Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục

[MINH HUỆ 25-11-2021] Tôi muốn kể cho các bạn nghe những gì tôi đã trải qua hồi năm ngoái, trong chiến dịch “Xóa sổ” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào tất cả các học viên Pháp Luân Đại Pháp trong “danh sách đen” của Đảng. Tôi hy vọng những bài học tôi học được sẽ hữu ích cho các đồng tu đang gặp khảo nghiệm tương tự.

Khi chiến dịch “Xóa sổ” khai màn, chúng tôi biết ĐCSTQ đã ban hành một tài liệu bí mật để triển khai một chiến lược kéo dài ba năm. Chính quyền sẽ rà soát các mối quan hệ gia đình và quan hệ xã hội của từng học viên, sẽ không bỏ sót một học viên nào có tên trong “danh sách đen” của ĐCSTQ. Lần đầu nghe nói đến điều này, tôi đã không lập tức phủ định an bài của cựu thế lực, mà lại coi đây là khảo nghiệm mà tất cả chúng ta phải đối mặt. Khi đồng tu May (bí danh) nói: “Điều này không phụ thuộc vào Đảng. Sư phụ mới là người quyết định trong mọi việc.” Tôi tự nhủ: “Nhưng mà Đảng đã họp hành, rồi ban hành chính sách để triển khai trên toàn quốc rồi. Chúng ta có thể phủ nhận chiến dịch này không?” Tôi miên man chìm trong cách nghĩ của người thường.

Tôi không nghĩ đến Sư phụ, không vững chắc tín Sư tín Pháp, và không nhớ rằng các hiện tượng nơi thế gian không ảnh hưởng đến người tu luyện. Tôi đã quên mất Pháp lý “Tu nội mà an ngoại” (Tinh Tấn Yếu Chỉ). Tôi cũng không nhận ra chiến dịch “Xóa sổ” này là hoàn cảnh để trợ Sư chính Pháp, cứu độ chúng sinh, là một cơ hội nữa để chứng thực Pháp. Trong tiềm thức, tôi đã thừa nhận an bài của cựu thế lực.

Đối mặt với khảo nghiệm

Ban lãnh đạo cơ quan tôi gọi tôi đến trao đổi. Họ liên lạc với bạn bè của tôi để nhờ thuyết phục tôi. Khi không được, họ lại gây áp lực với người nhà tôi. Con gái tôi rất tốt bụng, từ nhỏ đến lớn luôn kính trọng cha mẹ, hòa thuận với mọi người, nhưng nó không chịu nổi áp lực của chính quyền. Nó bị mắc kẹt giữa một bên là người mẹ mà nó yêu thương và một bên là chính quyền cộng sản tàn bạo mà nó sợ hãi. Con gái tôi vừa phải đi làm, vừa phải chăm sóc bố mẹ chồng và con nhỏ. Nó lo lắng đến mất ăn mất ngủ, năn nỉ tôi nghe theo chính quyền và chỉ tu luyện ở nhà thôi.

Tôi giải thích tôi không làm gì sai, và không thể thỏa hiệp mà ký bất kỳ biên bản nào. Như thế không khác nào phỉ báng Phật Pháp trong khi dung túng cho tà ác. Tôi không thể đối diện với lương tâm của mình và làm ngơ trước cảnh ngộ của hàng chục ngàn người tu luyện và gia đình họ.

Tôi nói ký vào tờ giấy này là tiếp tay cho việc bức hại các học viên khác cũng như những người đang thực thi cuộc bức hại: “Như thế không chỉ làm hại con, mà còn làm hại những người đang gây áp lực lên chúng ta.” Con gái tôi khóc suốt, thậm chí có lần còn đập đầu vào tường vì bức bối trong lòng.

Chồng tôi là người nóng tính, không khéo ăn nói, lại bị bệnh tim, huyết áp cao, và rất dễ bực bội. Ông ấy lo tôi không ký sẽ khiến cả gia đình gặp rắc rối. Con gái và con rể tôi đều có công việc tốt và con đường sự nghiệp đầy hứa hẹn. Chồng tôi lo hai đứa nó bị tôi làm liên lụy mà sinh ra bất hòa, rồi lại bị cơ quan và hàng xóm phân biệt đối xử, nên rất tức giận, căng thẳng, còn cảnh cáo nếu tôi không chịu nhượng bộ thì sẽ ly hôn với tôi.

