Bài chia sẻ của đệ tử Đại Pháp Bắc Mỹ
[MINH HUỆ 28-05-2021]
Con xin kính chào Sư phụ tôn kính!
Xin chào các bạn đồng tu!
Tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp cùng mẹ khi tôi lên tám tuổi. Tôi đã làm việc trong hạng mục truyền thông được khoảng hai năm. Tôi cảm thấy như thể tôi đã đi một chặng đường dài trên con đường tu luyện thì mới có cơ hội đến đây và gia nhập đội ngũ cứu người của đệ tử Đại Pháp. Sau đây là những trải nghiệm trong khoảng thời gian này, tôi viết ra để giao lưu với mọi người, và cũng là để nhắc nhở bản thân hãy trân trọng cơ duyên này, không ngừng tinh tấn, và bảo trì được cái tâm “tu luyện như thuở ban đầu” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York [2009]).
Ở tuổi niên thiếu, tôi giống như Sư phụ giảng:
“Dường như người trẻ tâm hơi nhiều tham vọng, không tĩnh xuống được.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019)
Nhưng cho dù tôi không tĩnh xuống được, Sư phụ từ bi đã an bài cho tôi một con đường tốt nhất.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, đã xảy ra một loạt những chuyện không nằm trong kế hoạch cuộc đời tôi, thậm chí là những chuyện mà tôi chưa từng nghĩ tới, trong đó bao gồm cả quyết định đi du học và thành lập kênh truyền thông cá nhân của riêng mình. Khoảng 5 năm trước, một đồng tu nói với tôi rằng họ muốn thành lập một hạng mục truyền thông cá nhân để tập hợp các đệ tử Đại Pháp trẻ tuổi lại. Sau đó chia sẻ những sự vật thú vị, qua đó khéo léo sử dụng góc nhìn của bên thứ ba để giảng chân tướng. Lúc đó tôi đã nghĩ rằng, cho dù tôi không biết làm gì nhưng cũng chẳng còn chỗ cho sự thoái lui nữa, chỉ có thể tiến lên. Vì vậy, bắt đầu từ con số 0, tôi đã sử dụng thời gian ngoài giờ lên lớp để tự học cách cắt nối biên tập video, nghiên cứu cách làm sao để vận hành kênh video, chủ đề, nội dung nào đang được ưa thích, v.v. Có thể là do Sư phụ nhìn thấy cái tâm đơn thuần của tôi nên Ngài đã giúp đỡ tôi. Khoảng 1-2 năm đầu, mọi việc đều thuận buồm xuôi gió, kênh video vận hành ngày càng tốt hơn, và cũng đã tận dụng được một số cơ hội để khéo léo giảng chân tướng trong video.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tôi đã không có một nền tảng tu luyện đủ vững chắc, mà thế giới Internet lại là một thùng thuốc nhuộm còn lớn hơn nữa trong cái thùng nhuộm lớn của xã hội người thường này. Thêm vào đó, tôi còn lấy cớ là bận rộn để không hòa nhập chỉnh thể học Pháp tại địa phương, trường kỳ trong trạng thái bán độc tu. Những người xung quanh mà tôi tiếp xúc toàn là người thường, và tôi luôn cảm thấy bản thân phải rất trầy trật để đứng vững, nếu không sẽ trượt dốc, bị cuốn theo dòng và ngày càng trở nên giống với người thường. Trên thực tế, tôi đã bất tri bất giác mà nuôi dưỡng rất nhiều tâm chấp trước, bao gồm tự cho mình là đúng, tâm tật đố, tâm tranh đấu và cầu danh cầu lợi, v.v. Linh cảm làm video từng như là vô tận nay đã không còn nữa, tôi chỉ cảm thấy mình như một con chuột hamster nhỏ bé, chạy, chạy mãi trong guồng quay, kiệt sức mệt mỏi, đến cuối cùng vẫn đang quay vòng tại chỗ.
