Bài viết của đệ tử Đại Pháp Bắc Mỹ

[MINH HUỆ 31-05-2021]

Con xin kính chào Sư phụ tôn kính!

Xin chào các bạn đồng tu!

Hơn một năm trước, khi tôi làm việc trong một công ty người thường, khi đi làm, tôi thường nghĩ đến kỳ nghỉ tiếp theo sẽ đi đâu, tháng này mình tiết kiệm được bao nhiêu, đến khi tiết kiệm được bao nhiêu tiền thì có thể mua thứ gì muốn mua, v.v. Tôi không bao giờ dám tưởng tượng rằng tôi có thể làm việc sáu ngày một tuần, và thường ở lại công ty hơn mười hai giờ một ngày, không cần nhiều lương, qua ngày là sống tốt rồi. Nhân dịp Pháp hội truyền thông này, tôi xin được tổng kết lại tâm đắc tu luyện trong hơn một năm qua và báo cáo lên Sư phụ, cũng hy vọng thông qua dịp này được cùng các đồng tu tỷ học tỷ tu, xúc tiến cơ hội đề cao.

1. Bước ngoặt tham gia vào hạng mục truyền thông

Tôi học ngành kỹ thuật máy tính. Tình cờ, một đồng tu làm việc trong Phòng Kỹ thuật của Tổng bộ kênh truyền thông liên lạc với tôi, nói rằng vừa hay có một hạng mục đang cần những kỹ năng chuyên môn mà tôi biết, và hy vọng rằng tôi có thể sử dụng những gì tôi học được để giúp đỡ hạng mục này. Mặc dù một mặt tôi cảm thấy hạnh phúc, tôi nghĩ rằng tôi không chỉ có thể làm việc ở nước ngoài, được mở rộng tầm nhìn, mà tôi còn có thể sử dụng chuyên môn của mình để đóng góp cho Đại Pháp. Nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy lo lắng, nghĩ rằng mình chưa bao giờ xa nhà lâu như vậy, chỉ có một mình ở nước ngoài, không có gia đình hay bạn bè để nương tựa. Việc thiếu chính niệm đã sinh ra nhiều suy nghĩ tiêu cực. Đồng tu nhìn thấy sự lo lắng của tôi nên đã sắp xếp để tôi thử việc trong ba tháng.

Trong khoảng thời gian trước khi đến New York, đôi khi tôi lại nảy ra suy nghĩ muốn ở lại Đài Loan, là tâm muốn an dật. Đôi khi tôi nghĩ, dù sao thì đi đâu cũng có thể làm những việc giảng chân tướng và chứng thực Pháp, ở Đài Loan tôi có thể làm được rất nhiều việc, tại sao phải đi xa như vậy chứ? Nhưng nghĩ rằng những kỹ năng chuyên môn mà tôi bây giờ có được đều là do Sư phụ ban cho, để tôi có thể sử dụng chúng trong hạng mục chứng thực Pháp, vừa hay nó là thứ mà hiện giờ hạng mục đang cần, làm sao tôi có thể vì tâm sợ hãi và an dật mà rút lui đây? Hơn nữa, chỉ cần xuất hiện niệm đầu bất chính, tôi liền phát chính niệm để bài trừ can nhiễu, và học Pháp nhiều hơn để nhận rõ trách nhiệm của bản thân – một đệ tử Đại Pháp thời kỳ Chính Pháp, để làm suy yếu những suy nghĩ tiêu cực.

Trong ba tháng đầu tiên làm việc tại Tổng bộ ở New York, ngày nào tôi cũng tự hỏi bản thân rằng liệu hết ba tháng, mình còn tiếp tục ở lại nữa hay không? Trong khoảng thời gian này, mặc dù rất nhiều đồng tu đã khích lệ tôi, nhưng khí hậu ở New York thực sự là một khảo nghiệm rất lớn đối với một người sinh ra ở nơi nhiệt độ không thấp hơn 15 độ C như tôi, thêm vào đó là nỗi nhớ quê hương, khảo nghiệm về mặt thân thể cộng với sự giày vò tâm lý khiến tôi chần chừ mãi không thể đưa ra quyết định.