Tôi phát chính niệm để thanh trừ can nhiễu và các chấp trước của mình, nhưng xem ra không ích gì. Tôi cố gắng bình tâm lại và tránh xung đột, cố gắng đặt mình vào vị trí của người nhà. Tôi giải thích tôi không phải vì bản thân, mà là vì nó sẽ tốt cho họ về sau này. Họ nói họ không sợ bị mất quyền lợi, mà chỉ muốn sống một cuộc sống yên bình mà không bị ĐCSTQ liên tục quấy nhiễu. Họ rất sợ chính sách “Ba năm xử lý những học viên ngoan cố” của Đảng.

Chồng con tôi nghe nói chính sách này sẽ không công khai nhiều, nhưng chính quyền sẽ gây áp lực cực lớn với những người có liên quan, nên hai bố con rất sợ. Mọi người đều biết Pháp Luân Đại Pháp là tốt, nhưng vẫn bị nỗi sợ Đảng lấn át.

Đó không phải là lỗi của họ bởi họ không phải là người tu luyện. Tôi không thể kỳ vọng họ đứng về phía tôi. Tôi phải tránh nói quá mạnh, tránh khiến họ hiểu lầm sâu sắc hơn. Một số đồng tu nhắc tôi phải vững vàng. Tôi hiểu con gái mình khá rõ. Nó rất yêu mẹ. Tôi cần phải cân nhắc để người nhà không coi sự kiên định của tôi thành nguyên nhân gây hại cho gia đình. Họ không liễu giải được sự từ bi của người tu luyện. Tôi cũng cần cân nhắc cả đến những người tham gia bức hại, vốn vẫn kỳ vọng sẽ được chúng ta cứu.

Ám ảnh vì sợ hãi

Khổ nạn liên quan đến người nhà là một khó khăn. Ngoài ra, tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi nỗi sợ mỗi khi nhớ lại các đồng tu bị chính quyền tra tấn như thế nào. Đây là một khảo nghiệm sinh tử đối với tôi. Tôi phải buông bỏ các chấp trước, xử lý tốt việc gia đình và buông bỏ nỗi sợ sinh tử này. Có một hôm, tôi cảm thấy bị lún trong tấm chăn dày phủ trùm ở không gian khác, cảm thấy ngột ngạt nhưng không nghĩ đến việc lập tức giải thể nó. Khổ nạn của tôi trở thành sự dày vò về thể xác. Tôi bị đau bụng dữ dội, cảm giác ruột quặn thắt lại. Tôi suy ngẫm, thấy trạng thái tu luyện của mình kém quá.

Khi kể lại cho các đồng tu khác, tôi không sao cầm được nước mắt. Tôi cảm thấy như mình sắp gục xuống và nắm chặt tay đồng tu bên cạnh để cảm thấy có chỗ dựa.

Hai đồng tu học Pháp cùng tôi rất minh bạch Pháp lý. May vẫn bình tĩnh và lý trí. Cô ấy cảnh báo tôi: “Nếu chị không vượt qua được khảo nghiệm này, thì khảo nghiệm tiếp theo có khi còn tệ hơn.”

Tỉnh ngộ và phủ nhận nỗi sợ

Cả hai đồng tu này đều thường xuyên đến nhà thăm tôi, giúp tôi suy xét lại bản thân và chia sẻ thể ngộ dựa trên Pháp lý. Họ cho tôi những lời cảnh tỉnh cứng rắn, từ đó giúp tôi tìm ra nguyên nhân sâu xa của chấp trước của mình.

