Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại New Zealand
[MINH HUỆ 21-06-2021] Tại Pháp Hội Chia sẻ Kinh nghiệm Tu luyện được tổ chức tại Auckland, New Zealand, vào ngày 19 tháng 6 vừa qua, các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã chia sẻ về việc bản thân đã hành xử theo lời dạy của Sư phụ Lý (Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp) như thế nào để làm tốt ba việc mà các học viên cần làm và không ngừng đề cao bản thân.
Một số học viên đã chia sẻ về việc họ cố gắng thực hành theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và nhờ đó gia đình họ trở nên hòa thuận hơn. Những học viên khác chia sẻ cách vượt quan và phát tặng thông tin về Pháp Luân Đại Pháp. Trong số những người tham gia có cả những học viên trẻ, họ có thể cưỡng lại những cám dỗ trong thế giới hỗn loạn ngày nay và giữ được một tâm hồn thuần tịnh, nhờ thực hành theo những lời dạy của Pháp Luân Đại Pháp.
Pháp Hội Chia sẻ Kinh nghiệm Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp tại Auckland vào ngày 19 tháng 6 năm 2021
Kiên định khi gặp khó khăn
Anh Lâm Sơn là một học viên trẻ làm việc cho kênh truyền thông được 12 năm. Ban đầu, anh là tình nguyện viên làm về báo cáo, dịch thuật và sắp xếp chữ. Khi khối lượng công việc tăng lên và kênh truyền thông mở rộng, anh Lâm đã nghỉ việc thường ngày và bắt đầu làm việc toàn thời gian cho kênh truyền thông.
Khi lần đầu được giao nhiệm vụ phân phát báo, anh Lâm có đôi chút lo lắng vì thế mạnh của anh là viết lách và trong công việc trước đây của mình, anh chưa bao giờ làm bất kỳ việc thủ công nào. Tuy nhiên, thông qua liên tục học Pháp và đề cao tâm tính, anh đã đảm nhận vai trò mới mà không hề phàn nàn. Qua đó, anh cũng nhận ra tầm quan trọng của việc phối hợp và buông bỏ chấp trước vào danh.
Trước đây, anh Lâm không nghĩ rằng mình có chấp trước vào lợi ích. Trên thực tế, trong tu luyện, anh đã nhận ra tầm quan trọng của việc thủ đức. Nhưng trước áp lực về tài chính, anh nhận thấy mình vẫn còn chấp trước mạnh mẽ vào lợi ích. Điều này đặc biệt xảy ra khi anh không thể kiếm sống hoặc khi anh cảm thấy mình bị đối xử bất công.
Anh chia sẻ: “Một lần khi đang đọc Chuyển Pháp Luân, tôi thấy Sư phụ giảng: ‘Ăn không ngon, ngủ không yên, tâm ý nguội lạnh như tro tàn; khi về già, làm cho thân của mình thật tàn tạ, các thứ bệnh tật xuất hiện.’ (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân) tôi nhận ra tâm chấp trước tật đố”. “Nó không chỉ biểu hiện ở việc chúng ta cảm thấy tật đố trước thành công của người khác. Nếu chúng ta nghĩ điều gì đó bất công, đó cũng là tâm tật đố. Chúng ta cho rằng chúng ta xứng đáng với điều này hoặc điều kia. Nhưng các vị Thần sẽ không nghĩ vậy.”
Nhìn lại, anh Lâm nói rằng đã có nhiều thử thách. “Mỗi một quan đều khó khăn và mất nhiều thời gian để vượt qua. Tất cả đều là cơ hội để tu luyện tâm tính cho đến khi tôi có thể buông bỏ các chấp trước và không bị động tâm”, anh nói: “Tôi cũng cảm thấy Sư phụ ở ngay bên cạnh mình và con đường tu luyện đã được an bài. Chúng ta có thể vượt qua miễn là chúng ta sẵn sàng tu sửa.”
