Bài viết của Nhược Mai, một đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc Đại Lục

[MINH HUỆ 11-06-2021] Sư phụ giảng:

“Tu luyện ấy, chính là ‘thành tựu sinh mệnh’” (Giảng Pháp tại Washington DC năm 2018)

Khi đọc đến 4 chữ “thành tựu sinh mệnh,” toàn thân tôi chấn động. Cảm nhận đầu tiên chính là chỉ cần tôi tinh tấn tu luyện thì sẽ có thể viên mãn. Nhưng khi tôi học bài giảng Pháp này đến lần thứ tám, tôi nhận thức được tư tưởng của bản thân mình quá hạn hẹp và tự tư.

Mục đích của chúng ta khi đến tam giới này chính là trợ Sư chính Pháp, cứu độ chúng sinh, là tới để giúp thành tựu nhiều hơn nữa các sinh mệnh. Chỉ cần chúng ta làm tốt ba việc, chúng sinh của thế giới chúng ta đều sẽ trở thành những sinh mệnh của tương lai; chúng ta dùng trí huệ, tài năng, tiền tài, thân người của mình – hết thảy mọi thứ chúng ta có trong thế giới con người, để cứu người. Dường như chúng ta đang vứt bỏ hết thảy những gì mình có, nhưng những thứ đó do ai cấp cho chúng ta? Chính là Đại Pháp đã tạo ra hết thảy mọi thứ trong vũ trụ, là Sư phụ đã ban cho chúng ta hết thảy, mà tất cả những thứ này dùng để “thành tựu sinh mệnh,” chứ không phải là dùng để sống cuộc sống người thường. Nói cách khác, tất cả những thứ mà chúng ta nghĩ là của chính mình kỳ thực vốn cũng không phải là của chúng ta.

Tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đã nhiều năm, nhưng chân tôi vẫn bị đau khi đả tọa. Cơn đau đã khiến tôi không thể nhập tĩnh. Một ngày nọ, tôi nhận ra rằng mình đã quá chấp trước vào “cơn đau,” có nghĩa là tôi chấp trước vào nhục thân con người. Pháp môn tu luyện của Phật Thích Ca Mâu Ni yêu cầu đạt đến niết bàn và cuối cùng từ bỏ cả nhục thân, tu đến tối cao cũng chỉ bất quá đạt quả vị Như Lai, còn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp của chúng ta không có giới hạn về tầng thứ mà chúng ta có thể đạt được. Tối thiểu chúng ta cần từ bỏ chấp trước vào nhục thân.

Chúng ta đã qua nhiều tầng thứ để hạ xuống Tam giới, nhục thân bất quá chỉ là một phương tiện. Có nhục thân này nên chúng ta có thể sống ở đây trong thế giới con người này để cứu người. Sư phụ đã giảng rằng quá trình chịu đau là quá trình tiêu nghiệp.

Khi tôi nhận ra điều này, tôi liền nói với loại vật chất đen gây ra cơn đau chân: “Các ngươi sẽ trở thành những sinh mệnh mới phù hợp với các tiêu chuẩn của vũ trụ mới. Ta hy vọng các ngươi có thể chủ động đồng hóa với Đại Pháp và ngừng can nhiễu ta.” Cứ như vậy cơn đau chân của tôi ngay lập tức dịu đi.

Sư phụ giảng:

“Mà trong Chính Pháp, chư vị phải quy tân hết tất cả, thậm chí bỏ đi những gì thiếu sót, biến thành tốt, [nhưng] chúng không buông bỏ được, do đó chúng chính là muốn can nhiễu chư vị trong Chính Pháp của chư vị, biến Chính Pháp thành dạng thức mà chúng muốn.” (Giảng Pháp tại Washington DC năm 2018)

Lời giảng của Sư phụ: “chúng không buông bỏ được” hiện lên trong tâm trí tôi. Khi đào sâu hơn, tôi nhận ra rằng tất cả những thứ mà chúng ta không muốn buông bỏ chính là những thứ chúng ta cần phải từ bỏ trong tu luyện của mình. Thậm chí “những gì thiếu sót” mà chúng ta không muốn buông bỏ, thì làm sao chúng ta có thể tu luyện? Chúng ta cần phải sẵn sàng chịu đau đớn để buông bỏ những vật chất màu đen, chỉ như vậy chúng ta mới có thể tu luyện. Chỉ khi chúng ta loại bỏ điều xấu, chúng ta mới có thể đạt được điều tốt đẹp.

