Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Canada

[MINH HUỆ 24-08-2021] Con xin kính chào Sư phụ! Chào các bạn đồng tu!

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 10 năm ra đời của tạp chí du lịch Travel Ontario của The Epoch Times. Khi tôi bắt đầu viết bài chia sẻ này cũng là lúc tôi ngẫm lại 10 năm tu luyện của bản thân. Khổ nạn có, thử thách có và hơn hết là sự chăm sóc từ bi của Sư phụ đã giúp tôi vượt qua khó khăn và đề cao trong tu luyện. Với tư cách là người phụ trách dự án, tôi muốn chia sẻ quá trình tu luyện trong 10 năm làm trong lĩnh vực truyền thông của mình.

Buông bỏ tự ngã và hợp tác vì sự phát triển của công ty truyền thông

10 năm trước, khi tôi mới gia nhập The Epoch Times với tư cách là một nhân viên kinh doanh, tờ báo đang trong quá trình áp dụng một chiến lược kinh doanh hiệu quả hơn trước. Bộ phận kinh doanh đã triển khai một chiến lược tiếp thị tích cực, phân loại các ngành quảng cáo chính và phân công cho mỗi nhân viên kinh doanh phụ trách một hoặc hai loại hình. Nhân viên kinh doanh được yêu cầu nghiên cứu sâu hơn về ngành đó và phải đạt được trình độ chuyên gia trong lĩnh vực đó. Ngay sau khi tôi tham gia vào đội ngũ kinh doanh, CEO của The Epoch Times đã đề nghị tôi nên tập chung chính vào ngành du lịch. Suy nghĩ đầu tiên của tôi lúc đó là không. Tôi nghĩ rằng tôi chỉ mới bắt đầu làm công việc kinh doanh, tôi nên tiếp xúc rộng hơn với thị trường và phát triển toàn diện, thay vì chỉ giới hạn trong một lĩnh vực nào đó. Ý nghĩ ngoan cố này khiến tôi theo bản năng của mình mà đã phản kháng lại lời đề nghị của vị CEO.

Như Sư phụ đã giảng:

“Mọi người biết chăng, có rất nhiều thứ, cũng như rất nhiều tâm chấp trước tại sao bỏ mãi mà không được? Vì sao khó khăn đến như vậy? Tôi vẫn thường giảng cho mọi người rằng, các lạp tử là qua các tầng vi quan mà tổ [hợp tạo] thành cho đến vật chất ở bề mặt. Nếu ở [tầng] cực vi quan mà mọi người nhìn thấy hình thức các thứ chấp trước trong tư tưởng thì vật chất đó là gì? Là núi, là những quả núi đồ sộ, như những núi đá hoa cương ngoan [cố]; một khi chúng đã hình thành thì con người hoàn toàn không thể động đến chúng được nữa.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Chicago năm 2004)

Một ngày nọ khi tôi đang phát chính niệm ở trạng thái tương đối tĩnh, tôi đã nhìn thấy một cảnh tượng kinh ngạc ở một không gian khác. Tôi đã nhìn thấy những ngọn núi đá khổng lồ được bao phủ bởi những chiếc đinh sắt. Chúng có lẽ đã tồn tại ở đó rất lâu rồi vì nhiều chiếc đinh đã bị rỉ sét. Tôi đã kể với người bạn cùng phòng những gì tôi nhìn thấy. Tôi đã rất ngạc nhiên khi cô ấy nói rằng Sư phụ đã cho tôi thấy biểu hiện vật chất của những quan niệm cố chấp của tôi trong một không gian khác. Sau đó tôi đã tham dự Pháp hội Chicago và được nghe Sư phụ trực tiếp giảng Pháp, tôi đã cảm thấy chấn động vô cùng.

Giờ đây, mỗi khi đối mặt với vị CEO, đoạn Pháp của Sư phụ lại hiện lên trong đầu tôi. Tôi nhận ra rằng sự phản kháng của tôi chính là do những quan niệm ngoan cố đã được hình thành từ đời này sang đời khác. Chúng đang cố gắng ngăn cản tôi làm những việc tôi nên làm. Bên phía đã đồng hóa với Pháp của tôi biết rằng tôi nên loại bỏ những quan niệm ngoan cố này và để chân ngã của tôi đưa ra quyết định.

