Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại châu Âu

[MINH HUỆ 12-07-2021] Ngày 20 tháng 7 năm 1999, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc, nó dự kiến sẽ tiêu diệt được Pháp Luân Công trong vài tháng. Rốt cuộc, dưới sự thống trị của ĐCSTQ mấy thập kỷ qua, không có mấy cá nhân, tổ chức hay hệ tư tưởng nào là mục tiêu đàn áp tàn bạo của nó có thể trụ được.

Tuy nhiên, Pháp Luân Công, một môn tu luyện dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, vẫn đứng vững sau 22 năm liên tục bị bức hại, và được hàng triệu người trên thế giới thực hành.

Những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công đã thu hút sự chú ý của các chính khách trên toàn thế giới. Ngày 20 tháng 7 năm 2020, hai Nghị sỹ Canada (ông Peter Kent và bà Judy Sgro) và một Nghị sỹ Thụy Điển (bà Ann-Sofie Alm) đã phát động một tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại và trả tự do cho tất cả các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ.

Kể từ đó, đã có hơn 900 bộ trưởng và nghị sỹ, cả đương nhiệm lẫn bãi nhiệm, thuộc 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã ký vào tuyên bố chung để chấm dứt cuộc bức hại ở Trung Quốc.

Trong số các quan chức này, khoảng 500 người đến từ 23 quốc gia châu Âu, bao gồm Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Ý, Đan Mạch, Ireland, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Bỉ, Áo, Na Uy, Phần Lan, Ba Lan, Séc, Slovakia, Romania, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Tây Ban Nha, và Síp.

Ngày càng được ủng hộ sau nhiều năm nỗ lực

Kể từ khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại vào năm 1999, các học viên trong và ngoài Trung Quốc đã và đang giảng chân tướng cho mọi người trên khắp thế giới, gồm cả các quan chức chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và công chúng.

Ở châu Âu, các học viên đã đến các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc để trình diễn các bài công pháp của Pháp Luân Công và phát tài liệu chân tướng cho người qua đường. Họ cũng tham gia các sự kiện cộng đồng, tổ chức các diễn đàn, thành lập các đoàn nhạc và tài trợ các cuộc triển lãm nghệ thuật để phổ biến thông tin cho công chúng về những tội ác ở Trung Quốc.

Thông qua những nỗ lực kiên định này, nhiều chính khách từ không biết nhiều về Pháp Luân Công đã hiểu rõ hơn về cuộc bức hại.

Trong các sự kiện xung quanh ngày 20 tháng 7 năm 2009, nhiều chính khách châu Âu ở Vương quốc Anh, Đức, Pháp và Bỉ đã công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với Pháp Luân Công. Tại một cuộc mít-tinh trên Quảng trường Nghị viện, ông Gerard Batten, bấy giờ là nghị sỹ Nghị viện Châu Âu (MEP), đã khen ngợi các học viên vì lòng dũng cảm của họ.

Ông giải thích trong một cuộc phỏng vấn: “Giờ đây, tôi hiểu rằng để mọi người đứng lên và lên tiếng ở một đất nước như Trung Quốc đòi hỏi phải có lòng can đảm lớn lao. Khi sống ở một đất nước tự do, chúng ta dễ quên đi sự quý giá của sự tự do mà chúng ta được hưởng. Vì vậy, tôi nghĩ đối với bản thân tôi, việc lên tiếng cho Pháp Luân Công trước công chúng là điều tối thiểu nhất tôi có thể làm.”

897de741d01b1f9b043eac67e09c48a4.jpg

Ông Gerard Batten, Nghị sỹ Châu Âu (MEP) tại nhiệm, phát biểu tại một sự kiện vào tháng 7 năm 2009

Ông Neville Farmer, một ứng cử viên Nghị sỹ của Đảng Dân chủ Tự do, cho biết ông tham gia sự kiện này để phản đối những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ. Đặc biệt, nạn thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống là một vết nhơ.

Năm 2009, ông Edward McMillan-Scott, cựu Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, cho hay ông thường gọi cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc là tội ác diệt chủng. Ông cho biết việc tra tấn diễn ra rộng rãi ở Trung Quốc, chủ yếu nhắm vào các học viên Pháp Luân Công, với mục đích chính là ép buộc các học viên từ bỏ đức tin của họ. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế tập trung vào những vụ tra tấn đó và truy cứu trách nhiệm của thủ phạm.

Chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng

Khi các học viên Pháp Luân Công tiếp tục nỗ lực phản bức hại, họ ngày càng giành được nhiều ủng hộ từ các quan chức đắc cử. Đến năm 2019, nhiều nhà lãnh đạo ở các nước châu Âu, bao gồm cả các nghị sỹ, đã công khai ca ngợi nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công, và bày tỏ sự ngưỡng mộ trước lòng can đảm của các học viên khi đứng lên chống lại sự chuyên chế của ĐCSTQ. Họ hy vọng các học viên sẽ duy trì việc này cho đến khi mọi người ở Trung Quốc có thể tự do thực hành Pháp Luân Công.

Bà Ulli Nissen, Nghị sỹ Quốc hội Đức, đã tham dự lễ kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới ở Frankfurt vào tháng 5 năm 2019. Bà cho biết cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc khiến bà phẫn nộ và đau lòng. Đặc biệt, nạn tra tấn và thu hoạch nội tạng các học viên của ĐCSTQ phải chấm dứt. Bà nói rằng những tội ác này thật đáng sợ và ghê rợn, và đó là lý do không thể dung thứ cho cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

8ff0b00373f783278ef6bb2db42607d5.jpg

Nghị sỹ Ulli Nissen tham dự lễ kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới ở Frankfurt, Đức, vào năm 2019

Đại dịch toàn cầu bùng nổ đầu năm 2020 càng giúp thế giới nhận ra ĐCSTQ đã truyền bá thông tin sai lệch và lừa dối như thế nào. Bởi vậy, các quan chức đã chú ý nhiều hơn đến việc chấm dứt các tội ác của ĐCSTQ.

Ngày 12 tháng 6 năm 2020, Thượng viện Bỉ đã thông qua Nghị quyết 7-162 nhằm lên án hoạt động thu hoạch nội tạng do chính quyền của ĐCSTQ hậu thuẫn từ các tù nhân lương tâm còn sống, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ. Nghị quyết này được 10 Thượng Nghị sỹ bảo trợ và đề xuất vào ngày 12 tháng 5, được thảo luận tại Thượng viện vào ngày 8 tháng 6 và được thông qua vào ngày 12 tháng 6.

Một số thượng nghị sỹ đã thay mặt các đảng chính trị của họ phát biểu và lên án tội ác thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ. Thượng Nghị sỹ Mark Demesmaeker nói: “Tôi thường thấy các học viên Pháp Luân Công tổ chức các hoạt động trên Quảng trường Luxembourg [trước Nghị viện Châu Âu]. Họ tập trung vào việc kêu gọi chấm dứt tội ác thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống.”

Ông cho biết Trung Quốc, dưới chế độ chuyên chế của ĐCSTQ, có một hệ thống chính trị đóng kín nghiêm ngặt. Hệ thống đàn áp này nhắm vào các nhóm tôn giáo và thiểu số, chẳng hạn như các học viên Pháp Luân Công, cũng như các tín đồ Cơ Đốc giáo và dân tộc thiểu số. Dưới bộ máy chính trị độc tài này, các nhóm này đã bị biến thành một ngân hàng hiến tạng sống. Ông Demesmaeker nói thêm rằng nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng là một tội ác, và những hành vi phi pháp này phải bị trừng phạt.

Các giá trị truyền thống

Nhân dịp lễ kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới vào tháng 5 năm 2021, Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Châu Âu đã nhận được thư chúc mừng từ nhiều quan chức chính phủ, trong đó có 23 nghị sỹ liên bang Ireland. Các bức thư biểu dương những lợi ích của Pháp Luân Đại Pháp và nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Họ cũng bày tỏ hy vọng cuộc bức hại ở Trung Quốc sẽ nhanh chóng kết thúc.

4b87d3fa4ce8127e1068327ce0cc277d.jpg

23 nghị sỹ liên bang Ireland gửi thư chúc mừng tới Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Châu Âu nhân Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 2021

Giáo sư Margot Ruth Aline Lister, Nữ nam tước của Burtersett, Thượng Nghị sỹ, viết trong thư: “Chân-Thiện-Nhẫn là những nguyên tắc quan trọng không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà cả trong chính trị. Do đó, tôi rất vui được gửi đến các bạn thông điệp nhỏ bày tỏ sự ủng hộ Ngày Pháp Luân Đại Pháp này.”

