Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc

[MINH HUỆ 21-10-2021] Vào lúc 6 giờ sáng ngày 10 tháng 5 năm 2021, hơn 200 cảnh sát ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô được điều động để bắt giữ 15 cư dân địa phương vì tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại kể từ năm 1999 đến nay. Tất cả cảnh sát đều mặc thường phục và lái những chiếc xe ô tô không nhãn hiệu mang biển số dân sự.

Ngoại trừ bà Châu Thu Linh được thả sau hai tuần bị giam giữ, 14 học viên Pháp Luân Công còn lại vẫn còn bị giam giữ kể từ đó cho đến nay. Cảnh sát cản trở luật sư của các học viên tiếp cận họ. Cảnh sát còn buộc các học viên viết tuyên bố rằng họ không cần có đại diện pháp lý vốn không phải là điều họ muốn.

14 học viên bao gồm: Bà Đổng Uyển Ngọc, ông Kê Dũng và vợ mình bà Phan Ninh, bà Thôi Bình, bà Mai Hồng Quyên, bà Lý Thủ Khiết, bà Ngô Tiểu Minh, bà Viên Huệ Phần, bà Triệu Hải Ba, bà Châu Oánh, ông Thường Tranh, bà Hàn Quế Hương, bà Cơ Thúy Bình và ông/bà Tiểu Văn (chưa xác định giới tính).

Cảnh sát từ chối tiết lộ nơi giam giữ nên gia đình của các học viên phải đi quanh thành phố để tìm kiếm thông tin. Gia đình của một học viên đã gọi đến đường dây nóng của chủ tịch thành phố để đòi công lý cho người thân của mình và sau đó nhận được thông báo từ sở cảnh sát thành phố Trường Hồ cho biết rằng các học viên đang bị giam giữ tại một khách sạn thuộc quyền quản lý của đồn cảnh sát Phục Trang Thành, thành phố Trường Hồ, cách Tô Châu khoảng 64 km. Người nhà của các học viên khác không nhận được thông báo nào từ trước thời điểm viết bài báo này.

Gia đình của các học viên cũng xác nhận rằng việc bắt giữ là từ lệnh của Hứa Mỹ Kiện, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Tô Châu và Giang Hải, Cục trưởng Cục Cảnh sát thành phố Tô Châu. Văn phòng An ninh Nội địa Tô Châu và phòng 610, một cơ quan ngoài pháp luật được đặc biệt thành lập để đàn áp Pháp Luân Công cũng tham gia vào vụ bắt giữ hàng loạt này.

Từ một nguồn tin nội bộ, gia đình của các học viên biết được rằng có hơn 300 cảnh sát và nhân viên hiện diện tại trung tâm tẩy não trong một khách sạn bí mật và chi phí hoạt động hàng tháng hơn 2 triệu nhân dân tệ. Mười hai cảnh sát trực ca hai tiếng thay phiên nhau giám sát từng học viên suốt ngày đêm. Cảnh sát tùy tiện đánh đập, chửi mắng các học viên để ép họ từ bỏ Pháp Luân Công và không cho phép họ ra khỏi phòng.

Để được đến thăm các học viên, luật sư phải nộp đơn đến đồn cảnh sát Phục Trang Thành, sau đó xin cấp trên chấp thuận. Tất cả các chuyến thăm của luật sư đều phải đi cùng với các viên chức từ Phòng An ninh Nội địa và Phòng 610. Cho đến nay, chỉ có luật sư của một học viên được phép đến thăm, trong khi luật sư của những học viên khác đều bị từ chối.

Bà Mai Hồng Quyên

Ngày 8 tháng 7 năm 2021, luật sư và gia đình đến thăm bà. Thiệu Mỗ, phó trưởng đồn cảnh sát nói với luật sư rằng họ sẽ thông báo cho ông ấy trong vòng 48 tiếng kể từ khi yêu cầu thăm viếng được chấp thuận.

Ngày hôm sau, cảnh sát trao cho luật sư bản sao ghi chú của bà Mai rằng bà từ chối gặp luật sư. Luật sư nghi ngờ tính xác thực của bản ghi chú và yêu cầu xem bản gốc trước khi ông ký vào tờ ghi chú theo yêu cầu của cảnh sát.

Lúc 4 giờ chiều, cảnh sát Cao Tường đến mang theo cả bản gốc và một bản sao nhưng ông ta không đưa cho luật sư bản gốc. Luật sư phản đối rằng không thể nói rằng bà Mai chủ động viết tờ ghi chú đó hay bà bị ép buộc viết không theo nguyện vọng của mình. Ông kiên quyết yêu cầu được gặp riêng bà.

