Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc

[MINH HUỆ 23-10-2021] Một năm sau khi bà Ân Tiên Bình mãn hạn ba năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công, ngày 2 tháng 8 năm 2021 bà lại bị kết án bốn năm tù cũng vì lý do tương tự.

Bà Ân, khoảng 55 tuổi, là một y tá tại Trạm huyết học huyện Đô Xương, tỉnh Giang Tây. Ngày 23 tháng 2 năm 2021 bà bị tố giác với cảnh sát vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công xung quanh tòa nhà chính quyền huyện Đô Xương. Ngày hôm sau bà bị tạm giữ hình sự và sau đó việc bắt giữ bà được phê chuẩn vào ngày 5 tháng 3. Vào tháng 5, bà bị chuyển đến Trại giam thành phố Cửu Giang.

Ngày 2 tháng 8 năm 2021 Tòa án huyện Vĩnh Tu ở thành phố Cửu Giang kết án bà Ân bốn năm tù và 20.000 nhân dân tệ tiền phạt, với tội danh phá hoại việc thực thi pháp luật, cái cớ mặc định mà chính quyền cộng sản [Trung Quốc] sử dụng để buộc tội các học viên Pháp Luân Công.

Cha và con gái bị bức hại vì kiên định đức tin của mình

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân vào năm 1999, bà Ân và cha mình, ông Ân Dục Lại đã nhiều lần là mục tiêu [bị bức hại] vì đức tin của mình.

Ông Ân từng là Chủ tọa Tòa án Hình sự huyện Đô Xương và là cựu Giám đốc Cơ sở Điều trị và Phòng ngừa bệnh ký sinh trùng huyện Đô Xương. Ông cũng từng là người đứng đầu trạm huyết học mà bà Ân làm việc. Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996 sau khi nghỉ hưu. Vì giúp mọi người biết được chân tướng cuộc bức hại, ông đã bị bắt giam tổng cộng 13 năm tù và bị suy sụp tinh thần do bị bức hại trong nhà tù Tạ Chương.

Con gái bị mất việc, giam giữ và kết án vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công

Công việc bị hoãn không lương

Tại nơi làm việc, bà Ân thường phát tài liệu Pháp Luân Công cho các bệnh nhân xuất viện. Ngày 5 tháng 12 năm 2012, một bệnh nhân đã tố giác bà với giám đốc Tào Hoán Lợi. Ông Tào đã ra lệnh cho bà Ân ngừng phân phát tài liệu.

Ngày 12 tháng 12 năm 2012, bà lại bị tố giác với giám đốc Tào. Lần này bà khẳng định bà không làm gì sai khi nói về Pháp Luân Công và vẫn tiếp tục chia sẻ thông tin với các bệnh nhân của mình. Giám đốc Tào đã lục soát phòng làm việc của bà và lấy đi tất cả tài liệu Pháp Luân Công trong ngăn kéo và túi của bà ấy.

Hai ngày sau, Bí thư Đảng ủy trạm truyền máu Trương Bảo Long và hai người khác thông báo cho bà Ân rằng bà bị đình chỉ công tác không hưởng lương. Phòng 610 quận Đô Xương đã hủy một giải thưởng dành cho trạm truyền máu, khiến cho mỗi đồng nghiệp của bà mất vài nghìn nhân dân tệ.

Bị giam giữ trong mười ngày

Sáng ngày 7 tháng 9 năm 2013, bà Ân bị Chu Vĩ – giám đốc sở cảnh sát thị trấn Thổ Đường bắt khi bà đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công trên đường phố.

Sau khi bị Chu Vĩ thẩm vấn, bà Ân bị chuyển đến phòng An ninh Nội địa của quận để giam giữ thêm và thẩm vấn bạo lực. Sau đó bà bị giam tại Trung tâm giam giữ quận Đô Xương trong mười ngày.

Bị kết án ba năm

Khoảng 8 giờ tối, ngày 8 tháng 1 năm 2016, bà Ân đã bị cảnh sát Thạch Giai Lượng thuộc đội điều tra tội phạm của quận bắt khi bà đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công trên đường phố. Nhà của bà bị lục soát và bà bị đưa đến Trung tâm giam giữ quận Đô Xương để bức hại.

Cuối tháng 4 năm 2016, tòa án quận Đô Xương đã xét xử bà Ân và kết án bà ba năm tù giam. Bà đã kháng cáo với Tòa án trung cấp thành phố Cửu Giang nhưng tòa án ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu vào giữa tháng 7 năm 2016.

Trong thời gian bị giam tại Nhà tù nữ Giang Tây, bà Ân đã từng xé một tấm áp phích phỉ báng Pháp Luân Công. Các tù nhân đã tát vào mặt bà đến khi sưng lên và môi bị xệ xuống. Bà còn bị tẩy não, không cho ngủ, đứng nhiều giờ, bị đánh đập và ngược đãi.

Người cha bị tra tấn đến suy sụp tinh thần

Ba năm trong Trại Lao động Cưỡng bức

Ngày 3 tháng 7 năm 2000 ông Ân đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tập Pháp Luân Công. Ông bị bắt và bị giam giữ trong 35 ngày, hầu hết thời gian là ở Trại giam huyện Đô Xương.