Sau khi kinh văn “Giảng Pháp năm 2018 tại Washington, D.C.” được công bố, tôi đã có thể dễ dàng đả toạ trong một tiếng đồng hồ mà không bị đau.

Chứng đau răng

Từ khi virus Trung Cộng bùng phát, tôi đã gặp những cơn đau răng đến rồi đi liên tục nhiều lần. Lúc đầu, tôi nghĩ đó là bởi vì mẹ tôi chuyển đến ở cùng chúng tôi và cơ thể tôi đang thích nghi với sự thay đổi của thói quen và lối sống. Chỉ khi cơn đau răng trở nên tồi tệ hơn, tôi mới bắt đầu nhìn nhận lại. Tôi nhận thấy chấp trước vào tình với mẹ, thực tế là tôi thích được khen và không thích bị sai khiến làm việc gì.

Cơn đau đã giảm bớt trong vài ngày sau khi tôi tìm thấy những chấp trước này nhưng lại nhanh chóng gia tăng. Sau đó tôi nhận ra đó là do tôi sợ đau. Tôi đã quá coi trọng cơn đau.

Sư phụ giảng:

“Chư vị muốn quay trở về thì phải có hai yếu tố: một là chịu khổ, hai là ngộ.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney [1996])

Sợ đau chính là không muốn chịu khổ. Nếu một người không muốn chịu khổ, thì không thể quay trở về.

Sư phụ cũng giảng:

“… Cật khổ đương thành lạc.” (Khổ Kỳ Tâm Chí, Hồng Ngâm)

Tôi tự hỏi: “Mình đã lấy khổ làm vui chưa?” Tôi thường tỏ ra gắt gỏng và cau có. Tôi không muốn chịu đựng đau đớn. Tôi đã không đạt được tiêu chuẩn của Pháp — nói cách khác, hành động và suy nghĩ của tôi không dựa trên Pháp. Tôi có thể tạm thời chịu đựng như một người “cứng rắn” giữa những người thường. Tuy nhiên, khi thời gian kéo dài, nếu không dùng Pháp đối đãi, sẽ không thể vượt qua.

Vậy thì không sợ đau là gì? Khi chúng ta chuyển từ “chịu đựng” sang “tiếp nhận,” thậm chí là “tận hưởng” cơn đau, chúng ta rất vui khi có “cơn đau” vì chúng ta biết rằng cơn đau này giúp chúng ta tiêu nghiệp và đề cao trong tu luyện. Trong khi phủ nhận hoàn toàn an bài của Cựu thế lực, chúng ta hướng nội tìm, vì chúng ta biết cái đau đó chỉ là giả tướng nên chúng ta có thể bình tĩnh tiếp nhận nó.

Phủ định “cơn đau”

Gần đây, trong khi làm một hạng mục giảng chân tướng, tôi đã trải qua khổ nạn lớn nhất từ trước đến nay trong tu luyện của mình. Tôi đã bị đau dữ dội ở chỗ xương hông trong suốt hai tháng, lúc nghiêm trọng nhất tôi đã không thể ngủ trong ba ngày liền.

Ban ngày, tôi khập khiễng bước đi và cố gắng duy trì tham gia hạng mục như bình thường. Nhưng cứ bước hơn 10 bước tôi phải dừng lại nghỉ để cơn đau giảm bớt. Buổi tối, tôi lăn lộn trên giường. Đôi khi tôi đổ mồ hôi rất nhiều khiến quần áo ướt sũng. Khi tôi đau đến mức không thể chịu đựng được nữa, ở trong đầu não tôi bắt đầu diễn ra cuộc giao chiến giữa chân ngã và giả ngã.

Giả ngã nói: “Hãy đi bệnh viện để được chữa trị.” Chân ngã nói: “Ngươi là một vị Thần, bác sĩ người thường làm sao có thể cải biến trạng thái của Thần chứ?” Giả ngã nói: “Hãy nhớ rằng một đồng tu đã từng nói rằng đây là triệu chứng của bệnh tiểu đường? Cha của ngươi đã chết vì bệnh tiểu đường. Ông ấy đã phải cắt một chân.” Chân ngã nói: “Khi bắt đầu tu luyện Đại Pháp, Sư phụ đã thanh lý cơ thể cho chúng ta. Bệnh tiểu đường nào chứ? Chuyện đó không liên quan gì tới ta.“

Giả ngã: “Nếu không có khả năng làm thì đừng nên đảm nhận công việc hạng mục. Tại sao ngươi không nhận ra những hạn chế của bản thân? Ngươi tưởng rằng mình có thể đảm nhận công việc hạng mục sao? Sang năm đừng ôm công việc này vào người. Ngươi có thể làm việc khác — có rất nhiều các hạng mục giảng chân tướng khác nhau.”