Do sự phản đối mạnh mẽ của luật sư, Cao Tường cho phép con gái bà Mai được nói chuyện điện thoại với mẹ. Bà Mai nói rằng bà bị ép buộc viết tờ ghi chú đó trái với ý chí của bà và yêu cầu được gặp luật sư. Không rõ là bà có được phép gọi điện thoại qua video với luật sư hay không.

Bà Đổng Uyển Ngọc

Ngày 17 tháng 7 năm 2021, luật sư của bà Đổng Uyển Ngọc đến đồn cảnh sát Phục Trang Thành đến thăm bà. Cảnh sát bắt ông chờ đợi đến 5 tiếng đồng hồ trước khi cho ông vào nói chuyện với bà Đổng qua video lúc 2 giờ chiều. Bà Đổng nói với luật sư rằng họ bị giám sát suốt ngày đêm và tất cả bị giam trong phòng riêng.

Ông Thường Tranh

Ngày 5 tháng 8 năm 2021 luật sư nộp đơn yêu cầu được gặp ông Thường nhưng chỉ được trợ lý cảnh sát không có thẩm quyền cho biết rằng đơn của ông không đáp ứng các yêu cầu.

Cảnh sát cho rằng luật sư đã không cung cấp bằng chứng cho thấy dì của ông Thường là bà Tiêu Đông Lan đã thuê luật sư cho ông Thường. Luật sư chỉ rõ rằng bất cứ ai cũng có thể thuê luật sư cho người khác, kể cả là bạn bè. Cảnh sát nói lại rằng: “Luật chỉ là luật. Ở đồn cảnh sát đây, chúng tôi có luật riêng. Ông phải theo luật lệ của chúng tôi ở đây”. Luật sư hỏi: “Nếu đồn cảnh sát mà không tuân theo luật pháp thì hỏi ai mới tuân theo”.

Luật sư đã dành 50 phút để nói chuyện với cảnh sát nhưng không có kết quả. Cảnh sát đòi hỏi bà Tiêu phải đến đồn cảnh sát địa phương lấy một văn bản xác nhận bà là dì của ông Thường.

Vì để luật sư có thể gặp ông Thường nên ngày hôm sau bà Tiêu đến đồn cảnh sát địa phương để lấy giấy xác nhận nhưng bị từ chối vì họ nói là không thể xác minh được bà có phải là người thân của ông Thường hay không.

Bà Ngô Tiểu Minh

Ngày 29 tháng 9 năm 2021, luật sư, chồng và con trai bà Ngô đến thăm bà. Cảnh sát đã chặn họ lại với lý do là cảnh sát trưởng đang họp.

Sau hàng giờ chờ đợi, luật sư yêu cầu cảnh sát tuân thủ quy định về thủ tục thăm nuôi. Cảnh sát đã cố dẫn cho luật sư đến phòng An ninh Nội địa thành phố Trường Hồ nhưng ông cho rằng làm vậy là bất hợp pháp. Khi ông đang định gọi điện thoại tố cáo cảnh sát cản trở việc thăm nuôi thì cảnh sát trưởng đến. Ông ta chụp ảnh thư thăm nuôi của luật sư và gửi đến phòng An ninh Nội địa và Phòng 610 để xem xét.

Hai mươi phút sau, cảnh sát trưởng quay trở lại và bảo luật sư phải chờ đến 2 giờ chiều mới được gặp bà Ngô.

Mãi đến 4 giờ 15 chiều cảnh sát mới gọi cho luật sư và trao cho ông một “tuyên bố“ từ bà Ngô rằng bà không muốn có luật sư đại diện và sẽ tự bào chữa. Bản tuyên bố đề ngày 29 tháng 9 có điểm chỉ của bà. Trước khi luật sư đọc xong bản “tuyên bố”, viên cảnh sát đã biến mất.

Chồng bà Ngô khẳng định rằng bản “tuyên bố“ không thể do bà Ngô tự nguyện viết. Ông cùng với luật sư trở lại đồn cảnh sát và yêu cầu xác nhận riêng điều đó với bà. Khi họ đến nơi thì viên cảnh sát trưởng đã đi về. Nhân viên còn lại ở đó nói với chồng và luật sư của bà Ngô: “Giờ người phụ trách không có ở đây. Tôi không thể xử lý việc này.”

Thông tin những kẻ tham gia bức hại:

Đồn cảnh sát Phục Trang Thành +86-512-52742110, +86-512-52751783
Lý Á Bình (李亚平), Thị trưởng thành phố Tô Châu
Giang Hải (江海), Giám đốc sở cảnh sát Tô Châu
Hứa Mỹ Kiện (许美健), Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Tô Châu

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/10/21/432750.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/10/23/196287.html

Đăng ngày 16-11-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share