Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại New York, Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 17-06-2021] Con xin kính chào Sư phụ! Xin chào các đồng tu!

Mùa hè năm 2020, khi virus Trung Cộng hoành hành khắp thế giới, tôi bắt đầu vào học tại Đại học Bang New York (SUNY), chuyên ngành hành chính công. Tôi muốn chia sẻ một số trải nghiệm tu luyện của tôi từ thời điểm đó.

Chính niệm mạnh mẽ vạch trần sự xâm nhập của ĐCSTQ vào các trường đại học Hoa Kỳ

Một lần, khi đọc một thông báo trên bảng tin của trường, tôi hay tin trường tôi đã thành lập Viện Khổng Tử, một kênh tuyên truyền của ĐCSTQ ở nước ngoài. Cái gọi là Viện Khổng Tử toan thúc đẩy tuyên truyền của ĐCSTQ ra khắp thế giới và tác động đến giáo dục thông qua sự xâm nhập văn hóa. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, họ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ ở nhiều nơi.

Tôi xem lướt qua thông báo, trong đó nói về việc Viện Khổng Tử sẽ mời một nhà sư Phật giáo đến giới thiệu văn hóa truyền thống Trung Quốc, và nhà sư này là một chuyên gia về Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo và các thuyết siêu hình khác.

Tôi nhớ lại lời giảng của Sư phụ trong Chuyển Pháp Luân:

“Thêm vào đó còn có nhiều hoà thượng đứng tại góc độ của bản thân mình mà giải thích kinh Phật; cái thứ gọi là ‘Vương Mẫu Nương Nương kinh’ cũng lọt được vào trong chùa; những điều không phải là kinh điển trong Phật giáo cũng lọt vào trong chùa; làm loạn lung tung cả, bây giờ thật loạn.” (Bài giảng thứ năm, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nghĩ: Vị chuyên gia này là một nhà sư Phật giáo, làm sao ông ta có thể là chuyên gia về Đạo giáo và những môn siêu hình khác nữa? Đây chẳng phải là làm loạn văn hóa truyền thống của Trung Quốc sao?

Vì vậy, tôi đã nghĩ đến việc viết thư cho ban giám hiệu nhà trường để giải thích về việc xuất khẩu tuyên truyền ra nước ngoài của ĐCSTQ thông qua các Viện Khổng Tử, và đề xuất với hiệu trưởng về việc đóng cửa Viện Khổng Tử. Sau đó tôi nghĩ: ĐCSTQ thường trả một khoản tiền rất lớn cho một trường đại học để thành lập Viện Khổng Tử trong trường của họ. Ban lãnh đạo trường có lắng nghe những gì tôi nói không? Ngoài ra, là một sinh viên mới, liệu tôi có bị Viện Khổng Tử trả thù không? Khi tôi đang đi theo dòng suy nghĩ này, một đoạn giảng Pháp của Sư phụ hiện ra trong đầu tôi.

Sư phụ giảng:

“Hãy dùng lý trí để chứng thực Pháp, dùng trí huệ để giảng rõ chân tướng, dùng từ bi để hồng Pháp và cứu độ thế nhân;” (Lý tính, Hồng Ngâm II)

Được Pháp của Sư phụ chỉ đạo, tôi nghĩ: Các Viện Khổng Tử thuộc hệ thống tuyên truyền nước ngoài của ĐCSTQ đang xuất khẩu văn hóa đảng của ĐCSTQ và đầu độc mọi người bằng dối trá. Nếu tôi không giảng chân tướng cho ban giám hiệu, các giảng viên, nhân viên và sinh viên trong trường thì chẳng phải cũng bằng như che giấu sự thật và dung túng cho tội ác sao? Vì vậy, tôi quyết định soạn một đơn kiến nghị gửi nhà trường.

Sau khi tìm hiểu, tôi thấy tiểu bang New York có nhiều Viện Khổng Tử nhất Hoa Kỳ – khoảng chục cái – trong đó, hơn một nửa nằm trong các trường đại học. Điều này cho thấy sự xâm nhập sâu rộng của ĐCSTQ vào tiểu bang New York. Đồng thời tôi cũng hơi lo lắng, không biết viết đơn kiến nghị như thế có ảnh hưởng xấu đến việc học của tôi không. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định thực hiện.