Anh cho biết có những tình huống tưởng chừng như không có giải pháp. “Nhưng khi chúng ta vẫn kiên định, mọi thứ sẽ thay đổi. Đối với tôi, không có gì có thể thay thế tu luyện. Khi vượt quan, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiến lên phía trước”, anh chia sẻ.
Các học viên chia sẻ kinh nghiệm của bản thân
Xung đột gia đình
Cô Lưu Hồng Hà là người mẹ có hai con. Vì hết thảy trách nhiệm và việc gia đình, cô thường xuyên phàn nàn về chồng mình. Ví như, cô buồn vì anh ấy dành ít thời gian cho con cái và không bao giờ chủ động giúp đỡ việc nhà. Thông qua tu luyện, cô đã nhận ra được chấp trước của mình và không còn oán hận nữa. Khi chồng nổi cơn thịnh nộ, cô có thể giữ bình tĩnh và không tranh cãi với anh.
“Một đêm, trong giấc mơ, Sư phụ đã cho tôi thấy nợ nghiệp của tôi với chồng. Trong kiếp trước, anh ấy đã cứu tôi. Điều đó rất cảm động và anh ấy thật tốt bụng”, cô Lưu kể lại. Khi tỉnh dậy, cô cảm động rơi nước mắt. Cảm tạ Sư phụ đã cho cô nhìn thấy điều này, cô tự nhắc mình phải đối xử tốt với chồng. Từ đó, vợ chồng cô đã có thể tôn trọng nhau. Cô luôn cùng anh thảo luận mọi việc và không còn cao giọng nữa. Anh cũng trở nên tôn trọng cô hơn.
Cô Lưu cho biết cô cũng gặp rất nhiều khảo nghiệm trong việc giáo dục con cái. Có rất nhiều vấn đề. Khi con cái không nghe lời, hầu hết các trường hợp cô có thể kiểm soát bản thân khi trò chuyện và dạy dỗ các con. Nhưng cứ khi nào cô nhìn thấy các con chơi trò chơi điện tử, cô lại mất bình tĩnh. Trong hai năm qua, cô đã phải cạnh tranh với các trò chơi điện tử để dành sự chú ý của các con. Ngay sau khi con trai cô bắt đầu học Pháp, cậu bé luôn dành thời gian cho các trò chơi điện tử và đó là điều đầu tiên cậu làm khi đi học về. “Nó giống như một cuộc chiến bất tận mà tôi không thể chiến thắng”, cô chia sẻ.
Sau đó, cô Lưu nhận ra cô cần phải hướng nội thay vì chỉ giải quyết vấn đề như một người thường. “Nếu tôi nhìn sự việc từ góc độ của các con, tôi sẽ hiểu sau khi về nhà, các con phải làm bài tập, học nhạc và học Pháp. Đôi khi các con sẽ cảm thấy buồn chán và mệt mỏi”, cô nói. Với sự thấu hiểu này, sau khi các con hoàn thành bài tập về nhà, cô sẽ cho bọn trẻ thời gian chơi một số trò chơi đơn giản, cờ vua, quần vợt hoặc cầu lông.
Ngoài ra, cô Lưu cũng chú ý đến ngữ giọng của mình và những gì nên nói trước khi nói với con mình. Con gái cô, cũng là tiểu đệ tử, đã nhắc cô nói nhẹ nhàng, nhỏ giọng hơn. “Và rất thường xuyên là trước khi tôi nói ra thì các vấn đề đã được giải quyết. Con trai tôi không chỉ càng ngày càng ít quan tâm đến các trò chơi điện tử mà cháu còn có thể tĩnh tâm học Pháp”, cô nói thêm. “Vẫn còn một chặng đường dài phía trước và còn nhiều chấp trước tôi phải buông bỏ. Tôi biết ơn Sư phụ vì đã cho tôi cơ hội tu luyện cùng với hai tiểu đệ tử.”