Thật may là môi trường tu luyện ở hạng mục truyền thông rất tốt. Mỗi ngày ở công ty tôi có thể làm ba việc đều đặn và xung quanh tôi đều là các đồng tu, thấy được dù là đồng tu cao tuổi hay trẻ tuổi đều có thể dậy sớm mỗi ngày, dẫu bận rộn thế nào cũng dành thời gian để học Pháp, học thuộc Pháp. Nhìn thấy sự chênh lệch của mình với các đồng tu, tôi tự nhủ phải khẩn trương bắt kịp bước chân của mọi người, tranh thủ thời gian để học Pháp nhiều hơn. Thế là tôi dần dần dành thêm thời gian của mình cho việc học Pháp. Tôi tranh thủ khoảng một giờ đi xe từ ký túc đến công ty để học Pháp, thời gian dùng điện thoại di động trước khi đi ngủ cũng dành để học Pháp. Dần dần giống như Sư phụ giảng:

“Trong quá trình chư vị không ngừng kiên định bản thân, không ngừng học Pháp, không ngừng nhận thức [sâu rộng thêm], thì sẽ dần dần cải biến.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Đông Mỹ quốc [1999])

Tư tưởng của tôi đã dần dần chuyển biến.

Chỉ hai tuần trước khi kết thúc khoảng thời gian ba tháng đó, tôi đã chăm chú đọc từ đầu đến cuối kinh văn “Giảng Pháp trong chuyến đi quanh Bắc Mỹ [2002]”, trong đó Sư phụ giảng rằng:

“Hỏi cựu thế lực ấy đã an bài sự việc này tại cõi người nơi đây được bao lâu thời gian? Thời gian của hai Trái Đất. Trước đây tôi đã giảng, tôi nói rằng Đại Pháp ấy, đã từng truyền tại nhân thế. Nhiều học viên đã từng hỏi tôi nó từng được truyền khi nào? Chính là truyền tại Trái Đất lần trước. Tại sao? Trái Đất lần trước là Trái Đất để làm thực nghiệm.” (Giảng Pháp trong chuyến đi quanh Bắc Mỹ [2002])

Sư phụ còn giảng:

“Con người như thế cần phải trải qua tháng năm lâu dài, để tư tưởng con người dần dần nâng dần lên, có được nội hàm bên trong và năng lực gánh nhận; điều ấy không phải một thời gian ngắn mà làm cho được; do vậy trong suốt 100 triệu năm ấy chính là để làm việc này.” (Giảng Pháp trong chuyến đi quanh Bắc Mỹ [2002])

Tôi đã tỉnh táo minh bạch hơn từ Pháp rằng Sư phụ đã vì lần Chính Pháp này mà đã bỏ ra rất nhiều công sức. Chính Pháp đã trải qua nghìn vạn năm, hàng ức vạn năm, chỉ để cứu vãn đại khung, cứu vãn chúng sinh trong tầng tầng lớp lớp thiên thể. Tôi nhận thức rõ hơn về sứ mệnh to lớn của một đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp, vì vậy tôi quyết tâm quay trở lại Đài Loan để xin thị thực dài hạn và tiếp tục làm việc tại Tổng bộ.

Khi trở về Đài Loan, trở lại quê hương thân thuộc, hoàn cảnh an dật, tình thân, tình bạn lại cám dỗ tôi. Mặc dù tôi hy vọng sẽ xin được visa càng sớm càng tốt và rời khỏi hoàn cảnh đầy cám dỗ này, nhưng quá trình này cũng phải mất thời gian hai đến ba tháng, tôi không thể nào rời đi ngay lập tức, mà chỉ có thể trực tiếp đối mặt với khảo nghiệm đầy cám dỗ này. Mặc dù lúc đầu cha tôi là một người thường đã miễn cưỡng đồng ý cho tôi xa nhà để đến một nơi xa xôi như vậy làm việc, nhưng vào lúc đó, virus Trung Cộng đã âm thầm lan ra, mỗi ngày truyền hình lại đưa tin về những tin tức giật gân, hôm qua chết bao nhiêu người, hôm nay lại chết bao nhiêu người; càng ngày càng nhiều bạn bè thân thích khuyên tôi rằng, Đài Loan là nơi an toàn nhất, không nên rời khỏi Đài Loan vào lúc này. Thật may có nhiều đồng tu ở địa phương đã khích lệ tôi, và tôi cũng không ngừng phát chính niệm kiên quyết làm xong thị thực một ngày trước khi văn phòng Đài Bắc đóng cửa vì virus Trung Cộng.