Một đêm, khi tôi đang suy nghĩ về việc phải làm gì tiếp theo, tôi nghĩ: “hay là ra nước ngoài làm việc, thay đổi môi trường”. Sau đó tôi lại nghĩ, nếu đã muốn ra nước ngoài, sao không đến trụ sở của Đại Kỷ Nguyên và Tân Đường Nhân ở New York làm luôn? Nhưng một giây tiếp theo tôi lại vật lộn tự hỏi mình, kênh video hiện giờ đã hoạt động đến một mức độ nhất định rồi, nếu bây giờ từ bỏ, chẳng phải là vứt bỏ hết công sức trước đây đó sao? Chẳng phải là mọi thứ đều thành tốn công vô ích đó sao? Khi đang khổ não suy nghĩ, tôi nhớ tới lời mà Sư phụ nhắc nhở chúng ta nhiều lần rằng: “người tu luyện phải xoay ngược lại nhìn vấn đề”. (Giảng Pháp tại Washington DC năm 2018)
Tôi đã cố gắng xoay ngược lại nhìn vấn đề. Có lẽ con đường mà một người tu luyện đã đi qua đều sẽ không tốn công vô ích. Có lẽ Sư phụ dùng cách này để cho tôi thấy những chấp trước mạnh mẽ tiềm ẩn trong tôi, để từ đó tôi đề cao tâm tính. Đồng thời, trong quá trình này, để tôi rèn luyện và trưởng thành, để tích lũy những năng lực và sự tự tin mà tôi nên có. Có lẽ quá trình này chỉ là mở đường cho việc trong tương lai tôi có thể cứu người trong hạng mục truyền thông. Nghĩ đến đây, tâm tôi tạm thời bình tĩnh lại, và tôi tin rằng Sư phụ sẽ cho tôi biết mình phải làm gì.
Vài giờ sau, tôi nhận được tin nhắn từ một đồng tu, giới thiệu cho tôi một tiết mục truyền thông cá nhân bằng tiếng Anh do trụ sở chính của Tân Đường Nhân sản xuất. Chính niệm mà tiết mục đó phát ra và cái thiện không áp đặt lên người khác đã đánh thẳng vào quan niệm phụ diện tồn tại bấy lâu nay của tôi đối với hạng mục truyền thông. Tôi có thể cảm thấy rằng đó là sức mạnh của Pháp, là nỗ lực của cả một đội, và tôi thấy rằng có một khoảng cách rất lớn giữa tôi và các đồng tu. Tôi nghĩ rằng đây là do Sư phụ lại một lần nữa nhìn thấy nguyện vọng của tôi, nên Ngài đã điểm hóa cho tôi, và giúp tôi an bài con đường để đến đây làm việc. Tôi cũng nhận ra rằng, những quan niệm phụ diện tồn tại trong tư tưởng của mình là không đúng, là do cựu thế lực nắm được sơ hở của tôi và gia tăng những nhân tố bất chính tạo thành.
Tôi ngộ rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cho dù có cảm thấy bản thân có lý hay không, hoặc nếu cho rằng đó là xuất phát từ ý tốt và nghĩ cho hạng mục, dù cho đó chỉ là một tia suy nghĩ bất chính vụt qua, thì tôi cũng phải luôn ghi nhớ lời Sư phụ dạy, phủ nhận nó, bài xích nó, không để cựu thế lực dùi vào sơ hở. Trong quá trình uốn nắn, tu chính những tư tưởng không đúng của bản thân hết lần này đến lần khác, tôi phát hiện rằng bất cứ khi nào nó xuất hiện, chỉ cần tôi ý thức được và phân biệt rõ rằng đó không phải là mình, tôi có thể cảm nhận được trường không gian xung quanh lập tức phát sinh biến hóa. Những thứ chúng ta vốn tưởng rằng là sự thật khách quan, chẳng qua cũng chỉ là do giả tướng diễn hóa ra. Bây giờ nhìn lại toàn bộ quá trình này, tôi mới phát hiện ra rằng trước đây tôi không nguyện ý tham gia hạng mục truyền thông, bề ngoài thì có vẻ như đó là quyết định của bản thân, thực tế thì tâm tính vẫn chưa đề cao lên và chưa đạt tiêu chuẩn. Nhưng Sư phụ từ bi vẫn luôn đợi tôi, đợi tôi trừ bỏ những quan niệm hình thành trong người thường, để tôi có thể thực sự khởi được tác dụng cứu độ chúng sinh và hoàn thành sứ mệnh của mình.
