Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Tứ Xuyên

[MINH HUỆ 13-06-2021] Ông Thư An Khánh bắt đầu tập Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp trong trường đại học. Chứng viêm mũi của ông không lâu sau đã biến mất và trí nhớ từng rất kém của ông đã được cải thiện. Ông ấn tượng đến mức phải giới thiệu Pháp Luân Công cho bố mẹ mình khi trở về quê nhà ở huyện Lỗ, tỉnh Tứ Xuyên, sau khi tốt nghiệp.

Bố mẹ ông cũng sớm có lại được sức khỏe của mình. Đặc biệt là bố ông đã trải nghiệm được việc cái lưng gù 90 độ của ông đã thẳng trở lại, và bệnh hen suyễn của ông cũng đã biến mất. Ông lại có thể làm việc đồng áng giúp gia đình.

Sống theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công, cả gia đình ông trở nên hòa thuận hơn và cân nhắc hơn đến người khác.

Tuy nhiên, sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, ông Thư không chỉ bị cho thôi việc mà còn bị đưa đến trại lao động cưỡng bức hai lần, sau đó ông bị án 3.5 năm tù. Bố ông đã chết vì lo lắng về việc ông bị bắt nhiều lần.

Ông Thư bị góa vợ khi con trai ông mới lên 4 tuổi. Mẹ của ông phải giúp ông chăm sóc cậu bé khi ông đi làm hoặc bị giam vì tín ngưỡng của mình. Cậu bé đã lớn lên trong nỗi sợ hãi.

Hiện nay, cảnh sát địa phương nhiều lần sách nhiễu ông Thư và mẹ của ông là cụ Dương Văn Tú, 77 tuổi, trong chiến dịch “xóa sổ” gần đây nhằm bắt tất cả các học viên Pháp Luân Công trong danh sách đen của chính quyền từ bỏ tín ngưỡng của mình.

Lần sách nhiễu gần đây nhất diễn ra vào ngày 24 tháng 5 năm 2021 khi cảnh sát lần đầu điều khiển một chiếc máy bay không người lái bay qua nhà của cụ Dương và con trai mình. Sau khi khẳng định rằng có người ở nhà, họ đã đến sách nhiễu cụ Dương. Cụ đã từ chối từ bỏ tín ngưỡng của mình, và cảnh sát đã lắp các camera giám sát xung quanh tòa căn hộ của cụ vài ngày sau đó.

Những trải nghiệm tu luyện Pháp Luân Công đáng kinh ngạc

Lớn lên trong một thị trấn nhỏ có tên là Chí Ma ở huyện Lỗ, ông Thư đi học đại học vào năm 1991. Nhưng sự đụng độ giữa các giá trị truyền thống và chủ nghĩa vật chất trong cuộc sống hiện đại đã khiến ông mê lạc. Tệ hơn là, ông bị chứng bệnh viêm mũi hành hạ trong 6 năm khi ông bắt đầu học đại học. Căn bệnh cũng khiến ông có trí nhớ rất kém. Ông cũng thỉnh thoảng bị chứng trướng bụng.

Ông trở nên lo lắng về tương lai của mình vì ông biết rằng ông cần có sức khỏe tốt và trí nhớ tốt để theo đuổi những ước mơ mà ông có.

Ông đã nghĩ đến các môn khí công, nhưng ông nhận ra rằng mình không thể trả được tiền học phí. May mắn là có người giới thiệu Pháp Luân Công cho ông vào năm 1995 và nói rằng môn tập này miễn phí.

