Bài viết của Phoenix

[MINH HUỆ 01-6-2021]

Con xin kính chào Sư tôn vĩ đại!

Xin chào các bạn đồng tu

Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào đầu năm 1996 nhờ sự giới thiệu từ cha mẹ. Từ nhỏ tôi đã yếu ớt, thường xuyên bị sốt, đau răng, ngất xỉu khi ra nắng, thân thể không chút sức lực. Kể từ sau khi tu luyện, các triệu chứng này của tôi biến mất lúc nào không hay biết, tôi trở thành số ít những người khỏe mạnh không bệnh trong những đồng nghiệp cùng tuổi ở cơ quan. Bạn bè xung quanh đều biết tôi đang tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Họ nói, chúng tôi chưa từng tìm hiểu qua về môn Pháp Luân Công, nhưng khi thấy sức khỏe của bạn đã cải thiện rất nhiều, thì biết rằng công pháp này rất tốt.

Kể từ sau tháng 7 năm 1999, tôi thường xuyên bị báo cáo, thẩm vấn phi pháp, nghe trộm, giám sát, và sa thải… Trên con đường tu luyện gập ghềnh trắc trở, tôi đã trải qua niềm hạnh phúc khi đắc Pháp, niềm vui khi đề cao, sự đau khổ mỗi lần vượt quan, suy tư dưới áp lực cao và cảm nhận được tính cấp bách của việc cứu người. Thuận theo hình thế Chính Pháp, dưới sự bảo hộ thời thời khắc khắc của Sư tôn, tôi đã bước từng bước thật cẩn thận trên con đường tu luyện, và đi cho đến ngày hôm nay. Gia đình chúng tôi chuyển đến Hoa Kỳ vào năm 2018. Ngay sau khi đến đây, tôi đã tham gia một hạng mục cơ sở ở Quận Cam, California, và sau đó do yêu cầu cần thiết tôi chuyển đến tham gia một hạng mục mới. Tôi muốn chia sẻ với các đồng tu về trải nghiệm tu luyện của tôi trong hai năm qua.

Khi vừa đến New York để tham gia một hạng mục mới, tôi phải làm rất nhiều công việc: sửa chữa các tòa nhà bỏ hoang, sắp xếp lại địa điểm, và thu dọn rác thải. Trước đây, tôi chỉ quen làm công việc văn phòng, chưa bao giờ phải làm những việc như này, việc bỗng nhiên trở thành một người lao động chân tay đã khiến tôi phải đối diện với một khảo nghiệm rất lớn cả về thể chất lẫn tinh thần. Bằng cách vượt qua nỗi sợ hãi về bụi bẩn, đau khổ, mệt mỏi, thời tiết nóng lạnh, tâm tính của tôi đã được đề cao lên không ít. Trong sáu tháng đầu tiên, tôi bị đau mỏi khắp người. Có một khoảng thời gian, toàn bộ phần lưng của tôi đau đến mức thậm chí không thể trở mình. Tôi cắn chặt răng kiên trì cho đến khi những nghiệp lực này tiêu mất hoàn toàn, sau đó toàn thân tôi cảm thấy nhẹ nhàng, tràn đầy năng lượng, và tôi không còn ngần ngại khi phải làm bất cứ việc gì nữa. Lúc này, tôi mới bắt đầu thật sự tận hưởng từng việc mà mình làm ở đây, và trải nghiệm những niềm vui nho nhỏ sau mỗi lần đề cao trong quá trình tu luyện.