Ông Peter Holland, Thị trưởng Vinh dự, Ủy viên Hội đồng của Thành phố Exeter, viết trong thư chúc mừng: “Với tư cách là Thị trưởng, và thay mặt cho các công dân của thành phố Exeter, tôi muốn đóng góp sự ủng hộ cho Cộng đồng Pháp Luân Đại Pháp…. Các giá trị của Cộng đồng Pháp Luân Đại Pháp: Chân-Thiện-Nhẫn cũng là giá trị của tôi, mà nếu được áp dụng ở mọi quốc gia thì tôi tin tưởng thế giới này sẽ là một nơi tốt đẹp hơn nhiều.”

Trong thư chúc mừng, ông Alan Robert Haworth, Nam tước Haworth, Thượng Nghị sỹ, cho biết: “Điều vô cùng đáng buồn là cuộc bức hại vẫn tiếp diễn. Thế giới cần nhiều hơn nữa những giá trị căn bản Chân-Thiện-Nhẫn, chứ không phải ít hơn. Và không chỉ ở Trung Quốc. Tôi rất vui khi góp phần ủng hộ chiến dịch của các bạn.”

Nhiều quan chức ở các nước khác cũng gửi những lá thư tương tự. Nghị sỹ liên bang Ulli Nissen của Đức đã viết trong thư rằng Chân-Thiện-Nhẫn là những giá trị hòa bình và cần được tôn trọng. Bà lên án cuộc bức hại của ĐCSTQ và kêu gọi chấm dứt tội ác này.

Ông Heiko Kasseckert, Nghị sỹ bang Hesse, viết:“Các học viên không chỉ có thân thể khỏe mạnh hơn, mà còn tìm được niềm tin tâm linh mới và một cuộc sống hài hòa, bình yên và hạnh phúc. Từ đó đến nay, hầu hết quốc gia nào trên thế giới cũng có học viên [Pháp Luân Công], hàng triệu người đã tập luyện và sống theo giá trị Chân-Thiện-Nhẫn, vốn là những giá trị đáng trân trọng. Trong những ngày bệnh dịch đang hoành hành này, những giá trị này đặc biệt quan trọng đối với chúng ta.”

Nghị sỹ Oliver Stirbock viết trong thư của mình: “Giá trị Chân-Thiện-Nhẫn’ mà Pháp Luân Công đại diện là cao cả và đáng trân trọng, và các giá trị này cần được đảm bảo thông qua các chính sách. Tuy nhiên, cách ứng xử của chính phủ Trung Quốc đối với Pháp Luân Công lại trái ngược hẳn lại. Nó không biết tôn trọng, vô nhân đạo, và không có pháp quyền. Cộng đồng quốc tế phải chú ý tới những tội ác này. Sự hiện diện của các bạn là tốt, và Đảng Dân chủ Tự do đứng về phía các bạn.”

Các Nghị sỹ Karin Müller, Martina Feldmayer, và Miriam Dahlke đã thay mặt Đảng Xanh tại Nghị viện Bang Hesse đã gửi thư chúc mừng: “Chúng tôi chân thành chúc mừng Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 13 tháng 5. Đối mặt với cuộc bức hại và bạo lực đang diễn ra của ĐCSTQ, các bạn vẫn ôn hòa theo đuổi giá trị Chân-Thiện-Nhẫn, thật đáng khâm phục.”

Ông Michael Gahler, Nghị sỹ của Nghị viện Châu Âu, cho biết nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn là giá trị phổ quát. Chúng có thể áp dụng ở các địa khu khác nhau, trong chính trị và cuộc sống hàng ngày.

Các quan chức từ Thụy Sỹ cũng đồng tình với những ý kiến trên. Ông Luc Barthassat, Thượng Nghị sỹ của thành phố Geneva, cho biết Pháp Luân Đại Pháp nhắc chúng ta rằng các giá trị truyền thống và nhân quyền là rất quan trọng. Ông lưu ý rằng môn tu luyện này dựa trên giá trị Chân-Thiện-Nhẫn, những giá trị cao quý đại diện cho hy vọng của nhân loại.

Ông Emmanuel Deonna, Phó Đại hội đồng Canton de Genève, cho biết Chân-Thiện-Nhẫn, nguyên lý mà các học viên Pháp Luân Công tuân thủ, là điều tối quan trọng đối với nhân loại.

Sát cánh cùng nhau

Trong các bài phát biểu và thư chúc mừng, nhiều quan chức châu Âu cho biết họ sẵn sàng sát cánh cùng các học viên Pháp Luân Công chống lại ĐCSTQ độc tài.