Dần dần hiểu ra thế nào là cứu độ chúng sinh
Nhóm mà tôi làm việc là tiết mục làm đẹp và dưỡng nhan, là một trong số ít các chương trình không liên quan gì đến thời sự và tin tức trên đài truyền hình. Vai trò của chúng tôi là mang lại thu nhập cho hạng mục. Đối với tôi, đây lại là khó khăn lớn nhất, bởi vì nội dung của chương trình không liên quan gì đến việc giảng chân tướng, và tôi không thể cảm nhận được mình đóng vai trò gì trong việc cứu độ chúng sinh. Đôi khi tôi mất động lực, hoặc thậm chí trở nên tê liệt, chỉ làm cho xong. Mặc dù không nói ra nhưng tôi luôn ngưỡng mộ các đồng tu làm phóng viên hoặc làm các nội dung khác giảng chân tướng trực tiếp hơn. Tôi ngưỡng mộ vì họ có thể có một loại vinh dự và cảm giác được thực hiện sứ mệnh trong chính công việc của họ.
Có một lần, trong buổi giao lưu học Pháp vào tối thứ Hai, một đồng tu làm kênh truyền thông cá nhân nói rằng: “Khi chúng ta tham gia hạng mục truyền thông, có bao nhiêu người trong tâm thực muốn cứu người? Mỗi người đều là một phần tử trong [hạng mục] truyền thông, ngay cả khi làm công việc quét dọn và vệ sinh, cũng phải luôn nghĩ rằng tôi đang cứu người.” Tâm tôi có chút xáo động khi nghe điều đó. Bởi vì có hàng loạt sự kiện đã xảy ra, từ phong trào chống dẫn độ ở Hồng Kông cho đến khi virus Trung Cộng bùng phát, khi tôi nhìn những người khác đang bận rộn làm các việc chính sự giảng chân tướng, cứu người, thì tôi chỉ có thể làm những việc không quan trọng bên lề. Ít nhất về điểm này, gần như không khác gì việc dọn dẹp vệ sinh, trong lòng có một nỗi khổ không nói nên lời. Tôi không biết trong hoàn cảnh như vậy, tôi phải làm thế nào mới có thể thời thời khắc khắc đều nghĩ rằng bản thân đang cứu người. Mặc dù niệm đầu này không tốt lắm, nhưng dường như Sư phụ đã nghe thấy những nghi hoặc trong lòng tôi.
Trong tuần tiếp theo, một đồng tu đã chia sẻ kinh nghiệm làm việc trong nhà bếp của anh ấy. Là một đầu bếp chuyên nghiệp, khi mới vào đây, anh thấy điều kiện nhà bếp khá tệ, không có đầy đủ đồ dùng cần thiết, phải dùng chảo điện để nấu, thực sự là dở khóc dở cười. Anh chỉ biết cầu xin Sư phụ trong lòng: “Sư phụ, xin hãy giúp con. Con chỉ thực hiện động tác thôi, còn lại xin nhờ Sư phụ làm”. Chia sẻ đến đây mọi người đều cười ồ lên, còn tôi cười xong thì trào nước mắt, mặc dù đồng tu dùng cách rất hài hước để diễn tả trạng thái lúc đó, nhưng đây chẳng phải là chính niệm của các đệ tử Đại Pháp tín Sư tín Pháp sao? Khi gặp khó khăn, niệm đầu tiên không phải là bất lực hay than thở, không phải là dùng cách của người thường để giải quyết vấn đề, mà đầu tiên phải nghĩ tới Sư phụ, biết rằng có Sư phụ ở đây, có Pháp ở đây, không có khó khăn nào không thể vượt qua.