Ông lại bị bắt vào cuối năm 2000. Một tuần sau khi được thả ra, ông trở lại Bắc Kinh và bị bắt một lần nữa. Sau đó ông bị kết án ba năm lao động cưỡng bức.

Trong suốt ba năm, từ năm 2001 đến 2003, ông Ân bị giam giữ tại Trại Lao động Cưỡng bức thành phố Cửu Giang, còn được gọi là Trại Lao động Cưỡng bức Mã Gia Lũng. Bên cạnh công việc đòi hỏi tập trung cao là làm đèn màu và lắp ráp máy cát sét đồng hồ thạch anh, ông còn thường xuyên bị các lính canh nhục mạ.

Ngay cả sau khi ông được thả ra khỏi trại lao động, các nhân viên cảnh sát địa phương còn theo dõi và sách nhiễu ông. Họ thường xuyên đột nhập, lục soát nhà, tống tiền và đe dọa ông.

Tám năm trong tù, bị tra tấn đến suy sụp tinh thần

Vào ngày 29 tháng 1 năm 2005, các nhân viên của Văn phòng An ninh Nội địa Đô Xương bắt ông Ân vì tại nhà có các tờ rơi thông tin Pháp Luân Công và giam giữ ông tại trại giam địa phương. Vào tháng 6 năm 2006, Tòa án huyện Đô Xương kết án ông tám năm tù và không cho phép ông kháng án. Ông bị chuyển đến trang trại Châu Hồ và sau đó đến nhà tù Dư Chương, nơi ông bị buộc tẩy não và bị yêu cầu từ bỏ Pháp Luân Công.

Năm 2010, hàng chục lính canh được giao nhiệm vụ chuyển hóa ông Ân. Họ buộc ông ngồi trong góc cả ngày đêm và hiếm khi cho phép ông ngủ. Họ không ngừng tra tấn ngay cả khi ông đi tiêu trong quần. Họ cũng không cho phép ông giặt quần áo của mình. Cuối cùng thì họ cũng thành công trong việc ép ông viết bản cam kết bất tu luyện.

Vào tháng 3 năm 2010, ông Ân bị chuyển từ khu số 1 qua khu số 12, nơi mà các lính canh buộc ông làm những việc lau dọn nặng nhọc. Sau tháng 10 năm đó, các lính canh hướng dẫn các tù nhân tăng cường việc bức hại. Họ tẩm vào đồ ăn và thức uống của ông những thuốc gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Ông Ân bắt đầu cảm thấy đau khớp và khó chịu. Ông không thể đi lại và phải cần sự giúp đỡ.

Thời gian dài bị tra tấn khiến sức khỏe ông Ân ngày càng xấu đi. Toàn thân sưng tấy, ông bị nôn ra máu và có máu trong phân. Ông được chuyển đến bệnh viện sau khi được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tim mạch tại bệnh xá nhà tù.

Sau khi được thả ra vào ngày 4 tháng 7 năm 2011, ông Ân không dám về nhà mà chuyển đến nhà người thân. Ông đội mũ và đeo khẩu trang dày nhưng ông vẫn cảm thấy lạnh run vào mùa hè. Ông không dám gặp bất cứ ai và luôn nói: “Họ (ý là cảnh sát) muốn giết tôi và gia đình tôi. Tôi không thể về nhà”. Khoản trợ cấp 1.000 nhân dân tệ hàng tháng cho người thu nhập thấp của ông cũng bị chặn kể từ nửa cuối năm 2012.

Lần khác: Ba năm và hai tháng tù vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công

Vào buổi sáng ngày 13 tháng 1 năm 2014, ông Ân bị bắt lần nữa khi ông đang phân pháp tài liệu Pháp Luân Công ở xã Từ Phu. Ông bị đưa đến đồn công an và bị thẩm vấn trong hơn năm tiếng đồng hồ. Nhân viên cảnh sát là Hoàng Kỷ Mưu đã đấm ông một cái mạnh. Buổi chiều, ông Ân bị chuyển đến sở cảnh sát thành phố để thẩm vấn thêm trước khi ông bị bắt đến Trại giam huyện Đô Xương. Trước đó nhà ông cũng bị lục soát.

Buổi sáng ngày 21 tháng 5 năm 2014, ông Ân bị đưa ra xét xử và luật sư biện hộ ông vô tội. Sau đó thẩm phán kết án người đàn ông 83 tuổi này ba năm và hai tháng tù mà không thông báo cho gia đình ông. Con gái chỉ biết về bản án của ông khi bà đến thăm ông vào ngày 13 tháng 6.

Ngày 24 tháng 6 ông Ân bị đưa đến nhà tù Cảnh Đức Trấn 3. Hai tháng sau, vào ngày 27 tháng 8, gia đình ông được phép đến thăm và ngạc nhiên khi thấy ông sụt cân rất nhiều và suy nhược tinh thần.

Ông Ân được thả ra vào tháng 3 năm 2017.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/10/23/432810.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/11/9/196517.html

Đăng ngày 29-11-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share