Khoảng một tháng, tôi đã thu thập các tài liệu nghiên cứu và báo cáo nghiên cứu liên quan đến Viện Khổng Tử. Với lượng bằng chứng phong phú, tôi đã viết một bản kiến nghị, sử dụng những kiến thức và kỹ năng vừa học được từ khóa học quản lý hành chính công.

Tôi giải thích rằng trên thực tế, Viện Khổng Tử hoạt động như cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ ở nước ngoài, vạch trần bản chất xấu xa và tội ác của ĐCSTQ trong việc phá hủy văn hóa truyền thống Trung Quốc và bức hại người dân Trung Quốc, cũng như cuộc đàn áp nền dân chủ của Hồng Kông gần đây và cuộc bức hại dai dẳng, không ngừng nghỉ đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Quan trọng hơn, tôi chỉ ra rằng các nghiên cứu liên quan đã xác nhận các Viện Khổng Tử của ĐCSTQ thực sự đang vi phạm quyền tự do ngôn luận và tín ngưỡng bên ngoài Trung Quốc. Tôi kêu gọi ban giám hiệu nhà trường đóng cửa Viện Khổng Tử.

Khi viết đơn kiến nghị, tôi đã chia sẻ với các đồng tu địa phương, và họ đều đồng ý rằng bản kiến nghị như vậy rất quan trọng và có ý nghĩa trong việc lật tẩy những dối trá và sự xâm nhập của bóng ma tà ác của ĐCSTQ tại địa phương. Nhiều học viên bắt đầu hỗ trợ tôi bằng cách phát chính niệm để giải thể các tà linh đứng sau Viện Khổng Tử.

Vào khoảng giữa tháng 10, tôi đã gửi bản kiến nghị cho hiệu trưởng trường đại học qua email. Vào cuối tuần mà tôi gửi bản kiến nghị, tôi xuất hiện các triệu chứng tiêu nghiệp và ho dữ dội. Tôi chưa bao giờ trải qua bất cứ điều gì như thế.

Vào thứ Hai, tôi bất ngờ nhận được một email từ văn phòng tuyển sinh sau đại học. Họ yêu cầu tôi nộp bằng chứng về chứng chỉ cử nhân, nói rằng những tài liệu tôi đã nộp trước đó không đủ, và phải nộp tài liệu bổ sung bắt buộc trong vòng hai tuần. Nếu không, đăng ký cao học của tôi sẽ bị hủy bỏ.

Tim tôi bắt đầu đập mạnh khi đọc email. Tâm tôi tràn ngập nỗi sợ hãi. Tôi sợ mất tư cách sinh viên, và lo rằng việc học hành và công sức gần hai tháng qua sẽ trở thành vô ích. Thậm chí tôi còn lo có thể không lấy được bản sao bằng cử nhân vì tôi nhận bằng hồi còn ở Trung Quốc. Tôi lo lắng không biết cán bộ nhà trường có giúp tôi không, vì cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công vẫn đang diễn ra ở đó.

Tôi nhanh chóng nhận ra đây chỉ là giả tướng, do cựu thế lực lợi dụng tâm lo sợ của tôi tạo ra. Tôi nghĩ: Mọi thứ của tôi đều do Sư phụ an bài, Sư phụ quản. Cựu thế lực không xứng nhúng tay vào hay khảo nghiệm tôi. Nghĩ vậy, tôi liền phát chính niệm cường đại để giải thể tất cả can nhiễu và bức hại của cựu thế lực. Rất nhanh sau đó, tâm trí tôi bình hòa trở lại và nhịp tim lại bình thường, nhưng các triệu chứng tiêu nghiệp vẫn còn.

Vào buổi tối, tôi đã chia sẻ những gì đã xảy ra với tôi cho các đồng tu trong nhóm học Pháp. Tôi ngạc nhiên khi biết hai học viên khác cũng có các triệu chứng tiêu nghiệp tương tự. Qua chia sẻ, chúng tôi hiểu rằng đó là can nhiễu đối với chỉnh thể nhóm chúng tôi khi chúng tôi phối hợp diệt trừ tà linh đứng sau Viện Khổng Tử. Chúng tôi quyết định tiếp tục phát chính niệm theo chỉnh thể và hoàn toàn phủ nhận an bài của cựu thế lực.

