Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 25-10-2021] Vào ngày 15 tháng 7 năm 2021 một cặp vợ chồng ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã bị bắt vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Mặc dù bà Miêu Ngọc Hoàn được thả sau ngày hôm đó, nhưng chồng bà là ông Trương Quân đã bị tạm giữ hình sự tại trại tạm giam Kim Châu. Ông hiện đang đối mặt với truy tố sau khi Viện Kiểm sát Kim Châu phê chuẩn việc bắt giữ ông vào ngày 22 tháng 7 và buộc ông tội “lợi dụng tổ chức tà giáo phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ tiêu chuẩn được chính quyền sử dụng để cầm tù các học viên Pháp Luân Công.
Ông Trương và bà Miêu, đều 49 tuổi, công tác tại Trường Trung học 123 ở Đại Liên trước khi bị bắt. Ông Trương là giáo viên thể dục và kế toán, còn bà Miêu là giáo viên dạy nhạc.
Việc chồng bị giam giữ, tiền lương của bản thân lại bị đình chỉ một năm, bà Miêu đang phải chịu áp lực rất lớn và phải vật lộn để kiếm sống, đồng thời phải chăm sóc cha mẹ già ở nhà và con gái của họ hiện đang học trung học.
Bà Miêu đã hai lần yêu cầu nhà trường phục hồi tiền lương cho bà, nhưng vô ích.
Ông Trương Quân và vợ bà Miêu Ngọc Hoàn
Vụ bắt giữ gần nhất
Ba quan chức từ Ủy ban Chính trị và Pháp luật Đại Liên đã yêu cầu gặp ông Trương và bà Miêu tại Trường Trung học Cơ sở 123 nơi họ làm việc vào ngày 14 tháng 7 năm 2021.
Một ngày sau, một người phụ nữ tự xưng là ở ủy ban dân cư đến nhà của cặp vợ chồng vào khoảng giữa trưa. Bà Miêu đã từ chối mở cửa. Ngay sau đó, bà nghe thấy tiếng ai đó cố mở cửa bằng chìa khóa nhưng không thành công.
Theo một người chứng kiến vụ bắt giữ hai vợ chồng, ông Trương đã bị hơn 20 sỹ quan mặc thường phục bao vây khi ông về nhà sau đó khoảng 20 phút. Bà Miêu cũng bị buộc phải ra ngoài và vào một chiếc xe tải đen với ông Trương. Cả hai người họ đã bị đưa đến Đồn Công an Đăng Sa Hà.
Cùng lúc đó, ba sỹ quan ở lại và lục soát nhà của cặp vợ chồng. Máy tính xách tay, điện thoại di động và sách Pháp Luân Công chép tay của họ đã bị tịch thu.
Vào buổi chiều, cảnh sát quay lại và hỏi cặp vợ chồng người hàng xóm rằng họ đã nói chuyện với hàng xóm về Pháp Luân Công hay đưa cho họ bất kỳ tài liệu Pháp Luân Công nào hay không. Cảnh sát cũng hỏi cặp vợ chồng rằng họ đã treo đồ trang trí Pháp Luân Công trên cửa nhà của họ từ khi nào.
Lúc 3 giờ chiều, ông Trương gọi cho mẹ mình và nói với bà về việc ông bị bắt. Ba giờ sau, bà Miêu đã được trả tự do.
Vào ngày 2 tháng 8, khi gia đình ông Trương đến Đồn Công an Đăng Sa Hà để yêu cầu trả lại các đồ vật bị tịch thu, viên cảnh sát Lý Tiến nói với họ rằng Viện Kiểm sát Kim Châu đã phê chuẩn việc bắt giữ ông Trương vào ngày 22 tháng 7. Ông ta nói rằng ông không thông báo cho họ vì không có số điện thoại của họ. Gia đình ông Trương đã yêu cầu chụp ảnh hồ sơ, nhưng Lý đã từ chối.
Sách nhiễu trước lần bắt giữ gần đây nhất
Vụ bắt giữ gần đây nhất của cặp vợ chồng là tiếp nối của việc liên tục sách nhiễu đối với họ kể từ tháng 11 năm 2020, khi nhà chức trách cố gắng buộc họ từ bỏ Pháp Luân Công trong chiến dịch “Xóa sổ” trên phạm vi toàn quốc (một nỗ lực phối hợp nhắm vào mọi học viên Pháp Luân Công trong danh sách đen của chính quyền ở Trung Quốc để buộc họ phải từ bỏ đức tin của mình).
Vào sáng sớm ngày 4 tháng 9 năm 2020 (thứ Sáu), Chung Phương Chi, chủ nhiệm Văn phòng Đảng ủy của Phòng Giáo dục khu Kim Phổ Tân, đã đến Trường Trung học 123 để phổ biến về chính sách bức hại “Xóa sổ” mới nhất đối với Pháp Luân Công.