1. Không tham lam

Có một thời gian, tôi phụ trách quản lý kho dụng cụ, ngoài việc dọn dẹp, sơn sửa, di chuyển, phân loại, và lên danh sách hệ thống, tôi còn đến các cửa hàng tạp hóa và bãi rác để tìm đinh và các phụ kiện còn sử dụng được. Lúc đó tôi mới chuyển nhà, căn nhà mới trống trơn không có một vật dụng gì, thậm chí đến một cái đinh hoen gỉ để treo đồ cũng không có. Ở Mỹ, đinh được bán khá đắt và không được mua đơn chiếc. Nhưng ở kho dụng cụ mà tôi đang quản lý, dù trên mặt đất, ở các góc tường, hay trong bãi rác đều có thể nhìn thấy chúng. Đôi khi tôi nghĩ, nếu như không phải tôi bới tìm từng cái một, thì nói không chừng bây giờ số đinh đó đang bị chôn vùi trong đất hoặc bị vứt vào trong đống rác kia rồi. Tuy nhiên tôi thường xuyên tự nhắc nhở bản thân rằng: người xưa từng giảng “lộ bất thập dị“ (không nhặt của rơi trên đường), huống hồ chúng ta là đệ tử Đại Pháp, chúng ta đang làm việc trợ Sư chính Pháp thù thắng đến vậy, từng tư từng niệm của chúng ta trong vũ trụ đều được ghi chép lại hết và mọi hành động của chúng là để lưu lại cho hậu thế, vì vậy nhất định không thể có một chút tham niệm nào, cái gì là của mình thì là của mình, nếu không phải của mình thì nhất định không được lấy. Tôi luôn tự yêu cầu bản thân giữ vững tâm tính ở phương diện này.

2. Loại bỏ tâm tật đố

Khi tôi từ bỏ một công việc thoải mái, một điều kiện kinh tế tốt và địa vị xã hội ở Đại Lục để quyết định ở lại đây, tôi tưởng rằng mình đã buông bỏ được những chấp trước vào danh và lợi, đồng thời cho rằng mình không cần phải tu thêm về phương diện này nữa. Tuy nhiên những chủng quan niệm và vật chất hình thành hậu thiên kia vẫn luôn tồn tại và đôi khi lại biểu hiện ra.

Khi tôi vừa bắt tay vào làm hạng mục này, những công việc tôi làm đều rất vất vả. Những lúc làm việc một mình hoặc khi toàn thân mệt mỏi và bẩn thỉu, thỉnh thoảng tôi lại nghĩ: Tại sao không ai nhìn thấy những việc mà mình đang làm nhỉ? Nhìn xem mình đã phải làm việc vất vả thế nào, công việc này thật không hề dễ dàng. Đối với những tâm hiển thị biểu hiện rõ ràng như vậy, tôi liền nhận ra ngay và dùng chính niệm để loại bỏ chúng. Tuy nhiên, còn có một số tâm hiển thị ẩn giấu vẫn luôn thường xuyên biểu hiện ra.

Có một lần, người phụ trách yêu cầu tôi sản xuất một bộ dữ liệu, tôi rất nhanh hoàn thành chúng, vội vội vàng vàng gửi đi nhưng cô ấy lại không có ở đó. Vì vậy tôi đã rất muốn báo cho cô ấy biết càng sớm càng tốt. Điều này nhìn thì có vẻ như tôi là người có trách nhiệm trong công việc, nhưng kỳ thực tôi âm thầm nhận ra bản thân mình có một loại tâm lý hiển thị muốn người khác biết được mình làm việc có hiệu quả cao. Mãi đến buổi trưa giờ ăn cơm, tôi mới gặp được đồng tu ấy, cô nói với tôi: “Bạn đã làm xong rồi sao, thật tốt quá!” Tôi đang định đáp: “Tôi sớm đã làm xong từ lâu rồi”. Ngay lập tức ý thức được tâm hiển thị đang biểu hiện ra, tôi liền nhận nhịn không nói ra.

Còn một vấn đề nữa, bình thường khi nói chuyện với đồng tu tôi sẽ nói: “Bạn không biết đấy thôi, lúc chúng tôi vừa mới đến làm những việc này, hàng ngày đều phải chịu những cực khổ như thế.” Nói đi nói lại thì đều là muốn ám chỉ rằng: “Các bạn chịu chút khổ này tính là gì?” Kỳ thực, những đồng tu làm trước khi chúng tôi tới đây mới thực sự vất vả, chút khổ mà chúng tôi phải chịu thật sự chẳng thấm vào đâu.

