[MINH HUỆ 19-07-2021] Xử phạt những kẻ vi phạm nhân quyền đã trở thành một trọng tâm ở các quốc gia dân chủ như một cách để chống lại những hành vi nhân quyền tàn bạo trên toàn cầu. Sau khi Hoa Kỳ thông qua Luật Magnitsky vào năm 2016, Canada, Anh và 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu đã ban hành luật tương tự. Úc và Nhật Bản cũng đang làm giống vậy.
Theo luật này, vốn để áp dụng trừng phạt với những kẻ vi phạm nhân quyền đã biết, các học viên Pháp Luân Công đã lập ra các danh sách của những thủ phạm tham gia bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Hàng năm, họ nộp nhiều danh sách lên các quốc gia dân chủ, hối thúc họ trừng phạt những thủ phạm bị nêu tên.
Bắt đầu từ ngày 14 tháng 7 năm 2021, các học viên Pháp Luân Công ở hơn 30 quốc gia đã nộp danh sách gần đây nhất của những thủ phạm tham gia bức hại Pháp Luân Công cho chính phủ của họ. Các học viên đang kêu gọi trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền này, gồm việc từ chối không cho họ được nhập cảnh và đóng băng tài sản ở nước ngoài của họ.
Một cái tên trong danh sách năm nay là Đỗ Hàng Vĩ.
Thông tin thủ phạm
Tên đầy đủ của thủ phạm: Đỗ (họ) Hàng Vĩ (tên) (Tên Trung Quốc: 杜航伟)
Giới tính: Nam
Quốc gia: Trung Quốc
Ngày sinh: Tháng 6 năm 1962
Nơi sinh: Linh Bảo, tỉnh Hà Nam
Chức vụ:
Tháng 3 năm 2010 – Tháng 1 năm 2013: Phó giám đốc Sở Công an Tỉnh Thiểm Tây, Bí thư Uỷ ban Chính trị và Pháp luật Thành uỷ Tân An, giám đốc kiêm Bí thư Đảng uỷ của Sở Công an Thành phố Tây An.
Tháng 2 năm 2013 – Tháng 12 năm 2014: Trợ lý Tỉnh trưởng tỉnh Thiểm Tây, thành viên của Nhóm Lãnh đạo Đảng Chính quyền Tỉnh Thiểm Tây, Bí thư Đảng Uỷ, Giám đốc Sở Công an Tỉnh Thiểm Tây, thành viên Uỷ ban Chính trị và Pháp luật của Đảng uỷ Tỉnh Thiểm Tây.
Thán 12 năm 2014 – Tháng 4 năm 2015: Phó Tỉnh uỷ tỉnh Thiểm Tây, thành viên của Nhóm Lãnh đạo Đảng Chính quyền Tỉnh Thiểm Tây, bí thư Đảng uỷ kiêm giám đốc Sở Công an tỉnh Thiểm Tây, và là thành viên Uỷ ban Chính trị và Pháp luật của Đảng uỷ Tỉnh Thiểm Tây.
Tháng 4 năm 2015 – Tháng 7 năm 2017: Phó Tỉnh uỷ tỉnh Thiểm Tây, thành viên của Nhóm Lãnh đạo Đảng Chính quyền Tỉnh Thiểm Tây, Bí thư Đảng uỷ kiêm Giám đốc Sở Công an tỉnh Thiểm Tây, và là thành viên Uỷ ban Chính trị và Pháp luật của Đảng uỷ Tỉnh Thiểm Tây.
Tháng 7 năm 2017 – Tháng 1 năm 2018: Phó Tỉnh uỷ tỉnh Thiểm Tây kiêm Bí thư Uỷ ban Chính trị và Pháp luật của Đảng uỷ Tỉnh Thiểm Tây.
Tháng 1 năm 2018 – hiện tại: Phó Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc và là thành viên của Uỷ viên Đảng bộ thuộc Bộ Công an Trung Quốc.
