Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 17-08-2021] Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, từ bé vốn đã không khoẻ mạnh. Sau khi lớn lên, lại còn mắc thêm các chứng bệnh khác, gồm cả bệnh tim. Tôi luôn phải mang theo thuốc tác dụng nhanh bên mình phòng trường hợp lên cơn.

Năm 2003, khi tôi 36 tuổi, mẹ tôi đến thăm tôi và khuyên tôi nên tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (cũng còn được gọi là Pháp Luân Công). Tôi biết các bệnh viện chẳng thể giúp được gì cho mình, nên tôi quyết định tinh tấn tu luyện Đại Pháp. Trước khi bắt đầu học các bài giảng Pháp và luyện công, tôi đã vứt toàn bộ thuốc của mình đi và nói: “Kể từ bây giờ, mình không muốn nhìn thấy thứ này nữa.” Không lâu sau, Sư phụ đã tịnh hoá thân thể cho tôi. Tôi cảm thấy rất nhẹ nhàng, vô bệnh. Tôi thực sự cảm ân Sư phụ, Ngài đã ban cho tôi một cuộc đời mới!

Làm một người tốt hơn và tôn trọng người lớn tuổi

Gia đình nhà chồng tôi có năm anh em trai và ba chị em gái, họ thường hay có mâu thuẫn với nhau. Mâu thuẫn trước tiên là việc cấp dưỡng cho cha mẹ họ. Trước kia khi bố chồng tôi vẫn có thể tự chăm sóc cho bản thân, thì anh chồng lớn nhất đã nói với cả nhà rằng: “Mấy anh chị em chúng ta hãy trích ra mỗi năm 500 nhân dân tệ để trang trải tiền sinh hoạt phí cho bố.” Tuy nhiên người anh kế không muốn cho bố bất cứ thứ gì. Sau đó người chị lớn nhất cũng bảo rằng: “Anh hai không muốn cho bố tiền vậy chúng ta có phải cho bố không?” Tôi nói: “Anh ấy không muốn cho bố, thì đó là lựa chọn của anh ấy. Chúng ta hãy làm điều chúng ta cần làm.” Một năm sau, thì chị ấy cũng ngừng không gửi tiền cho bố nữa. Tôi nghĩ: “Ai muốn làm gì thì làm, còn tôi sẽ vẫn gửi tiền cho bố.”

Sư phụ giảng:

“Tất nhiên, chúng ta tu luyện trong xã hội người thường, [thì] hiếu kính cha mẹ, dạy dỗ con cái đều cần phải [làm]; tại các hoàn cảnh đều đối xử tốt với người khác, lấy Thiện đãi người, huống là thân nhân chư vị.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Khi bố chồng của tôi được 80 tuổi, ông bắt đầu bị lẩn thẩn và không thể tự chăm sóc cho bản thân được nữa. Mấy anh chị em đã ngồi lại với nhau để bàn bạc và lên kế hoạch thay phiên nhau chăm sóc cho ông: Ông sẽ ở với mỗi gia đình nửa tháng. Sau khi đạt được đồng thuận, câu hỏi kế tiếp là gia đình nào sẽ là gia đình đón ông về trước? Tất cả chúng tôi đều là nông dân và mùa thu là mùa thu hoạch. Tất cả đều rất bận và không ai muốn đón ông về.

Tôi nghĩ: “Mình là học viên. Mình nên là người đón ông về chăm sóc đầu tiên,” vì vậy tôi đồng ý đón ông về. Vài năm qua các anh chị em đều biết tôi đang tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Họ biết tôi sẽ không để tâm nếu lợi ích bản thân bị xâm phạm, nên họ không ngạc nhiên khi tôi là người đề nghị đưa bố chồng về nhà trước.

Chăm sóc cho người già

Vấn đề đầu tiên tôi gặp phải là cách chuẩn bị bữa ăn cho bố chồng. Ông đã bị rụng hết răng, nên chỉ có thể ăn được thức ăn rất mềm.