Có một lần trong lúc nói chuyện với đồng tu chồng tôi, tôi vô thức nói: “Anh nhìn hạng mục này xem, lúc mới bắt đầu vừa khó khăn gian khổ, vừa ít người làm, mà lại không có thu nhập, đến lúc làm thành rồi, hoàn cảnh cũng tốt lên rồi, thu nhập cũng có rồi, thì mọi người đều tới tham gia. Chồng tôi nói: “Nghe em nói hình như trong tâm có chút bất bình, mỗi người đều có sứ mệnh riêng vào những thời điểm khác nhau, bất cứ điều gì chúng ta làm, đều là làm cho chính mình, tại sao em lại có suy nghĩ như vậy nhỉ? Tôi nghĩ: Đúng vậy, những nỗ lực ban đầu của chúng tôi chẳng phải vì để xây dựng hạng mục sao? Chẳng phải vì để có càng nhiều người hơn nữa tham gia hạng mục sao? Thu nhập của mọi người chẳng phải càng nhiều càng tốt hay sao? Những gì chúng ta đang làm chẳng phải là để chứng thực Pháp hay sao?” Tuy rằng dường như chỉ là lời nói vô tình, nhưng ẩn sau đó chắc chắn phải có quan niệm bất chính, chúng chính là phát xuất ra từ tâm hiển thị và tâm tật đố của tôi.

Trước đây tôi từng chia sẻ với một đồng tu trẻ, cô ấy nói: “Hồi trước khi bọn em tập múa, một số người thực hiện động tác không tốt, họ sẽ tập luyện không ngừng nghỉ, tập nhiều hơn những người khác. Nhưng đến cuối cùng các động tác vẫn không chuẩn xác, bởi vì họ đã không luyện đúng cách. Có người luyện không đến nơi đến chốn, tĩnh tâm xuống mà suy xét xem vấn đề của mình đang ở đâu và làm cách nào để thực hiện cho đúng, sau đó mới đi luyện. Như vậy vừa tiết kiệm công sức và cũng đạt được tiêu chuẩn.” Những lời của cô ấy đã thực sự tác động đến tôi. Chúng ta trong hạng mục là làm những việc để chứng thực Pháp và cứu độ chúng sinh, nhất tư nhất niệm nhất ngôn nhất hành của chúng ta nếu như không đặt trong Pháp, thì làm sao có thể chứng thực Pháp đây. Nếu tư tưởng của chúng ta không thuần tịnh, những việc chúng ta làm làm sao có đủ lực độ để cứu người? Vì vậy, khi làm trong hạng mục, chúng ta cần thường xuyên tìm vấn đề ở bản thân mình, quy chính mọi việc dựa trên Pháp, chúng ta chỉ có tu luyện tốt bản thân, mới có thể hoàn thành tốt sứ mệnh cứu người.

3. Cải biến phương thức tư duy và loại bỏ những quan niệm hậu thiên

Khi tham gia hạng mục, tôi đã phải trải qua một quá trình tu luyện mới có thể mở lòng và chia sẻ thẳng thắn với các đồng tu.

Khi vừa từ Đại lục bước ra, tôi vẫn ôm giữ lối suy nghĩ đề phòng, suy đoán, che giấu ý định bản thân… trong giao tiếp giữa người với người đã tồn tại nhiều năm nay. Vừa đến Mỹ, đồng tu nói với tôi: “Ở xã hội phương Tây, mọi người rất thân thiện, họ không bao giờ bàn tán về người khác, nhiều nhất cũng chỉ nhắc nhở. Không giống cách nói cực đoan như ở Trung Quốc và họ cũng không có sức chịu đựng lớn như vậy.” Vì vậy tôi thường im lặng nếu nhìn thấy đồng tu ở xung quanh mình có điểm nào không đúng, đôi khi còn phụ hoạ theo họ, để duy trì cái gọi là mối quan hệ tốt đẹp, để trốn tránh mâu thuẫn và không tạo thành giãn cách, tôi coi việc luôn luôn đối xử tốt, tử tế với người khác giống như là đang tu “Chân-Thiện-Nhẫn” vậy.