Lúc đó, kênh truyền thông cần phải phát triển hơn nữa để đẩy mạnh việc giảng chân tướng và cứu người. Tuy nhiên, đối với mô hình kinh doanh cũ và nguồn thu chỉ hòa vốn thì sẽ không giúp công ty phát triển lên được. Kênh truyền thông của chúng tôi cần có tiền để vững chắc để phát triển mạnh hơn nữa. Chúng tôi nên chuyển đổi mô hình kinh doanh cũ sang một mô hình chủ động và chuyên nghiệp hơn. Là một nhân viên mới của The Epoch Times, tôi nên phối hợp để phát triển kênh truyền thông và nên thuận theo sự sắp xếp của cấp trên để phát triển công ty. Tôi không nên thuận theo những quan niệm hậu thiên của mình để ra quyết định tôi nên đi theo hướng nào. Những suy nghĩ tốt và xấu này nhanh chóng lướt qua tâm trí tôi. Sau vài giây, tôi đã đồng ý với đề nghị của CEO. Mặc dù quá trình đấu tranh trong tư tưởng chỉ kéo dài trong vài giây, nhưng tôi biết rằng ở một không gian khác nó thậm chí tương đương với hàng nghìn năm. Những ngọn núi khổng lồ và những tảng đá vững chãi phủ đầy đinh sắt trở nên lỏng lẻo, rơi ra và tan rã. Những quan niệm ngoan cố của tôi đã bắt đầu được thanh lý.

Sự sắp xếp mới này của công ty cuối cùng đã được chứng minh là đúng đắn. Ba năm đầu của tôi là thiết lập các quan hệ đối tác với các văn phòng tiếp thị ở các khu vực và các điểm du lịch, sở du lịch các cấp, các công ty tư nhân cũng như các công ty du lịch hàng đầu. Trong quá trình này, tôi phát hiện rằng cả các doanh nghiệp và độc giả đều mong đợi có một tạp chí tiếng Trung giới thiệu về du lịch ở Ontario. Với sự hỗ trợ của ban lãnh đạo, tạp chí du lịch đầu tiên là Travel Ontario đã ra mắt vào năm 2011. Nó đã trở thành tạp chí du lịch tiếng Trung đầu tiên ở Toronto và thu hút được nhiều độc giả người Trung Quốc. Đồng thời, nó cũng thu hút sự chú ý của các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi, họ cũng muốn xuất bản một tạp chí tương tự. Sau khi cố gắng cạnh tranh, họ đành chấp nhận bỏ cuộc vì chúng tôi đã dẫn đầu trong hầu hết thị trường du lịch và họ không thể theo kịp.

Cải thiện hiệu suất kinh doanh với các đối tác và tu bỏ văn hóa đảng trong công việc

Mảng du lịch tiếp tục phát triển ổn định. Tiếp theo đó là tạp chí mùa hè đầu tiên được xuất bản vào năm 2011, tạp chí mùa đông đầu tiên được xuất bản vào năm 2012 và ấn bản mùa thu được bổ sung sau đó là vào năm 2013. Việc mở rộng kinh doanh đòi hỏi phải có thêm nhân viên mới. Công ty đã chỉ định một học viên trẻ vừa tốt nghiệp đại học tham gia vào đội ngũ kinh doanh và trở thành người cộng tác của tôi.

Cô ấy trẻ, thông minh, có năng lực và sáng tạo. Lớn lên ở Canada, cô am hiểu xã hội chính thống và có năng khiếu trong việc ngoại giao, tương tác với khách hàng, chốt các giao dịch và sáng tạo trong khâu thiết kế quảng cáo. Trong khi cộng tác với tôi về du lịch, cô ấy cũng đã thiết lập một tạp chí chuyên về giáo dục. Hiệu suất bán hàng của chúng tôi tăng lên đều đặn. Năm 2013, tạp chí du lịch của chúng tôi đã đạt doanh thu vượt trội và giành được giải thưởng xuất sắc của Hiệp hội Truyền thông Dân tộc Canada. Khi tôi đang tràn đầy tham vọng, tôi bất ngờ được giám đốc thông báo rằng cộng tác viên của tôi sẽ không còn là nhân viên kinh doanh nữa mà trở thành giám đốc tiếp thị. Tôi hơi sốc về quyết định này, tôi tự hỏi tại sao ban quản lý lại chuyển người cộng tác của tôi đi mà không thảo luận trước với tôi, và tại sao cô ấy rời đi mà không nói với tôi một lời nào. Tôi cảm thấy việc này không đúng và thậm chí còn nảy sinh tâm oán hận đối với đồng nghiệp và ban quản lý. Tôi không thể không phàn nàn với chồng. Anh đã khuyên tôi hãy bình tĩnh vì sẽ có một người cộng tác mới trong tương lai. Anh cũng nhắc tôi hướng nội xem bản thân có điều gì chưa ổn không.

