Những hình ảnh được bí mật gửi ra ngoài Trung Quốc cho thấy các nạn nhân gầy hốc hác, bầm tím, hoặc bị nhập viện

Ngày 30 tháng 5 năm 2011

[MINH HUỆ 03 – 06 – 2011] New York– Theo các báo cáo nhận được bởi Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp và được công bố hôm thứ Năm, hơn hai mươi học viên Pháp Luân Công đã chết vì bị ngược đãi trong tù từ ngày 1 tháng 1 năm 2011. Theo một báo cáo đặc biệt đối với chiến dịch chống Pháp Luân Công, một vài nạn nhân đã chết sau khi bị giữ tại “các trung tâm tẩy não” tạm thời nơi mà đòn tra tấn và việc tiêm  những loại thuốc lạ được viện đến để ép người ta từ bỏ tập luyện Pháp Luân Công.

Dựa trên các báo cáo từ những người ở Trung Quốc đại lục, Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp đã ghi nhận chứng cứ về ca tử vong của 26 học viên Pháp Luân Công do bị ngược đãi kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2011 (danh sách). Bảy trường hợp gồm cả ảnh được bí mật đưa ra ngoài Trung Quốc cho thấy dấu hiệu của sự đánh đập, làm kiệt sức, hoặc bị đưa vào bệnh viện (Thư viện ảnh). Do khó khăn trong việc thu thập thông tin từ Trung Quốc, số ca tử vong trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

Chu Vĩnh Khang, người được nêu tên trong nhiều báo cáo mới đây vì vai trò chỉ đạo trong một cuộc đàn áp mới đây khiến nghệ sỹ nổi tiếng Ngải Vị Vị và rất nhiều luật sư nhân quyền “biến mất”, đã tham gia đàn áp các học viên Pháp Luân Công sâu rộng trong hơn 1 thập kỷ qua. Chu coi Pháp Luân Công là mục tiêu cụ thể cho một cuộc đàn áp trước Olympic mà trong đó hàng nghìn học viên đã bị giam giữ. Sáu người nằm trong danh sách đã bị giết hại đầu năm 2011.

“Những ca tử vong được báo cáo từ tháng Một là một con số rất nhỏ của chiến dịch chống Pháp Luân Công, cũng như việc coi thường mạng sống của đảng cộng sản”, Giám đốc điều hành Trung tâm Thông Tin Pháp Luân Đại Pháp Levi Browde nói. “Chu Vĩnh Khang và những kẻ sát nhân của đảng khác, hơn một thập kỷ qua, đã mài dũa các phương pháp giám sát, đe dọa, và tra tấn các học viên Pháp Luân Công, và hiện nay chúng ta thấy những thủ đoạn này đang được áp dụng với một bộ phận người dân Trung Quốc còn rộng lớn hơn.

“Những ca tử vong Pháp Luân Công này nên được xem là một hồi chuông cảnh báo đối với cộng đồng quốc tế về việc những nhà lãnh đạo đảng sẽ đi xa như thế nào khi loại bỏ những thành viên có suy nghĩ độc lập của xã hội Trung Quốc”.

26 nạn nhân đến từ tất cả các lứa tuổi, các tầng lớp xã hội, và các vùng miền. Người trẻ nhất là một phụ nữ 32 tuổi ở tỉnh Hồ Bắc, và người lớn tuổi nhất là một công nhân đường sắt đã về hưu 71 tuổi ở tỉnh Hồ Nam. Một nửa số người bị chết (13 người) bị bắt cóc từ nhà hoặc nơi làm việc của họ đơn giản vì họ bị nhà cầm quyền biết là đang tập Pháp Luân Công. Ít nhất sáu người bị giam giữ trong lúc đang thực hành quyền tự do biểu đạt của họ, như là in ấn và phân phát tờ rơi để thông báo cho những người đồng hương Trung Quốc biết về những việc lạm dụng nhân quyền. Nhiều nạn nhân bị giam giữ hoặc bị bỏ tù trước khi có sự việc bắt cóc gần đây nhất, thể hiện rõ nỗ lực dai dẳng của chính quyền Trung Quốc nhằm tìm kiếm những học viên Pháp Luân Công đã được biết từ trước.