Khi đồng tu chỉ ra rằng tôi có quá nhiều cái tình, tôi có thể cảm thấy rằng thực sự có vấn đề.

Sư phụ giảng:

“Chư vị là đệ tử Đại Pháp, ai đó có vấn đề và chư vị nhìn thấy nhưng không nói, thì không tốt đối với họ” (Giảng Pháp ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới [2014])

Nhưng tôi không biết làm thế nào để đột phá được điều này, cảm thấy bản thân mình chỉ cần nói ra, liền giống như chỉ trích phê bình người khác, khiến họ khó lòng chấp nhận, và đồng thời cũng khiến bản thân tôi cảm thấy khó xử.

Có một lần, tôi nghe được một đồng tu chỉ ra cách nói của một đồng tu khác là không phù hợp. Đồng tu nói một cách rất ôn hòa và hợp tình hợp lý, không làm cho bên kia cảm thấy khó xử. Đồng tu kia nghe chia sẻ xong cũng rất vui vẻ chấp nhận và cảm ơn. Tôi đã suy nghĩ cẩn thận về lời nói và cách cư xử ấy và so sánh với bản thân mình, đồng tu làm sao có thể nói một cách thuần tịnh như vậy mà tôi lại không được nhỉ? Tôi nhìn lại cách tư duy của mình và nhận thấy rằng tôi thường có biểu hiện thế này: Khi lần đầu tiên nhìn ra vấn đề của đồng tu, tôi thường coi nó chỉ thỉnh thoảng xảy ra; khi gặp lại một lần nữa, tôi liền nảy sinh quan niệm: Ồ, thì ra đồng tu ấy là như vậy; lần thứ ba tôi nhìn thấy cùng một vấn đề, tôi sẽ sinh ra thành kiến, cảm thấy anh ấy là người như vậy; và khi tôi liên tục nhìn thấy hành vi không phù hợp của anh ấy, tôi liền nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực nghĩ rằng sao anh ấy có thể vậy nhỉ? Đến bước này, khi tôi chỉ ra vấn đề của đồng tu, thì đều có mang theo nhiều nhân tố đằng sau, thêm vào đó vì để không biểu lộ những thành kiến đó vào trong lời nói, tôi sẽ cố gắng gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực, cho nên khi chia sẻ tôi sẽ thường nói một cách lảng tránh và hời hợt bề mặt.

Sư phụ giảng:

“… chỉ là người trong xã hội người thường thông thường khi muốn chỉ cho người khác điều tốt thì cũng mang theo quan niệm của bản thân, thậm chí là có cái tâm sợ bản thân chịu tổn thất, bảo vệ bản thân. Có những thứ của rất nhiều phương diện lẫn lộn ở bên trong, cho nên lời nói ra, nghe có vẻ không ổn, không còn thuần nữa, thông thường còn mang theo cảm xúc. Nếu như chư vị thực sự phát từ thiện tâm, không có bất kể quan niệm cá nhân nào ở bên trong, lời chư vị giảng ra thực sự sẽ cảm động người ta.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Singapore [1998])

Tôi suy xét một cách cẩn thận để tìm ra nguyên nhân tại sao những thứ bất thuần này có thể hình thành và tồn tại, sau đó không ngừng loại bỏ nó đi, tôi cố gắng không hình thành quan niệm đối với bất cứ người hay việc nào, gặp vấn đề nào giải quyết vấn đề đó, dần dần toàn bộ con người tôi cũng trở nên ngày một đơn giản.

Tôi cũng phải trải qua một trình tu luyện về phương diện vấn đề nào nên nói và không nên nói.

Có một đồng tu thường nói chuyện thô lỗ và ra lệnh cho tôi. “Đi đi, cô đi làm việc này đi!” Tôi cảm thấy hơi khó chịu, đặc biệt là khi điều này xảy ra trước mặt người khác, mặc dù tôi cười và cố gắng phối hợp, nhưng trong tâm lại dao động cảm thấy không thoải mái.

