Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Úc

[MINH HUỆ 10-10-2021] Gần đây, khi học Pháp, tôi chú tâm đến đoạn giảng Pháp này trong phần “Khai Quang” của cuốn Chuyển Pháp Luân:

“Thực ra không phải là họ dựa vào chịu khổ mà tu xuất lai; vì sao tu xuất lai? Giống hệt như con người: vào thời trẻ tâm chấp trước rất nhiều; cho đến lúc già, thì thuận theo năm tháng trôi qua, tiền đồ vô vọng, thì những cái tâm kia đã tự nhiên dứt bỏ đi, rơi rụng đi; những loại tiểu đạo ấy cũng dùng phương pháp như vậy.” (Bài giảng thứ năm, Chuyển Pháp Luân)

Đặc biệt, các chữ “rơi rụng đi” đã khiến tôi chú ý. Tôi nghĩ về tu luyện của bản thân: Những chấp trước người thường của tôi đã bị loại bỏ thông qua tu luyện chưa hay chúng chỉ là “rơi rụng đi?”

Câu trả lời của tôi là: Chúng chỉ “rơi rụng đi.” Vậy có đúng là tôi đã đi sai đường hoặc đi theo hình thức tiểu đạo thay vì đi theo chính lộ trong tu luyện không?

Tôi cảm nhận sâu sắc rằng tu luyện là vô cùng nghiêm túc! Tôi có thể học Pháp, luyện công và hàng ngày vẫn đang tham gia vào một số hạng mục Đại Pháp, nhưng như thế có đúng là tôi đang thực sự tu luyện không?

Sư phụ đã giảng cho chúng ta:

“chư vị phải chân chính thực tu cái tâm này thì mới được.” (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân)

Đôi khi, không dễ để nói một người có đang chân chính tu luyện hay không, trừ khi người đó cẩn thận xem xét bản thân mình.

Chịu đựng cuộc sống gia đình khó khăn

Tôi đã trải qua nhiều đau khổ và khó khăn trong cuộc sống gia đình. Tôi đã chịu đựng. Nhưng nguyên nhân tôi chịu đựng đó là để giảm mâu thuẫn chứ không đề cao tâm tính. Tôi chịu đựng như vậy với hy vọng rằng mình sẽ có một cuộc sống suôn sẻ và tốt đẹp hơn. Những phàn nàn bề mặt của tôi đối với các thành viên gia đình đã dần dần biến mất. Nhưng tại vấn đề này, tôi đã không thực sự tu chính mình. Tôi không nhận ra rằng mình đã vô tình đi theo tu luyện tiểu đạo!

Vào buổi tối trước khi viết bài chia sẻ này, tôi học được đoạn giảng Pháp này của Sư phụ:

“Nhưng học viên Trung Quốc có một việc làm chưa tốt, thì khi người khác chỉ ra họ lập tức nói: Bạn không biết đó thôi, lúc đó là tình huống này, là như thế này thế kia.” (Giảng Pháp tại Pháp hội thành phố Los Angeles [2006])

Đó là cách tôi đã hành xử. Tôi cảm thấy xấu hổ. Tại sao tôi không nhận ra điều này sớm hơn? Trong những mâu thuẫn gia đình trước đây, vấn đề xấu đi bởi tôi đã từ chối thừa nhận những lỗi sai của mình. Tôi có ngộ tính kém như vậy!

Mỗi lần một mâu thuẫn phát sinh giữa tôi và chồng, cũng là học viên, anh ấy đã chỉ ra tôi đang bảo vệ bản thân, trong khi tôi cảm thấy rằng mình bị oan ức. Tôi nghĩ anh ấy đang thể hiện sự kiêu hãnh đàn ông của mình. Anh ấy nổi cơn tam bành, không để tôi giải thích mọi chuyện, trong khi đó tôi nhất quyết muốn làm rõ ai đúng ai sai.

Quên rằng bản thân là một người tu luyện

Ngay cả những lúc tôi hành xử tốt hơn, tôi cũng không giống một người tu luyện chân chính. Tôi sẽ tự nhủ: “Được rồi, em sẽ không tranh cãi với anh nữa. Em không đôi co với anh nữa!”

Tôi luôn tìm cớ để bảo vệ chấp trước này của mình và không để ai động đến. Tôi chưa bao giờ tu bỏ nó đi!