Số đông nạn nhân chết do bị tra tấn thể chất và tinh thần. Một vài nạn nhân bị giết trong vòng vài tuần giam giữ. Trong các vụ khác, nạn nhân bị kết án tù nhiều năm và sau nhiều năm bị tra tấn và tước đoạt, chết trong tù hoặc được trả về nhà khi đang hấp hối, sau đó chẳng bao lâu thì qua đời.

Một nửa số người tử vong (13 người) bị giữ ở các trại tù, một dấu hiệu của mức độ ngược đãi mà các học viên Pháp Luân Công phải chịu đựng tại những nơi như vậy, bên cạnh việc bị cải tạo thông qua các trại lao động. Có lẽ những ví dụ bi thảm nhất là việc ba tù nhân lương tâm Pháp Luân Công bị giam tại nhà tù Giai Mộc Tư ở tỉnh Hắc Long Giang đã chết trong vòng hai tuần sau khi bị đưa tới một khu đặc biệt với nỗ lực tăng cường “chuyển hóa” (Tin tức/thư viện ảnh).

Một vài ca tử vong rõ ràng có liên quan đến chiến dịch “ chuyển hóa” ba năm tăng cường do các lãnh đạo đảng cộng sản khởi xướng hồi giữa năm 2010 (thông tin). Ngoài ba nạn nhân đã nói ở trên, bốn nạn nhân khác đã chết sau khi bị bắt cóc vào cuối năm 2010 và bị đưa đến trung tâm giam giữ tạm thời trong các khách sạn, công ty, hay trường học được dành riêng để giam giữ các học viên và dùng bất kỳ phương thức cần thiết nào để “chuyển hóa” họ. Họ chỉ được thả ra khi sắp chết, hai người đã nói cho gia đình biết rằng họ bị cưỡng chế dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc gây đau đầu, choáng váng, và mất trí.

Các trường hợp và thông tin chi tiết nêu trong danh sách được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm lời khai của họ hàng hay bạn bè của người đã chết và chứng cớ bằng hình ảnh cho thấy dấu hiệu của việc tra tấn.

Tổng hợp lại, kể từ năm 1999 Trung tâm đã ghi nhận có 3.434 học viên Pháp Luân Công bị chết do nhiều hình thức bức hại. Với những nỗ lực đáng kể nhằm gây trở ngại cho việc điều tra những ca tử vong bất thường của các học viên Pháp Luân Công và các báo cáo về việc mổ cắp nội tạng đáng ghê tởm từ một số lượng không rõ các tù nhân Pháp Luân Công, những ca tử vong trên thực tế trong năm 2011 và toàn bộ được cho là cao hơn nhiều so với những gì mà Trung tâm có thể cung cấp.

Từ năm 1999, đảng cộng sản Trung Quốc tiến hành một chiến dịch bức hại tàn bạo và rộng khắp nhằm nhổ rễ Pháp Luân Công, một môn tập luyện khí công tinh thần truyền thống của Trung Quốc, những thành viên của nó ở Trung Quốc có hàng chục triệu. Hàng trăm nghìn người Trung Quốc tập Pháp Luân Công vẫn bị giam cầm, đưa họ vào nhóm tù nhân lương tâm đông nhất ở Trung Quốc (bài viết).

Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Ân xá Quốc tế, các luật sư nhân quyền Trung Quốc, và các phương tiện truyền thông phương Tây đã ghi nhận chứng cứ về việc học viên Pháp Luân Công bị tra tấn và tử vong dưới bàn tay của các quan chức Trung Quốc (báo cáo). Trong báo cáo thường niên đưa ra hồi cuối tháng trước, Tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng các học viên Pháp Luân Công nào từ chối từ bỏ tín ngưỡng của họ “thường bị tra tấn cho đến khi họ chịu hợp tác; nhiều người đã chết tại trung tâm giam giữ hoặc ngay sau khi được thả” (báo cáo). Chiến dịch của đảng cộng sản và hành động của nó đang vi phạm luật pháp Trung Quốc và, trái với báo cáo chung, Pháp Luân Công không bị cấm giống như “tà giáo” (ghi chú: “tà giáo” – một cách chụp mũ mà ĐCSTQ đã làm trong chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công).