Một lần nọ, hai vợ chồng cháu trai đến thăm chúng tôi. Trong lúc cả nhà đang nói chuyện, bố chồng tôi ho ra đờm. Tôi nhanh chóng dùng khăn giấy để hứng và lau miệng cho ông.

Khi cháu tôi nhìn thấy vậy, nó liền cau mày và tỏ vẻ kinh tởm. Vợ cháu cũng tỏ ra không được thoải mái. Sau này vào một lần nọ khi tôi tình cờ gặp vợ của cháu trai, cô ấy có hỏi tôi rằng: “Lần đó khi ông khạc nhổ ra và bác lấy giấy hứng, bác không thấy ghê à? Nếu là cháu thì cháu không làm được.” Tôi nói: “Bác là một học viên Pháp Luân Đại Pháp. Sư phụ của bác dạy bác phải đối tốt với người khác, huống hồ đây là người nhà của chúng ta.”

Chồng tôi ra ngoài giảng chân tướng và bị buộc tội oan. Ông bị bắt và giam giữ trong ba năm. Khi ông không có ở nhà, tôi phải tự mình chăm sóc cho bố chồng. Lúc đầu tôi cảm thấy có chút ái ngại khi thay tã cho ông. Khi ông bị ướt, tôi đã gọi người anh chồng thứ ba đến tắm rửa và thay tã cho ông. Nhưng chẳng bao lâu thì tã lại dơ. Sau vài lần tôi cảm thấy mình không nên làm phiền anh chồng nữa, vì vậy tôi đã tự mình thay tã cho ông.

Tôi cũng nấu thức ăn ngon cho ông ăn. Tôi còn tự làm bánh bao và sủi cảo, rồi mua đủ loại món tráng miệng cho ông ăn. Giữa bữa sáng và bữa trưa, tôi cho ông ăn trái cây. Vì ông không có răng nên tôi đã gọt lê rồi phủ đường và hấp lên cho ông ăn. Chúng ngon đến mức ông có thể ăn hết một bát đầy. Vì lo lắng ông sẽ bị táo bón, nên tôi đã cho ông ăn thêm chuối và đào. Tôi cũng biết rằng khi ở với mấy người con khác, họ chỉ cho ông ăn cháo và không có rau. Nên tôi đã cho ông ăn thêm đậu hũ, trứng, cà tím, và những thứ khác để món ăn được ngon miệng hơn. Và tôi cũng thường xuyên thay đổi thực đơn.

Khi ông ăn ngon, thì kế đến chuyện đi đại tiện của ông cũng lại là vấn đề. Một sáng nọ khi tôi đang luyện công trong căn phòng kế bên phòng của ông, tôi đột nhiên nhìn thấy ông đang trần truồng ngồi bên mép giường. Tôi vội tắt nhạc và chạy vào giúp ông. Tôi thấy phân ở khắp mọi nơi — trên chăn, chăn bông và giường của ông. Tôi nhanh chóng lấy một chậu nước ấm và xà phòng để lau người cho ông.

Một lần nọ, hôm đó cháu trai của tôi đến đón ông về ở với cháu. Bố chồng tôi, người không bao giờ nói gì cả, đột nhiên nói “Bố không đi đâu hết!” Khi cháu trai cầm lấy chiếc gối của ông, ông đã giật lại và ôm nó thật chặt. Tôi biết rằng mặc dù ông không nói gì cả nhưng sâu thẳm trong ông biết rõ mình muốn gì.

Phần khó nhất là giúp ông mặc quần áo và cởi quần áo. Ông không biết cách dùng sức của mình để phối hợp với tôi, nên lần nào mặc hay cởi đồ cho ông cũng như đi đánh trận. Sau đó tôi đưa ông từ giường qua ghế, rồi dọn giường và rửa mặt, rửa tay cho ông. Sau đó tôi sẽ đút cho ông ăn từng chút một. Ông ăn rất chậm. Mặc dù tôi vẫn còn rất nhiều việc khác để làm nhưng tôi gắng hết sức để chăm sóc cho ông trước tiên trước khi làm các việc còn lại của mình.