Sư phụ giảng:

“Làm người có thể nào không sai? [Người] tu luyện là con người có thể nào không sai? Nhưng vẫn không thấy chư vị thừa nhận sai lầm? (mọi người cười) Chư vị chẳng phải đang tránh né việc này sao?” (Giảng Pháp tại Pháp hội thành phố Los Angeles [2006])

Đột nhiên tôi thấy hổ thẹn với chồng mình. Trong 20 năm qua, anh ấy đã thường xuyên phải chịu đựng những hành xử không đúng của tôi như thế nào? Mỗi lần chúng tôi có mâu thuẫn, anh chỉ ra thiếu sót của tôi và nhiều lần anh ấy đã trích dẫn Pháp của Sư phụ để tôi nhận ra. Nhưng tôi nghĩ chồng mình lòng dạ hẹp hòi. Tôi đã không ngộ được rằng Sư phụ đã dùng miệng của anh ấy để giúp tôi hiểu và nhận ra thiếu sót của mình!

Tôi vô cùng xấu hổ. Nhiều năm như vậy, tôi luôn nghĩ mình tu khá tốt. Thậm chí nếu tôi không làm tốt, tôi nghĩ đó là những lỗi nhỏ và nên lờ đi, so sánh với những thiếu sót của chồng mình thì không đáng kể. Tôi nghĩ anh ấy chỉ đang tìm lỗi của tôi.

Tôi nhớ có một lần, chồng tôi chỉ trích tôi: “Một đứa trẻ cũng hiểu chuyện. Làm sao mà em không hiểu chứ?”

Tôi trở nên giận dữ. Tôi nghĩ anh ấy ngoa ngoắt! Sau đó, tôi không đồng tình với bất kỳ điều gì anh ấy nói nữa.

Tôi đáp trả gay gắt sau khi anh ấy có một bài dài chỉ ra những thiếu sót của tôi: “Vâng, em không hiểu!” Tôi gần như khiến anh ấy phát điên. Anh ấy cũng không hiểu tại sao tôi vô lý như thế. Trong khi đó, tôi đã phát điên với “những lời la lối” không ngừng của anh ấy.

Bây giờ, trong nhận thức muộn màng, tôi nhận ra rằng tôi tiếp tục bảo vệ bản thân là bởi tôi đã cố gắng che giấu những chấp trước của mình. Những chấp trước đó sợ bị phơi bày và loại bỏ. Tôi bám chặt lấy những chấp trước, mà quên rằng mình là một người tu luyện.

Bởi vì tôi khăng khăng với quan điểm của mình và không bao giờ thừa nhận rằng bất cứ chuyện gì đều có thể là lỗi của mình, tôi đã trải qua mâu thuẫn gia đình hết lần này đến lần khác. Trong một thời gian, tôi cảm thấy lạc lối.

Nhưng Sư phụ đã không bỏ rơi tôi. Sư phụ muốn tôi học Pháp nhiều và nhận ra sai lầm của mình. Khi tôi không thể thực sự vượt qua được, Sư phụ đã an bài một đồng tu cùng tôi ghi nhớ và đọc thuộc Pháp, đồng thời cùng nhau chia sẻ những vấn đề trong tu luyện. Vài lần khi tôi vấp ngã, đồng tu đã khích lệ và thúc giục tôi tiếp tục. Thông qua học thuộc Pháp, dần dần tôi biết cách thực tu chính mình.

Sư phụ đã giảng cho chúng ta:

“Vì Sư phụ giảng rồi, trong cuộc sống chư vị đụng phải bất kỳ việc gì, chỉ cần chư vị đã bước vào tập thể người tu luyện này, thì [việc ấy] đều không ngẫu nhiên; đều là để chư vị đề cao. Nhưng chúng ta bao nhiêu người đẩy ra ngoài; không chỉ đẩy ra ngoài, mà còn biến thành vô cùng giảo hoạt.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019)

Tôi đọc đi đọc lại đoạn giảng Pháp trên và cuối cùng nhận ra vấn đề của mình. Tôi chưa bao giờ cảm thấy nhẹ nhõm như vậy. Tôi đã ghi nhớ đoạn Pháp này. Tôi tự nói với mình: “Lần sau khi gặp một cơ hội đề cao, mình sẽ không đẩy ra, vì giờ mình đã biết đó là an bài của Sư phụ!”