Mặc dù đã làm xong thủ tục visa nhưng tôi vẫn chưa thể quyết tâm mua vé máy bay để rời khỏi Đài Loan, lúc đó virus Trung Cộng ngày càng nghiêm trọng, thậm chí ở New York mỗi ngày có hàng nghìn người bị lây nhiễm. Cha tôi, một người hiếm khi bộc lộ tình cảm, đã nói với tôi rằng, ông đã lo lắng đến mức không thể ngủ mỗi ngày khi nghĩ đến việc tôi sẽ đến New York, một nơi đang rất nguy hiểm. Ông vừa tức giận vừa yêu thương và hy vọng rằng tôi sẽ không rời Đài Loan vào lúc này. Những người thân khác cũng dùng tình thân để thuyết phục tôi, nói rằng cha tôi đã già cả, không muốn nhìn đứa con ông nuôi nấng từ tấm bé đi đến một nơi nguy hiểm như vậy, không muốn tôi tự dấn thân vào chốn nguy hiểm, hy vọng tôi quan tâm nhiều hơn và hiếu thảo hơn với cha mình.

Đúng lúc tôi bị tình thân ngăn trở thì bộ phận nhân sự ở New York gọi điện cho tôi và nói rằng, vài ngày nữa có thể sẽ không có máy bay đến New York và không biết bao giờ mới có máy bay, hy vọng tôi có thể mua vé bay tới New York càng sớm càng tốt. Một đồng nghiệp từ New York cũng gọi điện cho tôi và nói với tôi rằng, Tổng bộ có quá nhiều việc và thực sự thiếu nhân lực, hy vọng tôi có thể quay lại giúp đỡ càng sớm càng tốt. Tôi đã thức cả đêm để suy nghĩ, nhìn những đồng tu trẻ hơn tôi, vào ngày họ nhận được visa liền lập tức rời Đài Loan ngay trong ngày, còn có đồng tu khác thậm chí còn lo lắng là không có máy bay để quay trở lại New York, vậy tại sao tôi lại không thể? Tôi nhớ lại Sư phụ đã giảng:

“Bởi vì sinh mệnh chân chính của một cá nhân là nguyên thần; người mẹ sinh ra nguyên thần chư vị mới là người mẹ thật sự của chư vị. Chư vị trong lục đạo luân hồi, mẹ của chư vị là người, không là người, [số ấy] không đếm được. Con cái của bao đời chư vị hỏi có bao nhiêu; cũng không đếm được. Ai là mẹ chư vị, ai là con chư vị, một khi hai mắt kia khép lại [tạ thế] thì ai còn nhận ra ai nữa; nghiệp mà chư vị nợ vẫn theo đó mà hoàn trả. Nhân tại mê trung, không vứt bỏ được những thứ này.” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi ý thức được rằng cha mẹ cũng chỉ là cha mẹ trong cuộc đời này, họ cũng là những chúng sinh cần được cứu, nếu tôi nghĩ về cha mình với lòng từ bi chứ không phải là cái tình, thì chẳng phải tôi nên để ông lý giải Đại Pháp và hiểu được tầm quan trọng của việc tôi sẽ đến New York sao? Hơn nữa, nếu tôi chỉ vì không buông bỏ được tình thân, vì lo ngại bệnh dịch, vì tâm an dật của bản thân mà bỏ lỡ cơ hội trở lại New York trong cuộc đời này, bỏ lỡ cơ hội thực hiện thệ ước của mình, thì tôi có hối hận suốt đời không? Thậm chí đến khi Pháp Chính Nhân Gian, liệu có hối hận không? Câu trả lời là có, sẽ hối hận! Vì vậy, tôi đã hạ quyết tâm, sắp xếp tất cả những việc cần phải làm trước khi rời Đài Loan, và nói với cha tôi một cách chắc chắn và lý tính rằng virus Trung Cộng bị tà đảng Trung Cộng che đậy nên mới gây ra cái chết cho rất nhiều người như thế này, trong hình thế đó, kênh truyền thông của đệ tử Đại Pháp càng phải gánh vác thêm sứ mệnh, càng cần thêm nhân lực để trợ giúp phơi bày chân tướng và truyền bá chân tướng đến khắp mọi nơi trên thế giới. Cuối cùng cha tôi cũng thấu hiểu được cho tôi, và hai ngày sau ông đã lái xe bốn tiếng đồng hồ đưa tôi đến sân bay, tiễn tôi tới New York.

