Bài viết của Minh Lan, phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 15-10-2021] Vào khoảng năm 1650 trước công nguyên, một thành phố thịnh vượng đã bị phá hủy ngay lập tức. Nguyên nhân là gì? Giờ đây, các nhà khoa học cho rằng họ đã tìm ra câu trả lời và có thể khẳng định câu chuyện trong Kinh thánh về sự hủy diệt của thành Sodom.

Được đăng trên tạp chí khoa học Nature Scientific Reports vào ngày 20 tháng 9 năm 2021, một bài báo đã đưa ra bằng chứng cho thấy thành cổ Tall el-Hammam ở Thung lũng Jordan đã bị hủy diệt bởi một vụ nổ trong vũ trụ cách đây hơn 3.600 năm. Bài báo có tiêu đề “Một vụ nổ cỡ Tunguska đã hủy diệt thành Tall el-Hammam Thời đại Đồ đồng trung kỳ ở Thung lũng Jordan gần Biển Chết” (A Tunguska sized airburst destroyed Tall el-Hammam a Middle Bronze Age city in the Jordan Valley near the Dead Sea). 21 đồng tác giả bao gồm nhà khảo cổ học, nhà địa chất học, nhà địa hóa học, nhà địa mạo học, nhà khoáng vật học, nhà cổ thực vật học, nhà trầm tích học, chuyên gia về ảnh hưởng của vũ trụ và bác sỹ y khoa.

Bài báo viết, “Chúng tôi đã xem xét liệu những lời truyền miệng về sự hủy diệt của đô thành này bởi một vật thể vũ trụ có phải là nguồn gốc của phiên bản thành Sodom trong Sáng thế Ký hay không. Chúng tôi cũng xem xét liệu các chi tiết được kể lại trong Sáng thế Ký có phù hợp với các chi tiết đã biết về một sự kiện va chạm vũ trụ hay không.”

Trong sách Sáng thế Ký, có một câu chuyện về thành Sodom tội lỗi, là nơi bị Chúa trừng phạt bằng diêm sinh và lửa vì sự gian ác của dân chúng. Theo đó, thành Sodom ngay lập tức bị biến thành đống đổ nát. Tàn tích của thành cổ Tall el-Hammam khớp với mô tả về thành Sodom trong Kinh thánh, vì vậy một số học giả cho rằng đây là tàn tích của thành Sodom.

Các cuộc khai quật khảo cổ đã được tiến hành tại Tall el-Hammam kể từ năm 2005. Sau cuộc khai quật đầy công phu của hàng trăm người trong gần 15 năm, những vật liệu thu thập được đã được phân tích chi tiết bởi hơn 20 nhà khoa học từ 10 tiểu bang của Hoa Kỳ, Canada, Séc và các quốc gia khác.

aaae42df52ef711a0e100e846713945b.jpg

Một bài viết đăng trên tạp chí Nature Scientific Reports, ngày 20 tháng 9 năm 2021, cho thấy tàn tích về thành cổ Tall el-Hammam ở Thung lũng Jordan đã bị hủy diệt bởi một vụ nổ trong vũ trụ cách đây hơn 3.600 năm

Bài báo khoa học nêu trên đã phác họa nên bức tranh về một thảm họa sau đây.

Một thảm họa chết người

Sau khi mô phỏng, các nhà khoa học cho rằng các thiên thạch, với đường kính khoảng 60 đến 75 mét, đã phát nổ thành một quả cầu lửa khổng lồ cách bề mặt trái đất từ 1 đến 5 km. Nhiệt độ tại tâm của vụ nổ vượt quá 300.000 độ C, cao hơn nhiều so với nhiệt độ 5.000 độ C trên bề mặt mặt trời.

Bức xạ nhiệt đã lan rộng với tốc độ ánh sáng, làm nóng chảy nhanh chóng gốm sứ, đất sét và thạch cao. Nhiệt độ bề mặt trái đất ở vùng Sodom cũng tăng lên trên 1.850 độ C. Đồng thời, vụ nổ thiên thạch này đã tạo ra một làn sóng xung kích cực lớn, gây ra một trận gió mạnh quét qua toàn bộ thành phố với tốc độ 900 đến 1.200 km một giờ, và phá hủy tất cả các tòa nhà ở bất cứ nơi nào nó đi qua. Sức nổ của nó gấp 1.000 lần quả bom nguyên tử ở Hiroshima.