Chân ngã nói: “Đây là thệ ước của ta. Nếu không hoàn thành, làm sao ta có thể đối diện với Sư phụ?” Giả ngã nói: “Ngươi đang làm theo những yêu cầu của hạng mục nhưng những người khác không hiểu được.” Chân ngã nói: “Chúng ta nên hướng nội và hướng nội tìm vô điều kiện. Đó là lỗi của ta. Ngươi sẽ không thể khiến ta bắt đầu xung đột với các học viên khác. Ta không bị lừa đâu.”

Chân ngã và giả ngã không ngừng giao tranh, thay phiên nhau chi phối suy nghĩ của tôi. Các chủng niệm đầu bất hảo xuất hiện trong đầu tôi. Sau nhiều khó khăn, tôi đã phủ định những suy nghĩ này và biết rằng cựu thế lực đang cố gắng hạ gục tôi. Tôi cảm thấy ngay cả việc thở cũng khó khăn — đó là một trận chiến dữ dội từng phút từng giây với cựu thế lực.

Vượt qua ma nạn

Em trai tôi đã mang cho tôi một loại thuốc giảm đau thảo dược cổ truyền của Trung Quốc và tôi đã bôi nó vào vùng xương hông. Ngay lập tức tôi cảm thấy nóng như lửa đốt. Nó không giúp tôi giảm đau mà còn khiến tôi bị tức ngực — vì việc sử dụng thuốc không dựa trên Pháp. Tôi liền lao vào phòng tắm, rửa sạch chỗ thuốc đó và xin lỗi Sư phụ: “Thưa Sư phụ con đã sai rồi.”

Mộtl lần vào buổi tối, tôi cảm thấy không thể chịu đựng được nữa. Tôi liền cầu xin Sư phụ: “Xin hãy cho con ngủ trong hai tiếng.” Với sự bảo hộ của Sư phụ và các đồng tu liên tục phát chính niệm cho tôi, đêm hôm đó tôi đã có thể ngủ ngon giấc. Sư phụ đã chịu đựng rất nhiều vì tôi. Tôi đã liên tục hướng nội tìm, không ngừng niệm chín chữ chân ngôn “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo.” Có lúc cơn đau giảm một chút, nhưng đến buổi tối cơn đau rất dữ dội, gần như không thể chịu nổi.

Trợ giúp từ các đồng tu

Một học viên mà tôi đã không gặp trong một thời gian dài đã “tình cờ” đến thăm tôi. Thấy tôi đau đớn như vậy, cô ấy nói: “Sư phụ hẳn đã phái em đến đây. Chị đừng lo lắng, em sẽ đến đón và đưa chị đi làm hạng mục hàng ngày.” Nước mắt tôi trào ra.

Tôi đã giãi bày tất cả và kể cho cô ấy nghe tất cả những gì tôi đã trải qua trong những tuần qua. Càng nói tôi càng khóc to hơn dù trước đó tôi luôn tự nhận mình là người mạnh mẽ và hiếm khi khóc. Cô ấy vỗ nhẹ vào cánh tay tôi và nói: “Chị à, bây giờ là lúc chị sẽ đề cao.” Tôi lau nước mắt và nói: “Đi thôi. Hãy bắt đầu đi làm hạng mục.”

Hàng ngày vào buổi sáng người đồng tu này mang bữa sáng đến và đón tôi đi. Cô ấy cũng đưa tôi về vào buổi tối sau khi làm xong hạng mục.

Một học viên ở thành phố khác cũng đã tới thăm và nói với tôi rằng: “Hãy phóng đại tâm của mình. Đừng chỉ tập trung vào một thứ khi tìm kiếm tâm chấp trước. Hãy thoát ra khỏi tiêu điểm hạn hẹp đó. Chúng ta không chỉ chịu đựng cho bản thân, mà chúng ta còn cần phải chịu đựng cho hạng mục và cho hết thảy chúng sinh.” Khi tôi gia tăng khả năng chịu đựng như người học viên đó đề xuất, cơn đau hông của tôi đã giảm bớt.

