Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 21-04-2021] Tất cả chúng ta đều hình thành những quan niệm khác nhau trên thế gian, không chỉ trong đời này, mà còn trong nhiều kiếp sống trước đây. Chúng ta bị những quan niệm này chi phối suốt đời này qua đời khác. Kết quả là mọi người phạm vô số tội lỗi mà không hề hay biết, thậm chí họ còn nghĩ rằng điều họ ôm giữ là chân lý và cố gắng thay đổi người khác cho phù hợp. Nếu không làm vậy, họ sẽ phẫn nộ và cũng nảy sinh tâm oán hận, đồng thời làm tổn thương người khác và chính họ. Chẳng phải chúng ta đang tự làm khổ mình vì chính nghiệp lực mà chúng ta đã tạo ra theo quan niệm của mình sao?
Tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp trong 20 năm qua, tôi thường chia sẻ nhận thức của mình về Pháp với các đồng tu. Thông qua những cuộc trao đổi này, tôi nghĩ rằng nhiều người trong số họ đã thực sự đề cao nhận thức của mình và vượt qua những khổ nạn khác nhau. Tuy nhiên, theo thời gian, tôi thấy nhiều người có ấn tượng không tốt về tôi: một số nói rằng tôi đã lạc đường, nói tôi diễn giải Pháp, nói tôi rất tự cao, thậm chí còn nói rằng tôi là ma phá hoại Pháp. Một số người mà tôi không quen biết cũng lan truyền những tin đồn tiêu cực về tôi. Điều đáng buồn hơn nữa là một số người trong số họ, những người mà tôi từng dành thời gian dài học Pháp cùng trong khi họ trải qua khổ nạn, đã quay lưng lại và cũng nói xấu tôi.
Tôi không thể hiểu được mình đã làm gì sai. Tôi đang nói về trải nghiệm cá nhân của mình, trao đổi nhận thức Pháp của mình. Tôi nghĩ rằng tôi đang làm theo lời dạy của Sư phụ:
“Mọi người chúng ta dù sao cũng là cùng nhau học Pháp, sau khi đọc xong thì trao đổi chia sẻ với nhau, đàm luận đàm luận. ‘Tôi đột nhiên ngộ ra rằng Thầy ở chỗ này là còn có ý tứ thế này’, ‘tôi còn làm chưa đủ về phương diện này’. Chúng ta nếu đọc ở nhà thì có thể thiếu sót về phương diện đó, chỗ thiếu sót ấy thì từ nay về sau hãy sửa đổi nó đi. Chính là trao đổi chia sẻ với nhau, điều đó là tất yếu.” (Giảng Pháp tại Pháp hội các phụ đạo viên ở Trường Xuân [1998])
Gần đây, thông qua học Pháp, cuối cùng tôi đã hiểu: Pháp có tiêu chuẩn khác nhau ở các tầng khác nhau, và tôi không thể đánh giá các đồng tu theo tiêu chuẩn của mình; miễn là một sinh mệnh đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn ở tầng thứ của họ, tôi không thể nói rằng mọi người sai. Trong khi chia sẻ những nhận thức khác nhau của chúng ta, chúng ta không thể áp đặt nhận thức của mình lên người khác. Khi nói chuyện với những người khác, tôi nói không ngừng, mà không biết rằng tôi đang kiêu ngạo và tự phụ. Điều này khiến người khác khó chịu. Họ thậm chí còn loại tôi ra khỏi chỉnh thể. Bây giờ tôi nhận ra rằng đó là vì tôi đã làm tổn thương người khác mà không hề biết.
Khi nhận ra sai lầm của mình, tôi đã thay đổi suy nghĩ và cách tôi giữ quan hệ với các học viên khác. Tôi thấy rằng tất cả những hiểu lầm trong hơn 10 năm qua đã tan biến như chưa từng xảy ra. Kể từ đó, chúng tôi phối hợp với nhau rất tốt.
Tôi cũng gặp các vấn đề tương tự trong môi trường gia đình của mình. Có lần, chồng tôi muốn trở thành đại ca của một nhóm giang hồ hắc đạo. Anh đưa một nhóm người đến chỗ của chúng tôi hàng ngày và cho họ ăn uống miễn phí. Tôi chán ghét và gây gổ với anh ấy suốt và kết quả là mâu thuẫn của chúng tôi leo thang đến mức chồng tôi định đánh tôi.
Tôi nghĩ rằng mình không thể tiếp tục gây sự với anh như thế này; Tôi phải hướng nội để tìm xem mình đã sai ở đâu. Tôi cẩn thận xem lại bản thân. Cuối cùng, tôi đột nhiên nghĩ đến lời của Sư phụ:
“Đắc Pháp tức thị Thần”
(Quảng Độ Chúng Sinh, Hồng Ngâm)Tạm dịch:
“Đắc Pháp chính là Thần”
Đúng vậy, tôi nên đặt mình vào vị trí của một vị Thần và suy nghĩ như một vị Thần: Con người có nghiệp lực trong khi Thần Phật thì từ bi, Sư phụ giảng:
“Các Đại Giác Giả nhìn [nhận] rằng, làm người không phải là mục đích, sinh mệnh người ta không phải vì để làm người, mà chính là để quay trở về. Con người chịu khổ bao nhiêu; [các Đại Giác Giả] cho rằng chịu khổ càng nhiều càng tốt, trả nợ nhanh hơn; họ thực sự nghĩ như thế.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)
Có nhiều cách khác nhau để loại bỏ nghiệp và tôi chợt nhận ra rằng bị lợi dụng cũng là một cách tốt để trả nghiệp. Nhận ra điều này, tâm tôi sáng hơn rất nhiều và tôi không cảm thấy tiêu cực như vậy nữa. Tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình và không còn bị chấp vào việc muốn thay đổi chồng nữa.
Vài giờ sau, chồng tôi về nhà và nói rằng anh đã rời khỏi nhóm người kia. Kể từ đó anh không giao lưu tiếp xúc với họ nữa. Phương pháp con người của tôi không thể cưỡng bức thay đổi tâm của anh; hướng nội để thay đổi quan niệm và tu bản thân mới là cách giải quyết. Một khi tâm tôi được cân bằng, môi trường bên ngoài sẽ được hài hòa một cách tự nhiên. Nếu tôi tiếp tục cố chấp với quan niệm của riêng mình và phẫn nộ về mọi việc, liệu có khiến mâu thuẫn gia đình nghiêm trọng hơn không? Liệu có phát sinh thành một hình thức bức hại không?
Sư phụ giảng:
“Trước đây tôi đã giảng, tôi nói rằng trên thực tế hết thảy những gì phát sinh tại xã hội người thường, hiện nay, đều là do tâm các đệ tử Đại Pháp tạo thành.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Philadelphia ở Mỹ quốc năm 2002)
Những chấp trước này có phải là do quan niệm con người chúng ta tạo ra không? Có thể nào xung đột ngày càng gia tăng và mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khiến chúng ta bị tổn thương vì chúng ta không chính lại bản thân theo đặc tính của vũ trụ và hướng nội?
Trên đây là kinh nghiệm tu luyện của tôi, xin các đồng tu hãy từ bi chỉ ra bất kỳ điều gì không phù hợp với Pháp.
[Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org]
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/21/421588.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/9/192255.html
Đăng ngày 13-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.