Ngày hôm sau, tôi gọi điện đến văn phòng nhập học và hỏi họ yêu cầu cụ thể những giấy tờ bổ sung gì. Một nhân viên giải thích lý do các tài liệu tôi đã nộp trước đó còn thiếu và tôi cần bổ sung thêm giấy tờ. Đột nhiên tôi nhớ ra, mấy năm trước, hồi tôi mới sang Hoa Kỳ, một công ty đã giúp tôi liên lạc với trường đại học của tôi ở Trung Quốc, và có thể họ vẫn còn giữ những giấy tờ tôi đang cần.

Tôi đã liên hệ với công ty đó và họ đã giữ hồ sơ của tôi cùng với các tài liệu được yêu cầu. Tôi đề nghị cung cấp tài liệu và nói với phòng quản lý sinh viên rằng các giấy tờ đó sẽ sớm được gửi đến. Tôi vô cùng biết ơn sự an bài và gia trì của Sư phụ! Tôi tiếp tục phát chính niệm tăng cường và tất cả các triệu chứng bất thường trong cơ thể tôi đều nhanh chóng biến mất. Các giấy tờ cần thiết cũng được gửi đến đúng thời hạn.

Một tuần sau, tôi nhận được email từ chủ nhiệm khoa nói rằng ông được hiệu trưởng giao nhiệm vụ liên lạc lại với tôi về Viện Khổng Tử. Ông không đề cập đến những gì tôi đã nêu trong bản kiến nghị, mà chỉ lặp lại chương trình và quy định chung của Viện Khổng Tử, nhấn mạnh rằng những điều này đáp ứng các tiêu chuẩn mà trường đại học luôn tuân theo. Tôi có thể cảm thấy rằng những tà linh đằng sau họ đã bị tiêu diệt trên một diện rộng.

Tôi đã viết thư trả lời cho chủ nhiệm khoa, nhẹ nhàng nhắc ông rằng ĐCSTQ là một hệ thống toàn trị muốn đàn áp nền dân chủ, cũng như tự do ngôn luận và tư tưởng, và chúng ta cần phải cảnh giác vì ĐCSTQ đang sử dụng Viện Khổng Tử để xuyên tạc lịch sử, truyền bá hệ tư tưởng tà ác của ĐCSTQ, và lạm dụng nhân quyền.

Mặc dù kể từ đó, tôi không nhận được thêm bất kỳ phúc đáp nào của ban giám hiệu nhà trường, nhưng các hoạt động do Viện Khổng Tử tổ chức đã giảm mạnh. Trong học kỳ mùa xuân năm nay, không có sự kiện nào được Viện Khổng Tử tổ chức. Tôi hiểu rằng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm trong việc vạch trần tà ác và giảng chân tướng, và chỉ có Đại Pháp mới có thể dẫn lối chúng ta thực hiện một cách chân chính.

Chứng thực vẻ đẹp của Đại Pháp trong thời gian thực tập ở cơ quan chính phủ

Vào tháng 1 năm nay, trường đại học đã chuyển tiếp một quảng cáo cho vị trí thực tập trợ lý nghiên cứu chính sách tại Bộ Ngoại giao của bang New York. Tôi đã nộp hồ sơ xin việc kèm thư tự giới thiệu, và tôi đã nhanh chóng nhận được thông báo phỏng vấn. Một tuần sau cuộc phỏng vấn, tôi nhận được thư chấp thuận. Vào thời điểm đó, tôi cũng đang chờ một cơ hội thực tập trợ lý nghiên cứu cấp cao khác, vì vị trí đó được trả lương cao hơn. Tôi không chắc mình có nên nhận thư mời của Bộ Ngoại giao hay không. Nhưng sau khi nhận được hai lá thư khác đề nghị sớm trả lời của cơ quan này, tôi đã nhận lời thư mời vì nghĩ tôi nên thuận theo tự nhiên.