Ngày hôm sau, tôi xin lỗi chồng. Khi đó anh ấy đang bực bội về một mâu thuẫn trước đó giữa chúng tôi. Tôi nói với anh rằng tôi nhận ra nguyên nhân của những mâu thuẫn là do tôi. Đó là lỗi của tôi. Tôi nghĩ anh ấy sẽ thấy vui hoặc ít nhất cảm thấy tốt hơn, vì anh ấy đã đợi lời xin lỗi của tôi hơn 20 năm rồi!

Nhưng tâm trạng của anh ấy không cải thiện chút nào. Đầu tiên anh ấy nói mình không tha thứ được. Sau đó anh ấy chỉ trích tôi, nói rằng tôi luôn cố gắng chứng thực bản thân. Anh ấy nói sẽ oán giận tôi.

Tìm thấy rất nhiều vấn đề

Tôi đã thất vọng. Tôi không đạt được kết quả mà bản thân mong đợi. Tôi tự hỏi: “Những chấp trước nào của mình đã dẫn đến tình trạng này?” Tôi tìm thấy một số vấn đề sau:

1. Tôi yêu cầu người khác đáp ứng kỳ vọng của tôi. Lần này, tôi thấy mình đã hiểu ra điều gì đó, vì vậy tôi kỳ vọng chồng mình sẽ có nhận thức giống tôi.

2. Tôi thích áp quan điểm của mình lên người khác. Khi tôi thấy chồng ở trạng thái không tốt, tôi cố gắng hướng dẫn anh ấy những gì cần làm và mong chờ anh ấy làm theo những hướng dẫn của tôi ngay lập tức.

3. Tôi không nghĩ cho người khác. Tôi không đặt bản thân vào vị trí của chồng và lắng nghe xem anh ấy nghĩ gì.

4. Tôi có tâm hiển thị. Khi tìm thấy chấp trước của mình, tôi tự hào về bản thân: “Xem này, mình đã giác ngộ đến một tầng cao hơn; mình đang làm quá tốt!” Tôi đã không nghĩ về việc chấp trước bản thân đã gây ra bao nhiêu tổn thất. Làm sao tôi có thể tự hào?

5. Tôi háo hức chứng thực bản thân. Vợ chồng tôi cùng nhau kinh doanh buôn bán. Nói chung, tôi đã mắc sai lầm nhiều hơn anh ấy. Bất cứ khi nào anh ấy hỏi tôi, tôi không bao giờ thừa nhận mình làm gì sai. Chuyện này đã làm tổn thương anh ấy rất nhiều. Mặt khác, khi anh ấy mắc lỗi, tôi thường không nói gì cả. Nhưng, đó không phải là vì tôi khoan dung, mà là vì tôi biết anh ấy làm ăn giỏi hơn tôi và tôi muốn duy trì hòa khí trong gia đình – nó xuất phát từ nhận thức của người thường.

Tôi thường gay gắt: “Em khoan dung và bỏ qua những thiếu sót của anh, vậy tại sao anh không thể khoan dung khi em mắc lỗi?” Tôi muốn anh ấy nghĩ tôi có khả năng. Kết quả là, mâu thuẫn mới xuất hiện trước khi mâu thuẫn cũ được giải quyết. Tôi khó chịu và mắc nhiều lỗi. Cuối cùng, miễn là tôi không mắc lỗi thì tôi thấy nhẹ nhõm. Chồng tôi thường chỉ ra rằng, tôi muốn chứng thực bản thân quá nhiều.

6. Tôi có tâm tranh đấu mạnh mẽ. Trong mâu thuẫn với chồng, mâu thuẫn trở nên xấu đi bởi tôi không chịu thừa nhận lỗi sai ở mình. Sau đó tôi nghĩ: “Được, khi anh làm tổn thương em, em sẽ không thừa nhận bất cứ điều gì anh làm, dù anh có làm tốt như thế nào đi nữa!”

Cải biến hoàn cảnh gia đình

Tìm được những chấp trước, tôi cố gắng quy chính bản thân. Hoàn cảnh gia đình trở nên tốt hơn. Chồng con tôi cũng thay đổi thái độ tốt hơn. Bây giờ, cả gia đình chúng tôi cùng nhau học Pháp và luyện công mỗi tối. Gia đình tôi bây giờ tràn ngập không khí tường hòa.

Đúng là như Sư phụ đã giảng:

“Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh” (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân)

[Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org]


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/10/10/432346.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/11/7/196495.html

Đăng ngày 08-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share