Bài chia sẻ của một đệ tử Đại Pháp tại Bắc Mỹ

[MINH HUỆ 05-06-2021]

Con xin kính chào Sư phụ tôn kính!

Xin chào các bạn đồng tu!

Tôi công tác tại Nhà máy In Tân Thời Đại 2 năm rưỡi, nhớ lại lúc đó đồng tu gọi tôi 3 cuộc điện thoại hỏi tôi có thời gian không. Đồng tu nói rằng xưởng in rất cần người giúp, chỉ làm 3 tháng là được. Trong ấn tượng của tôi xưởng in chính là làm việc với mực đen, không phù hợp với tôi, nhưng nghĩ tới là hạng mục Đại Pháp, vừa đúng lúc tôi có thời gian và chỉ làm 3 tháng mà thôi nên tôi đồng ý.

Khi đó đi làm vào ban đêm, mới làm được một hôm mà tôi cảm thấy rằng đừng nói là 3 tháng, nếu có thể làm được 3 ngày đã là giỏi rồi. Môi trường làm việc với cường độ âm thanh 100 decibel (db), khắp nơi là mực đen và bụi giấy, trong nhà xưởng nhiệt độ cao, trên máy in nóng tới mức dường như có thể nướng chín trứng gà. Vốn bước ra từ môi trường sống và công tác rất nhàn nhã, tốt đẹp, tôi cảm thấy công việc này rất không hợp với mình. Giao thông đi lại cũng không tiện, tôi phải đi bộ 15 phút tới ga tàu điện ngầm, sau khi đến điểm xuống thì lại đi bộ rồi bắt xe của đồng tu đến chỗ làm. Mỗi ngày đi đi về mất 4 tiếng trên đường, 4 giờ sáng sớm đi bộ trên con đường tối đen trở về nhà. Có lúc đột nhiên một người vô gia cư xuất hiện trước mặt nói chào buổi sáng khiến tôi giật mình kinh sợ. Đặc biệt lúc trời mưa gió lại càng khó khăn. Tôi đã có lúc muốn từ bỏ, nhưng đã nhận lời với đồng tu là sẽ làm 3 tháng nên cần giữ lời, trước tiên kiên trì đã. Tôi không ngờ cứ như thế mà tiếp tục đến ngày nay.

Khi tôi lần đầu tham gia học Pháp tập thể cùng xưởng in, trong phòng học Pháp tôi thấy Pháp tượng của Sư phụ trang nghiêm hướng về phía tôi cười vui vẻ đến vậy, trong nụ cười bộc lộ rõ sự từ bi và hy vọng vô hạn. Tôi chưa bao giờ thấy cảnh tượng như vậy, trong 2 tiếng, tôi cứ chốc chốc lại hướng về phía Pháp tượng của Sư phụ, trong tâm nói với Sư phụ hết lượt này đến lượt khác rằng: “Đệ tử nhất định sẽ làm tốt”. Nghe đồng tu nói rằng: “Ở đây chính là nơi tốt cho tu luyện, là lò luyện lớn, là nơi luyện kim cương”. Quả thực, tôi thực sự thể hội được tại sao đây là nơi tốt cho tu luyện.

1. Thể hội về “Khổ kỳ tâm chí” (*)

Hai năm đó là con đường gian nan nhất tôi đã từng đi qua trong tu luyện. Mỗi lần vượt quan, dường như mặt minh bạch của tôi nói: “Đây chính là tu luyện”. Mặt của con người lại nghĩ: “sao cứ phải làm khó mình, còn có rất nhiều lựa chọn khác cơ mà”. Thế nhưng mỗi lần tôi muốn trốn tránh, Sư tôn từ bi thấy tôi không ngộ, liền hết lần này tới lần khác điểm hóa cho tôi.

