Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc

[MINH HUỆ 16-08-2021] Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm vào tháng 7 năm 1999, ông Tôn Sĩ Liên, một người đàn ông 84 tuổi ở thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây đã trải qua 15 năm ròng rã bị giam giữ qua 2 thập kỷ vì kiên định đức tin của mình. Ông Tôn đã suýt bị chết cóng sau khi bị trói vào cây qua đêm và phải chịu sự tra tấn không ngừng nghỉ trong suốt thời gian thụ án.

Suýt bị chết cóng vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công

Ông Tôn đã nghỉ hưu tại Nhà máy Thiết bị chỉnh lưu thành phố Cửu Giang. Ông mắc nhiều bệnh hiểm nghèo như xơ gan, lá lách to, hen suyễn lâu năm, bệnh dạ dày và viêm khớp nặng. Trong lúc tuyệt vọng, ông đã bị thu hút bởi những lợi ích sức khỏe của Pháp Luân Công và đã bắt đầu tu luyện vào năm 1992. Chỉ trong vòng hai tháng, ông đã hoàn toàn bình phục.

Khi ĐCSTQ bắt đầu cuộc bức hại vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, ông Tôn đã không thể ăn ngon ngủ yên. Ông không thể hiểu tại sao ĐCSTQ lại bức hại một pháp môn tu luyện tốt như vậy và không hề có một chút gây hại nào mà hoàn toàn chỉ mang lại lợi ích cho người học. Khi đọc các báo cáo do Minh Huệ đăng tải về việc các học viên bị bắt và bỏ tù, ông đã vô cùng đau đớn. Ông quyết định đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và nói với chính phủ trải nghiệm của bản thân và Pháp Luân Công vĩ đại như thế nào.

Ông Tôn đã trải qua rất nhiều khó khăn và đến Bắc Kinh vào tháng 12 năm 2000. Trước khi ông có thể tìm thấy văn phòng thỉnh nguyện, ông đã bị cảnh sát bắt giữ và đánh đập. Sau đó, ông và nhiều học viên khác cũng đến thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công đã bị tống vào một chiếc xe tải và đưa đến một khu vực vắng vẻ ở ngoại ô. Mỗi học viên bị hỏi tên và địa chỉ của họ, nhưng không ai trả lời [Ghi chú của người biên tập: Do chính sách liên đới của ĐCSTQ, các học viên Đại Pháp thường từ chối cung cấp tên của họ khi họ bị bắt, để bảo vệ các thành viên trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.]. Một vài người đàn ông mặc áo khoác quân đội đã đánh và lột sạch quần áo chỉ để họ mặc quần áo lót. Sau đó trói họ vào cây ngoài sân, dội nước lạnh lên người và dùng gậy điện sốc điện.

Với nhiệt độ dưới mức âm độ, ông Tôn và các học viên khác đã bị lạnh cóng và phải ở ngoài trời qua đêm.

Sau khi ông Tôn được thả, ông đã đi bộ đến Quảng trường Thiên An Môn. Ông lại bị bắt và đưa đến thành phố Thiên Tân gần đó, nơi ông đã bị nhốt trong lồng kim loại trong 15 ngày. Lồng chật hẹp đến mức ông chỉ có thể đứng chứ không thể ngồi xổm hay ngồi được.

Khi ông Tôn được thả lần thứ hai, ông vẫn không bỏ cuộc và đến Quảng trường Thiên An Môn lần nữa và ông lại bị bắt. Trong khi ông bị đưa đến Thiên Tân, một cảnh sát đã đưa cho ông 5 nhân dân tệ và bảo ông hãy rời đi.

Ông Tôn vẫn không từ bỏ. Ông đã đi bộ gần 112 km từ Thiên Tân đến Bắc Kinh và tiếp tục kháng nghị tại Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 1 năm 2001. Sau khi bị bắt lần thứ tư, ông đã bị đưa đến một Trại tạm giam ở quận Phòng Sơn, Bắc Kinh. Cảnh sát đã treo ông lên bằng cổ tay với cánh tay kéo lên từ phía sau trong 14 giờ.

Để lấy được tên và địa chỉ của ông Tôn, cảnh sát đã lột quần áo của ông chỉ còn quần lót sau đó đá vào người ông, dùng gậy điện sốc điện và bắt ông phải đứng trên mặt đất đóng băng lạnh giá bằng đôi chân trần.

Một sĩ quan đấm vào ngực ông và một người khác dùng gậy kim loại đánh vào hông ông. Do đó một cổ tay của ông Tôn đã bị gãy. Khuôn mặt của ông bị sưng lên và cơ thể đầy những vết bầm tím. Nhưng cho dù cảnh sát tra tấn ông dã man đến thế nào, ông cũng không nói cho họ biết tên và địa chỉ của mình. Cảnh sát không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải thả ông.

Không còn tiền, ông Tôn phải đi ăn xin suốt chặng đường trở về nhà.

Bị bỏ tù 12 năm vì kiên định đức tin của mình

Trong bữa ăn tối của gia đình ông Tôn vào đêm trước Tết Nguyên đán 2002, Hồ Cố Văn từ bộ phận an ninh của nhà máy mà ông Tôn nghỉ hưu đã đến và yêu cầu ông đi đến nhà máy và nói với ông rằng người quản lý muốn nói chuyện với ông.