Tôi hầu như không có thời gian để hướng nội vì luôn phải ra ngoài gặp khách hàng. Sau đó tôi nhận ra rằng không có cô ấy, tôi thậm chí không biết cách bắt chuyện với khách hàng, không biết làm thế nào để giới thiệu về công ty truyền thông của chúng tôi và giảng chân tướng cho họ. Tôi biết có điều gì đó không ổn với mình. Tôi tĩnh tâm và xem xét lại sự hợp tác của chúng tôi trong năm vừa qua. Sau khi cô ấy gia nhập nhóm, tôi thực sự tin rằng miễn là chúng tôi còn tiếp tục hợp tác cùng nhau thì chúng tôi có thể tạo ra những bước đột phá đáng kể. Tôi không nhận ra rằng mình đã phát triển tâm chấp trước là lệ thuộc vào cô ấy. Đồng thời tôi nhận thấy mình cũng có văn hóa đảng mạnh mẽ. Ví dụ khi đề xuất một dự án nào đó, tôi chỉ đưa ra ý tưởng còn cô ấy là người thực hiện công việc, vì tôi thậm chí không thể viết được một email cơ bản bằng tiếng Anh. Khi chúng tôi có những ý tưởng khác nhau trong một dự án, tôi luôn áp đặt ý kiến ​​của mình cho cô ấy. Khi giải quyết mâu thuẫn với khách hàng, tôi trở nên khó chịu và hung hăng. Những người sống trong xã hội phương Tây như cô ấy sẽ cảm thấy rất khó hòa hợp với tôi.

Sư phụ giảng:

“…lối nghĩ của chư vị, kiểu văn hoá đảng với cách làm cực đoan, giả dối, và tác phong công tác hời hợt bề mặt, quả thực khiến họ không chịu nổi. Nếu chư vị tiếp xúc với người Mỹ, với người quốc gia tự do các nơi trên thế giới, thì họ sẽ cảm thấy chư vị lạ lắm. Đây là điều mà Sư phụ đích thân trải qua. Năm đó Sư phụ cũng là người từ Đại Lục ra, nhưng ngay lập tức tôi cảm nhận ra điều đó, nhìn ra chỗ khác biệt đó. Nhiều lúc, học viên xã hội quốc tế không dám tiếp nhận chư vị, trong các hạng mục không dám tiếp nhận chư vị, không phải là nói chư vị có vấn đề gì, mà là quả thực không có biện pháp hợp tác với chư vị.” (Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco năm 2014)

Tôi biết vấn đề là ở tôi, nên tôi đã viết một email cho người đồng nghiệp này và chân thành xin lỗi và cảm ơn cô ấy vì những nỗ lực hợp tác trong thời gian vừa qua. Tôi nói rằng tôi đã học được rất nhiều điều từ cô ấy và tôi hy vọng cô ấy có thể tiếp tục giúp đỡ và hỗ trợ tôi trong tương lai. Cô ấy nhanh chóng trả lời rằng thật tốt khi được làm việc với tôi và cô ấy chắc chắn sẽ tiếp tục hỗ trợ tôi phát triển mảng du lịch.

Trong quá trình tu bỏ tâm oán hận, tôi cũng nhận ra rằng việc tôi làm về mảng du lịch với tư cách là một nhân viên kinh doanh cho The Epoch Times cũng chính là thệ ước của tôi. Việc thực hiện các quảng cáo du lịch cũng là sứ mệnh của tôi. Trong khi các đồng tu khác có thể giúp đỡ và hỗ trợ, tôi là người đứng đầu nên tôi có nghĩa vụ phải nỗ lực đóng góp và gánh vác khó khăn.

Ngoài ra, tôi còn học được cách trân trọng tập thể và từng cá nhân đã đóng góp cho dự án. Có hai thành viên trong nhóm không phải là nhân viên kinh doanh, nhưng luôn sát cánh cùng tôi và chúng tôi cùng nhau phát triển nhiều sản phẩm du lịch khác, chẳng hạn như hội chợ triển lãm du lịch hàng năm, câu lạc bộ du lịch, rất nhiều sự kiện du lịch với độc giả và khách hàng cũng như trang web du lịch của chúng tôi. Với những nền tảng này, tạp chí du lịch của chúng tôi đang dẫn đầu và càng ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Ngộ Pháp sâu hơn

Năm 2015, một đồng tu trẻ khác đã tham gia vào nhóm du lịch và chúng tôi đã cùng nhau đạt được thành tích xuất sắc khác. Chúng tôi đã xuất bản ấn phẩm kỷ niệm lần thứ năm của tạp chí Travel Ontario và đã nhận được thư chúc mừng từ các sở du lịch và các nhà lãnh đạo ngành du lịch các cấp, bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Du lịch Liên bang. Doanh thu quảng cáo của chúng tôi lần đầu tiên đạt mốc hơn 100.000 đô la.