Một đồng tu nói với tôi, “Cô ấy nói chuyện với bạn thật quá đáng!” Tôi biết những điều này đều nhằm vào nhân tâm của tôi, và tôi cần hướng nội để tu bản thân. Một thời gian sau, tôi không còn quan tâm đến ngữ khí của đồng tu nữa. Thay vào đó, tôi lại tự hỏi: Đồng tu có phải không biết tự tu bản thân hay không? Có nên chỉ ra cho đồng tu điều này không? Sau khi chia sẻ với chồng việc này, anh ấy nói với tôi: “Những điều cô ấy nói với em có ảnh hưởng đến hạng mục chung hay những người khác không?” Tôi đáp: “Không.” Anh ấy nói: “Vậy thì chính là để em tu luyện đó!” Tôi cảm thấy đúng là như vậy.

Khi không còn bị chấp trước vào thái độ của đồng tu nữa, tôi dần dần nhận ra đồng tu có thể đã không ý thức được cách nói chuyện với tôi như vậy, và những người khác có thể cũng không cảm thấy có vấn đề gì trong cách nói này. Chỉ là tôi có tồn tại nhân tố không muốn nghe những lời khó nghe, nên mới cảm thấy khó chịu, những việc này đều là để đề cao tâm tính của tôi. Như vậy tôi mới có thể ma luyện ý chí của bản thân, không bị dao động bởi cảm xúc và ngữ khí của người khác, mới có thể tĩnh tâm xuống, chỉ nghe những nội dung quan trọng, mới có thể có trí huệ lớn hơn để nhìn thấu bề mặt và hiểu được bản chất.

Tôi đã được lợi rất nhiều từ việc cởi mở và chia sẻ với các đồng tu khác. Họ chỉ ra một vấn đề trong cách nói chuyện của tôi — tôi thích đưa ra định nghĩa. Điều này đã cho tôi cơ hội trừ bỏ tận gốc các chấp trước của mình, chuyển hóa quan niệm và đề cao tâm tính.

Ví dụ, khi thấy một học viên nói chuyện gay gắt, tôi liền cho rằng cô ấy không thiện. Thay vì nói, “Sẽ tốt hơn nếu bạn nói nhẹ nhàng hơn”, thì tôi lại chia sẻ với cô ấy rằng “Bạn không đủ thiện khi nói chuyện gay gắt với các đồng tu khác.” Khi tôi thấy có đồng tu có biểu hiện mang theo nhân tố văn hóa Đảng, tôi sẽ nói “Văn hoá Đảng của bạn quá nghiêm trọng”. Ban đầu tôi cho rằng đây là vấn đề về cách nói nhưng sau đó tôi dần nhận ra vấn đề nằm chính ở cách suy nghĩ của tôi. Thay vì gợi ý để đồng tu có thể cải thiện dựa trên tình trạng hiện tại, tôi lại nói rằng đồng tu có chỗ nào không tốt. Cách nghĩ này không phải là từ bi. Tôi chưa làm được như Sư phụ giảng:

“Chúng ta giảng thiện tâm, dùng thiện tâm mà đối đãi người khác” (Giảng Pháp tại Pháp hội Singapore [1998])

Bản thân mang theo cách tư duy như này, thì làm sao có thể mang theo thiện ý đây.

Cũng còn một biểu hiện nữa, tôi thường dựa vào những kinh nghiệm của bản thân để đưa ra phán đoán, suy luận đối với những sự việc mà bản thân đã trải nghiệm qua, cho rằng sự việc phát triển nhất định sẽ thế này, hay kết quả sẽ thế kia. Sư phụ giảng:

”[Tôi] nói thế này, nếu chư vị có mang năng lượng nhất định, thì lời chư vị nói ra sẽ phát huy tác dụng. Một chuyện không phải thế này, nhưng [chư vị] lại cứ nói với người ta thành chuyện như thế, như vậy chư vị có thể đã phạm điều xấu.” (Chuyển Pháp Luân)

Mặc dù những ý thức và quan niệm hình thành hậu thiên này không dễ dàng nhận ra, nhưng chỉ bằng cách đào tận gốc rễ để tìm ra chúng, thì mới có thể tu luyện một cách thiết thực. Chỉ bằng cách loại bỏ khuôn khổ và cách thức tư duy hình thành hậu thiên, chúng ta mới có thể phản bổn quy chân, hiển lộ ra chân ngã của bản thân, chúng ta mới có thể hình thành hành vi và ngôn ngữ thiện một cách tự nhiên.