Những tội ác chính
A. Trong nhiệm kỳ của Đỗ Hàng Vĩ ở tỉnh Thiểm Tây
Đỗ Hàng Vĩ nhậm chức ở tỉnh Thiểm Tây trong năm 2010 và được thăng chức nhanh chóng trong nhiều năm qua. Trong nhiệm kỳ ở tỉnh Thiểm Tây, ông ta theo sát các chính sách của Giang Trạch Dân và Chu Vĩnh Khang để bức hại Pháp Luân Công, và đích thân lãnh đạo cuộc đàn áp ở Thiểm Tây. Những tội ác chính của ông ta là:
1. Theo thống kê có sẵn từ Minghui.org, ít nhất 28 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt ở thành phố Tây An trong nhiệm kỳ ba năm của Đỗ khi làm phó bí thư kiêm bí thư Uỷ ban Chính trị và Pháp luật của Thành uỷ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tây An và giám đốc Bộ Công an Thành phố Tây An. Ít nhất 295 học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Thiểm Tây đã bị bắt trong năm năm ông ta làm phó bí thư kiêm bí thư Uỷ ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Thiểm Tây và là giám đốc Sở Công an Tỉnh Thiểm Tây. Trong tám năm, 99 trong số 323 học viên Pháp Luân Công bị bắt đã bị kết án, 12 người bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức, 32 người bị giam trong các trung tâm tẩy não và ít nhất 123 người bị sách nhiễu và nhà bị lục soát.
Ông Ngô Tùng Cương, một kỹ sư, đã bị bắt vào tháng 8 năm 2011 và bị giam trong một trung tâm tẩy não ở Tuyên Bình Viên, Tây An. Ngày 10 tháng 9 năm 2011, ông đã bị đánh đến chết. Khi đó ông mới ngoài 50 tuổi.
Ông Triệu Văn Bưu, một người dân ở trấn Thần Mộc, đã bị bắt vào ngày 23 tháng 7 năm 2013 và bị đưa đến Trại tạm giam Hoa Sơn Thần Mộc để giam hơn 20 ngày. Do bị thương nặng ở đó nên trại tạm giam đã yêu cầu gia đình đưa ông về nhà. Tuy nhiên, cảnh sát và người của Phòng 610 đã tiếp tục sách nhiễu ông tại nhà. Ông Triệu đã qua đời vào tháng 6 năm 2014.
2. Từ giữa năm 2015, Đỗ đã lên kế hoạch và chỉ đạo cảnh sát, viện kiểm sát, tư pháp và các hệ thống tư pháp ở tỉnh Thiểm Tây để trả đũa các học viên Pháp Luân Công đã đệ đơn kiện cựu lãnh đạo ĐCSTQ là Giang Trạch Dân vì đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Các học viên Pháp Luân Công ở nhiều thành phố thuộc tỉnh Thiểm Tây đã bị bắt và nhiều người bị bắt theo nhóm.
Từ ngày 8 đến 14 tháng 1 năm 2016, 12 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt cùng nhau ở thành phố Diên An. Chỉ 10 ngày sau, cuối tháng 2 năm 2016, thêm 12 học viên đã bị bắt ở thành phố Bảo Kê. Ngày 22 tháng 3 năm 2017, Bộ Công an Tây An đã giam hơn 50 học viên Pháp Luân Công cùng lúc. Trương Hội Lan ở thành phố Bảo Kê đã qua đời trong lần bức hại này.
3. Trong ba năm từ 2015 đến 2017, Đỗ Hàng Vĩ, người từng là phó bí thư kiêm bí thư Uỷ ban Chính trị và Pháp luật của Đảng uỷ Thiểm Tây, giám đốc Sở Công an Thiểm Tây của Bộ Công an, phó Tỉnh uỷ tỉnh Thiểm Tây, đã chỉ đạo các văn phòng viện kiểm sát tại các thành phố, quận và huyện để vu khống và truy tố các học viên Pháp Luân Công mà bị cảnh sát bắt. Theo lệnh của ông ta, không có ngoại lệ, các toà án sẽ bác tất cả những vụ kháng án của học viên Pháp Luân Công đối với bản án sai trái của họ và giữ nguyên phán quyết ban đầu. Trong số 234 học viên Pháp Luân Công bị bắt, 69 người đã bị truy tố.
