Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc
[MINH HUỆ 24-11-2021] Một công tố viên ở thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam đã nhiều lần nói với luật sư của một học viên Pháp Luân Công rằng không có hồ sơ của học viên Pháp Luân Công nào khi ông ấy muốn xem hồ sơ vụ án.
Khi đến thăm ông Lý Bân ở trại tạm giam Thành phố An Dương, ông ấy đã rất ngạc nhiên khi biết ông Lý đã bị tòa án xét xử. Giới chức trách đã truy tố và xét xử ông Lý mà không hề thông báo cho luật sư của ông. Luật sư được thẩm phán chỉ định đã đại diện cho ông Lý đã nhận tội.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại kể từ năm 1999 đến nay.
Bị cảnh sát nơi khác bắt giữ
Ngày 28 tháng 4 năm 2021, Thôi Diễm Hồng, thuộc Đồn Công an Hà Đông, thành phố Bạc Đầu, cùng với bốn cảnh sát của Đồn Văn Phong, thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam (cách nhau hơn 400 km) đã bắt giữ ông Lý, một cư dân 50 tuổi ở thành phố Bạc Đầu, tỉnh Hà Bắc.
Ngay khi bước vào nhà ông Lý, cảnh sát Hà Nam hỏi số điện thoại và hỏi liệu ông còn tập Pháp Luân Công hay không. Sau khi ông Lý trả lời thì cảnh sát bắt đầu lục soát căn nhà mà không xuất trình bất kỳ giấy tờ tuỳ thân và lệnh khám xét nào.
Họ đã tịch thu chiếc máy tính xách tay mà ông Lý dùng để dạy cháu gái học tiếng Trung sau khi phát hiện trong đó có những bộ phim hoạt hình do các học viên Pháp Luân Công sản xuất. Các sách Pháp Luân Đại Pháp và ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công cũng bị cảnh sát lấy đi trong cuộc đổ bộ này.
Vào buổi chiều cùng ngày, cảnh sát Hà Nam đã đưa ông Lý đến trại tạm giam Thành phố An Dương.
Đến đầu tháng 5, vợ ông Lý vào trại tạm giam thăm ông nhưng lính canh không cho gặp và không cho bà gửi tiền để ông mua đồ thiết yếu. Sau đó, một cảnh sát An Dương đã cho bà biết rằng ông Lý bị bắt vì đã đăng thông tin liên quan đến Pháp Luân Công trên WeChat (một nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất ở Trung Quốc).
Ngoài ông Lý, cảnh sát Hà Nam còn bắt các học viên ở Hà Bắc, Trùng Khánh và Sơn Đông vì chia sẻ thông tin về Pháp Luân Công lên WeChat.
Luật sư đại diện pháp lý bị ngăn cản
Ngày 5 tháng 6 năm 2021, vợ ông Lý được Đồn Cảnh sát Huyện Văn Phong thông báo rằng Viện kiểm sát đã phê chuẩn việc bắt giữ chồng bà. Ông ấy bị cáo buộc tội “phá hoại việc thực thi pháp luật”. Hai mươi miếng dán chúc mừng năm mới bị tịch thu từ nhà của ông cũng được tính thành bằng chứng truy tố bởi vì trên đó có in các chữ “Chân-Thiện-Nhẫn”, tiêu chuẩn cốt lõi của Pháp Luân Công.
Trung tuần tháng 6, khi gia đình và luật sư của ông Lý đến An Dương thăm ông thì được cho biết rằng Cục An ninh Công cộng An Dương đang giám sát vụ án của ông và họ có thể chỉ đạo cho Viện kiểm sát kết tội ông sau ngày 1 tháng 7 – ngày kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ.
Cảnh sát cho biết thêm rằng ban đầu, họ bắt ông vì đã phơi bày tình trạng tham nhũng của chế độ cộng sản với cáo buộc “gây hấn và kích động”. Tuy nhiên, sau khi phát hiện hàng trăm tài liệu thông tin về Pháp Luân Công trong nhà ông, họ đã nâng cáo buộc lên thành “phá hoại thực thi pháp luật“ – một cái cớ quy chuẩn mà chính quyền cộng sản Trung Quốc dùng để khép tội các học viên Pháp Luân Công.
Ngày 30 tháng 8, cảnh sát thông báo cho luật sư của ông Lý rằng họ đã nộp hồ sơ lên Viện Kiểm sát Huyện Văn Phong. Khi luật sư gọi cho công tố viên thì được cho biết rằng họ không có hồ sơ của ông ấy.