Phát tài liệu
Mặc dù đã học nhiều năm, cô Lý Kiến Quần vẫn không biết tiếng Anh và không biết lái xe. Tuy nhiên, cô nhớ lời dạy của Sư phụ và làm ba việc mỗi ngày.
Gần đây, cô đã ra ngoài để phát tài liệu thông tin cho người dân địa phương. Do không biết tiếng Anh, cô không thể đọc được rõ bản đồ và thường đi sai. Vì thế, cô thường xuyên bỏ lỡ một số địa điểm hoặc tới một địa điểm hai lần. Điều này làm cô khó chịu.
Thông qua việc học Pháp và hướng nội, cô Lý nhận ra mình có tâm ỷ lại vào người khác, một thứ bắt nguồn từ vị tư. Nhờ sự giúp đỡ của các học viên, cô đã có thể đọc bản đồ tốt hơn, thậm chí là một số bản đồ tương đối phức tạp. Cô cũng trở nên năng suất hơn và có thể phát nhiều tài liệu mỗi ngày.
Bên cạnh việc phát tài liệu cho các hộ gia đình, cô Lý cũng đến các cửa hàng tạp hóa của Trung Quốc để phát tài liệu và nói chuyện với mọi người về việc thoái Đảng. Bất cứ khi nào có thời gian, cô đều giúp phát tài liệu ở các khu vực bên ngoài Auckland.
Tham gia vào cộng đồng
Cô Lưu Hiểu Khiết bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1997. Khoảng ba năm trước, cô chuyển đến một thành phố nhỏ ở New Zealand và cô là học viên duy nhất ở đây. Để có thể giới thiệu Đại Pháp cho mọi người, cô đã đăng ký một gian hàng ở chợ hàng tuần. Khi nhìn thấy cô luyện các bài công pháp và đọc được thông tin trên các áp phích và các tài liệu khác, trong khoảng ba tháng hơn 60 người đã thể hiện sự quan tâm đến Pháp Luân Đại Pháp và để lại thông tin liên lạc của họ. Sau đó, hơn 20 người đến học các bài công pháp. Ngoài ra, cô còn kết bạn với những người đã giúp đỡ cô trong việc tiếp cận cộng đồng.
Trong ba năm qua, cô Lưu tập các bài công pháp ngoài trời gần nơi ở của mình và điều đó khởi tác dụng rất tốt. Hai năm trước, khi cô nói chuyện với một người lạ xa nhà về Pháp Luân Đại Pháp, người đó đã hỏi có phải cô thường luyện công ở gần hồ không. “Càng về sau, tôi càng nghe thấy điều đó thường xuyên hơn. Khoảng 70% những người mà tôi đã giới thiệu Đại Pháp nói rằng họ đã thấy tôi luyện công bên hồ”, cô nói. Một số tài xế đi qua cũng bấm còi để thể hiện sự ủng hộ.
Sau khi lệnh phong tỏa do đại dịch được dỡ bỏ, cô Lưu lại ra ngoài luyện công. Ngày đầu tiên cô tiếp tục luyện công ngoài trời, rất nhiều chiếc xe đã bấm còi chào đón cô. Một phụ nữ đã đến cảm ơn vì cô đã luyện công, đưa ra các biểu ngữ và tờ thông tin để cho người qua đường biết về cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc. Nhiều người chưa biết chuyện đang diễn ra ở Trung Quốc, vì vậy quan trọng là cần có nhiều sự kiện như thế này hơn nữa. “Dường như họ không xem tôi là người xa lạ mà đúng hơn là tôi là người mà họ biết”, cô Lưu chia sẻ.
Nhưng chỉ luyện công và giới thiệu Đại Pháp cho mọi người ở chợ là không đủ. Cô Lưu cho biết cô đang nghĩ cách tham gia sâu hơn vào cộng đồng. Hàng tuần, cô mua hai tờ báo địa phương để tìm thông tin về các sự kiện địa phương. Tùy theo lịch trình của mình, cô đã tham dự một số sự kiện trong số đó.
