Bài viết của Anh Tử, phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 12-12-2021] Nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế, ngày 10 tháng 12 năm 2021, hai Nghị sỹ Quốc hội Canada, cũng là đồng chủ tịch nhóm Những Người bạn của Pháp Luân Công tại Quốc hội Canada, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các học viên Pháp Luân Công bị bức hại và lên án cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) qua video và email.

Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada đã tổ chức một cuộc họp báo vào Ngày Nhân quyền Quốc tế. Ba thanh niên đến từ Ottawa, Toronto và Vancouver đã thuật lại những hình thức bức hại mà cha mẹ họ phải chịu ở Trung Quốc vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp). Cha mẹ của họ là các giáo sư, nghệ sỹ, giáo viên và kỹ sư cao cấp. Có người vẫn đang bị giam giữ vì cuộc bức hại của ĐCSTQ.

Hai vợ chồng kỹ sư cao cấp bị bỏ tù vì kiên định vào đức tin

Trong cuộc họp báo, anh Lưu Chi Nguyên (Jack), sinh viên tại đại học Carleton ở Canada, đã yêu cầu ĐCSTQ trả tự do cho cha mẹ đang bị giam giữ bất hợp pháp ở Bắc Kinh.

Cha mẹ của anh Lưu Chi Nguyên là ông Lưu Châu Ba và bà Tào Văn, bị bắt tại nhà vào ngày 19 tháng 11 năm 2021. Cảnh sát đã lục soát nhà của họ và tịch thu điện thoại di động, sách Pháp Luân Đại Pháp và các tài liệu thông tin về Pháp Luân Đại Pháp. Ông Lưu Châu Ba bị buộc tội gửi tin nhắn về Pháp Luân Đại Pháp thông qua Bluetooth tại một tàu điện ngầm ở Bắc Kinh.

Cha mẹ của anh Chi Nguyên đều tốt nghiệp tại Đại học Dầu khí Đông Bắc năm 1992. Họ là kỹ sư cấp cao của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc. Cha anh, ông Lưu Châu Ba, hiện đang bị giam tại Trại giam Bắc Kinh Số 3. Mẹ anh, bà Tào Văn, đang bị giam tại Trại giam Bắc Kinh Số 2.

Anh Lưu Chi Nguyên cho biết cha anh là một tài năng hiếm có và đã nắm được công nghệ cốt lõi của quá trình khai thác dầu. Mẹ anh cũng là một kỹ thuật viên chuyên nghiệp trong các dự án phát triển dầu khí.

Anh Chi Nguyên nói cha anh đã bị kết án 9 năm tù vì không từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp. Anh Chi Nguyên cho hay: “Trong suốt 9 năm tù, cha tôi không khác gì sống trong địa ngục. Ông bị tra tấn, bỏ đói và bị uy hiếp đến sinh mạng, nhưng ông vẫn giữ vững đức tin của mình. Ông đã được thả vào năm 2010 và tiếp tục tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cùng mẹ tôi.”

Anh Chi Nguyên hy vọng chính phủ Canada sẽ giúp giải cứu cha mẹ của anh hiện đang bị giam cầm phi pháp ở Trung Quốc. Anh chia sẻ: “Cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp là bất hợp pháp và phải chấm dứt.”

Các nhà giáo dục xuất sắc lại bị giam giữ

Trong cuộc họp báo, cô Lưu Minh Viên, sinh viên Trường Sheridan College ở Toronto đã gọi điện cầu cứu cho mẹ mình. Mẹ cô, bà Lưu Diễm, từng giảng dạy tại Trường Lambton thuộc Đại học Cát Lâm và là nguyên Trưởng phòng Đối ngoại. Trường này hoạt động chung với Đại học Memorial của Newfoundland, Canada. Cuốn sách Nói tiếng Anh lưu loát (Fluent Spoken English), do bà Lưu Diễm biên soạn, đã được Nhà xuất bản Đại học Phúc Đán xuất bản và tái bản ba lần, và cũng được đánh giá là một cuốn sách giáo khoa xuất sắc dành cho các trường cao đẳng và đại học ở tỉnh Vân Nam.

Cả cha mẹ của cô Minh Viên đều bị bức hại ở Trung Quốc vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Cha của cô, ông Lưu Vĩnh, bị bắt vào năm 2012 và bị kết án bốn năm tù vì kiên định đức tin của mình. Mẹ của cô, bà Lưu Diễm, cũng bị kết án 3 năm tù vào năm 2015. Trong thời gian bị giam giữ, cả hai đều bị tra tấn, tẩy não và lao động nô lệ.

