản án đó không phải là vì ông phạm pháp mà bị bỏ tù, mà là do sự bức hại đức tin của ông, và việc kết án hay đình chỉ lương hưu của ông là phi pháp.

Ông Vương đã viết vài lá thư gửi cho lãnh đạo của cục bảo hiểm xã hội, hối thúc họ phục hồi lương hưu cho ông, nhưng vô ích.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/22/435159.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/29/197205.html

Đăng ngày 15-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share