Sau đó, đồng tu chia sẻ rằng áp lực làm việc trong nhà bếp rất lớn, thông thường là từ lúc mua nguyên liệu về đến lúc nấu nướng xong xuôi, chỉ có một giờ đồng hồ để hoàn thành bữa ăn cho hàng trăm người. Mặc dù như vậy, nhưng đồng tu ngộ ra rằng bản thân không thể có bất kỳ niệm đầu phụ diện nào trong khi làm việc, anh nói: “Nếu sản sinh ra những niệm đầu bất chính trong khi nấu thức ăn, vậy thì những niệm đầu bất chính đó sẽ trộn vào thức ăn, khi mọi người ăn nó, mà các đệ tử Đại Pháp đều đang vất vả cứu người, như vậy thì chẳng phải đã gây can nhiễu đến việc cứu người hay sao?”. Trong tâm tôi nghĩ, đây chẳng phải là Sư phụ đang trả lời câu hỏi của mình sao? Bất kể bản thân đang là một con ốc vít nhỏ bé nào đó trong hạng mục truyền thông, cho dù là làm công việc cụ thể nào, đều có thể dụng tâm làm tốt việc cần phải làm trên cương vị của bản thân, có trách nhiệm với sinh mệnh của chính mình và có trách nhiệm với tất cả chúng sinh.
Sư phụ đã giảng cho chúng ta rằng:
“Làm việc gì thì hãy làm nó cho tốt. Trong quá trình thực thi cái được nhìn là nhân tâm chư vị, chứ không nhìn bản thân sự thành công của chư vị. Trong quá trình chư vị thực hiện thì hãy cứu người ta! Trong quá trình chư vị thực hiện thì là quá trình chư vị tu luyện đề cao, đồng thời khởi tác dụng cứu độ chúng sinh! Không hề nói rằng chư vị thực thi việc đó thành công thì chư vị mới có thể khởi tác dụng cứu độ chúng sinh.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)
Đối chiếu với bản thân, tôi thấy mình còn nhiều khuyết điểm như làm việc chưa cẩn thận, tự cho mình là đúng, tâm hoan hỷ; khi mọi việc thuận lợi thì dương dương tự đắc, khi người khác chỉ ra vấn đề của bản thân thì trong tâm bất bình. Bề ngoài, tôi đè nén không biểu lộ ra, nhưng thực ra mang theo sự oán hận, bực dọc để hoàn thành công việc; mang theo tâm cạnh tranh háo thắng và tâm hiển thị, luôn hy vọng rằng nỗ lực của mình sẽ được nhìn thấy; còn có khi nghe thấy các đồng tu khác phàn nàn thì rất dễ chán ghét, không nguyện ý nghe. Tôi chưa làm được giống như một người tu luyện – hướng nội tìm vô điều kiện. Con cảm ơn Sư phụ đã thông qua phần giao lưu của đồng tu để điểm ngộ cho con, để con thấy được những thiếu sót của mình.
Trong mâu thuẫn đề cao tâm tính, chứng kiến sức mạnh của Pháp
Năm ngoái, nhóm chúng tôi đã sắp xếp lại chỗ ngồi, người quản lý đã yêu cầu tôi ngồi cạnh một đồng tu phụ trách vận hành mạng xã hội, để chúng tôi có thể cùng nhau thảo luận và giúp đỡ nhau trong công việc. Lúc đầu, việc phối hợp khá là suôn sẻ, nhưng khi khối lượng công việc liên tục tăng lên, một gián cách vô hình dần xuất hiện, dù vẫn là bạn bè nhưng có một khoảng thời gian rất dài chúng tôi không thể trao đổi thẳng thắn, chân thành với nhau. Bề ngoài, người đồng nghiệp đó trông có vẻ có áp lực rất lớn và xung quanh toàn là mây mù, mỗi khi tôi nghĩ ra một ý tưởng mới để chia sẻ với cô ấy, phản ứng đầu tiên của cô ấy là “không cần”, cứ như thể tôi cố tình bới móc, tăng thêm lượng công việc cho cô ấy vậy.