Mới bước vào làm chưa lâu, tôi ở trong phòng in chế bản, đồng tu lấy một chồng tài liệu tới nói rằng tôi không được làm như thế. Tôi bối rối không biết xảy ra chuyện gì, sau này mới biết chuyện này không hề liên quan tới tôi. Tôi nghĩ: “Vừa tới mà đã thế rồi, sau này làm sao qua nổi những ngày tiếp theo?” Tôi chế xong bản in, chuẩn bị chuyển đi cho khâu tiếp theo, đứng tại thang máy tầng 2 nhìn xuống, phía dưới là cảnh tượng bận rộn, tôi thấy các nhân viên lớn tuổi trông rất bình thường, lưng đẫm mồ hôi, tranh thủ thời gian từng phút giây, bận rộn bên máy móc. Trong tâm tôi bỗng chợt dâng lên sự cảm động vô hình. Những đồng tu này không cầu danh, không vì lợi, không biết họ đã kiên trì ở đây bao năm, so sánh với họ tôi chợt thấy sao mà mình nhỏ bé vậy, sao một chút ủy khuất cũng không chịu nổi?

Sau nửa năm, vị trí công việc của tôi có biến động, đột nhiên cần phụ trách rất nhiều việc, một trong số đó là tôi phải sắp xếp để các báo đăng ký định kỳ được gửi đi đúng hạn hàng tuần sau khi in xong địa chỉ. Bỗng nhiên công ty bị thiếu nhân lực nên tôi đành phải tự làm, nhưng lại bị nói là tại sao phải tự làm, đây là việc để bạn làm à? Tìm người làm đi. Tôi nói: “Tôi không biết ai, các đồng tu hơn 10 năm ở đây cũng không tìm được ai, huống chi tôi là người mới.” Trong lòng tôi không khỏi sinh ra oán hận.

Tôi thấy rằng mỗi khi gặp vấn đề, tôi có xu hướng rơi vào cái lý đúng sai của người thường, và sử dụng lý của người thường để đo lường các vấn đề và quan tâm tính gặp phải trong tu luyện. Tôi cũng hướng nội tìm, có phải vì tâm tranh đấu, tâm hoan hỷ, tâm chứng thực bản thân đang tác quái không? Nhưng lần nào tôi cũng không muốn buông bỏ cái lý lẽ đúng sai của người thường. Tôi đã tính toán giờ làm việc, sản lượng, hao mòn, sắp xếp nhân viên, bố trí sản xuất hợp lý và cải tiến một số phương pháp làm việc. Tôi đã tiết kiệm được khoảng chục nghìn đô la mỗi tháng và sản lượng đã tăng vài lần. Tính ra một năm, đó là một con số đáng kể. Tôi đã đề cập đến vấn đề này, nhưng vài ngày sau, một đồng tu đã nói một câu mà tôi nghĩ là phủ định những đóng góp đó, khiến tôi cảm thấy rất ủy khuất. Khi đó, tôi đã không nói gì. Nhưng đồng tu lặp lại lời đó hai lần, và tôi không thể nhẫn được. Giống như Sư phụ giảng rằng:

“Tuy nhiên thường khi mâu thuẫn đến, [nếu] chẳng làm kích động đến tâm linh người ta, [thì] không đáng kể, không tác dụng, không đề cao được.” (Chuyển Pháp Luân)

Sau khi về nhà, tôi đã gửi một tin nhắn cho đồng tu, đại ý là tôi nghĩ rằng hiệu quả này là rõ ràng và dễ thấy. Đồng tu trả lời tin nhắn của tôi rằng không phải như thế mà là tôi đã hiểu sai. Tôi đột nhiên nhận ra rằng những lời nói không có tâm gì của đồng tu đối với tôi lại như sấm bên tai bởi vì chúng đã xung kích tới tâm chứng thực bản thân của tôi, nghĩ rằng mình đã có thành tích, và thích nghe những điều dễ nghe. Thực ra, năng lực của chúng ta là do Sư phụ ban cho, còn tôi tham lam lấy công của Trời làm công của mình. Sinh mệnh của tôi đều là do Đại Pháp ban cho, nếu không thì bệnh tật trước khi tu luyện có thể đã lấy đi mạng sống của tôi.

Tôi đang tự hỏi tại sao mình lại gặp phải những việc không như ý mình, không phải là nói những lời không tu khẩu thì cũng là muốn rời đi, hễ gặp vấn đề thì không muốn đề cao, động tý là muốn trốn tránh, đi vòng qua. Tại sao tôi luôn phải phân biệt giữa đúng và sai khi tôi làm mọi việc? Điều này không chỉ tổn hại bản thân tôi mà còn tổn hại các đồng tu.