Từ tháng 2, tôi làm bán thời gian ở vị trí trợ lý nghiên cứu cho Bộ Ngoại giao của tiểu bang trong khi vẫn lên lớp. Mặc dù hầu hết công việc của các cơ quan chính phủ được xử lý trực tuyến, nhưng khối lượng công việc và thời gian cần làm vẫn không thay đổi. Tôi khá bận rộn với các cuộc họp trực tuyến, liên lạc bằng email với các bộ phận khác, gọi điện thoại và viết báo cáo công việc,… Do đó, tôi phải giảm thời gian ngủ ban đêm để theo kịp công việc thực tập và việc học ở trường. Vì cần thức khuya nên tôi phải điều chỉnh thời gian luyện công buổi sáng, và tôi thường phải chia 5 bài công pháp ra để tập bất cứ khi nào có thể trong ngày.

Sư phụ giảng trong Chuyển Pháp Luân:

“Các công trình khoa học nghiên cứu mà chúng ta làm, lãnh đạo giao nhiệm vụ nào, hoàn thành công tác nào, chúng ta đều tỉnh táo minh bạch làm cho thật tốt.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Tôi luôn ghi nhớ lời Sư phụ giảng, và luôn cố gắng làm sao để hoàn thành các nhiệm vụ được giao đúng thời hạn và với chất lượng cao. Đôi khi tôi cũng đưa ra những ý tưởng mới để nâng cao hiệu quả. Cấp trên của tôi luôn đánh giá cao và khẳng định những sáng kiến của tôi. Một lần, ông ấy giao cho tôi soạn thảo một báo cáo quan trọng, và cũng mời tôi tham gia nhóm đánh giá các dự án đấu thầu của chính phủ.

Sau ba tháng thực tập, cấp trên hỏi tôi có thể làm việc thêm ba tháng nữa không. Tôi hiểu tôi có thể thực hiện được tốt như vậy là nhờ Đại Pháp đã ban cho tôi trí huệ cũng như tinh thần và sức khỏe sung mãn để có thể thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. Kết quả công việc của tôi cũng chiếm được sự tin tưởng của cấp trên. Trong thời gian thực tập, tôi có nhiều cơ hội giảng chân tướng cho cấp trên và đồng nghiệp về Pháp Luân Đại Pháp, và chia sẻ những lợi ích mà tôi nhận được khi tu luyện Đại Pháp. Tôi cũng nói với họ về cuộc bức hại tàn bạo của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Trong một cuộc họp bàn về chính sách nhập cư của bang New York, tôi kể về một sinh viên Trung Quốc đang du học tại Hoa Kỳ. Cha mẹ của anh đã bị ĐCSTQ bắt giữ phi pháp và tra tấn vào năm ngoái vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Anh không thể liên lạc được với cha mẹ và mất đi nguồn tài chính. Sau cuộc họp, tôi đã chia sẻ một đoạn video do NTDTV sản xuất về sinh viên đó với các đồng nghiệp của tôi, và đã tạo ra tác động tích cực và sâu sắc.

Vào tháng 4 năm nay, với sự hỗ trợ của một số đồng tu, tôi đã làm một video giới thiệu “Triển lãm Nghệ thuật Chân-Thiện-Nhẫn” trên nền một bản nhạc đàn nhị. Video đã được công bố trên trang web chính thức của trường đại học khi tôi tham gia hội nghị sinh viên thường niên của trường.

Trong hội nghị, tôi đã gửi liên kết đến “Triển lãm Nghệ thuật Chân-Thiện-Nhẫn” cho các đồng nghiệp và cấp trên của tôi tại Bộ Ngoại giao. Tất cả những người đã xem triển lãm, bao gồm cả cấp trên của tôi, đã gửi cho tôi những lời nhắn thể hiện sự ngưỡng mộ trước những tác phẩm nghệ thuật đẹp và cảm động, cùng với âm nhạc, và họ vô cùng xúc động với những câu chuyện trong các bức họa. Cấp trên của tôi cũng cho biết họ cần phải khiến nhiều đồng nghiệp hơn nữa biết đến triển lãm để thưởng thức và trân trọng triển lãm này.