Ông chớp lấy cơ hội và học các bài công pháp của Pháp Luân Công từ một tình nguyện viên. Đêm hôm đó ông đi xem một bộ phim chiếu ngoài trời trong khuôn viên của trường và nhiệt độ đột nhiên xuống thấp. Mặc dù trời rất lạnh nhưng ông ngạc nhiên khi phát hiện rằng thân thể của ông rất ấm áp như được bao phủ bởi một trường năng lượng. Hơn nữa, ông đột nhiên ngửi thấy mùi hương của một số loài hoa mặc dù ông đã bị viêm xoang trong nhiều năm. Hương thơm đi theo ông về ký túc xá và vẫn còn ở đó trong một thời gian lâu. Ông kinh ngạc nhận ra rằng tất cả những việc này xảy ra chỉ vài giờ sau khi ông học các bài công pháp của Pháp Luân Công.

Một vài ngày sau đó, một học viên đã cho ông mượn một cuốn Pháp Luân Công và Chuyển Pháp Luân. Sau khi đọc sách, ông nhận ra rằng Sư phụ đã tịnh hóa thân thể cho ông.

Mặc dù vậy, ông vẫn bị ảnh hưởng bởi khoa học và những quan niệm hiện đại và không thực sự tin rằng những điều đã diễn ra là sự thật. Nhưng một trải nghiệm khác khoảng một tuần sau đó đã hoàn toàn thay đổi quan niệm của ông.

Đó là một buổi sáng Chủ nhật khi ông đang tập bài công pháp thứ hai của Pháp Luân Công một mình trong khuôn viên. Khi ông đang chuyển tư thế từ “Ôm Pháp Luân trước bụng dưới” sang “Ôm Pháp Luân ở trên đỉnh đầu” thì ông đột nhiên nhìn thấy một vật (Pháp Luân) hình tròn đang quay theo chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ giữa hai cánh tay của mình. Lực quay thậm chí khiến cho hai cánh tay của ông rung nhẹ. Ông cảm thấy hai cánh tay trở nên rất nhẹ và tuyệt vời không thể tin được. Ông dùng hai lòng bàn tay mình đặt nhẹ vào Pháp Luân để không bay lên trên. Trạng thái đó kéo dài cho đến khi ông tập xong bài công pháp thứ hai.

Ông kinh ngạc về những gì mình đã thể nghiệm được và trở nên hoàn toàn bị thuyết phục rằng những gì mà Sư phụ giảng trong sách đều là thật. Điều đó đột nhiên soi sáng cho ông rằng những đạo lý cổ xưa về thiện ác hữu báo cũng là thật. Quan niệm vô thần của ông đã ngay lập tức sụp đổ và ông trở nên tin vào sự tồn tại của Thần.

Bố mẹ ông cũng thu được lợi ích

Mẹ ông là cụ Dương cũng đã sớm khỏi các căn bệnh kinh niên của mình. Bố ông bị gù lưng 90 độ cũng đã thẳng lưng lại và bệnh hen suyễn của cụ cũng biến mất. Bố ông cũng lại có thể làm công việc đồng áng như trước.

Tiêu chuẩn đạo đức của các thành viên trong gia đình ông cũng được nâng cao đáng kể. Có lần, một người hàng xóm đã xả nước từ ruộng lúa của gia đình ông để tưới cho ruộng của ông ấy. Thay vì tranh luận với người hàng xóm như những người khác, gia đình ông đã thuần túy bỏ qua.

Một lần khác, cụ Dương tình cờ gặp mẹ vợ của ông Thư và cụ bà thông gia đã mắng chửi cụ Dương “ngược đãi con gái bà”. Việc này diễn ra ở chợ và có nhiều người đứng xem. Nhưng cụ Dương vẫn ôn hòa và không nói lại. Sau đó mẹ vợ ông Thư nhận ra rằng đó là một sự hiểu lầm và con gái cụ chưa từng bị ngược đãi. Vì thế cả hai gia đình lại hòa thuận như trước.

Cụ Dương đã từng nói: “Chúng tôi không chỉ trở nên khỏe mạnh hơn mà thế giới quan của chúng tôi cũng thay đổi sau khi theo tập Pháp Luân Công. Chúng tôi đã trở nên chính trực, tốt bụng và bao dung hơn. Chúng tôi không còn phàn nàn về những điều bất công hay thù hận người khác vì họ đã ngược đãi chúng tôi. Kết quả là, gia đình chúng tôi chung sống hòa thuận và sống chan hòa với những người hàng xóm. Chúng tôi sống một cuộc sống vui vẻ và không lo sợ điều gì”.