Một lần, tại triển lãm trang phục dân tộc, cô đã gặp chủ tịch hội đồng đa văn hóa địa phương, người tổ chức sự kiện. Sau đó cô Lưu nói với bà về Pháp Luân Đại Pháp và các hoạt động liên quan đến Đại Pháp tại Vườn Bách thảo Auckland. Bà đã mời cô Lưu trở thành thành viên của hội đồng đa văn hóa. Sau khi trở thành tình nguyện viên, cô Lưu đã tổ chức nhiều sự kiện để giới thiệu Đại Pháp. Một số người tham dự là người đứng đầu các hiệp hội khác, và điều này giúp cô có nhiều cơ hội hơn để giúp mọi người biết về Đại Pháp.
Niềm vui của việc tu luyện chân chính
Cô Ivy sinh vào những năm 1990 và bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 2005. Cô nhận ra mình có các tâm chấp trước hiển thị, tật đố và tranh đấu mạnh mẽ, điều này biểu hiện ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống của cô. Thông qua việc liên tục học Pháp và đề cao tâm tính, cô trở nên dễ tính và tốt bụng hơn.
Cuối năm 2017, cô đến New Zealand để học cao học. Vì thành tích học tập xuất sắc, cô đã tìm được hai công việc sau khi lấy bằng thạc sỹ. Một việc là giúp giáo sư Trung Quốc tại trường cao đẳng nghiên cứu về cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, một việc khác là làm việc cho một công ty trực thuộc chính phủ để điều tra các hành vi không tuân thủ trong kinh doanh bất động sản. Là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, cô áp dụng các nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn trong cuộc sống hàng ngày của mình.
Khi làm việc với giáo sư đại học, Ivy đã giúp ông hiểu về Pháp Luân Đại Pháp cũng như hồ sơ vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ. Giáo sư đã đăng nhiều bài báo trên các phương tiện truyền thông chính thống của New Zealand, kêu gọi các chính phủ và doanh nghiệp các nước phương Tây ngừng giao dịch với Trung Quốc. Ông nói rằng New Zealand nên tuân theo các nguyên tắc thay vì cúi đầu trước những lợi ích ngắn hạn. Khi kết thúc làm việc với Ivy trong nghiên cứu của mình, giáo sư đã thoái xuất khỏi các tổ chức của ĐCSTQ và nói rằng ông tôn trọng các học viên vì lòng dũng cảm của họ. Ông ngưỡng mộ Ivy vì đã tìm được ý nghĩa thực sự của cuộc sống khi còn rất trẻ trong khi mãi đến hai năm trước đó, ông mới không còn là một người vô thần và bắt đầu tin vào Thần.
Khi xem xét và kiểm tra giấy phép xây dựng cho các ngôi nhà, cô Ivy thường tiếp xúc với các nhà phát triển và xây dựng từ Trung Quốc. Cô khuyên họ đừng nhìn nhận mọi thứ bằng văn hóa ĐCSTQ; thay vào đó, nên minh bạch và công bằng như những người phương Tây, điều này sẽ giúp tạo dựng niềm tin và thành công lâu dài. Cả đồng nghiệp và quản lý đều khen ngợi khả năng và tinh thần làm việc của cô.
Nhìn lại ba năm qua, Ivy cho biết cô đã dần cảm nhận được niềm vui khi trở thành một học viên chân chính. “Bất cứ khi nào tôi ngộ ra các Pháp lý mới, tôi có thể cảm nhận được bản thân thực sự tiến bộ. Việc tiếp tục buông bỏ và đề cao cảnh giới luôn khiến tôi hạnh phúc”, cô giải thích. “Hiện tại, tôi không còn lo lắng thời gian còn lại sẽ là bao lâu. Sư phụ đã an bài tốt nhất, và những gì tôi cần làm chỉ là dùng trí huệ và khả năng của mình để cứu độ chúng sinh và chứng thực Pháp.”
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/21/427256.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/22/193792.html
Đăng ngày 24-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.