Tháng 10 năm ngoái, tôi chuyển đến làm việc ở một nhà kho khác của hạng mục.

Có một lần, đồng tu phụ trách quảng bá mượn hơn chục bộ vật phẩm ở kho đi làm điều tra thị trường. Một thời gian sau vẫn chưa thấy trả lại. Các đồng tu ở kho bảo tôi phải giục cô ấy, ngộ nhỡ cô ấy quên mất, cầm luôn không trả thì không được. Tuy nhiên các đồng tu bên kia lại bảo rằng tôi không thể lúc nào cũng nhắc nhở được vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến công việc của họ, một khi họ làm xong việc sẽ trả lại ngay.

Lúc này, tôi tự hỏi mình nên làm gì đây, bên thì bảo nên nhắc, bên thì lại nói đừng giục. Đứng từ góc độ tu luyện để xem xét vấn đề, tôi cần làm thế nào đây? Việc nhắc nhở cô ấy là trách nhiệm của tôi, nhưng làm như vậy có phần không nghĩ cho đối phương và đang can thiệp vào công việc của cô ấy. Nhưng nếu không nhắc thì chính là vô trách nhiệm với công việc của tôi. Cô ấy rất bận rộn và thường xuyên quên đồ. Vì vậy, tôi quyết định nhắc nhở cô ấy sau một khoảng thời gian hợp lý, nhắc nhở cô ấy theo dõi tiến độ và thời gian. Bằng cách này tôi vừa có trách nhiệm với công việc của mình và vừa phối hợp tốt với đồng tu.

Mặc dù đây là vấn đề nhỏ nhặt và có vẻ đơn giản, nhưng nó đã không chỉ cho tôi cơ hội để suy nghĩ về cách giải quyết vấn đề mà còn giúp tôi học được cách dùng tiêu chuẩn “Chân-Thiện-Nhẫn” của người tu luyện để đo lường từng lời nói và cử chỉ của mình. Đây là một quá trình để tu luyện và ngộ.

Đã gần ba năm kể từ khi tôi đến Hoa Kỳ. Hiện tại, tôi đang toàn tâm toàn ý làm việc hạng mục, hy vọng rằng hạng mục của chúng tôi sẽ phát triển tốt hơn và cứu được nhiều chúng sinh hơn; hy vọng chúng tôi có thể cung cấp nhiều dịch vụ hơn cho cộng đồng địa phương từ đó có thể tiếp cận với nhiều người hơn, giảng chân tướng và chứng thực Pháp tốt hơn; tôi hy vọng rằng dự án của chúng tôi sẽ nhanh chóng phát triển để lan toả những giá trị truyền thống cho toàn thế giới và khiến nhiều người hơn nữa được đắc cứu.

Mọi ngóc ngách trong cơ sở của chúng tôi đều đến từ sự phó xuất và nỗ lực của các đồng tu. Nhìn thấy các đệ tử Đại Pháp đang từ từ biến những đống đổ nát trở nên tràn đầy sức sống, và dần dần chuẩn bị cho hạng mục phát huy tác dụng lớn hơn khi Pháp Chính Nhân Gian, là một lạp tử nhỏ ở trong đó, tôi cảm thấy trọng trách của mình vô cùng lớn lao, đồng thời cảm thấy vui vẻ và tự hào!

Bài chia sẻ trên đây có điểm nào không phù hợp với Pháp mong đồng tu từ bi chỉ rõ! Con xin cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu

(Bài chia sẻ trình bày tại Pháp hội Giao lưu Tâm đắc Thể hội Pháp Luân Đại Pháp tại Quận Cam, New York)

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/1/425952.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/3/193513.html

Đăng ngày 03-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share