Mặc dù tôi biết rằng mình là một người tu luyện, phải nhìn vấn đề từ trong Pháp, và tôi luôn nhắc nhở bản thân không được dán nhãn cho người khác mà phải nhìn vào điểm mạnh của các đồng tu. Nhưng sau khi tất cả các đề xuất đều bị từ chối và hết lần này đến lần khác chia sẻ thất bại, tôi dần dần mất đi tín tâm, không còn sức để cố gắng thêm nữa, thậm chí còn ôm giữ một suy nghĩ rằng “dù sao thì đó cũng không phải là trách nhiệm của mình”. Ngoài ra, tôi còn có tâm oán trách người quản lý. Tôi cho rằng vì người quản lý không thể câu thông với bạn đồng tu đó, nên đã đặt tôi vào giữa như một tấm lá chắn. Tất cả các vấn đề và gián cách đã phản ánh trực tiếp lên hiệu suất công việc. Các dữ liệu như “số người theo dõi” và “tỷ lệ tương tác” trên tài khoản mạng xã hội của chúng tôi đã bị mắc kẹt tại một điểm trong một thời gian dài và không có sự tăng trưởng, nhưng lại không tìm ra nguyên nhân cụ thể.
Một lần tôi có một giấc mơ, bạn đồng tu đó đã mỉm cười và bóp cổ tôi từ phía sau, như thể là chủ nợ đang đến đòi nợ. Sau khi giật mình tỉnh dậy từ giấc mơ, dường như có một giọng nói khiến tôi minh bạch rằng giữa chúng tôi có lẽ có mối oán hận thâm sâu không thể giải khai trong luân hồi từ đời này qua đời khác. Và rồi một giọng nói khác xuất hiện, dường như nói với tôi rằng “chỉ có dùng ‘Thiện’ thì mới có thể hóa giải hết thảy những điều này”. Mặc dù tôi vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gốc rễ, nhưng tôi nghĩ rằng không thể chỉ vì quan tâm tính chưa vượt qua mà làm ảnh hưởng đến đại sự cứu người. Vì vậy, tôi quyết định chia sẻ với người quản lý về vấn đề này. Trong khi chia sẻ, người quản lý có nói một câu này làm tôi ấn tượng sâu sắc, cô ấy nói: “Là người tu luyện, chúng ta đều có trách nhiệm với việc học Pháp của mình. Ngay cả khi những người xung quanh chúng ta đều không học Pháp, chúng ta cũng sẽ kiên trì [học Pháp], không bị người khác ảnh hưởng một chút nào, phải không? Vậy tại sao chúng ta không thể sử dụng thái độ này để làm việc?”
Tối hôm đó tôi nhớ lại lời chia sẻ của người quản lý, và chợt nhận ra đây chính là mấu chốt của vấn đề, bởi vì cảnh giới tâm tính của tôi luôn chỉ dừng lại ở điểm “dù người khác làm không tốt thì tôi vẫn phải làm”. Còn cảnh giới mà người quản lý mô tả là “người khác có thế nào thì căn bản là không thể ảnh hưởng đến tôi, không thể lay chuyển tôi”. Trên bề mặt thì hai quan điểm này giống nhau nhưng về bản chất thì hoàn toàn khác nhau. Bởi vì khi tôi nghĩ trong tâm rằng “dù người khác làm không tốt thì tôi vẫn phải làm”, tôi đã đặt việc người khác làm thế nào lên hàng đầu, và điều nhìn thấy đều là những thiếu sót của người khác, trong đó còn xen lẫn tâm so đo, bất bình, ủy khuất. Còn như người quản lý mô tả thì đó là: cần phải làm gì cũng làm một cách rất vui vẻ, biết trách nhiệm và vinh dự không gì sánh được của bản thân – với tư cách là một đệ tử Đại Pháp, tâm tình thoáng đãng rộng mở và vui vẻ, đồng thời có thể từ trong Pháp mà minh bạch vấn đề, cho dù đó là việc học Pháp hay công tác trong hạng mục cứu người, bất kể là Sư phụ bảo chúng ta làm bất cứ việc gì, đến cuối cùng người được thọ ích đều chính là bản thân chúng ta.