Trong suốt một tháng sau đó, luật sư đã gọi cho công tố viên nhiều lần nữa nhưng đều nhận được cùng một câu trả lời. Vị công tố viên đó khăng khăng rằng họ không nhận được hồ sơ [của ông Lý] từ cảnh sát. Ông ấy còn nói rằng họ đã xử lý nhiều vụ án và có thể có sự chậm trễ khi tải lên hệ thống.
Ngày 15 và 19 tháng 10, luật sư gọi thêm hai cuộc điện thoại nữa và công tố viên vẫn nói rằng họ không có hồ sơ của ông Lý ở đó. Ngày 21 tháng 10, luật sư gọi cho cảnh sát và được xác nhận rằng họ thật sự đã nộp hồ sơ cho công tố viên vào ngày 30 tháng 8. Cảnh sát còn cho biết tên của công tố viên nhận hồ sơ đó.
Luật sư lại gọi cho vị công tố viên đó và ông ta vẫn khăng khăng rằng có thể do có quá nhiều hồ sơ nên họ chưa nhập hồ sơ của ông Lý lên hệ thống.
Ngày 3 tháng 11, luật sư gọi cho Viện kiểm sát một lần nữa. Lần này, công tố viên trả lời rằng họ đã nhận hồ sơ của ông Lý.
Ngay lập tức, luật sư đặt vé máy bay để đến xem hồ sơ nhưng chuyến bay bị huỷ do bão tuyết tràn qua Trung Quốc ba ngày sau đó. Ngày 9 tháng 11, ông lại gọi cho Viện kiểm sát để xác nhận cuộc hẹn nhưng không ai trả lời điện thoại.
Cuối cùng, vào ngày 15 tháng 11, luật sư và gia đình đã trực tiếp đến Viện kiểm sát, người tiếp họ vẫn nói rằng họ không nhận được hồ sơ của ông Lý.
Luật sư nói: “Ngày 3 tháng 11, đồng nghiệp của ông đã nói với tôi là tôi có thể đến xem hồ sơ. Nhưng tại sao bây giờ ông lại nói không tìm thấy nó?” Vị cán bộ này bắt đầu lo lắng và nói rằng họ còn có một hệ thống cũ hơn, ông ấy sẽ tìm thử.
Sau khi kiểm tra trên hệ thống cũ, ông ấy cho biết rằng hồ sơ của ông Lý đã trình lên tòa án hôm 4 tháng 10.
Luật sư và gia đình đã đến trại tạm giam để thảo luận với ông Lý về việc biện hộ trước tòa nhưng họ thật sự bị sốc khi được biết rằng tòa án đã tiến hành phiên xét xử qua video vào ngày 10 tháng 11. Khi đó, luật sư được thẩm phán Vương Thụy Hà chỉ định đã thừa nhận ông Lý có tội. Thẩm phán Vương Thụy Hà từng tuyên án oan sai cho nhiều học viên Pháp Luân Công.
Tức giận vì sự vi phạm thủ tục pháp lý trắng trợn của công tố viên và thẩm phán, luật sư đã quay lại Việt kiểm sát gặp Vưu Kiến và Trương Huệ Kiệt, người thụ lý hồ sơ của ông Lý nhưng không ai phản hồi.
Những thủ đoạn tương tự của một viện kiểm sát khác ở tỉnh Hà Nam
Ngoài trường hợp của ông Lý, một viện kiểm sát khác ở Hà Nam còn ngăn cản luật sư đại diện của một học viên Pháp Luân Công xem xét hồ sơ vụ án bằng cách nói dối luật sư rằng họ không tìm thấy hồ sơ.
Từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2021, nhiều lần luật sư gọi đến Viện Kiểm sát Huyện Ngụy Đô, thành phố Hứa Xương, công tố viên Trịnh Kiến Nghiệp đã phủ nhận rằng họ có hồ sơ của bà Lâu Á Hồng mặc dù họ Trịnh đã nhận hồ sơ vào ngày 12 tháng 3 và đã buộc tội bà Lâu vào ngày 22 tháng 4.
Ngày 26 tháng 5, luật sư biện hộ bà Lâu vô tội. Tuy nhiên, bà vẫn bị kết án 4 năm tù chỉ vì đã dán câu đối có thông điệp Pháp Luân Công trước cửa nhà mình.
Thông tin của những người tham gia bức hại:
Vương Thụy Hà (王瑞霞), thẩm phán: +86-372-2097312
Vưu Kiến (尤建), Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Huyện Văn Phong: +86-372-521006
Trương Huệ Kiệt (张慧杰), công tố viên của Viện Kiểm sát Huyện Văn Phong: +86-372-5102159, +86-18537218959
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/11/24/433963.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/4/196859.html
Đăng ngày 27-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.