Đến năm 2016, người cộng tác mới này đã rời nhóm để nghỉ sinh em bé. Một lần nữa tôi phải đối mặt với tình huống đi công tác một mình và một mình gánh vác công việc kinh doanh. Năm đó tôi cũng phải đối mặt với một khổ nạn lớn trong gia đình. Tôi đã dành rất nhiều thời gian và nỗ lực mà vẫn không thấy hy vọng nào để giải quyết. Khi một mình lái xe đi gặp khách hàng, tôi cảm thấy con đường thật dài, tương lai bấp bênh, tâm trí nặng nề và mất phương hướng.

Sư phụ giảng:

 [khi] nhìn vào chỗ tối, đồng tử [con mắt] cần mở to ra, [và khi] máy ảnh chụp hình tại chỗ tối, [thì] lỗ ống kính cũng cần mở to hơn; nếu không như thế thì lượng phơi sáng không đủ, [ảnh thu được] sẽ bị tối; [khi] đi ra nơi rất nhiều ánh sáng ở bên ngoài, đồng tử [con mắt] cần lập tức thu nhỏ, nếu không như thế thì loá mắt, nhìn gì cũng không rõ; máy ảnh cũng [theo] nguyên lý ấy, lỗ ống kính cũng cần thu nhỏ lại.” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhận ra rằng để làm tốt công việc kinh doanh hoặc trong các dự án khác hay bất kỳ vị trí nào, chúng ta cần phải có tầm nhìn xa. Khi gặp phải khó khăn, gian khổ, chúng ta nên mở rộng tầm nhìn và năng lực của mình. Chúng ta không nên mắc kẹt trong những khó khăn, u ám mà cảm thấy tuyệt vọng. Chúng ta nên nhanh chóng bình tâm lại, nhìn sự việc một cách lý trí. Vậy tôi nên làm thế nào để thoát ra khỏi mê cung hiện tại đây?

Một ngày nọ, tôi tham gia một chuyến tham quan bằng ô tô để giảng chân tướng và đã có cơ hội chia sẻ với các đồng tu về những khổ nạn trong gia đình và sự bế tắc của tôi. Họ đã chia sẻ với tôi kinh nghiệm vượt qua khổ nạn của họ. Tôi đã được truyền cảm hứng rất nhiều. Tôi nhận ra rằng mình đã không thể vượt qua khổ nạn bởi vì tôi không nhận ra đây là những cơ hội tu luyện và tôi đã không lấy khổ làm vui.

Bài thơ đầu tiên trong cuốn “Hồng Ngâm”, Sư phụ giảng:

“Viên mãn đắc Phật quả
Lấy chịu khổ làm vui
Nhọc thân không tính khổ
Tu tâm khó qua nhất
Cửa nào cũng phải qua
Chỗ nào cũng là ma
Trăm khổ cùng giáng xuống
Xem sẽ sống ra sao
Nếm đủ khổ trên đời
Xuất thế là Phật Đà” (Khổ kỳ tâm chí, Hồng Ngâm)

Tạm dịch:

“Viên mãn đắc Phật quả
Lấy chịu khổ làm vui
Nhọc thân không tính khổ
Tu tâm khó qua nhất
Cửa nào cũng phải qua
Chỗ nào cũng là ma
Trăm khổ cùng giáng xuống
Xem sẽ sống ra sao
Nếm đủ khổ trên đời
Xuất thế là Phật Đà“ (Khổ về tâm chí, Hồng Ngâm)