Sư phụ giảng:

“Người tu luyện khi gặp phải mâu thuẫn thì nên chịu đựng nó, hơn nữa chính mình phải có thể nhẫn, chư vị mới có thể thật sự thăng hoa lên.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Houston [1996])

Hình thành một chỉnh thể

Các học viên khác tham gia vào hạng mục này cũng từng gặp phải can nhiễu ở nhiều mức độ khác nhau. Một học viên đã bị ngã và gãy cổ tay. Một học viên khác bị đau bụng và một học viên khác bị đau răng. Nhưng không ai dừng lại. Mọi người đều hoàn thành nhiệm vụ được giao và kiên trì ngày này qua ngày khác để làm việc với chất lượng tốt nhất.

Hạng mục có thời hạn mà chúng tôi phải đáp ứng. Là một nhóm làm việc cùng nhau, chúng tôi cần mỗi thành viên đều phải hoàn thành nhiệm vụ của mình và sau đó chuyển sang công đoạn tiếp theo. Sự kiên trì và kiên định của các thành viên khác trong nhóm thực sự rất đáng ngưỡng mộ. cựu thế lực đã nhằm vào hạng mục này và can nhiễu một cách tà ác. Tôi tin rằng lý do là sự bất đồng giữa tôi và những người khác về cách tiếp cận hạng mục. Chúng tôi đã tạo ra sơ hở trong chỉnh thể khiến tà ác có thể lợi dụng.

Nhưng chính xác sơ hở nằm ở đâu? Tôi đã quỳ trước ảnh của Sư phụ và xin Sư phụ giúp đỡ. Hai chữ lóe lên trong đầu tôi, “Góc nhọn.” Đặc điểm của góc nhọn là gì? Tư duy của tôi bị ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa đảng, và khi tự tìm trong bản thân, tôi nhận thấy nhiều quan niệm và chấp trước của mình đều bắt nguồn từ đó — hài lòng với bản thân, muốn hoàn thành công việc nhanh chóng, muốn chứng thực bản thân, chấp trước vào danh, tình đối với các đồng tu, tâm tranh đấu, oán giận các đồng tu vì không hợp tác, lòng dạ hẹp hòi và không khoan dung với người khác.

Tôi tự hỏi bản thân: “Mình có tín Sư tín Pháp không? Mình có tin vào các bạn đồng tu không? Mình có tin vào bản thân không? Mình có tin rằng mình sẽ tu luyện đạt đến viên mãn không? Mình có tin rằng những khổ nạn này đều là những hảo sự không?”

Vậy thì làm thế nào để hình thành chỉnh thể? Tôi nhận ra tại tầng thứ hiện tại, ít nhất chúng tôi cần đạt được ba điều. Đầu tiên, cần sẵn sàng hỗ trợ người khác và phối hợp vô điều kiện — đây cũng là quá trình buông bỏ chấp trước vào bản thân. Thứ hai, câu thông với các học viên khác và chấp nhận những lời góp ý thay vì cứng đầu và khăng khăng theo ý kiến ​​của mình. Chúng ta cần loại bỏ xu hướng áp đặt, vốn là đặc trưng của văn hóa đảng. Thứ ba, học cách xin lỗi và hạ mình xuống vị trí thấp nhất. Chúng ta nên tăng khả năng nhẫn và khoan dung của mình, để nó rộng lớn như đại dương và đối xử với mọi thứ với tâm thái bình tĩnh và thái độ khiêm tốn. Chúng ta nên không chỉ xin lỗi khi mình làm gì đó sai, mà ngay cả khi chúng ta bị đổ oan vì một việc không liên quan đến chúng ta, chúng ta vẫn nên xin lỗi. Nếu chúng ta có thể đạt được điều này, thì chúng ta đã thực sự đề cao.

Loại bỏ “Cơn đau”

Khi hạng mục đã hoàn thành, tôi dành nhiều thời gian hơn cho việc học Pháp và học 4 đến 5 bài giảng mỗi ngày. Tôi không thể ngồi nên tôi đã quỳ gối khi đọc Pháp. Tôi đã hoàn thành tất cả năm bài công pháp mỗi ngày bất chấp cơn đau, đặc biệt đau rất dữ dội trong lúc đả toạ. Tôi đã vã mồ hôi và toàn thân run rẩy khi ngồi song bàn dù chỉ một chút. Tuy nhiên, như một học viên đã nói: “Càng đau, tôi càng phải tiếp tục đả toạ.”