Sư phụ đã giảng rằng:

“Dẫu chư vị đúng hay không đúng, vấn đề [đúng-sai] ấy đối với một người tu luyện mà giảng là hoàn toàn không trọng yếu. Không được cứ tranh luận mãi, không được nhấn mạnh vào là ai đúng ai sai. Có người vẫn luôn cứ nhấn mạnh rằng mình là đúng; chư vị đúng, chư vị không sai, vậy thì sao? Là đề cao trong Pháp chăng? Dùng nhân tâm để nhấn mạnh đúng-sai, bản thân đó đã là sai rồi; bởi vì chư vị dùng cái Lý của người thường để đo lường bản thân chư vị, chư vị dùng cái Lý của người thường để yêu cầu người khác. Tại Thần mà nhìn một người tu luyện ở thế gian, [thì] đúng và sai của chư vị hoàn toàn không trọng yếu; mà tống khứ tâm chấp trước nhân tâm mới là trọng yếu. Trong tu luyện chư vị buông bỏ tâm chấp trước nhân tâm như thế nào mới là quan trọng.” (Giảng Pháp ở Manhattan 2006)

Vào đầu năm ngoái, tôi cảm thấy mình đang đứng ở ngã ba đường giữa lựa chọn rời đi hay ở lại, và tôi tự nhủ: “Hãy đi vòng qua cái quan này.” Đúng ngày hôm đó, tôi đã tham gia cuộc diễu hành ở Brooklyn. Khi tôi đang nhìn sang bên đường, tôi thấy một đồng tu đã lâu không gặp và không có liên lạc đang từ xa tiến lại gần tôi. Cô ấy mỉm cười chào tôi và hỏi: “Bạn vẫn tốt chứ?”

Tôi thở dài nói: “Vẫn ổn.”

Cô ấy đột nhiên ôm tôi và nói bên tai tôi: “Bạn đừng nói gì, tôi đều biết hết, Sư phụ đang thành tựu bạn, nhất định phải kiên trì, kiên trì.”

Cô ấy nói giống như đang đọc thuộc thơ. Tôi lập tức hiểu ra chính là Sư phụ đang mượn lời của cô ấy điểm hóa cho tôi, nhưng phần con người của tôi lại nghĩ “Bạn biết cái gì chứ?”. Vừa định nói và kể với cô ấy về những bất bình trong lòng, nhưng cô ấy không đợi tôi nói đã buông tôi ra, mỉm cười vẫy tay chào rồi rời đi.

Tôi sững sờ đứng đó, lời nói của cô ấy cứ vang vọng trong tâm trí tôi, và phía minh bạch của tôi không ngừng bảo với tôi rằng Sư phụ đang mượn lời của cô ấy để điểm hóa tôi. Trong tâm tôi rất buồn, mắt ngấn lệ mông lung nhìn về phía trước, câu nói của cô ấy cứ văng vẳng trong tâm trí. Tôi lại để Sư phụ phải lo lắng, tôi hiểu rồi, tôi cần đề cao. Bất kỳ quan nạn nào cũng không thể đi vòng qua được.

Ngay sau khi trở về, tôi vẫn còn cảm thấy chỗ nào cũng là rào cản trắc trở. Tôi cảm thấy bất lực và lại muốn rời đi, lúc này Sư phụ lại xuất hiện trong giấc mơ của tôi: Trên một chiếc bàn dài, mỗi người đều có một cái đĩa ở trước mặt và chuẩn bị bữa ăn. Các đồng tu trong xưởng in đều đang ngồi bên cạnh Sư phụ, còn tôi lạc lõng, núp ở chiếc bàn xa nhất. Sư phụ đột nhiên yêu cầu các đồng tu chuyển bàn của tôi đến đối diện với Sư phụ, tôi và Sư phụ ngồi đối diện nhau. Tôi chỉ nói với Sư phụ một câu: “Sư phụ, con thật sự không còn sức lực nữa.”

Sư phụ nói: “Ta có bao nhiêu sức mạnh thì con có bấy nhiêu.”