Tại lễ kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới vào tháng 5 năm 2020, bà Ines Claus, Chủ tịch Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) ở Đức, cho biết bà hiểu rõ về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Bà viết trong thư rằng bà cùng các đồng nghiệp đang làm việc để chấm dứt cuộc bức hại. Mặc dù cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn tiếp diễn, nhưng bà tin rằng nhờ vào lòng can đảm của các học viên Pháp Luân Công, cuộc bức hại sẽ chấm dứt trong tương lai không xa.

Trong bức thư vào tháng 5 năm 2020, ủy viên Hội đồng Quốc gia Thụy Sỹ Martina Munz chỉ ra rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải chịu toàn bộ trách nhiệm về những thảm kịch đối với các học viên Pháp Luân Công. Cuộc bức hại ở Trung Quốc càng cho thấy tính cấp thiết của việc bảo vệ nhân quyền, tự do tín ngưỡng, và lương tâm của chúng ta.

Bà Munz cho biết, kể từ khi nắm quyền vào năm 1949, chế độ toàn trị của ĐCSTQ đã làm ngơ trước nhân quyền, quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Nó đã kích động các cuộc chiến giữa các nhóm xã hội, và lợi dụng triệt để các phương tiện để cố gắng hủy diệt nhân loại. Vì mọi phương tiện truyền thông ở Trung Quốc bị kiểm duyệt và tự do cá nhân bị hạn chế, dân thường bị tẩy não, giống như những tù nhân sống trong vô số trại lao động.

Bà Munz cũng chỉ ra rằng, kể từ khi ĐCSTQ nắm quyền cách đây 70 năm, các cuộc vận động chính trị của nó đã khiến khoảng 70 triệu người thiệt mạng, tương đương hơn 2.700 nhân mạng mỗi ngày. Một trong những tội ác lớn nhất của cuộc bức hại Pháp Luân Công là nạn buôn bán nội tạng của ĐCSTQ, giết người để lấy nội tạng. Nhiều học viên Pháp Luân Công đã trở thành nạn nhân của tội ác này.

Bà Munz kêu gọi các học viên Pháp Luân Công và những người ủng hộ tiếp tục nỗ lực phản bức hại ôn hòa. Những nỗ lực này sẽ cải thiện nhân quyền ở Trung Quốc và khôi phục phẩm giá của người dân Trung Quốc, mang lại hy vọng cho Trung Quốc và thế giới. Bà cảm ơn các học viên vì sự bền bỉ của họ và hoan nghênh sẽ có nhiều nỗ lực chung hơn.

Tại lễ kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới vào tháng 5 năm 2021, một chính trị gia Đức đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Pháp Luân Công. Nghị sỹ Bang Hesse Dirk Bamberger viết: “Thân gửi nhóm Pháp Luân Công từ Hesse, tôi xin bày tỏ sự tôn trọng cao nhất đối với sự cống hiến và nỗ lực thức tỉnh xã hội của các bạn. Không ai nên bị bức hại, giết hại chỉ vì có tín ngưỡng hay tu luyện. Điều này đúng ở mọi nơi trên thế giới. Tôi cầu chúc cho các bạn có thêm sức mạnh và lòng can đảm để tiếp tục thu hút sự chú ý đến những tội ác này, và tôi hy vọng các bạn sẽ tiếp tục cứu được nhiều sinh mạng trong tương lai. Xin hãy kiên trì lên án những hành vi xâm phạm này, và phổ biến Pháp Luân Công để nhiều người hơn hiểu.”

Bà Caroline Lucas, Hạ Nghị sỹ của Brighton Pavilion, viết trong thư vào tháng 5 năm 2021: “Chính phủ Vương quốc Anh phải có lập trường nguyên tắc trong vấn đề bảo vệ quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng và ngôn luận trên toàn thế giới, và tôi đã làm việc để hối thúc Chính phủ Vương quốc Anh buộc chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc đàn áp một cách có hệ thống đối với các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số, bao gồm cả các học viên Pháp Luân Công. Nhân kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp, tôi muốn nói tôi sẽ đứng cùng phía các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới, và cam kết mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo vệ nhân quyền, bảo vệ các nhóm thiểu số tôn giáo khỏi sự đàn áp.”

Cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã kéo dài 22 năm. Hơn 500 quan chức ủng hộ này từ 23 quốc gia châu Âu không chỉ là con số, mà còn cho thấy ĐCSTQ đang tiến đến diệt vong khi bắt đầu thách thức các giá trị truyền thống, như nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công. Những gì đang diễn ra là cơ hội để nhiều người bước ra và loại bỏ chính quyền này.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/12/428073.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/7/13/194067.html

Đăng ngày 17-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share