Vào cuối tháng 4, có người đã đề cập đến một báo cáo nghiên cứu y khoa về những lợi ích của Pháp Luân Đại Pháp trong việc ngăn ngừa và điều trị virus Trung Cộng. Tôi đã tìm thấy báo cáo đó và chuyển tiếp cho một số đồng nghiệp và khuyến khích họ đọc. Các đồng nghiệp của tôi nhanh chóng phản hồi và gửi báo cáo đó cho nhiều người khác trong nhóm của họ. Một số đồng nghiệp đã viết thư phản hồi cho tôi ngay lập tức, nói rằng họ hy vọng có thể lập tức bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Một đồng nghiệp cũng đã tìm kiếm trên mạng Internet và tìm thấy một video dạy các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp. Sau đó, anh ấy đề nghị hai đồng nghiệp khác cùng học các bài công pháp thông qua video tại một công viên gần nhà họ.

Đề cao tâm tính thông qua việc học thuộc Pháp

Từ tháng 10 năm ngoái, do khối lượng bài vở tăng lên và giờ giấc lệch nhau, tôi đã chuyển từ học Pháp nhóm sang tự học thuộc lòng cuốn Chuyển Pháp Luân. Vì tôi thường thức khuya nên dậy mỗi hôm một giờ, nhưng bất kể thức dậy vào lúc nào, tôi luôn dành một đến hai giờ để học thuộc Chuyển Pháp Luân sau khi luyện công. Tôi không quan trọng học thuộc được bao nhiêu mà cố gắng thuộc từng từ, kể cả dấu câu. Đôi khi tôi có thể thuộc lòng hơn một trang mỗi ngày, nhưng cũng có khi chỉ là một đoạn ngắn.

Tôi nhận thấy quá trình học thuộc Pháp chính là quá trình tu luyện tâm tính, liên tục đồng hóa với Pháp, được Sư phụ khai sáng và gia trì. Hầu như mỗi khi học thuộc Pháp, tôi đều có thể ngộ mới về các Pháp lý, đồng thời tôi cũng có thể nhận ra những chấp trước của bản thân, và cảm nhận được niềm vui khi buông bỏ chấp trước thông qua tu luyện. Trong khi học thuộc Pháp, tôi cũng cảm nhận được sự từ bi vô lượng và sức mạnh vĩ đại của Sư phụ. Trong khi học thuộc Pháp, tôi thường xuyên cảm thấy nghiệp lực nhanh chóng biến mất khỏi cơ thể khi được Sư phụ gỡ bỏ.

Kể từ khi tôi bắt đầu học thuộc Pháp, tôi thấy mình có ý thức hơn trong việc hướng nội và tu luyện tâm tính khi gặp các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, tôi nhận ra mình đã nuôi dưỡng tâm oán hận sâu sắc đối với cha tôi trong một thời gian dài. Tôi lớn lên ở Trung Quốc Đại lục, và điều tôi nhớ rõ nhất là cha tôi đã đánh đập mẹ tôi và bạo hành chúng tôi thô bạo như thế nào. Sau khi mẹ tôi và tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp, cha tôi thường xuyên can nhiễu chúng tôi, nhất là sau khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại các đệ tử Đại Pháp vào năm 1999. Ông thậm chí còn cố ép mẹ con tôi từ bỏ tu luyện Đại Pháp.

Mẹ tôi đã qua đời khi tôi bị giam giữ bất hợp pháp. Cái chết của mẹ khiến tâm tôi tổn thương nghiêm trọng. Tôi nghĩ sự can nhiễu của cha là một phần nguyên nhân dẫn đến chuyện này. Do vậy tôi đã sinh tâm oán hận sâu sắc với cha. Dù đã sống ở nước ngoài nhiều năm, trong tâm tôi vẫn phản đối cha tôi và không muốn liên lạc nhiều với ông.

Trong những năm gần đây, sức khỏe của cha kém đi, và mỗi lần nói chuyện với ông qua điện thoại, tôi chỉ giảng chân tướng cho ông bằng giọng điệu cấp thiết, có chút từ bi, khuyên cha niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo. Chân Thiện Nhẫn hảo”. Tôi nói với ông rằng tôi hy vọng ông có thể tôn trọng Đại Pháp để có thể được phúc báo, nhưng chẳng mấy tác dụng.