Một số trường hợp điển hình

Các trường hợp sau minh họa cho các trường hợp điển hình xung quanh những cái chết gần đây của các học viên Pháp Luân Công. Danh sách đầy đủ có tại đây.

Ông Chen Shiming ở Meishan tỉnh Tứ Xuyên: Ngày 20 tháng 7, ông Chen bị bắt cóc từ nhà của ông. Đây là lần thứ năm ông bị giam giữ vì tập Pháp Luân Công, gồm có hai lần trước đó ông bị giam ở các trại lao động cưỡng bức. Ông bị đấm đá khi cảnh sát kéo ông vào một chiếc xe. Ông bị đưa đến một trung tâm tẩy não tạm thời ở phòng viễn thông 505 Meishan. Tại trung tâm đó, ông bị tiêm những loại thuốc không tên và có nghi vấn rằng thức ăn và nước uống của ông cũng bị pha những chất như vậy. Ông được thả khi ông bắt đầu bị tăng huyết áp. Khi đó, ông có biểu hiện mất trí và tổn thương những khả năng nhận thức khác. Ông không thể ngừng bắt tay và trở nên vô cùng ốm yếu. Ông không bao giờ bình phục được và đã qua đời trong vòng chưa đến sáu tháng.

Bà Dai Lijuan, 48 tuổi, ở Wuxi tỉnh Giang Tô: Ngày 20 tháng 6 năm 2003,  mật vụ từ sở cảnh sát Baitang đã bắt cóc bà Dai. Bà bị đưa đến Phòng Công an và bị đánh đập tàn bạo trong ba ngày, cho đến khi nguy kịch. Bị đánh đập và tiêm thuốc đã làm cho bà Dai bị liệt, đại tiểu tiện không cầm được, và bị teo cơ. Bà gặp khó khăn khi nói và cử động ngón tay. Người mẹ già của bà chăm sóc cho bà, nhưng bà không bao giờ bình phục và tám năm sau vào tháng 3 năm 2011 bà qua đời. Những hình ảnh về sự gầy mòn của bà và cảnh bà phải đóng tã được bí mật gửi ra ngoài Trung Quốc (ảnh).

Bà Zheng Baohua, 32 tuổi, ở Renqiu tỉnh Hà Bắc: Từ năm 2000 đến 2009, bà Zheng bị giữ bốn lần vì tập Pháp Luân Công, và bà bị giam 7 năm. Lần bắt giữ gần đây nhất của bà là vào tháng 7 năm 2008, khi bà đang nói cho mọi người biết về Pháp Luân Công và cuộc bức hại. Bà bị đẩy vào một trung tâm tẩy não và sau đó là trại giáo dục cải tạo Tangshan Kaiping, nơi mà bà bị đánh đập, sốc điện, và bức thực tàn bạo. Tháng 5 năm 2009, bà bị bệnh lao phổi. Tháng 11 năm 2009, bà được thả, khi bệnh lao phổi ở giai đoạn cuối. Bà không bao giờ bình phục và qua đời vào tháng 4 năm 2011.


ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN, VUI LÒNG LIÊN HỆ VỚI TRUNG TÂM THÔNG TIN PHÁP LUÂN ĐẠI PHÁP
Liên hệ: Gail Rachlin (+1 917-757-9780), Levi Browde (+1 845-418-4870), Erping Zhang (+1 646-533-6147), or Joel Chipkar (+1 416-731-6000)
Fax: 646-792-3916 Email: contact@faluninfo.net, Website: https://www.faluninfo.net/


Nguồn: https://faluninfo.net/print/1138/
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2011/6/3/125796.html
Đăng ngày: 6 – 7 – 2011; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share