Họ khuyên tôi đọc Tinh Tấn Yếu Chỉ, Tinh Tấn Yếu Chỉ II và các bài giảng Pháp của Sư phụ trong năm 2008 và 2009 cũng như các kinh văn mới. Tôi nhận ra tầm quan trọng của việc học Pháp và đọc Pháp nhiều hơn. Dù cảm thấy không tiếp thu được nhiều, nhưng tôi vẫn đọc. Khi không hiểu, tôi lại đọc Pháp thành tiếng. Sau đó, tôi chợt nhận ra rằng mặc dù có vẻ không hiệu quả, nhưng Pháp có uy lực. Ann cũng đưa cho tôi cuốn Sổ tay Luật về Chống Bức hại. Đọc xong, tôi mới hiểu rõ rằng tự do tín ngưỡng là được pháp luật cho phép, còn cuộc bức hại này là phi pháp. Tâm tôi được chính lại, không còn ủ rũ nữa. Tôi muốn cảm ơn hai đồng tu này. Tôi biết ơn Sư phụ đã an bài hoàn cảnh tu luyện nhóm cho chúng tôi, gia trì và bảo hộ tôi.

Tôi biết mình còn chưa buông bỏ chấp trước và tư tưởng người thường. Tôi chỉ kiên định, giữ vững niềm tin rằng Đại Pháp là đúng, Sư phụ đang quy chính càn khôn và cứu độ chúng sinh. Tôi cảm động trước lòng từ bi sự vĩ đại của Sư phụ và hy vọng được trở thành một đệ tử Đại Pháp có thể “Chủ trưởng thiên địa chính nhân đạo” (“Dự”, Hồng Ngâm II). Với niệm đầu đơn giản này, Sư phụ đã giúp tôi. Khảo nghiệm này đã giúp tôi nhận ra mình không còn bị ràng buộc vào sinh tử nữa, và chừng nào tôi đi theo con đường mà Sư phụ an bài cho tôi thì không cần phải lo lắng gì nhiều.

Sư phụ giảng:

“Tu tại tự kỷ, công tại sư phụ; chư vị chỉ cần nguyện vọng [tu luyện] là đủ rồi.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Khi tôi ngộ ra điều này, ban lãnh đạo ở đơn vị công tác của tôi đã đến nhà tôi, nhưng lần đó, tôi không ở nhà. Tôi biết cuối cùng tôi phải đối mặt với họ. Tránh né sẽ chỉ dẫn đến hiểu lầm và không chứng thực được Đại Pháp. Tôi cầu xin Sư phụ gia trì cho tôi, và đến cơ quan, vừa đi vừa phát chính niệm.

Đến nơi, trưởng phòng lại đang bận, nên tôi đã đợi rất lâu ở hành lang. Ông ấy lịch sự nói với tôi rằng ông ấy sắp nghỉ hưu. Trong sự nghiệp của mình, ông ấy đã thấy ĐCSTQ xử lý “các vấn đề về Pháp Luân Đại Pháp” như thế nào, rằng đây là lần đầu tiên nó được nâng tầm lên thành nhiệm vụ chính trị. Ông ấy đề nghị tôi suy nghĩ lại và nghĩ đến tương lai của con tôi cũng như ảnh hưởng đối với gia đình tôi.

Ông nói: “Nếu cô bị treo lương hưu thì có đáng vậy không? Đối đầu với thế lực áp đảo, lớn hơn chúng ta như thế để làm gì?“ Ông ấy nói các học viên đi trên con đường chính. Ký biên bản này chỉ là đi con đường vòng nhỏ thôi.

Tôi cảm nhận được lòng tốt của ông ấy cũng như mức độ nghiêm trọng của đợt đàn áp này của chính quyền. Nhưng với sự gia trì của Sư phụ, tôi không cảm thấy sợ hãi. Tôi biết mình cần nắm vai trò chủ động. Tôi bình thản, cảm ơn sự quan tâm và lời khuyên của ông ấy. Tôi đã nhân cơ hội này để nói với ông ấy về sự vĩ đại của Đại Pháp, và cuộc bức hại đã vi phạm pháp luật như thế nào. Tôi đưa cho ông ấy một bức thư viết về chân tướng cuộc bức hại và thẻ USB có thông tin về Pháp Luân Đại Pháp.

Tôi nói đây là những điều ông ấy cần biết trên cương vị là phó trưởng phòng phụ trách các vấn đề chính trị và pháp luật trong đơn vị công tác của tôi. Tôi nói thông tin này sẽ giúp ông ấy hiểu hơn về Pháp Luân Đại Pháp và các học viên, nhưng ông ấy từ chối nhận tài liệu. Tôi không cứu được ông ấy, nhưng tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi và có thể đối mặt với khảo nghiệm.