Ấn tượng bởi những thay đổi của gia đình ông, nhiều người trong làng đã tham gia cùng họ tập Pháp Luân Công. Có lúc có đến 70-80 người dân trong làng luyện công cùng nhau ở nhà cụ Dương. Những người bị các bệnh nan y cũng đã khỏi bệnh. Nhiều người hút thuốc và nghiện rượu nặng cũng đã từ bỏ những thói quen xấu của mình.

Mất việc

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Thư làm việc ở sở điện lực quê nhà. Là trưởng trạm biến áp Lâm Trang, ông không lấy đem về nhà bất cứ đồ dùng gì của cơ quan. Khi một số nhân viên lấy đem về nhà một số bóng đèn điện và điều đó ảnh hưởng đến công việc chung, ông thậm chí còn mang những bóng đèn điện của nhà mình đến để tránh việc chậm trễ cho công việc.

Hơn nữa, do lỗi của Văn phòng Lao động và Quản lý, ông nhận được chức danh kỹ sư muộn hơn một năm so với các đồng nghiệp của mình, dẫn đến việc ông bị thiệt khoảng 10.000 nhân dân tệ tiền lương được cấp cho những người được thăng cấp lên kỹ sư. Một số đồng nghiệp bảo ông đấu tranh để lấy lại số tiền đó, nhưng ông Thư đã không làm như vậy. Ông nói, “Nếu như tôi không tập Pháp Luân Công, tôi sẽ không thể đối đãi với vấn đề này như vậy. Tôi nhận ra rằng người phụ trách việc thăng cấp đã không gây ra việc chậm trễ này một cách có chủ đích. Tôi không thể khiến cho cuộc sống của anh ấy khó khăn hơn vì tôi”.

Vì coi nhẹ lợi ích cá nhân của chính mình nên ông trở thành một người vui vẻ hơn, ông Thư nói.

Trước khi ông Thư trở thành trưởng trạm, có 2 đến 4 vị trí được trả lương trong trạm biến áp Lâm Trang. Tuy nhiên, sau khi ông đến, tất cả các vị trí khác đã bị cắt và cuối cùng ông phải tự mình làm công việc của hơn 2 người. Hơn nữa, ông còn nhận được danh hiệu Chuyên gia Kỹ thuật Xuất sắc cấp tỉnh trong một cuộc thi kỹ thuật, và nhận được giải nhất trong cuộc thi công nghệ biến áp điện lực thành phố Lô Châu. Trạm biến áp của ông cũng nhận được giải thưởng Trạm biến áp Xuất sắc cho thành phố.

Tuy nhiên, ông Thư đã không nhận được bất cứ khoản tiền thưởng nào cho những thành tích của mình, mặc dù tất cả những người được giải đều nhận được phần thưởng về mặt tài chính. Ông Thư vẫn không cảm thấy buồn chút nào và vẫn làm việc chăm chỉ như bình thường. Ông nói ông cảm thấy vui vẻ từ tận đáy lòng vì ông đã coi nhẹ danh lợi cá nhân.

Nhưng tất cả những điều này đã thay đổi sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999. Hồi đó các quan chức nói chuyện với ông Thư hàng ngày và giục ông từ bỏ môn tập. Sau đó họ đe dọa bắt ông phải từ chức, nếu không họ nói là họ sẽ giữ lại tiền thưởng của tất cả những người khác. Để những nhân viên khác khỏi thù hận Pháp Luân Công vì điều này, ông Thư đã buộc phải từ chức.