Hóa ra Sư phụ đã giảng rõ rằng để đạt được viên mãn, người ta phải “lấy khổ làm vui”. Tôi cảm thấy mình đã phải chịu đựng rất nhiều khó khăn, gian khổ trong tu luyện, trong việc kinh doanh, khó khăn để buông bỏ chấp trước, gian nan tiêu trừ nghiệp bệnh, và những khổ nạn trong gia đình v.v. Nghĩ về những khó khăn đã trải qua, tôi cảm thấy thật tức giận. Càng tức giận, tôi càng cảm thấy bất bình và thật bất công. Tôi biết đây là một trạng thái không đúng. Ngay sau khi tôi thay đổi suy nghĩ của mình, công ty đã tổ chức cho nhóm kinh doanh đến New York trong ba ngày để học hỏi kinh nghiệm. Tại trụ sở chính, chúng tôi đã lắng nghe kế hoạch dài hạn của CEO và chia sẻ với các trưởng nhóm khác về chiến lược và định hướng trong ngành của chúng tôi. Tôi thấy rằng chiến lược du lịch của nhóm Toronto rất giống với chiến lược của nhóm New York. Ngay cả hướng đi của chúng tôi cũng gần giống nhau. Tôi biết rằng tôi đang đi đúng hướng nên đã lấy được sự tự tin. Trong ba ngày giao lưu đó, chúng tôi tràn ngập niềm vui và tiếng cười. Ngay cả các đồng tu trong cùng chuyến đi cũng nói rằng tôi đã cười cả ngày.

Vào mùa đông năm đó, nhóm chúng tôi đã tổ chức hội chợ du lịch mùa đông lần đầu tiên và mời thành công năm khu nghỉ dưỡng trượt tuyết hàng đầu và các điểm du lịch mùa đông khác ở Ontario. Họ đã giao lưu với độc giả người Trung Quốc và quảng bá du lịch mùa đông ở Ontario. Kết quả thu được rất tốt. Người quản lý của một khu nghỉ dưỡng lớn nhất ở Ontario nói với tôi: “Gian hàng của chúng tôi chật kín người đến nỗi chúng tôi hầu như không thể quản lý nổi!” Anh ấy ngay lập tức đặt chỗ cho triển lãm mùa đông và mùa hè năm sau.

Được Sư phụ chăm sóc và từ bi bảo hộ

Các nhà quảng cáo là có tiền duyên với The Epoch Times. Họ đã có thệ ước trước khi xuống đây rằng trong suốt thời kỳ Chính Pháp, họ sẽ hỗ trợ The Epoch Times dưới hình thức quảng cáo để cứu nhiều chúng sinh hơn. Sứ mệnh của tôi là tìm ra họ để họ thực hiện sứ mệnh thiêng liêng này. Để tìm các doanh nghiệp du lịch này, tôi đã lái xe đến mọi ngóc ngách của Ontario về phía đông, tây, bắc và nam. Tôi cứ đi, cứ đi, không ngừng miệt mài tìm kiếm. Đôi khi tôi đến bốn thành phố trong một ngày để gặp năm khách hàng, sau đó trở lại Toronto vào ban đêm. Ngày hôm sau tôi lại lên đường vào sáng sớm. Dấu chân tôi in trên khắp núi, rừng, hồ, những công viên, những thành phố, những thị trấn và miền quê. Tôi đã cảm nhận được sự chăm sóc và bảo hộ từ bi của Sư phụ.

Trong suốt chuyến hành trình trong 10 năm đó, tôi đã dành phần lớn thời gian để lái xe trên đường, và quãng đường tôi đi được mỗi năm thực sự giống như những gì Sư phụ đã giảng:

Xe chạy trăm nghìn dặm” (Trừ Ác, Hồng Ngâm II)

Tuy nhiên, dù trời mưa tầm tã hay bão tuyết dữ dội, chiếc xe vẫn luôn được Sư phụ bảo hộ mà không gặp bất cứ nguy hiểm gì.

Vào một ngày mùa đông, tôi chạy xe đến gặp khách hàng ở một thị trấn. Đó là một con đường quê dài phủ đầy tuyết. Chỉ có một làn đường duy nhất và đang có một chiếc xe chạy chậm chạp phía trước. Tôi sắp bị muộn giờ nên đành phải cho xe lấn qua làn đường dành cho xe ngược chiều để vượt lên. Tôi không nhìn rõ trong tuyết rơi. Khi tôi tăng tốc và đi vào làn đường bên kia, tôi chợt nhìn thấy một chiếc xe phía trước đang lao về phía tôi. Nếu tôi không tăng tốc để vượt lên và trở lại làn đường bên này thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp. Nhưng con đường đã bị phủ tuyết và có thể có băng bên dưới, nếu tôi phóng xe nhanh quá, xe sẽ bị trượt bánh và hậu quả sẽ còn khủng khiếp hơn. Sau đó tôi nắm chặt vô lăng bằng một tay, tay kia dựng lên và niệm “Pháp chính càn khôn, tà ác toàn diệt! Xin sư phụ giúp đệ tử!” Chân đạp mạnh ga, tôi vượt lên chiếc xe bên cạnh và trở về làn đường cũ bình an vô sự. Tôi lập tức nói: “Con cảm tạ Sư phụ!”