Trước đó, tôi còn tìm đến lời khuyên của các đồng tu về chấp trước vào tâm sợ hãi. Một số đồng tu đã nhắc nhở tôi về những gì Sư phụ đã giảng:

“Có [hiện diện] của Pháp vĩ đại nhường này, trong chính niệm chư vị là đồng tại với Đại Pháp, đó là sự bảo đảm rất to lớn.” (Giảng Pháp tại Manhattan [2006], Giảng Pháp tại các nơi X)

Các đồng tu khác liên tục nhắc tôi hãy “tín Sư tín Pháp”. Lúc ấy, tôi còn nhiều thiếu sót trong tu luyện, và không thể nhớ hết những gì họ nói. Tôi không thanh trừ chấp trước sợ hãi đã bám rễ sâu trong tâm.

Trong một lần chia sẻ với May, cô ấy đã kể lại quá trình cô ấy buông bỏ chấp trước sợ hãi trong những hoàn cảnh cực kỳ tà ác cách đây mấy năm. Lúc xe cảnh sát đang đậu bên ngoài cửa nhà cô ấy, cô ấy vẫn làm tài liệu giảng chân tướng. Tôi cũng nhớ đến những đồng tu bế theo con đến Bắc Kinh để chứng thực Pháp. Vô số đồng tu đã phải chịu đựng sự tra tấn vô nhân đạo trong tù, dẹp bỏ sinh tử sang một bên, và luôn kiên định với niềm tin vào Đại Pháp. Vô số người khác đã dồn mọi nguồn lực vào việc cứu người.

Những hành động phi thường này của các đồng tu đã tác động đến tôi. Tôi thoáng nhận ra cảnh giới cao của họ khi họ bảo vệ Đại Pháp bằng sự tôn kính và vô tư vô ngã, cho dù phải trả giá bằng sinh mạng. So với hành động của họ, việc tôi bị tật nguyền vì không muốn làm gia đình buồn mới thấy tôi đang đi theo con đường do cựu thế lực an bài, muốn kén chọn quan để qua. Mặc dù đã nhận ra thiếu sót, nhưng tôi vẫn chưa đề cao được. Tôi tự nhủ mình phải buông bỏ chấp trước muốn được thoải mái. Chỉ khi làm được thì mới là tu luyện chân chính, như vậy mới không phải là nói suông.

Thấy tôi căng thẳng quá, Ann lo tôi không chịu đựng được thêm được nữa. Cô ấy khuyên tôi rời khỏi nhà. Nhưng lời của một đồng tu khác hiện lên trong đầu tôi, “Chị trốn ở đâu được chứ? Người thường có thể không thể tìm ra chị, nhưng tà ác ở không gian khác thì có thể. Chạy trốn không phải là biện pháp tối ưu. Chỉ có chính niệm chính hành, chứng thực Pháp, và cứu độ chúng sinh mới là chính lộ.” Tôi biết mình không còn nơi nào để đi nên quyết định kiên trì đương đầu với khó nạn.

Trong một lần trao đổi với các đồng tu, mọi người đã bàn đến việc tôi có nên ký vào biên bản đó hay không, rồi sau đó làm nghiêm chính thanh minh. Tôi nghĩ: “Bây giờ, tôi đã quyết định bỏ chấp trước sợ thì không nên trốn tránh trách nhiệm, mượn cớ, hay tránh đương đầu với khảo nghiệm. Chỉ có làm theo tiêu chuẩn của Pháp mới là tu luyện. Vào những thời khắc then chốt, chúng ta phải bước lên phía trước, chứ không phải là lùi một bước.”

Chân chính buông bỏ

Một đêm, chồng tôi nhất quyết đòi gọi điện cho cha mẹ già của tôi để nói rằng ông ấy đã quyết định ly hôn với tôi, bảo rằng ông ấy có nghĩa vụ phải trực tiếp báo cho họ. Tôi đề nghị ông ấy bình tĩnh, tránh làm người già lo lắng, nhưng ông không chịu nghe. Tôi kiên quyết nói: “Tôi không muốn ly hôn. Nhưng nếu mình cứ nhất quyết như vậy thì tôi sẽ làm theo.”