Ngày mà ông nộp đơn từ chức, ông bị chặn lại bởi một đồng nghiệp lúc ông đi bộ trở về tòa nhà căn hộ của mình. Cô ấy đề nghị ông ký vào một tài liệu để chuyển căn hộ mới vốn đã được phân cho ông sang cho cô ấy. Cô ấy được phép từ cấp trên. Vì thế, ông Thư đã bị mất căn hộ do cơ quan cấp trước cả khi ông chuyển đến ở.

Bị bắt giữ và bị sách nhiễu

Cả ông Thư và mẹ ông là cụ Dương đã phải chịu thống khổ rất lớn trong 22 năm qua sau khi cuộc đàn áp bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999.

Hai ngày sau khi cuộc đàn áp bắt đầu, các quan chức đến nhà cụ Dương và tịch thu của cụ các cuốn sách Pháp Luân Công và chân dung của người sáng lập Pháp Luân Công. Thỉnh thoảng họ lại quay lại để sách nhiễu cụ.

Sau khi bị mất việc, ông Thư đã tìm được một vị trí dạy nghề tại một trường dạy nghề. Một hôm trên đường từ chỗ làm trở về nhà, ông đã bị chặn lại bởi các đặc vụ của sở cảnh sát và Phòng 610. Họ đã lục soát chỗ ở của ông và giam ông qua đêm.

Vào tháng 12 năm 2000, hai mẹ con ông đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Cụ Dương đã bị bắt giam trong hơn 3 tháng trước khi trở về nhà. Ông Thư bị giữ ở đồn cảnh sát Tây Thành ở Bắc Kinh nơi ông bị cảnh sát đánh đập cùng với mấy chục học viên bị giam khác. Sau khi bị đưa trở về, ông đã bị án 1.5 năm lao động cưỡng bức.

Các lính canh tại trại lao động Tân Hoa đã tra tấn ông Thư, cố bắt ông từ bỏ tín ngưỡng của mình. Những thủ đoạn tra tấn bao gồm đánh đập, sỉ nhục, bắt đứng yên trong một thời gian dài, bắt ngồi xổm và tẩy não.

85fd1163dc0ee1a6b15877875983a936.jpg

Đánh đập

Một hôm vào tháng 11 năm 2002, các đặc vụ từ Phòng 610 huyện Lỗ và đồn cảnh sát Vân Cẩm đến nhà cụ Dương. Họ lục soát nhà, tịch thu một băng cát-xét nhạc luyện công và đưa cụ đến trại tạm giam huyện Lỗ. Sau đó cụ bị chuyển đến trại lao động cưỡng bức Nam Mộc Tự trong 1 năm. Trong khi cụ Dương bị giam, các lính canh đã đe dọa cụ, chửi cụ, để cụ dưới ánh nắng mặt trời trong những khoảng thời gian dài, và bắt cụ ngồi im trên một chiếc ghế đẩu nhỏ trong một thời gian dài.

6edd99348235f0401eba4f851bb1aca2.jpg

Bị bắt phải ngồi im trên một chiếc ghế đẩu nhỏ trong một thời gian dài.

Việc sách nhiễu thường xuyên đã khiến cho ông Thư mất việc tại trường dạy nghề. Để kiếm sống, ông giúp mọi người sửa chữa những đồ dùng trong nhà. Ông Thư dần dần có được danh tiếng tốt trong việc sửa chữa đồ gia dụng. Khách hàng của ông rất hài lòng với ông vì việc ông làm có chất lượng cao, tận tụy và giá cả phải chăng, và họ thường giới thiệu ông với những người khác.

Nhưng Phòng 610 quận Giang Dương ở thành phố Lô Châu không từ bỏ việc bức hại ông Thư. Họ bố trí các đặc vụ ở bên ngoài cửa hàng sửa chữa của ông và theo dõi ông trong một thời gian dài. Để tránh bị bắt lần nữa, ông Thư đã phải để lại bố mẹ già và đứa con nhỏ và rời nhà đi nơi khác.