“Cảnh sát lại bắt giữ mẹ tôi vào ngày 30 tháng 9 năm 2021 vì bà kiên trì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Bà đang bị giam tại Trại giam Côn Minh, tỉnh Vân Nam.“

Cô Minh Viên cho biết: “Kể từ năm 1999, chúng tôi đã phải chuyển chỗ ở hết nơi này đến nơi khác để tránh bị bức hại. Gia đình tôi đã phải chịu đựng sự bức hại kinh hoàng. Bà nội tôi đã qua đời vì áp lực, sợ hãi và thống khổ do cuộc bức hại này gây ra. Bà ngoại tôi bị hoảng sợ và chấn thương tinh thần, rồi bị bại liệt.”

Năm 1999, khi mới lên hai, cô Minh Viên đã bị tạm giam một tháng cùng mẹ cô. Hai năm sau, cảnh sát đã bắt cô Minh Viên làm con tin trong nhiều ngày để bắt mẹ cô, nhưng không thành công. Khi cô Minh Viên còn là một thiếu niên, cô rất lo lắng cho sự an toàn của cha mẹ mình mỗi khi họ về nhà muộn.

Cô Minh Viên giải thích: “Đây không chỉ là câu chuyện của gia đình chúng tôi, mà còn là câu chuyện của hàng triệu học viên Pháp Luân Đại Pháp suốt hai thập kỷ qua. Nhiều học viên đã bị bức hại đến chết.“

Cô hy vọng chính phủ Canada cùng toàn thể người dân Canada chân chính sẽ lên tiếng để bảo vệ mẹ cô và tất cả những nạn nhân đang phải sống dưới chế độ ĐCSTQ.

Cư dân Vancouver kêu gọi giúp đỡ giải cứu mẹ cô

Cô Alice Trương, một công dân Canada sống tại Vancouver, đã kêu gọi chính phủ Canada giúp giải cứu mẹ cô, bà Đường Hoa Phong.

Bà Đường Hoa Phong là một giáo viên. Bà từng mắc nhiều bệnh khác nhau, nhưng đã khỏi bệnh sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Bà cũng trở nên tốt bụng và ôn hòa.

Ngày 12 tháng 6 năm 2021, bà Đường bị bắt vì phổ biến thông tin về cuộc bức hại. Hiện bà đang bị giam giữ tại Trại giam Thành phố Tấn Trung, tỉnh Sơn Tây. Người nhà không được phép thăm bà.

Cô Alice cho biết: “Mẹ tôi đã bị giam trong trại lao động cưỡng bức từ năm 2006 đến năm 2008, và bị kết án 3,5 năm tù giam vào năm 2015. Bà bị tước đoạt quyền công dân, quyền tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận. Lương hưu của bà, kết quả của 30 năm làm việc chăm chỉ của bà, cũng đã bị tước đoạt. Mẹ tôi từng bị ngất đi do một cơn đau tim trong thời gian bị giam giữ.”

Cô kêu gọi ĐCSTQ lập tức trả tự do cho mẹ cô và tất cả các học viên Pháp Luân Đại Pháp đang bị giam giữ phi pháp. “Tôi cũng kêu gọi chính phủ Canada hành động để bảo vệ các giá trị dân chủ, tự do và nhân quyền của Canada, cũng như bảo vệ phẩm giá con người.”

Các nghị sỹ Canada: Lên tiếng là trách nhiệm của chúng tôi

Nghị sỹ Garnett Genuis, Đồng Chủ tịch Hiệp hội Những người bạn của Pháp Luân Công trong Quốc hội Canada

Nghị sỹ Garnett Genuis, Đồng Chủ tịch Hiệp hội Những người bạn của Pháp Luân Công trong Quốc hội Canada, bày tỏ sự ủng hộ đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp thông qua một video: “Tôi có trách nhiệm phải lên tiếng.”

Ông cho biết các học viên Pháp Luân Đại Pháp là nạn nhân của cuộc bức hại của ĐCSTQ hơn 20 năm qua. Họ đã bị sách nhiễu, bị bắt, bị giam giữ, bị tra tấn, làm lao động nô lệ và những hình thức khác, chỉ vì thực hành môn tu luyện ôn hòa này. 13 học viên Pháp Luân Đại Pháp có thân nhân ở Canada hiện đang bị giam giữ ở Trung Quốc. Ông nói, Canada phải bảo vệ các quyền cơ bản của con người là tự do tôn giáo và lương tri.