Thi thoảng vào những ngày Chủ nhật, tôi nhờ con trai đưa ông ra sân phơi nắng. Khi trời quá nóng, tôi bảo con trai đứng sau che dù cho ông. Đôi khi cháu phải đứng với ông cả tiếng đồng hồ. Khi nào con trai của tôi mệt hoặc khi cháu phải làm bài tập về nhà, tôi giúp cháu đưa ông vào nhà.

Sau khi chồng tôi được trả tự do, ông ấy giúp tắm rửa cho bố, cắt tóc, cạo râu và cắt móng tay móng chân cho ông trong hai tháng trước khi ông qua đời ở tuổi 90.

Tôi đã làm những gì mình cần làm. Tôi không sợ khó khăn hay bẩn thỉu mà đã cố gắng hết sức để chăm sóc cho bố chồng, tất cả cho thấy Đại Pháp đã thay đổi tôi và giúp tôi trở thành người tốt hơn. Chính Đại Pháp đã dạy tôi cách cư xử và trở thành một người tốt hơn. Chúng ta không chỉ đối xử tốt với người thân mà còn phải tốt với người khác. Chúng ta cũng cần hướng nội bất cứ khi nào gặp mâu thuẫn.

Nghe chân tướng

Gia đình chúng tôi kiếm sống bằng nghề trồng và bán rau. Vào cuối mỗi ngày, chúng tôi đem rau ra chợ bán, tôi luôn nộp thuế đầy đủ trong khi những người bán hàng khác thì không, họ luôn bỏ chạy. Tôi để tiền sang một bên, và khi người thu thuế đến gặp tôi, tôi mới đưa nó cho anh ta.

Vì ngày nào tôi cũng ra chợ nên người thu thuế đã quen mặt tôi. Có lần khi tôi nhìn thấy người thu thuế từ đằng xa đang bước đến quầy hàng của chúng tôi, những người bán hàng bên cạnh tôi bắt đầu trốn như thường lệ. Khi tôi đưa tiền thuế cho anh, anh nhìn người bán hàng đang đứng ở kế bên tôi rồi nhìn tôi. Sau đó anh quay một vòng rồi bỏ đi và không thu tiền tôi nữa.

Một lần nọ, một học viên khác ngồi bán nấm bên cạnh tôi. Khi đến giờ nộp thuế, chúng tôi đã nộp phần thuế của chúng tôi. Sau khi nhân viên thu thuế rời đi, những người bán hàng bỏ chạy đã lần lượt quay trở lại. Một trong số họ là hàng xóm của tôi. Cô này đã hỏi tôi rằng: “Bà có nhiều tiền lắm vậy sao? Hay bà không biết tiêu tiền vậy? ” Tôi hỏi: “Sao cơ?” Thấy rằng tôi không hiểu, cô này đã nói: “Sao một trong hai người không trốn bớt đi một người?” Ý cô ấy muốn nói là tại sao chúng tôi không trả thuế cho một người thôi mà lại phải trả cho cả hai người.

Tôi nói: “Làm sao chúng tôi có thể làm vậy được? Nếu tôi bỏ đi, thì cô ấy sẽ phải khẳng định là số rau kia là của cô ấy, hoặc là tôi phải khẳng định số nấm kia là của tôi. Chúng tôi là người tu luyện Pháp Luân Công, và tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Chẳng phải làm như thế là nói dối sao?” Người hàng xóm của tôi nói: “Đúng, bà nói đúng. Tôi đã bị bà thuyết phục! Tôi đã bị thuyết phục!” Một lần nữa tôi đã đánh thức lương tâm của cô ấy.