Bà Lý Mỹ Hoa, một học viên Pháp Luân Công bị tàn tật, đã bị bắt giữ vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công ở huyện Tạch Thuỷ. Không quan tâm đến tình trạng tàn tật của bà, Viện Kiểm sát Huyện Tạch Thuỷ và Toà án Trung cấp Thành phố Thương Lạc đã tước đi quyền được luật sư biện hộ của bà và kết án bà 3,5 năm tù. Bà đã bị tra tấn trong tù và không được bảo lãnh chữa trị.
Bà Mã Khiết đã bị bắt năm lần, bị giam hai năm trong một trại lao động cưỡng bức, và bị kết án bốn năm tù. Chồng bà, ông Vương Đại Vệ, cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã bị tra tấn đến chết bởi cảnh sát của Bộ Công an Huyện Hộ. Chiều ngày 10 tháng 5 năm 2016, bà Mã lại bị bắt. Bà đã bị kết án bốn năm tù vào ngày 13 tháng 12 năm 2016.
4. Ngày 15 tháng 6 năm 2017, Đỗ Hàng Vĩ, khi đó là bí thư Uỷ ban Chính trị và Pháp luật của Đảng Uỷ tỉnh Thiểm Tây, đã chủ trì một cuộc họp của Phòng 610 về việc bức hại Pháp Luân Công ở tỉnh Thiểm Tây. Tại cuộc họp, ông ta đã kêu gọi theo sát chính sách đàn áp của Giang Trạch Dân và tăng cường nó. Cuộc họp này đã được phát sóng trực tiếp trên Internet và truyền hình, càng kích động công chúng hiểu lầm và căm ghét Pháp Luân Công.
5. Nhiệm kỳ mà Đỗ Hàng Vĩ làm phó bí thư và bí thư Uỷ ban Chính trị và Pháp luật của Thiểm Tây là thời gian mà các học viên Pháp Luân Công bị bức hại nặng nề nhất trong Nhà tù Nữ Thiểm Tây và Nhà tù Thiểm Tây Số 2 (Nhà tù Vị Nam).
Các học viên Pháp Luân Công trong các nhà tù này đã chịu những hình thức tra tấn vô nhân đạo đến mức qua đời không lâu sau khi trở về nhà. Ví dụ, vào năm 2016, để ép ông Cao Thế Viễn ở huyện Diên Xuyên, thành phố Diên An từ bỏ Pháp Luân Công, lính canh ở nhà tù Vị Nam đã tra tấn ông tàn bạo cho đến khi ông già yếu và sắp chết. Ngay sau khi được thả, ông đã qua đời vào tháng 4 năm 2018. Tháng 4 năm 2016, bà Hùng Kỷ Ngọc ở huyện Thành Cố, thành phố Hán Trung được thả khỏi Nhà tù Nữ Thiểm Tây khi đang hấp hối vì bị tra tấn. Bà đã chết trên đường về nhà.
Có vô số trường hợp các học viên Pháp Luân Công ở Thiểm Tây đã phải chịu những tội ác tày trời trong tám năm Đỗ Hàng Vĩ nắm giữ những vị trí quyền lực. Là một trong những quan chức đứng đầu của ĐCSTQ ở tỉnh Thiểm Tây và chỉ đạo cuộc đàn áp Pháp Luân Công, Đỗ phải chịu trách nhiệm chính và chịu trách nhiệm cho cuộc bức hại tàn bạo đối với Pháp Luân Công do Sở Tư pháp và Viện Kiểm sát Thiểm Tây thực hiện.