Sư phụ giảng:
“Trong Pháp Lý thì nhận thức cao đến đâu thì chư vị có thể làm đến mức độ đó, hết thảy những gì chư vị làm đều là làm cho bản thân chư vị, tuyệt đối không phải là cho tôi. Nói như vậy đó, chỉ có Sư phụ giúp chư vị, chứ chư vị không giúp Sư phụ. Tương lai đến lúc chư vị thấy được chân tướng ấy, “A! Nguyên lai là như thế!”” (Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu năm 2003)
Tôi tự nhủ trong lòng, cho dù trên bề mặt, công việc đó không phải phân công cho mình, chỉ cần mình thấy chỗ nào chưa đủ hoặc thiếu sót, mình phải có trách nhiệm sửa chữa bổ sung, và phải tu bỏ đi tâm ỷ lại, trừ bỏ đi quan niệm rằng bản thân không có thiên phú về nghệ thuật, sợ rằng làm việc không đủ hoàn mỹ.
Thật không ngờ, chỉ trong 2-3 ngày ngắn ngủi, môi trường xung quanh đã có một sự chuyển biến rõ rệt. Các đồng nghiệp khác trong nhóm thấy tôi đột nhiên trở nên rất bận rộn nên đã lần lượt chủ động hỏi thăm và giúp đỡ; khoảng cách giữa tôi và đồng tu đó đã hoàn toàn được hóa giải trong vòng vài ngày, giống như một tảng băng khổng lồ đột nhiên tan biến. Chúng tôi đã không chia sẻ với nhau trong một thời gian dài, nay đã thay đổi trở lại như trước đây, và chúng tôi rất tự nhiên chia sẻ với nhau về đề cao và nhận thức trong tu luyện.
Trong công việc cũng đã có những thay đổi rõ rệt, không chỉ tốc độ tăng trưởng dữ liệu phá kỷ lục mới trong vài tuần liên tiếp mà còn có cơ hội nhận được tài trợ từ các hãng. Trước đây, những tài trợ này đều là vài tháng mới nhận được một lần, nhưng hiện tại là gần như nhận được hàng tuần. Sự thay đổi này thực sự giống như những gì Sư phụ giảng trong “Chuyển Pháp Luân”, rằng:
“Họ đều làm việc như thế cả, làm cho diện mạo tinh thần toàn bộ nhà máy khởi sắc [hơn lên], hiệu quả kinh tế của nhà máy cũng tốt.” (Chuyển Pháp Luân)
Trong tâm tôi tràn ngập lòng biết ơn không thể diễn tả thành lời, tôi biết rằng điều này thực sự không phải là dùng cách của người thường là có thể giải quyết được, mà là sức mạnh của Pháp một lần nữa thực sự triển hiện trong sinh mệnh của tôi.
Sư phụ giảng:
“Trong quá trình chúng ta tu luyện chư vị sẽ gặp phải rất nhiều ma nạn. Chỉ cần mọi người nghiêm chỉnh học Pháp, thì nạn nào chư vị cũng có thể vượt qua; chỉ cần chư vị nghiêm chỉnh học Pháp thì khúc mắc nào trong tâm không giải khai được, những thứ không vượt qua được, chư vị đều có thể tìm được câu trả lời trong Pháp, đều có thể giải khai được nó. Bộ Pháp này bao hàm [đạo lý] làm người như thế nào – làm người trời như thế nào; tôi còn bảo cho mọi người biết làm Phật – Đạo – Thần như thế nào, cho đến Thần ở cảnh giới cao hơn nữa, Nó có thể giải khai nút thắt trong tâm của chư vị không? Nó có thể đả khai tư tưởng của chư vị không? Nó có thể giải quyết được vấn đề của chư vị hay không? Đều có thể.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998])
Sau sự việc đó tôi đã ngẫm lại quá trình và ngộ ra rằng, kỳ thực công việc này là trách nhiệm mà Sư phụ giao phó cho tôi, lẽ ra nên là do tôi gánh vác, nhưng tôi lại cố chấp nắm lấy cái lý của người thường, cho rằng người quản lý muốn tôi giúp đỡ người đồng nghiệp này. Thế là tôi đã thực sự mang theo tâm thái “giúp đỡ”, chứ không nguyện ý thực sự chịu trách nhiệm, còn một mực hướng ngoại nhìn, cứ luôn cho rằng người khác làm không tốt. Đương nhiên như vậy sẽ gây ra áp lực vô hình và khiến người ta không chịu nổi, và đương nhiên đối phương sẽ trưng ra vẻ mặt khó coi cho tôi xem. Nhưng khi tôi đảm nhận phần mà tôi nên gánh vác, mọi thứ liền trở nên thuận lợi.