Vào năm 2012, cảnh sát từ huyện Cổ Lâm đã bắt ông Thư và lên kế hoạch kết án ông, và việc này đã giáng một đòn mạnh vào bố ông. Từng đấy năm bị bức hại, bố ông luôn phải sống trong căng thẳng và lo lắng về ông Thư và gia đình. Cụ đã ngã bệnh và sau đó qua đời trong khi ông Thư đang ở trong tù.

Sau khi vợ ông Thư qua đời khi còn trẻ, con trai ông được cụ Dương nuôi dạy. Khi ông buộc phải sống xa nhà và bị giam, gia đình không có thu nhập. Cụ Dương và đứa cháu trai đã phải sống một cuộc sống nghèo khổ. Một gia đình từng hạnh phúc giờ đã tan vỡ.

Vào ngày 30 tháng 7 năm 2012, tòa án huyện Cổ Lâm đã xét xử ông Thư và hai học viên khác tại trại tạm giam Lô Châu. Cụ Dương và cháu trai cũng đến để nói với mọi người sự thật về Pháp Luân Công ở ngoài phòng xử án.

Cụ Dương bảo đứa cháu trai nói với cảnh sát rằng bố cháu là một người tốt và không vi phạm pháp luật. Cậu bé đã chuyển lời đến cảnh sát. Buồn vì cảnh đời bi kịch của họ, có người đã biếu cụ Dương 200 tệ để giúp gia đình.

Sách nhiễu thường xuyên

Cho đến tháng 5 năm 2016, ông Thư mới trở về nhà sau 3.5 năm bị cầm tù. Kể từ đó, các quan chức của chính quyền cộng sản Trung Quốc tiếp tục đến để sách nhiễu ông và mẹ ông, đặc biệt là sau khi họ chuyển đến một khu cộng đồng ở đường Lũng Nam một vài năm trước. Các đặc vụ thường đến vào bất cứ lúc nào, thậm chí là vào lúc 9h tối.

Một hôm vào năm 2020, cảnh sát địa phương yêu cầu ông Thư đến “nói chuyện” sau giờ làm. Khi một cảnh sát đang nói chuyện với ông thì một cảnh sát khác chụp ảnh. Chính quyền yêu cầu cảnh sát thu thập những thông cá nhân, số thẻ căn cước, số điện thoại, địa chỉ và ảnh của các học viên cũng như thực hiện việc “nói chuyện” định kỳ.

Hơn nữa, cảnh sát cũng gọi ông Thư khi ông đang làm việc và đến chỗ của ông để sách nhiễu mẹ ông.

Sách nhiễu trong chiến dịch “Xóa sổ”

Việc sách nhiễu này đã trở nên tồi tệ hơn vào năm 2021. Đôi khi cảnh sát đến mỗi tuần một lần, nhưng cụ Dương từ chối mở cửa.

Vào ngày 24 tháng 5 năm 2021, ban đầu cảnh sát điều khiển một chiếc máy bay không người lái bay trên nhà cụ Dương để kiểm tra xem có ai ở nhà không. Khi xác nhận rằng có người ở nhà, họ đã ập đến nhà cụ vào lúc khoảng 4h chiều. Cụ Dương đã không mở cửa.

Khi bà đi ra ngoài để đổ rác một tiếng sau đó, khoảng 7-8 người xuất hiện và bao vây xung quanh bà. Chỉ có một người trong số họ mặc đồng phục cảnh sát.

Những người này nói rằng họ đến từ đồn cảnh sát Hồng Tinh và yêu cầu bà đi vào căn hộ của bà để nói chuyện. Cụ Dương trả lời rằng họ có thể đứng nói chuyện ở bên ngoài, và một cảnh sát nói rằng sẽ không tốt nếu những người khác nghe thấy cuộc đối thoại.

Cụ Dương nói rằng cụ không có gì để che giấu cả, nhưng cảnh sát vẫn kiên quyết muốn vào căn hộ của cụ. Cụ đồng ý cho phép chỉ 3 người trong số họ vào trong, nhưng tất cả họ đã theo vào bên trong. Cụ phản đối và một người mặc đồng phục đã bảo số cảnh sát còn lại đi ra.