B. Nhiệm kỳ của Đỗ Hàng Vĩ tại Bộ Công an Trung Quốc
Sau khi Đỗ được chỉ định làm Phó Bộ trưởng Bộ Công an vào năm 2018, ông ta đã thi hành chính sách bức hại của Giang là “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và huỷ hoại thân thể” trên phạm vi toàn quốc. Năm 2019, với cái cớ bảo vệ “Lễ Kỷ niệm 70 năm Quốc Khánh”, ĐCSTQ đã chỉ đạo cảnh sát trên toàn Trung Quốc gặp và sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công tại nhà và nơi làm việc của họ.
Ở tỉnh Cát Lâm, Bộ Công an Thành phố Tứ Bình đã xem nhiệm vụ sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công như một “nhiệm vụ chính trị” và là một cơ hội để kiếm “phần thưởng cho những việc làm có công.” Những cảnh sát Tứ Bình mà đã tham gia bắt giữ các học viên Pháp Luân Công đã kiếm được 10 điểm cho mỗi học viên Pháp Luân Công bị bắt, trong khi bắt giữ những tình nghi tội phạm khác chỉ kiếm được một điểm. Bằng cách này, chính quyền đã khuyến khích cảnh sát bức hại các học viên Pháp Luân Công tuân thủ pháp luật, những người theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn.
Theo thống kê từ Minghui.org, dưới sự chỉ huy của Đỗ khi là phó Bộ trưởng Bộ Công an, gần 10.000 học viên Pháp Luân Công trên khắp đất nước đã bị nhắm đến vào năm 2019, gồm 6.109 người bị bắt, 3.582 người bị sách nhiễu, 383 người bị đưa đến các trung tâm tẩy não và 3.124 người bị lục soát nhà.
Báo cáo Thường niên năm 2019 của Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế cho biết “96 học viên đã bị chính quyền ĐCSTQ bức hại đến chết vì đức tin của họ vào năm 2019. Sáng ngày 11 tháng 1 năm 2019, một nữ học viên Pháp Luân Công 82 tuổi ở thành phố Chiêu Viễn, tỉnh Sơn Đông tên là Quách Chấn Hương đã bị bắt khi đang phân phát tờ rơi tại bến xe buýt. Khoảng 10 giờ sáng, chính quyền đã thông báo cho gia đình về cái chết của bà. Cảnh sát nói rằng bà đã phát sinh những triệu chứng sau khi bị giam tại đồn công an và sau đó được đưa đến bệnh viện địa phương.”
Năm 2020, Uỷ ban Chính trị và Pháp luật của Trung ương ĐCSTQ, Phòng 610 và Bộ Công an đã phát động “chiến dịch xoá sổ” chống lại các học viên Pháp Luân Công trên toàn quốc, buộc họ phải từ bỏ đức tin. Để thực thi chiến dịch, Uỷ ban Chính trị và Pháp luật, chính quyền cộng đồng và cảnh sát tại mọi cấp trên khắp đất nước đã được huy động.
Sử dụng các chiến thuật khác nhau được gán nhãn những khẩu hiệu mỹ miều như “giải quyết vấn đề khó khăn”, “gõ cửa từng nhà”, “chấp nhận ‘chuyển hoá’”, “đưa vào danh sách đen”, “sa thải”, “thừa nhập điều tra”, v.v…, các viên chức đã đến nhà của các học viên Pháp Luân Công để “chuyển hoá” họ (tức là buộc họ phải từ bỏ đức tin) và ép họ ký vào cái gọi là “Thư chuyển hoá” (tương tự như “Bản cam kết”), “Thư sám hối” và “Thư tiết lộ”. Đỗ Hàng Vĩ là một trong những quan chức hàng đầu của ĐCSTQ đi đầu và chỉ đạo chiến dịch mới đây nhất trong cuộc bức hại Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc. Ông ta đã tham dự và phát biểu tại nhiều cuộc họp của Bộ Công an nhằm triển khai và thực hiện điều hành.