Bây giờ nhìn lại, tôi phát hiện rằng chúng tôi quả thực rất hợp để làm việc cùng nhau, tôi viết tốt và cô ấy thiết kế đồ họa giỏi. Tất cả những năng lực tôi không có là những gì cô ấy giỏi nhất, còn những thứ thuộc sở trường của tôi lại chính là điều cô ấy còn thiếu, vì vậy chúng tôi cùng nhau phối hợp, vừa vặn có thể bổ sung những thiếu sót cho nhau. Xét về lâu dài, kỳ thực những người xung quanh chúng ta, bao gồm cả các đồng tu, sở dĩ họ được an bài ở bên cạnh chúng ta đều là có lý do, có người đến để báo ơn, có người đến để đòi nợ. Hơn thế nữa là mối quan hệ nhân duyên phức tạp không thể diễn tả bằng ngôn ngữ của con người mà đời đời kiếp kiếp, thậm chí là theo tầng tầng chúng ta đi xuống.
Nếu chúng ta không nhận thức vấn đề dựa trên Pháp, cựu thế lực sẽ nắm được sơ hở và làm gián cách giữa các đồng tu sâu thêm, cản trở chúng ta làm việc cứu người. Ngược lại, khi tâm tính của chúng ta đề cao và phù hợp với Pháp, Sư phụ sẽ có thể thiện giải những nhân tố phía sau và biến điều xấu thành điều tốt.
Lời kết
Trên con đường tu luyện đầy gập ghềnh hơn 10 năm qua, có sự buồn bực và dằn vặt khi không vượt qua quan, cũng có sự mỹ diệu và thù thắng sau khi tâm tính đề cao, nhưng trên tất cả là lòng biết ơn vô hạn [của con] đối với Sư tôn từ bi vĩ đại. Có những lúc đi trên đường tôi cảm thấy bước chân thật nhẹ nhàng, miệng cũng bất giác mỉm cười, và nghĩ về việc bản thân thật may mắn vì được trở thành đệ tử Đại Pháp trong đời này, là sinh mệnh may mắn nhất trong vũ trụ, bất kể gặp phải khó khăn gì, đều luôn có Pháp dẫn đường chỉ lối, đều có Sư phụ che chở suốt cả chặng đường. Cuối cùng, tôi xin kết thúc bài chia sẻ bằng một đoạn Pháp để khích lệ mọi người, hy vọng trên con đường tu luyện phía trước, chúng ta sẽ cùng nhau tinh tấn và không cô phụ lòng từ bi cứu độ của Sư tôn.
Sư phụ giảng:
“Nhưng đã là người luyện công, thì những thứ mà người khác cho là rất lớn, thì chư vị nhìn thấy rất nhỏ, nhỏ lắm, quá nhỏ bé. Là vì chư vị có mục tiêu hết sức lâu dài, rất xa và rộng lớn, chư vị là sẽ cùng tuổi với vũ trụ. Chư vị thử nghĩ lại xem, có thể có [những thứ kia] hoặc có thể không có, [nhưng] chư vị nghĩ hướng đến [những điều] lớn hơn, thì đều có thể vượt qua những thứ đó.” (Pháp Luân Công)
Trên đây là một chút thể hội của tôi ở tầng thứ hiện tại, nếu có điều gì không phù hợp với Pháp, xin các đồng tu từ bi chỉ giúp.
Con xin cảm ơn Sư phụ!
Cảm ơn các đồng tu!
(Bài chia sẻ trình bày tại Pháp hội Truyền thông Đại Kỷ Nguyên Tân Đường Nhân 2021)
(Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/28/在参与媒体项目中的修炼体会-426283.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/1/193465.html
Đăng ngày 10-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.