Đầu năm nay, một người thân sống với cha tôi đã gửi email cho tôi, nói rằng bệnh Parkinson của cha tôi đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày của ông, và hỏi tôi liệu ở Hoa Kỳ có thể tìm được loại thuốc nào tốt hơn để điều trị cho ông không. Như thường lệ, tôi chỉ đơn giản trả lời: Tôi sẽ tìm, nhưng chân ngôn mà tôi khuyên ông niệm là cách chữa bệnh tốt nhất.

Trước đây, tôi chưa bao giờ cảm thấy khó chịu khi trả lời như thế, và cũng chưa bao giờ nghiêm túc tìm thuốc cho ông. Tôi luôn nghĩ: Đại Pháp là tốt nhất, và chân ngôn quý giá có thể mang lại kỳ tích. Tìm các phương thuốc khác thì ích gì. Nếu cha không nghe lời tôi, thì cứ việc đi theo tà đảng… Nhưng lần này, tôi cảm thấy có gì đó không ổn – tôi không hề từ bi với cha mình! Ngay cả khi một người lạ đề nghị tôi giúp đỡ, tôi cũng không trả lời như vậy!

Sư phụ giảng:

“Tất nhiên, chúng ta tu luyện trong xã hội người thường, [thì] hiếu kính cha mẹ, dạy dỗ con cái đều cần phải [làm]; tại các hoàn cảnh đều đối xử tốt với người khác, lấy Thiện đãi người, huống là thân nhân chư vị. Đối với ai cũng vậy, đối với cha mẹ, đối với con cái đều tốt, ở đâu cũng cân nhắc đến người khác; cái tâm ấy không phải là tự tư, mà là tâm từ thiện, là từ bi.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Đột nhiên, tôi nhận ra mình không chỉ không từ bi với cha mình, mà còn oán hận ông và có chấp trước bảo vệ bản thân. Dần dần, tôi suy nghĩ lại về cha tôi. Tôi nhận ra cha tôi không thực sự chống lại Đại Pháp, vì tôi nhớ ông đã từng nói với tôi “Chân Thiện Nhẫn là tốt”.

Là người thường, ông chỉ sợ bị ĐCSTQ bức hại. Vì thế mà có lúc ông hành xử không theo lẽ phải, chỉ để bảo vệ bản thân. Nếu không có sự can nhiễu và áp lực từ bên ngoài, ông có thể cũng là một người tốt bụng và đáng kính. Đột nhiên, tôi cảm thấy thật sự hối hận vì bao nhiêu năm, tôi vẫn không giảng chân tướng được cho cha tôi chỉ vì tâm oán hận và quan niệm sai lầm của mình. Đồng thời, tôi vô cùng biết ơn Sư phụ đã giúp tôi nhận ra bản ngã chân chính của mình thông qua Pháp lý, để tôi có thể tách khỏi oán hận, tự tư, và quan niệm sai đều là giả ngã trong tôi. Đối với tôi, quá trình học thuộc Pháp giống như một quá trình loại bỏ giả ngã và tìm ra chân ngã.

Lời kết

Xin cảm tạ Sư phụ đã từ bi cứu độ con! Tôi vô cùng vinh hạnh được trở thành một đệ tử Đại Pháp trong giai đoạn Đại Pháp hồng truyền, và hoàn thành thệ ước tiền sử trợ Sư Chính Pháp và cứu độ chúng sinh. Tôi rất trân quý từng ngày Sư phụ đã ban cho chúng ta bằng sự phó xuất to lớn của Ngài. Tôi cũng vô cùng cảm ân vì giờ đây tôi có thể tiếp tục học đại học.

Sáng sớm hôm Giao thừa, ngày 11 tháng 2 năm nay, tôi có một giấc mơ, trong đó, tôi cùng với nhiều đệ tử Đại Pháp đã đến thăm Sư phụ. Khi Sư phụ đến gần tôi, Ngài hỏi: “Sư phụ có một số điều muốn giảng cho con, con có muốn học không?”. Tôi dõng dạc đáp lại không chút do dự “Vâng, con muốn ạ!”.

Cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các đồng tu!

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/17/427088.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/21/193777.html

Đăng ngày 10-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share