Theo thống kê sẵn có, ít nhất 88 học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn đến chết vào năm 2020, 662 người bị kết án và 15.235 người bị bắt và sách nhiễu. Trong số những người bị nhắm đến có 1.188 học viên Pháp Luân Công trên 65 tuổi, 17 người trên 90 tuổi và người già nhất là 94 tuổi.
Bà Hàn Ngọc Cần, một học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Hà Bắc, đã bị bắt tại nhà lúc 5 giờ sáng ngày 18 tháng 6 năm 2020. Bà đã bị đưa đến đồn công an. Sau khi đến nơi, bà bị ép ngồi trên một cái ghế sắt. Lúc 6 giờ chiều, gia đình nhận được cuộc gọi từ cảnh sát báo rằng bà đã chết. Khi gia đình nhìn thấy xác bà trong bệnh viện, đầu tóc bà rối bù và có máu ở mũi. Bà hưởng dương 68 tuổi.
Bà Vương Thục Khôn, một bác sỹ ở tỉnh Hắc Long Giang, đã bị cảnh sát giam từ cuối tháng 6 năm 2020. Cảnh sát cố ép bà từ bỏ Pháp Luân Công và từ bỏ tu luyện. Họ cũng bắt bà khai rằng chồng bà, ông Vu Hiểu Bằng, cũng tu luyện Pháp Luân Công (chồng bà không tu luyện Pháp Luân Công). Bà đã từ chối. Cảnh sát đánh đập bà nặng đến nổi bà bị bầm tím nặng và xương bánh chè bị gãy. Người bà đẫm mồ hôi do đau đớn. Vài giờ sau bà được thả. Tối ngày 1 tháng 7 năm 2020, bà xuất hiện triệu chứng xuất huyết não, chóng mặt và buồn nôn. Bà đã chết vào sáng sớm hôm sau. Bà hưởng dương 66 tuổi.
Bà Tôn Trữ, một giáo viên về hưu ở thành phố Giai Mộc Tư tại tỉnh Hắc Long Giang, đã bị cộng đồng địa phương và cảnh sát sách nhiễu và đe doạ nhiều lần từ cuối tháng 11 năm 2020. Họ hăm doạ bà và cố ép bà viết đơn từ bỏ Pháp Luân Công. Bà Tôn đã bị áp lực tinh thần to lớn và qua đời vào ngày 5 tháng 12 năm 2020. Bà hưởng dương 82 tuổi.
Bà Lý Thái Nga ở tỉnh Thiểm Tây có một gia đình hạnh phúc trước khi có cuộc bức hại. Hai con trai của bà, anh Viên Quang Vũ và anh Viên Huy Vũ, con dâu và cháu ngoại của bà đều tu luyện Pháp Luân Công. Họ đã bị bức hại trong nhiều năm và phải bỏ nhà để trốn cảnh sát. Cảnh sát đã sách nhiễu và đe doạ bà không ngừng. Bà đã qua đời vào ngày 29 tháng 11 năm 2020 ở tuổi 75. Ngày 18 tháng 12 năm 2020, con trai thứ hai của bà, anh Viên Huy Vũ, đã bị kết án ba năm tù. Ngày 3 tháng 2 năm 2021, con dâu cả của bà, cô Trương Thuý Thuý, đã qua đời do tình trạng bần cùng; cô buộc phải rời khỏi nhà để tránh bị bức hại tại nhà.
Trong nhiệm kỳ của mình, Đỗ Hàng Vĩ đã ngang nhiên vi phạm Hiến pháp Trung Quốc (bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng), chà đạp luật pháp, lạm dụng quyền lực, bức hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp và trực tiếp chịu trách nhiệm cho những tội ác nghiêm trọng chống lại những công dân Trung Quốc tuân thủ pháp luật. Ông ta phải chịu trách nhiệm cho những hành vi tội ác của mình.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/19/428363.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/19/194695.html
Đăng ngày 06-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.