Tôi hỏi rất ngu ngốc: “Sư phụ có bao nhiêu sức mạnh?”

Sư phụ nói: “Hãy xem ngộ tính của con!” Tôi vui vẻ nói: “Sư phụ, con minh bạch rồi, con minh bạch rồi.”

Tôi vui vẻ tỉnh lại. Những lời từ bi vô hạn của Sư phụ đã in sâu vào trái tim tôi, trong thời kỳ dịch bệnh tồi tệ nhất, trong những thời điểm khó khăn nhất của tôi, câu nói đó đã động viên tôi kiên trì, tôi có thể làm được vì tôi có Sư phụ.

Sau đó đã xảy ra rất nhiều chuyện, và đôi khi tôi cảm thấy chúng nhắm thẳng vào chấp trước của tôi, xem tôi sẽ đối đãi thế nào. Giờ tôi đã bước qua, đó là phải trải qua biết bao quan ải khắc cốt ghi tâm mà bước qua. Hết lần này đến lần khác tôi để Sư phụ phải lo lắng, liên tục điểm hóa cho tôi, từng bước một giống như cha mẹ nâng đỡ đứa con đang chập chững bước đi trên con đường tu luyện. Tôi không thể chạy được ư? Có, chắc chắn tôi có thể!

2. Kiên trì trong dịch bệnh bùng phát

Cuối tháng 3 năm ngoái, chúng tôi bắt đầu in một số báo đặc biệt về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Nghe nói mỗi khi có việc in ấn lớn nào đó sẽ bị tà ác can nhiễu đủ phương diện, sẽ luôn có những sự việc phát sinh thế này, thế kia mà không nghĩ tới. Tôi biết chúng tôi cần phải đột phá trùng trùng lực cản. Đúng lúc việc in ấn nặng nề phức tạp nhất thì các đồng tu xuất hiện trạng thái nghiệp bệnh. Nhưng tôi nghĩ chuyên san đặc biệt quyết không được chậm trễ, đồng tu phụ trách hạng mục thường nói: “Chúng ta là bộ phận sau cùng, công sức của các đồng tu phía trước không thể bị chúng ta phá hỏng”. Câu nói để lại ấn tượng quá sâu sắc với tôi. Tôi biết rằng tờ báo của chúng ta là thanh gươm sắc để diệt trừ tà ác, là chân tướng cứu độ chúng sinh, và cũng là hy vọng đắc cứu của chúng sinh. Một số đồng tu phụ trách đều đã xin nghỉ phép, nhưng khối lượng công việc lại tăng gấp nhiều lần, hầu như tất cả công việc đều đổ vào một mình tôi. Chúng tôi liên tục in ba ca không ngừng nghỉ. Tôi phải sắp xếp và xử lý tất cả các công việc sản xuất, điều phối nhân sự, hạch toán chi phí, kết nối các quy trình và phòng ban khác nhau, các lỗi nhỏ của máy móc, thời gian giao hàng, v.v. đến các vấn đề nhỏ như đồng tu nào không có xe đi, đồng tu nào chưa ăn, ai có tâm trạng không tốt…