“Các nghị sỹ thuộc mọi đảng phái đã lên tiếng về cuộc bức hại đang diễn ra đối với những người theo tập Pháp Luân Công. Chúng tôi đã kêu gọi chính phủ Canada triển khai các biện pháp trừng phạt theo pháp luật đối với những thủ phạm của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ đạo việc tra tấn và giết hại các học viên Pháp Luân Công. Chúng tôi yêu cầu chính phủ Canada công khai kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công.”

Năm 1950, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã xác định ngày 10 tháng 12 hàng năm là Ngày Nhân quyền Quốc tế, để kỷ niệm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền do Liên Hợp Quốc thông qua vào ngày 10 tháng 12 năm 1948.

Ông Genuis cho biết: “Tự do tín ngưỡng là một quyền cơ bản của con người. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền nêu rõ mọi người sinh ra đều tự do, bình đẳng về nhân phẩm và quyền, mọi người đều có quyền tự do lương tri, tư tưởng và tôn giáo. Canada phải tiếp tục vận động cho những quyền cơ bản mà các học viên Pháp Luân Công và nhiều người khác ở Trung Quốc đang bị tước đoạt.”

c4d5d4d51b5cdc0839f71c4a8859e554.jpg

Nghị sỹ Judy Sgro gửi email cho Thủ tướng Trudeau

Nghị sỹ Judy Sgro, một đồng chủ tịch khác của Hiệp hội Những Người bạn của Pháp Luân Công, đã gửi email cho Thủ tướng Trudeau sau khi biết về những chuyện đã xảy ra với cha mẹ của anh Lưu Chi Nguyên và cô Lưu Minh Viên. Bà yêu cầu Thủ tướng lập tức lên án việc ĐCSTQ giam giữ phi pháp các học viên Pháp Luân Đại Pháp.

Trong email, bà kêu gọi Thủ tướng Trudeau trợ giúp và “đề nghị ông lập tức lên án những hành vi giam giữ phi pháp này, và kêu gọi việc trả tự do không chỉ cho bà Lưu Diễm, và cha mẹ của anh Jack, mà là tất cả những người đang bị giam giữ chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Điều quan trọng là chúng ta không chỉ đứng lên phản đối mà còn phải đẩy lùi các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Những hành động tàn bạo này không thể tiếp diễn.”

Tại cuộc họp báo, ông Lý Tấn, Chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada, đã kêu gọi chấm dứt bức hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp, trả tự do cho công dân Canada Tôn Thiến và 13 người thân của các công dân Canada đã bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, và áp dụng Đạo luật Magnitsky để trừng phạt những quan chức Trung Quốc bức hại Pháp Luân Công.

Bối cảnh: Pháp Luân Đại Pháp là gì?

Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) lần đầu tiên được Sư phụ Lý Hồng Chí truyền ra công chúng tại Trường Xuân, Trung Quốc vào năm 1992. Môn tu luyện này hiện đã phổ biến ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hàng triệu người đã học theo các bài giảng, dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn cũng như năm bài công pháp nhẹ nhàng, và trải nghiệm những chuyển biến tích cực cả về sức khỏe lẫn tinh thần.

Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của ĐCSTQ, nhìn nhận sự phổ biến của môn tu luyện này là mối đe dọa đối với hệ tư tưởng vô thần của ĐCSTQ và đã ra lệnh cấm Pháp Luân Đại Pháp vào ngày 20 tháng 7 năm 1999.

Trang Minh Huệ (Minghui.org) đã xác nhận có hàng ngàn học viên Pháp Luân Đại Pháp đã chết trong 22 năm qua vì bị bức hại; con số thực tế được cho là còn lớn hơn nhiều. Nhiều người đã bị bỏ tù và tra tấn vì đức tin của họ.

Có bằng chứng xác thực rằng ĐCSTQ đã hậu thuẫn cho tội ác thu hoạch nội tạng bằng cách sát hại các học viên bị bắt giữ làm nguồn cung cho ngành công nghiệp ghép tạng.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giang, ĐCSTQ đã thành lập Phòng 610, một tổ chức ngoài vòng pháp luật có quyền vượt trên cả hệ thống cảnh sát và tư pháp, và có chức năng duy nhất là tiến hành cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/12/434704.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/15/196993.html

Đăng ngày 21-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share