Cụ Dương yêu cầu được biết tên và chức vụ của 3 người này. Họ không trả lời. Người mặc quần áo đồng phục không đeo thẻ cảnh sát. Họ nói rằng họ đến để bảo cụ ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Cụ Dương giải thích cho họ Pháp Luân Công là gì và cụ đã nhận được lợi ích từ môn tập như thế nào trong những năm qua.

Cụ đưa ra hai ví dụ, “Tôi đã từng bị xe hơi đâm và bị đi ngoài ra máu trong vài ngày. Tôi đã hồi phục mà không cần điều trị y tế gì. Tôi biết rằng Sư phụ tôi đã bảo hộ cho tôi. Sau khi con trai tôi và tôi chuyển đến căn hộ này, tôi đã bị ngã và bị gãy xương sống ở thắt lưng. Tôi phải nằm liệt giường, nhưng Sư phụ của tôi lại giúp đỡ tôi. Một hôm tôi nghe thấy âm thanh phát ra từ xương sống của tôi. Không lâu sau đó tôi đã có thể ra khỏi giường và đứng lên mà không cần ai giúp đỡ. Nếu không phải là nhờ sự giúp đỡ của Sư phụ, thì làm sao mà tôi, một cụ già đã ngoài 70 tuổi, có thể hồi phục nhanh như vậy được?”

Cụ cũng giải thích rằng Pháp Luân Công đã dạy cụ và những học viên khác làm người tốt như thế nào; những người không bao giờ lợi dụng người khác.

Cảnh sát đáp lại rằng Pháp Luân Công đã làm ra việc tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 23 tháng 1 năm 2001. Cụ Dương bác bỏ rằng đó là một trò lừa đảo được dàn dựng bởi chính quyền cộng sản Trung Quốc để bôi nhọ Pháp Luân Công.

Cảnh sát từ chối nghe và lấy ra một số bản tuyên bố được chuẩn bị sẵn. Một cảnh sát nói: “Đây là nhiệm vụ chúng tôi được giao để hoàn thành trước dịp kỷ niệm 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mọi học viên đều phải ký. Tôi nói bà cứ ký vào những bản tuyên bố này. Tôi không quan tâm nếu bà chỉ tập ở nhà. Ngay khi bà ký những giấy tờ này, chúng tôi sẽ đi và sẽ không bao giờ làm phiền bà nữa”.

Cụ Dương từ chối tuân theo và cảnh sát đe dọa rằng đứa cháu trai của cụ có thể gặp rắc rối trong việc đi học đại học hoặc tìm việc làm bởi vì cụ không ký. Họ buộc tội cụ là ích kỷ.

Họ hỏi tại sao cụ lại chuyển đến khu vực của họ mà không ở trong làng của mình. Cụ nói rằng hoàn toàn là bình thường khi cha mẹ sống chung với con mình. Cụ chuyển đến đó để ở với con trai mình, và không có gì sai với điều đó cả.

Sau đó cảnh sát nói rằng cụ có thể chỉ vẽ một vòng tròn hoặc điểm chỉ ngón tay thay vì ký tên mình.

Cụ trả lời, “Ngay cả nếu các anh bắt con trai tôi đuổi tôi ra, tôi vẫn không ký tên mình vào đó”.

Vài ngày sau đó, một số camera giám sát đã được lắp ở xung quanh tòa nhà căn hộ của cụ Dương.

Từ những gì cụ Dương và ông Thư đã trải qua, chúng ta có thể thấy rằng cảnh sát và các quan chức địa phương vẫn tiếp tục sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công vô tội. Thay vì mù quáng tuân theo Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại người dân, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều quan chức hơn nữa hiểu được tình huống này và ủng hộ các học viên và những quyền cơ bản của họ.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/13/426933.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/10/194543.html

Đăng ngày 26-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share