Một ngày nọ, tôi đến gặp một khách hàng ở một thị trấn phía Đông, xong việc thì đã khá muộn. Sáng hôm sau tôi còn phải đi về phía Nam đến Niagara Falls để gặp một khách hàng khác. Vì vậy, tôi phải lái xe trở lại Toronto vào ban đêm để hôm sau đi sớm. Lúc đó trời đã tối và có nhiều xe đang lưu thông trên đường. Tôi tiếp tục lái xe ở làn đường giữa. Đến khoảng 11 giờ đêm, tôi cảm thấy rất mệt nhưng vẫn cố gắng tiếp tục lái. Tôi bất chợt ngủ thiếp đi và giật mình tỉnh lại, tim đập thình thịch, tôi phát hiện bằng cách nào chiếc xe của tôi đã đi sang làn bên phải, phía trước và phía sau đều có xe nhưng tôi đã không đâm vào họ. Tôi biết rằng Sư phụ đã bảo hộ tôi một lần nữa.

Một lần khác, tôi và một học viên khác đi gặp một khách hàng ở một thị trấn cách chỗ tôi ở khoảng bốn tiếng chạy xe. Hệ thống định vị (GPS) của tôi hoạt động không tốt ở vùng quê hẻo lánh. Nó dẫn chúng tôi đến một con đường bỏ hoang và lạc vào một khu rừng hoang dã. Lúc đó trời mưa như trút nước, chúng tôi lái xe trong rừng một lúc khá lâu. Tôi không biết chính xác bao lâu nữa chúng tôi mới có thể ra khỏi rừng, trong khi đó GPS mất tín hiệu và hiển thị địa chỉ tiếp theo là ba tiếng nữa. Chúng tôi rất lo lắng, lúc này điện thoại cũng bị mất sóng. Chúng tôi không biết mình đang ở đâu và trời thì sắp tối. Chúng tôi không biết phải làm thế nào. Tôi đã cầu xin Sư phụ giúp. Sau đó đồng nghiệp của tôi thấy điện thoại của cô có tín hiệu. Dù tín hiệu yếu ớt, chúng tôi vẫn tải được ứng dụng Google Map xuống và nửa giờ sau chúng tôi đã thoát ra được khu rừng và đi đến địa điểm tiếp theo.

Trong quá trình làm việc cho The Epoch Times, tôi nhận thấy Sư phụ không chỉ bảo hộ tôi và chồng tôi khỏi nguy hiểm mà còn chăm sóc cho chúng tôi trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Chồng tôi cũng làm việc trong một công ty truyền thông và được trả lương cơ bản. Cả hai chúng tôi đều làm việc từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Chúng tôi không khá giả về tài chính và còn một khoản nợ nhà và nợ xe phải trả. Một lần đi gặp khách hàng, tôi đi ngang qua một thị trấn ven hồ. Thị trấn có một bến cảng đẹp với phong cảnh tuyệt đẹp. Tôi đã nghĩ rằng sẽ thật tuyệt nếu có một ngôi nhà ở đây, tôi có thể đi gặp khách hàng và nghỉ giữa đường mà không cần phải vội vàng quay về Toronto. Tôi liền nhìn thấy một ngôi nhà nhỏ ven hồ đang giao bán với giá hợp lý, và chúng tôi đã mua nó. Đến năm sau, căn nhà này đã lên giá 40% và chúng tôi đã bán nó và thu được một khoản lời. Tôi biết đó là do Sư phụ ban cho tôi và cách duy nhất để một đệ tử báo đáp ân đức của Sư phụ là phải tu luyện tinh tấn và cứu nhiều người hơn nữa.

Trên đây là kinh nghiệm tu luyện của tôi trong 10 năm qua, nếu có điều gì không đúng xin từ bi chỉ rõ!

Con xin tạ ơn Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu!

(Bài chia sẻ trình bày trong Pháp hội chia sẻ tâm đắc thể hội tu luyện Pháp Luân Đại Pháp tại Canada năm 2021)

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/24/429918.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/28/194815.html

Đăng ngày 13-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share