Tôi nói: “Bao nhiêu năm qua, tôi đã dành cho mình và mọi người trong gia đình tất cả những gì tôi có. Tôi còn nợ mình những gì thì đến giờ có lẽ cũng đã trả hết rồi. Sẽ không có gì khiến tôi đau khổ hơn là từ bỏ tu luyện. Tôi hy vọng mình có thể hiểu và ủng hộ tôi. Mình gọi cho cha mẹ tôi cũng vậy. Không ai có thể khiến tôi thay đổi đâu!”

Nghe tôi nói, ông ấy càu nhàu một lúc, rồi mọi việc ở nhà dần lắng xuống. Tôi cảm nhận được các nhân tố tà ác ở các không gian khác đã giải thể. Trước đây, tôi từng nói với ông ấy rằng làm người tốt không có gì sai. Mọi thứ mà gia đình chúng tôi phải hứng chịu là do ĐCSTQ quyết định bức hại các học viên. Cuộc bức hại này đã đẩy nhanh tốc độ phá hủy văn hóa truyền thống, làm xói mòn tiêu chuẩn đạo đức và làm băng hoại nhân loại. Ông ấy đã biết Đại Pháp là tốt.

Kể từ đêm đó, tôi phó thác bản thân và gia đình vào tay Sư phụ. Tôi không còn dằn vặt nữa. Trước những lời phàn nàn và sự thờ ơ của gia đình, tôi đã tận sức chăm sóc và hiểu cho họ, nhưng cũng kiên quyết không bao giờ ký biên bản từ bỏ tu luyện nào hay hợp tác với tà ác. Niềm tin của tôi đối với Đại Pháp kiên định đến mức tôi có chết cũng phải tiến về phía trước chứ không thể lùi lại vì để được sống.

Tháng 4 vừa qua, ĐCSTQ bắt đầu một đợt quấy nhiễu mới. May nói: “Năm ngoái, chị rệu rạo thế, mà năm nay cương nghị như kim cương. Quả là một trời một vực!”

Nhân đây, tôi muốn cảm ơn các đồng tu luôn ở bên động viên. Không chỉ kiên quyết không ký văn bản nào, tôi cũng giữ vững tâm thái bất động. Tôi thực sự cảm nhận được rằng Sư phụ đã giúp tôi loại bỏ tâm sợ hãi bám rễ rất sâu này.

Bây giờ, tôi đã hiểu sâu sắc Pháp lý “…không có sợ, thì cũng không tồn tại nhân tố làm cho chư vị sợ” (“Tống khứ chấp trước cuối cùng”, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)và “tín Sư tín Pháp” không còn là khái niệm sáo rỗng đối với tôi nữa, mà là biểu hiện cụ thể, chân chính của Pháp, và là kim chỉ nam trong tu luyện của tôi.

Khổ nạn này đã giúp tôi thấy rõ rằng trong tu luyện, bất kể chúng ta gặp phải khảo nghiệm nào, miễn là chúng ta “Kiên tu Đại Pháp khẩn tuỳ Sư” (Tâm tự minh, Tinh tấn Yếu chỉ II), miễn là chúng ta tin tưởng vào Sư phụ, dám đối mặt với khảo nghiệm và kiên định tu luyện trong Pháp, Sư phụ sẽ gia trì cho chúng ta cho đến khi chúng ta trở về gia viên chân chính của mình.

Tôi vô cùng biết ơn sự bảo hộ từ bi của Sư phụ! Tôi cũng chân thành cảm ơn sự giúp vô tư vô ngã của các đồng tu! Trường chính niệm mạnh mẽ này đã giúp tôi liên tục chính lại bản thân khi đối mặt với chiến dịch “xóa sổ” quyết liệt của ĐCSTQ, trưởng thành trên con đường tu luyện và góp phần nhỏ bé vào việc chứng thực Đại Pháp.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/11/25/415009.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/11/25/196722.html

Đăng ngày 15-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share