Trong lớp trầm tích dày khoảng 67,5 cm (5 feet), các nhà nghiên cứu đã khai quật được những mảnh gốm với lớp bề mặt bên ngoài bị nóng chảy thành thủy tinh, những hạt hình cầu được tạo thành bởi những kim loại nóng chảy như bạch kim, iridi, niken, vàng, bạc, zircon, cromit và thạch anh, hạt zircon phân ly. Hài cốt của con người trông rất ghê rợn, cho thấy bị trật khớp toàn bộ và gãy xương.

Những dấu hiệu này cho thấy sự hủy diệt của thành phố có liên quan đến nhiệt độ cực cao. Các nhà khảo cổ học cho rằng sau khi loại trừ chiến tranh, hỏa hoạn, núi lửa, sét và các yếu tố do con người tạo ra vốn không đủ để tạo ra sức mạnh hủy diệt như vậy, sự tồn tại của hiện tượng này chỉ có thể đến từ một vụ nổ trong vũ trụ.

Giả thuyết này còn được hỗ trợ bởi sự hiện diện của các “viên thạch anh bị sốc” được khai quật từ khu vực này. Thạch anh dạng đó được hình thành do va chạm ở áp suất và nhiệt độ cao. Bên trong viên thạch anh có một hoặc nhiều vết nứt thẳng hàng với trục tinh thể thạch anh và khác biệt đáng kể với các tinh thể đá tự nhiên.

Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng sau thảm họa này, thành Tall el-Hammam cùng các khu vực lân cận đã bị bỏ hoang từ 300 đến 600 năm. Dân số khu vực giảm từ 45.000 đến 60.000 người xuống chỉ còn vài trăm người du mục. Các nhà khoa học suy đoán rằng vụ nổ có thể đã khiến nước biển ở Biển Chết gần Tall el-Hammam bay hơi hoặc bắn tung tóe vào toàn bộ thung lũng, khiến cây trồng không thể phát triển và những người sống sót phải bỏ đi. Nồng độ muối cao được tìm thấy trong khu vực này đã chứng thực tuyên bố này.

Mối liên hệ với Kinh thánh

Các nhà khoa học cho rằng thảm họa này giống một thảm họa kết thúc nền văn minh hơn. Dựa vào vị trí của thành Tall el-Hammam, khung thời gian và cách nó bị hủy diệt, một số học giả cho rằng thành phố này là thành Sodom trong Kinh thánh.

Ông Steven Collins, nhà khảo cổ chính của dự án khai quật thành Tall el-Hammam, ủng hộ quan điểm cho rằng Tall el-Hammam là Sodom, điều mà ông cho rằng đã được chứng minh bằng bằng chứng rõ ràng. Ông cho hay vị trí địa lý, phạm vi và tuổi của thành phố này – đều hoàn toàn khớp với những gì được mô tả trong Kinh thánh.

Ông Collins lưu ý rằng thành cổ Tall el-Hammam có niên đại từ 3500 đến 1540 trước Công nguyên và đột ngột bị bỏ hoang. Thành Sodom, được nhắc đến trong Kinh thánh là thành phố lớn nhất ở bờ Đông sông Jordan, nằm trên tuyến đường thương mại chính và có những bức tường dày, cao. Thành cổ do nhóm khảo cổ khai quật được cho là lớn nhất trong khu vực, với những bức tường cao 10 m và dày 5,2 m, tất cả đều phù hợp với đặc điểm của Sodom được đề cập trong Kinh thánh.

Ngoài ra, nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học do Tiến sỹ Phil Silva đứng đầu đã cung cấp bằng chứng cho thấy thực sự đã có một vụ nổ hủy diệt thành phố này. Sự kiện này rõ ràng là nhất quán với câu chuyện về một quả cầu lửa trên không rơi xuống Sodom và Gomorrah như được mô tả trong Sáng thế Ký 19.

Hershel Shanks, biên tập viên của tạp chí Biblical Archaeology Review, đồng ý Tall el-Hammam là Sodom, nhưng lập luận rằng ý nghĩa đằng sau việc đề cập đến sự hủy diệt của Chúa đối với thành phố này của nhóm tác giả là điều cốt yếu, cho dù nghi vấn về thần học này cuối cùng có thể được chứng minh bằng khoa học hay không.

Các học giả khác cho rằng việc nghiên cứu sâu về thảm họa này là một lời cảnh báo đối với nhân loại ngày nay. Bài báo được đề cập ở trên cho biết: “Các vụ nổ có quy mô Tunguska có thể tàn phá toàn bộ các thành phố/khu vực và do đó, gây ra hiểm họa nghiêm trọng thời nay.”

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/10/15/432544.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/10/27/196344.html

Đăng ngày 07-11-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share