Ca ngày làm nối tiếp ca đêm, về nhà tắm rửa và ngủ 3 tiếng rồi quay lại làm việc, tinh thần và thể chất đều ở trong xưởng ồn ào với cường độ tiếng ồn cao, phải hét lên khi nói chuyện hàng ngày khiến cổ tôi khản đi, thiếu nhân viên, tôi đành phải làm thay. Hôm đó có việc cần phải xác nhận, tôi đã gọi điện và gửi tin nhắn cho đồng tu liên quan mà không nhận được phản hồi. Sự tức giận và ủy khuất nổi lên trong tôi, cộng với việc tôi không theo kịp việc học Pháp và luyện công, thân thể mệt tới cực điểm, mỗi ngày 17, 18 tiếng như con quay cật lực không ngừng nghỉ. Vì đi và đứng quá nhiều nên hai chân tôi vừa sưng lên vừa đau, đi giày rất khó khăn. Ăn uống bữa no bữa đói, có khi cả ngày không uống một cốc nước nào. Cây nước uống ở ngoài hành lang, mỗi lần đi ngang qua, tôi đều tự nhủ: “Đại Vũ đi qua cửa nhà ba lần mà không vào, tôi đi qua cây nước uống ba lần mà không uống.” Vì tôi nghĩ rằng việc uống nước, đi vệ sinh làm mất quá nhiều thời gian. Vừa giải quyết xong một việc, thì có việc khác đã đợi tôi xử lý gấp, báo chí có thời gian hiệu lực, và tôi không thể chờ đợi được. Lo lắng, ủy khuất và tức giận, tôi nghĩ: “Tại sao nhiều việc lại đổ lên đầu một người phụ nữ nhỏ bé như tôi, tại sao các bạn không nghĩ chút đến tôi?” Tôi đói và khát, buổi tối, tôi đang ngồi trong phòng ăn dùng nước chan cơm trắng, vừa ăn vừa khóc thì lúc này có một đồng tu bước vào và hỏi tôi về công việc, tôi cảm thấy rất xấu hổ và nói một câu rồi vội vàng rời đi. Tôi là người chưa bao giờ khóc, nhưng bây giờ tôi mệt muốn khóc. Lúc này, điểm hóa của Sư phụ lại vang lên bên tai: “Sư phụ đang thành tựu bạn, bạn nhất định phải kiên trì.”

Thứ Bảy, các đồng tu tình nguyện viên đã đến giúp in địa chỉ. Máy luôn bị kẹt giấy. Tôi không sửa được và đồng tu phụ trách thiết bị cũng không sửa được. Tôi dự kiến ​​sẽ làm 40.000 bản, nhưng cuối cùng làm được chưa đến một nửa. Buổi tối khi tôi trở về nhà, tôi cảm thấy trạng thái này quá không đúng. Sau khi phát chính niệm, tôi tự học Pháp, và càng học thì tâm tôi càng nhẹ nhõm hơn.

Sư phụ giảng:

“Đụng phải ma nạn, khảo nghiệm tâm tính, gian khổ tu luyện, đó đều là bước đi con đường của mình, đều là đang thành tựu chính mình. Tất nhiên, thành tựu đệ tử Đại Pháp, không phải chỉ là giải thoát sinh mệnh cá nhân, đệ tử Đại Pháp cũng không phải chỉ vì bản thân mình mà tới [đây], [mà là] thân mang sứ mệnh lịch sử cứu độ chúng sinh.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Quốc tế Thủ đô Hoa Kỳ năm 2012)

Ở tình huống hiện tại của tôi, chẳng phải là Sư phụ đang cho tôi cơ hội để thành tựu tôi hay sao? Vào thời khắc quan trọng không thể làm hỏng việc. Tôi lập tức cảm thấy rất thoải mái trong tâm. Sáng Chủ nhật, tôi vui vẻ quay lại công ty và hướng dẫn các đồng tu tình nguyện viên in địa chỉ, in chèn phần phụ báo làm rất tốt, vô cùng thuận lợi, chỉ một lúc là đã in được hơn 40.000 bản. Sáng hôm sau thấy đồng tu phụ trách thiết bị đang sửa máy in chèn phần phụ báo, tôi hỏi anh: “Máy còn tốt, anh đang làm gì vậy?”

Anh nói: “Chỗ cửa này không có dây curoa, tôi lắp dây curoa vào.“

Tôi rất ngạc nhiên. Hỏi: “Không có dây curoa? Hôm qua tôi dùng cái cửa này, làm thế nào mà in được 40.000 bản?”

Anh cũng cười và nói: “Làm sao tôi biết được.”

Tôi hiểu ngay lập tức, đó là Sư phụ, Sư phụ thấy đệ tử có chút đề cao, Sư phụ đã giúp đỡ tôi, khích lệ tôi.