Vào một lần khác, hôm đó tôi đang bán nho trong chợ và có một khách hàng đã thử tất cả các loại nho mà tôi có. Bà nói: “Tôi muốn loại nho đen này, tôi muốn mua thêm.” Khi ấy tôi không còn lại nhiều hàng nên đã nói: “Ngày mai tôi sẽ mang ra chợ loại này nhiều hơn và bà có thể quay lại lấy vào ngày mai.” Bà ấy đồng ý và tôi đã hỏi xin số điện thoại của bà. Ngày hôm sau khi dọn hàng ra tôi đã gọi cho bà ấy và bảo bà ấy có thể đến lấy hàng. Bà đồng ý.

Đúng lúc này, một khách hàng khác đến và cũng muốn mua loại nho đen này nhưng tôi yêu cầu cô ấy đợi. Cô ấy hỏi lý do tại sao, tôi giải thích có khách đã đặt mua số nho đen này rồi, nhưng tôi không biết bà ấy muốn bao nhiêu chùm. Tôi bảo cô ấy rằng: “Vị khách này đang đến cô ráng chờ thêm chút nữa.“

Cô này có chút không vui và nói: “Tôi không muốn cả chùm, tôi có thể nhặt mấy trái nho rụng cũng được.” Nghe vậy tôi nghĩ thế cũng được, nên đã đưa cho cô ấy một cái túi để nhặt. Khi cô này đang nhặt nho bỏ vào túi thì người phụ nữ đầu tiên đến. Nhìn thấy có người đang ngồi nhặt nho của mình, bà liền cảm thấy không vui. Bà bỏ xe đạp của mình sang một bên và nói lớn vào mặt tôi. “Sao bà lại làm vậy. Bà hứa với tôi rồi mà! Tại sao bà lại bán cho cô ấy!?”

Tôi nói: “Bà hãy bình tĩnh lại đi. Cô ấy chỉ lấy muốn mấy trái nho đã rụng thôi.” Bà này tiếp tục nói: “Dù sao đi nữa! Bà đã hứa với tôi, nên bà không thể bán cho người khác.” Sau đó bà ấy bắt đầu bỏ nho vào túi của mình.

Vì quá bực bội, nên trong lúc bỏ nho vào túi bà đã làm dập một ít. Tôi nói: “Hãy làm thế này đi. Bà đừng giận nữa. Tôi sẽ biếu bà số nho này, bà không phải trả tiền cho tôi.” Bà ấy càu nhàu và nói: “Tôi có tiền!” Cho dù tôi có cố gắng giải thích thế nào đi nữa, bà ấy vẫn không nguôi giận. Cuối cùng, trong lúc tức giận bà đã nói: “Tôi muốn đá hết đống nho này của bà!”

Ngay sau đó, tôi đột nhiên bình tĩnh lại. Tôi bắt đầu nhớ lại lời giảng của Sư phụ:

“Các vị ngồi ở đây liệu có bao nhiêu người nếu đột nhiên bị người ta trỏ vào mặt rồi chửi mà vẫn có thể làm được ‘tâm tình thật thản nhiên’? Có mấy người khi đối diện với [tình huống] bị người khác phê bình và chỉ trích mà tâm bất động và [tự] tìm nguyên nhân của bản thân mình?” (Giảng Pháp tại Pháp hội Los Angeles)