Đến buổi chiều, hiệu trưởng Tôn Bằng Phi đã chuyển tiếp thông điệp này cho cặp vợ chồng. Tôn nói rằng theo chính sách mới nhất, nếu giáo viên nào của trường không ký tên từ bỏ Pháp Luân Công sẽ bị đình chỉ công tác giảng dạy. Những giáo viên này phải tham gia các khóa học chính trị và lao động cưỡng bức do trường tổ chức vào cuối tuần. Họ phải ghi chép trong các tiết học và sau đó viết báo cáo tư tưởng. Nếu đến thứ Ba (ngày 8 tháng 9), họ vẫn không chịu từ bỏ Pháp Luân Công, tiền lương của họ cũng sẽ bị đình chỉ.
Ông Tôn cũng nói thêm rằng chỉ có ba người thuộc Phòng Giáo dục của quận Kim Phổ Tân chưa từ bỏ Pháp Luân Công, bao gồm ông Trương, vợ ông và một người khác.
Ngày 21 tháng 9, các sỹ quan từ Đồn Công an Đăng Hà Sa và Vương Đào của Ủy ban thôn đã đến nhà ông Trương. Vì không có ai ở nhà khi họ đến, họ đã ở lại sảnh của khu chung cư cho đến tối muộn.
Đồng thời, một chiếc xe jeep màu trắng cũng xuất hiện gần nhà của mẹ bà Miêu. Một cảnh sát ngó vào cửa sổ để xem có ai ở nhà không.
Vào khoảng 6 giờ 30 sáng ngày 3 tháng 11 năm 2020, cảnh sát đã đợi ở hành lang của tòa nhà chung cư của hai vợ chồng và bắt ông Trương ngay khi ông vừa ra ngoài.
Trong khi hai vợ chồng bị đưa đến đồn công an, cảnh sát đã lục soát nhà của họ và tịch thu sách Pháp Luân Công, một máy tính xách tay, một vài đĩa DVD, hai áp phích, lịch treo tường và một số loa. Ông Trương bị giam giữ hành chính mười ngày nhưng được thả vào ngày hôm sau, sau khi ông bị trại tạm giam địa phương từ chối tiếp nhận do tình trạng sức khỏe của mình. Bà Miêu cũng được trả tự do cùng ngày.
Bị áp lực bởi Ủy ban Chính trị và Pháp luật (UBCTPL) Quận Kim Phổ Tân, một cơ quan ngoài vòng pháp luật có nhiệm vụ giám sát cuộc bức hại, văn phòng sở giáo dục đã dừng việc chi trả lương của cặp vợ chồng kể từ tháng 11 năm 2020. Họ cũng đe dọa sẽ sa thải nếu hai ông bà không chịu từ bỏ Pháp Luân Công vào cuối năm.
Vào ngày 20 tháng 4 năm 2021, ông Trương bị Ngô Kiến Xương và Cung Học Lị, giám đốc và phó giám đốc sở giáo dục triệu tập và ra lệnh phải từ bỏ Pháp Luân Công.
Ngày 23 tháng 4, hàng xóm thấy có hai người đến và gõ cửa nhà ông Trương, trong khi ông không có nhà.
Khi ông từ chối tuân thủ, Cung và ban lãnh đạo trường học cùng một nhân viên UBCTPL đã nói chuyện lại với ông vào ngày 11 tháng 5.
Vào tháng 6 năm 2021, Tôn Bằng Phi, hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở 123 đã nói chuyện với ông Trương và nói rằng trường sẽ không gia hạn hợp đồng lao động của ông và đơn xin thăng chức của ông cũng sẽ không được xem xét.
Ông Trương nói rằng việc họ dừng trả lương hoặc sa thải ông là bất hợp pháp. Ông kêu gọi ông Tôn không tham gia vào cuộc bức hại, vì ông ấy sẽ phải chịu trách nhiệm trong tương lai. Tôn trả lời rằng để tiếp tục công việc hiệu trưởng của trường, ông ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải làm điều đó.
Sự bức hại trong quá khứ
Cả ông Trương và bà Miêu, 49 tuổi, đều bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công trước khi chính quyền ra lệnh bức hại vào năm 1999. Bà Miêu từng bị các bệnh về dạ dày và xương đòn nghiêm trọng, tuy nhiên cả hai bệnh trên đều biến mất sau khi bà tu luyện Pháp Luân Công. Còn ông Trương đã bỏ thuốc lá và uống rượu.
Hai vợ chồng sống theo các nguyên lý Chân, Thiện, Nhẫn của Pháp Luân Công và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Một người hàng xóm kể lại rằng có lần bà ấy quên tắt vòi nước. Sau khi ông Trương nghe thấy tiếng nước chảy, ông đã gọi cho bà và lái xe đến nơi làm việc của bà và đưa bà về nhà để đóng vòi nước.
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, ông Trương đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào năm 2000. Ông bị bắt và bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức tại Trại Lao động Cưỡng bức Đại Liên khét tiếng tàn bạo.