Một lần khác, tôi muốn sắp xếp mọi thứ tốt để về nhà sớm, tôi thực sự rất mệt, lúc đó tôi rất vui, nhưng khi phát chính niệm trong văn phòng lúc 12 giờ, một đồng tu gọi điện và nói ban ngày anh ấy không nghỉ ngơi tốt và muốn về nghỉ sớm và muốn tôi tìm người thay anh ấy. Lúc đó tôi rất khó chịu và nghĩ: “Anh vừa mới làm việc được một tiếng lại muốn về, ban ngày không có ca làm mà không nghỉ ngơi, còn trách ai? Bây giờ là nửa đêm, tôi tìm đâu ra người”. Tôi lại phải gánh thôi, tôi thực sự cảm thấy cơ thể đã đến cực hạn rồi, không biết còn có thể làm xuyên đêm nổi không. Tôi tức giận nhắn lại: “Được rồi, anh đi đi, tôi sẽ làm”. Nhưng phần minh bạch của tôi lại nói với tôi rằng: “Khảo nghiệm đã đến rồi, tâm thái như thế là vị tư, mình đã không nghĩ cho anh ấy.”

Sư phụ dặn chúng ta rằng:

“Bản tính thực chất từ trước của chư vị được kiến lập trên cơ sở vị ngã vị tư, từ nay trở đi chư vị làm các việc thì trước hết phải nghĩ đến người khác, tu thành bậc Chính Giác vô tư vô ngã, tiên tha hậu ngã, thế nên từ nay trở đi chư vị làm gì nói gì đều phải vì người khác, và nghĩ đến cả vì người đời sau nữa! Hãy nghĩ cho Đại Pháp vĩnh thế bất biến!” (Phật tính vô lậu, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Sư phụ yêu cầu chúng ta tu luyện thành những bậc Chính Giác vô tư, vô ngã và tiên tha hậu ngã. Nghĩ đến điều này, tôi cảm thấy rất xấu hổ về những suy nghĩ vừa rồi. Tôi buông bỏ những ích kỷ nghĩ về bản thân, trút bỏ oán hận, không còn tức giận, và đến đảm đương phần việc của đồng tu, vào khoảnh khắc đứng trước máy, toàn thân tôi bỗng thoải mái dễ chịu vô cùng. Tôi còn cho rằng mình mệt mỏi quá mức rồi nên đó là ảo giác, có thể do bị tê hay chóng mặt. Nhưng sau một hồi trải nghiệm thì tôi thấy hoàn toàn không phải ảo giác, tôi kinh ngạc vui mừng, cảm giác sảng khoái vô cùng dễ chịu này chính là Sư phụ thấy tôi đã ngộ đúng, lập tức gỡ bỏ vật chất mệt mỏi cho tôi, là Sư phụ từ bi lại một lần nữa chịu đựng thay cho đệ tử. Các đồng tu bên cạnh máy hỏi tôi: “Bạn có sao không?” Tôi nói: “Tôi ổn, không sao đâu.”

Mỗi tờ báo chân tướng chúng tôi in ra đều là hy vọng cho sinh mệnh được đắc cứu. Trong cứu độ vào tối hậu của mạt thế, chúng ta không được trì hoãn việc cứu độ chúng sinh chỉ vì tự tư của bản thân. Khi tôi toàn thân mệt mỏi đón ánh bình minh lúc tan ca, nhiều lần tôi tự hỏi mình còn có thể kiên trì không? Tôi nghĩ tới câu mà Sư phụ nói với tôi trong giấc mộng: “Ta có bao nhiêu sức mạnh thì con có bấy nhiêu.” Câu trả lời của tôi là chắc chắn kiên trì được. Tôi nghĩ tới toàn thể nỗ lực phối hợp của các đồng tu xưởng in, cũng như những hỗ trợ của họ dành cho tôi, câu trả lời của tôi là khẳng định. Có đồng tu thấy tôi ngày ngày ăn mì ăn liền, có người buổi sáng mang cho tôi bát cháo thịt họ chăm chút nấu. Có đồng tu nói cô mang bánh ngọt, đóa hoa xinh đẹp nhất tới tặng tôi. Có đồng tu làm bữa điểm tâm vô cùng cầu kỳ đẹp mắt, chuyên dùng giấy thiếc bọc kỹ lại cho tôi. Có đồng tu nói người khác đừng gọi tôi vì tôi đã mệt rồi… Mỗi sự việc đều khiến tôi vô cùng cảm động, mãi mãi không quên. Nhờ sự gia trì của Sư tôn, với sự nỗ lực chung của toàn thể các đồng tu xưởng in và các đồng tu tình nguyện, hàng trăm ngàn tờ báo chân tướng đã kịp thời được đưa tới tay hàng ngàn hàng vạn gia đình hộ dân. Xin cảm tạ Sư tôn, cảm ơn các đồng tu của tôi.