Tôi nói với bà ấy: “Cho tôi xin lỗi, tôi sai rồi.” Ngay khi tôi nói vậy, bà ấy đã sững sờ và ngây người nhìn tôi. Tôi nói: “Tôi là người tu luyện Pháp Luân Công. Sư phụ của tôi dạy chúng ta phải đối xử tốt với mọi người, hướng nội khi có mâu thuẫn, đối xử tốt với người khác, và tu nhẫn. Tôi đã tu luyện khá lâu rồi, nhưng chưa từng có ai đối xử với tôi như vậy trước mặt rất nhiều người. Đây là lần đầu tiên.” Tôi mỉm cười và bắt đầu giảng chân tướng cho bà ấy. Cuối cùng, tôi nói: “Mấy trái nho này không còn đẹp nữa. Bà hãy mang chúng về nhà đi. Mai tôi sẽ mang thêm cho bà.” Bà ấy đồng ý và ra về. Ngày hôm sau, tôi giữ số nho đen này cho bà. Nhưng khi tôi gọi điện bảo bà đến lấy, bà nói rằng mình không muốn chúng nữa, vì bà vẫn đang ăn số nho mua từ hôm trước.

Sau đó, mỗi khi đi chợ, bà ấy lại ghé qua chỗ tôi để trò chuyện. Bà nói: “Mỗi khi ra chợ, nếu bà ở đây, tôi lại muốn đến nói chuyện với bà.” Bà ấy không còn khó chịu với tôi và nghĩ rằng các học viên rất tốt, không giống như những tuyên truyền mà bà đã nghe từ ĐCSTQ.

Chiểu theo các giá trị Chân-Thiện-Nhẫn

Có lần, khi tôi đi mua máy thu âm. Người bán hàng đã đặt một cuộn băng vào trong máy để tôi có thể nghe thấy. Âm thanh nghe tốt, nên tôi đã trả tiền và cầm máy thu âm về nhà. Sáng hôm sau khi tôi chuẩn bị luyện công, tôi mở máy ra và nhìn thấy cuộn băng. Ngay lập tức, tôi nhận ra người bán hàng đã quên không lấy nó ra, nên tôi đã lấy ra và đem trả lại cho người bán.

Cùng người bán hàng hôm trước hỏi tôi: “Có phải bà đang tu luyện Pháp Luân Công đúng không?” Tôi nói: “Đúng vậy, nhưng làm sao bà biết?” Cô ấy nói: “Hôm qua sau khi bà đi rồi, tôi mới nhớ ra là tôi quên không lấy lại cuộn băng. Ngay khi đó, một người đồng nghiệp của tôi nói rằng ‘Nếu người mua là người tu luyện Pháp Luân Công, thì chị chờ đi mai họ sẽ mang trả lại chị cuộn băng.’ Nhìn này, bà đã đến và trả lại cuộn băng, nên tôi nghĩ bà hẳn là người tu luyện Pháp Luân Công.”

Trong đời sống hằng ngày, tôi luôn giữ mình và tuân theo các tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Ví dụ như, khi tôi bán rau, tôi luôn đưa cho họ đủ số lượng mà họ đã mua. Đôi lúc tôi cho họ nhiều hàng hơn số tiền họ đã trả. Có vài người nói: “Những người bán khác luôn cố gắng mặc cả với chúng tôi và thậm chí còn không thối lại tiền. Chị không những không mặc cả mà còn luôn thối lại đúng số tiền.” Tôi nói: “Tôi tu luyện Pháp Luân Công. Tôi không muốn lợi dụng bất kỳ ai. Cuộc sống của mọi người cũng không dễ dàng gì mà.”

Mỗi lần tôi nói: “Tôi tu luyện Pháp Luân Công.” Tôi luôn cảm thấy rất tự hào. Thông qua lời nói và hành động của các học viên, mọi người đã chứng kiến Pháp Luân Đại Pháp tuyệt vời như thế nào. Chân-Thiện-Nhẫn hảo!

Sư phụ không chỉ ban cho tôi một cơ thể khỏe mạnh, mà còn thanh lọc tâm của tôi, nâng cao giá trị đạo đức của tôi, và ban cho tôi phúc báo. Lời lẽ không thể biểu đạt hết lòng biết ơn của tôi đối với Sư phụ. Con xin cảm tạ Sư phụ!

[Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org]


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/17/429571.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/19/195119.html

Đăng ngày 18-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share