Trong suốt thời gian ông Trương bị giam trong trại lao động, các lính canh thường hét vào mặt các học viên: “Giang Trạch Dân [cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc] đã nói rằng chúng tôi đánh chết các người thì chẳng bị làm sao cả! Sẽ không vi phạm pháp luật nếu chúng tôi đánh các người đến chết.“
Sau khi ông Trương được trả tự do, nhà trường đã chuyển ông khỏi vị trí kế toán và điều ông đến phòng nấu ăn để nấu cơm cho học sinh và giáo viên. Bạch Quế Vinh và Tống Phúc Kim của chính quyền thị trấn Đăng Sa Hà thường xuyên sách nhiễu ông và ra lệnh cho ông viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.
Vào ngày 15 tháng 10 năm 2004, Tống và một số sỹ quan khác đã đột nhập vào phòng nấu ăn mà ông Trương làm việc và tìm cách bắt giữ ông. Sau khi ông trốn thoát, cảnh sát đã khám xét toàn trường để tìm ông.
Vào ngày 4 tháng 12 năm 2008, Tất Khắc Phong và Lữ Chí Cường của Văn phòng An ninh Nội địa Kim Châu đã đến trường và cố gắng bắt giữ ông Trương. Vì không tìm thấy ông, họ đã bắt giữ bà Miêu. Họ lấy đi chìa khóa nhà và lục soát nơi ở của họ.
Khi gia đình bà Miêu đến Đồn Công an Lượng Giáp Điếm để yêu cầu trả tự do cho bà, một cảnh sát nói rằng ông Trương không phải là một người chồng tốt vì ông ấy đã không tự ra đầu thú để đổi lấy việc bà Miêu được thả.
Trong khi thẩm vấn bà Miêu tại đồn công an, cảnh sát đã sốc điện bà bằng dùi cui điện, đạp giày vào mặt và châm thuốc lá dí vào mặt bà. Các cảnh sát cũng túm tóc và cầm tay bà để cưỡng chế ký tên vào một bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.
Ngày 4 tháng 1 năm 2009, khi gia đình bà Miêu đến Văn phòng An ninh Nội địa Kim Châu để yêu cầu trả tự do cho bà, Tất Khắc Phong (phó trưởng phòng), đã yêu cầu họ tìm ông Trương càng sớm càng tốt. Gia đình hỏi cảnh sát rằng liệu bà đã làm gì sai hay bà bị bắt làm con tin, Tất trả lời rằng họ nên yêu cầu ông Trương ra đầu thú sớm.
Sau đó, để trả đũa, cảnh sát đã để bà Miêu bị lãnh án một năm lao động tại Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia, khi đó con gái bà mới hai tuổi. Cô bé ở với ông bà ngoại và thường xuyên đau ốm. Khi bà Miêu được thả một năm sau đó, cô con gái nhỏ thậm chí không thể nhận ra bà và nói: “Vài ngày nữa mẹ con sẽ về nhà.”
Không lâu sau, cảnh sát hỏi số điện thoại di động của bà Miêu và hỏi liệu bà có sử dụng máy tính ở nhà để truy cập internet hay không. Đồng thời, cảnh sát tìm ra nơi ông Trương đang làm thuê để kiếm sống. Vì ông Trương không có mặt khi họ đến, nên họ yêu cầu các đồng nghiệp của ông không nói với ông về việc họ đang tìm kiếm ông sau khi ông quay lại.
Sau khi bà Miêu tiếp tục giảng dạy trong trường, cảnh sát liên tục đến sách nhiễu bà và đôi khi quay video lúc bà đang giảng bài.
Ông Trương sau đó đã trở về nhà và tiếp tục làm việc tại trường. Vào ngày 10 tháng 7 năm 2019, một cảnh sát đã chặn ông ở lối vào của trường học và yêu cầu ông đến đồn công an để trả lời một số câu hỏi. Vì ông Trương từ chối, cảnh sát đã đợi ở bên ngoài nhà ông cho đến tối muộn để giám sát ông.
Thông tin liên lạc của các thủ phạm tham gia bức hại:
Vương Trung Khoa (王忠 科), Phó Đồn Công an Đăng Sa Hà: + 86-18341112556
Ngô Kiến Xương (吴建昌), Trưởng Phòng Giáo dục Quận Kim Phổ Tân: + 86-411-87683220, + 86-13504950900
Tôn Bằng Phi (孙鹏飞), Hiệu trưởng Trường Trung học 123: + 86-13354082333, + 86-13842616208, + 86-411-87583300
Chu Quân (周军), Trưởng Văn phòng An ninh Nội địa Kim Châu: + 86-411-87837077
(Thông tin liên hệ của các thủ phạm khác có trong bản gốc tiếng Hán.)
Bài liên quan:
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/10/25/432866.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/11/30/196794.html
Đăng ngày 15-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.