Ngay khi ông Tôn đến cổng nhà máy, một nhóm sĩ quan đã nhảy ra khỏi hai xe cảnh sát, ép ông Tôn vào một chiếc ô tô và chở ông đến Đồn Công an Lư Nam.

Ông Tôn bị đưa đến trại tạm giam thành phố Cửu Giang vào nửa đêm. Vài ngày sau, giám thị trại tạm giam nói với ông Tôn rằng nếu ông viết bản tuyên bố trong vòng một tuần bày tỏ sự hối hận về việc đã tu luyện Pháp Luân Công, họ sẽ trả tự do cho ông. Ông Tôn đã kiên quyết từ chối: “Ngay cả khi các ông cung cấp cho tôi một tấn vàng, tôi sẽ không viết một tuyên bố như vậy. Pháp Luân Công là một pháp môn tu luyện đạo đức cao cả dạy con người hướng thiện. Không có gì sai khi tu luyện cả” ông nói.

Sau khi bị giam một năm, ông Tôn đã bị Tòa án quận Tầm Dương đưa ra xét xử vào tháng 3 năm 2003. Ông không có luật sư đại diện, gia đình cũng không được thông báo về phiên tòa. Thẩm phán vội vàng thông qua phiên tòa trong vòng chưa đầy 20 phút và tuyên án ông Tôn 12 năm tù.

Vài ngày sau, ông Tôn bị chuyển đến Nhà tù Dự Chương ở tỉnh Giang Tây. Để buộc các học viên từ bỏ đức tin, các lính canh sẽ đánh họ vào ban ngày và bắt họ đứng quay mặt vào tường vào ban đêm cho đến 2 hoặc 3 giờ sáng.

Bị tra tấn suýt chết

Nhà tù đã tổ chức một cuộc họp vào cuối năm 2010. Các tù nhân được lệnh nói về việc nhà tù tốt như thế nào. Ông Tôn đã thành thật khai báo sự tra tấn mà ông phải chịu đựng và các vấn đề khác. Các lính canh đã trả thù ông bằng cách nhốt ông vào phòng biệt giam. Ông được cho ăn rất ít mỗi ngày.

Sau đó, ông Tôn bị chuyển đến một địa điểm hẻo lánh, nơi các cửa ra vào và cửa sổ đều được che bằng vải đen. Ông bị ba tù nhân theo dõi và bỏ đói. Các tù nhân đã đánh đập ông một cách dã man và bắt ông phải đứng quay mặt vào tường trong nhiều giờ sau khi bị đánh đập.

Một lần, một tù nhân đã giẫm lên đầu ông Tôn, người thứ hai giữ chân ông và người thứ ba dùng một thanh kim loại dày dài khoảng 1,5m đánh vào xương chày ở chân của ông. Đồng Hưng Phúc, người đứng đầu Phòng 610 của nhà tù, hét lên bên ngoài cửa: “Đánh chết ông ta!”

Một tù nhân họ Từ đã bí mật nói với ông Tôn: “Ông phải cẩn thận. Đồng Hưng Phúc đã lên kế hoạch sát hại ông và đã sắp xếp các nhân chứng để đưa ra lời khai giả sau khi ông qua đời. Tôi là một trong những nhân chứng được sắp đặt”.

Kết quả của sự tra tấn, chân của ông Tôn bị sưng tấy nghiêm trọng từ bàn chân lên đến đỉnh đùi. Ông cũng bị chóng mặt và hen suyễn nghiêm trọng và phải thở oxy khi lên cơn hen suyễn.

Bị kết án 3 năm tù vì truyền rộng tài liệu thông tin về Pháp Luân Công

Sau khi ông Tôn được thả, ông tiếp tục nỗ lực nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Ông lại bị bắt vào ngày 25 tháng 1 năm 2016, khi ông đến Đồn Công an Bồn Phổ để giảng chân tướng về Pháp Luân Công cho cảnh sát. Cảnh sát đã giam giữ hành chính ông 5 ngày tại trại tạm giam Ngu Gia Hà ở thành phố Cửu Giang.

Ba tháng sau, vào ngày 20 tháng 4, ông lại bị bắt sau khi bị tố cáo vì đã truyền rộng tài liệu thông tin về Pháp Luân Công tại một nhà ga đường sắt. Trong khi bị giam giữ tại trại tạm giam thành phố Cửu Giang, ông Tôn bị các vấn đề về sức khỏe và nhanh chóng được đưa đến bệnh viện địa phương.

Tòa án quận Lư Sơn đã tổ chức phiên tòa xét xử ông Tôn vào tháng 8 năm 2016. Chỉ có ba người trong gia đình ông được phép tham dự phiên tòa. Thẩm phán cũng không cho phép ông Tôn hoặc gia đình bào chữa cho ông.

Ông Tôn bị kết án ba năm ba tháng tại Nhà tù số 1 thành phố Nam Xương khi đó ông 77 tuổi. Ông đã bị ngã và bị gãy xương. Nhà tù đã từ chối gia đình đến thăm và từ chối cho biết lý do tại sao ông bị ngã.

Bài liên quan:

Người đàn ông 77 tuổi ở Giang Tây bị giam giữ, không thể tự chăm sóc bản thân và gia đình bị từ chối cho vào thăm

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/16/429632.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/26/194793.html

Đăng ngày 17-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share