Sư phụ đã dặn dò:

“Bất kể chư vị bận đến đâu, cũng không thể lơ là xem nhẹ việc học Pháp. Đó là điều đảm bảo căn bản cho việc tiến đến viên mãn và làm tốt công tác Đại Pháp.” (Gửi toàn thể học viên Pháp hội Bắc Âu, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)

Sư phụ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chúng ta cần học Pháp tốt. Tôi muốn tu tốt bản thân, học Pháp luyện công nhất định phải theo kịp, vì để luôn cảnh tỉnh bản thân, mỗi ngày tôi tự ghi lại tình trạng học Pháp, luyện công, phát chính niệm của mình, cơ bản nhất cần làm được học một bài giảng “Chuyển Pháp Luân”, 4 thời điểm phát chính niệm toàn cầu và luyện hết 5 bài công pháp. Mỗi tuần hai lần tôi tham gia học Pháp tập thể, nếu không tham gia được sẽ cố gắng bổ sung bù, nhưng tôi thấy rằng có lúc tôi vẫn không làm được tốt.

Lời kết

Trên con đường giảng chân tướng và cứu độ chúng sinh, tôi luôn cảm thấy Sư tôn thời thời khắc khắc luôn ở bên cạnh tôi, chăm sóc và bảo hộ tôi, mọi việc đều do Sư phụ làm. Khi phiên dịch “Chuyển Pháp Luân”, có nhiều lần, một từ vựng rất chính xác đột nhiên thốt ra từ miệng tôi, các đồng tu ngạc nhiên nói: “chính là từ này, làm sao bạn nghĩ ra được?”

Sau khi phát hết tài liệu chân tướng, tôi đứng tại những con hẻm tối đen, đèn của chiếc xe ô tô không có người đang đậu đột nhiên bật sáng, chiếu sáng con đường phía trước cho tôi. Sau khi làm xong tài liệu vào nửa đêm, nước đá lạnh thấu trong đường ống nước tự động đột nhiên biến thành nước nóng, khi chúng tôi tắm xong nước nóng sẽ tự động ngắt. Trên con đường hồng Pháp, cầu vồng đã đi cùng chúng tôi 200-300 km, bao bọc chúng tôi ở giữa… Từng người, từng việc đều khiến tôi thời thời khắc khắc cảm nhận được sự chăm sóc của Sư phụ từ bi.

Nhìn lại chặng đường tu luyện 19 năm, trải qua bao mưa gió, tôi đã đi đến ngày nay nhờ sự bảo hộ của Sư phụ, chính là Sư tôn đang thành tựu tôi, trải con đường hồi thiên cho tôi. Bất cứ khi nào nghĩ đến những điều này, dùng tất cả những gì mình có cũng không có cách nào để báo đáp được Sư ân. Tôi biết rằng mình còn cách yêu cầu của Sư phụ rất xa. Tôi sẽ cố gắng làm tốt trong khoảng thời gian có hạn, làm tròn thệ ước trợ Sư chính Pháp, cứu độ chúng sinh, không phụ lòng từ bi khổ độ của Sư tôn, không phụ sự kỳ vọng của chúng sinh.

Muôn vạn lời cũng không thể nói hết được lòng cảm ân của con với Sư tôn, tại đây, một lần nữa từ đáy lòng mình con xin được nói một câu: “Sư phụ, con cảm ơn Ngài!”

Con xin cảm ơn Sư phụ!

Cảm ơn các bạn đồng tu!

Chú thích:

(*) Khổ kỳ tâm chí – Hồng Ngâm

(Bài chia sẻ trình bày tại Pháp hội Truyền thông Đại Kỷ Nguyên Tân Đường Nhân 2021)

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/5/苦心志劳体肤-修炼中师尊一路保护-426631.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/7/193583.html

Đăng ngày 10-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share