Vào buổi sáng ngày thứ 61 kể từ khi ma nạn này bắt đầu, tôi thức dậy lúc 3 giờ sáng trong cơn đau đớn tột cùng. Ngay khi tôi dựng lòng bàn tay lên để phát chính niệm, toàn bộ thân thể tôi đã được bao bọc bởi trường năng lượng khiến cơ thể tôi và lòng bàn tay của tôi lắc lư qua lại. Tôi đã cố gắng hết sức để giữ ổn định nhưng năng lượng quá mạnh. Sau đó tôi nhìn thấy một cục đá đen có kích thước bằng lòng bàn tay ở vùng hông.

Trên tảng đá có những đường vân màu đỏ trông giống như dung nham đang chảy, chỉ khác là nó mỏng hơn nhiều, bề mặt còn có một lớp màu đen đang chuyển động nhẹ như thể đang thở. Tôi ngay lập tức cầu xin Sư phụ gia trì cho tôi và ban cho tôi sức mạnh để đốt cháy tảng đá. Tuy nhiên, tôi không đủ sức mạnh nên tôi đã hô lên: “Các vị thần hộ pháp của tôi, xin hãy giúp đỡ!”

Các vị thần hộ pháp của tôi là rồng — rồng vàng với nhiều kích cỡ khác nhau. Sư phụ đã cho tôi thấy điều này khi cuộc bức hại mới bắt đầu. Vào thời điểm đó, tôi đã rất lo lắng khi phát tờ rơi Đại Pháp ở các khu dân cư. Tôi sợ đến mức tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực khi để lại tờ rơi trước cửa mỗi căn hộ. Sư phụ đã cho tôi thấy các vị thần hộ mệnh của tôi trong một giấc mơ.

Trong giấc mơ, tôi đang đi về nhà và đột nhiên gió bắt đầu thổi và một con rồng vàng từ trên trời bay xuống, đáp xuống sân thượng của tòa nhà chung cư của tôi. Đó là một khu chung cư bảy tầng với bốn tòa nhưng vẫn không đủ để chứa toàn bộ cơ thể của con rồng — đầu và đuôi của nó vượt ra ngoài sân thượng. Tôi đang đứng cách tòa nhà khoảng 15 mét và con rồng cúi đầu xuống ngang tầm tôi và húc vào tôi một cách tinh nghịch. Tôi nhìn rõ râu, mắt và nếp nhăn trên mũi nó. Cơ thể tôi được bao quanh bởi nhiều con rồng nhỏ đang đứng theo chiều dọc. Kể từ đó tôi đã bỏ được rất nhiều tâm sợ hãi.

Khi tôi gọi rồng hộ mệnh giúp đỡ, con rồng lớn xuất hiện và phun lửa vào vùng hông của tôi. Ngọn lửa xoay theo hình xoắn ốc, nhanh chóng tiếp cận cơ thể tôi, và khoan sâu hơn vào da thịt tôi, xuyên thủng không gian này đến không gian khác và hết lớp này đến lớp khác. Một số không gian kích thước nhỏ nên những con rồng nhỏ hơn đi xuyên qua và đồng thời phun lửa.

Một lúc lâu sau, tôi nghe thấy một giọng nói: “Bây giờ bạn đã ổn.” Cơn đau ở vùng hông của tôi đã biến mất. Từ thế đơn thủ lập chưởng, tôi đã dùng hai tay hợp thập để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất của mình đối với Sư phụ. Con xin tạ ơn Sư phụ!

Sau 60 ngày giao chiến chính tà, thể trọng của tôi đã giảm hơn 10 cân. Tôi đã khiến Sư phụ và các đồng tu thất vọng. Tôi đã không làm tốt việc viên dung chỉnh thể và đã không tín Sư tín Pháp, nhưng Sư phụ vẫn từ bi bảo hộ tôi và các đồng tu đã giúp đỡ tôi vô điều kiện.

Con xin tạ ơn Sư phụ. Cảm ơn các bạn đồng tu.

[Ghi chú của người biên tập: Bài viết dựa trên nhận thức cá nhân của tác giả về trạng thái tu luyện hiện tại, cùng quý đồng tu đối chiếu, để chúng ta có thể “Tỷ học tỷ tu”]

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/11/426369.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/6/194461.html

Đăng ngày 13-11-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share