Trước chuyến quay trở lại Đài Loan lần này, tôi biết rằng sẽ có rất nhiều can nhiễu và khảo nghiệm nhân tâm, ngay trong phòng khách của ký túc của chúng tôi có Pháp tượng của Sư phụ, tôi hướng vào Pháp tượng của Sư phụ, thỉnh cầu Sư phụ giúp đỡ để tôi kiên định chính niệm, nhất định trở lại New York một lần nữa để thực hiện thệ ước của mình. Vì vậy, khi tôi trở lại ký túc của mình ở New York, tôi ngay lập tức đứng trước Pháp tượng của Sư phụ, vui mừng phát khóc và nói với Sư phụ: “Con cảm ơn Sư phụ! Con đã quay lại rồi!”

2. Tu bỏ tâm phân biệt với đồng tu Đại Lục

Khảo nghiệm đầu tiên mà nhiều đồng tu Đài Loan phải đối mặt khi đến Tổng bộ là đối mặt với đồng tu Đại Lục tuy cùng nói tiếng Trung nhưng khẩu âm khác nhau. Bởi vì hoàn cảnh sống từ nhỏ đến lớn, sự truyền bá của truyền thông điện ảnh, giảng nói đều là mặt không tốt của người Đại Lục, đến các điểm tham quan nhìn thấy người Đại Lục cũng đều thấy chỗ bất hảo, thêm vào đó là cảm giác người Đại Lục ít nhiều đều có phương thức tư duy văn hoá Đảng, thế nên tôi luôn có ấn tượng cố hữu không tốt đối với người Đại Lục.

Sư phụ giảng:

“Tất cả các tâm chấp trước, miễn là chư vị có, thì cần phải vứt bỏ tại các chủng hoàn cảnh [khác nhau].” (Chuyển Pháp Luân)

Sau khi tôi bước vào hạng mục truyền thông, tôi phát hiện ra rằng trong số khoảng 20 người trong bộ phận của chúng tôi, chỉ có tôi và một đồng tu khác là người Đài Loan. Ban đầu điều đó thật khó chấp nhận, vì khi tôi cần trao đổi với đồng tu Đại Lục, nhưng không nghe rõ khẩu âm tiếng Trung mà anh ấy nói, hoặc trong các cuộc họp, tôi thường thấy các đồng tu Đại Lục nhấn mạnh vào ý kiến ​​của mình và lãng phí thời gian tranh cãi không dứt. Đặc biệt là khi cần giúp đỡ, tôi đã nhờ giúp đỡ nhưng bị từ chối một cách lãnh đạm với lý do không rảnh, khiến trong lòng tôi cảm thấy rất buồn. Thậm chí, có một lần tôi được sắp xếp để làm một việc không liên quan đến kỹ thuật, mặc dù trong lòng tôi cảm thấy tại sao mình phải làm một việc không phải là sở trường của mình, rõ ràng là người giỏi về việc này là đồng tu khác cơ mà! Mặc dù tôi đã đặt mình xuống để làm việc đó, rồi tham khảo ý kiến ​​của một số đồng tu giỏi việc đó, tôi đã hỏi một vài đồng tu mà tôi nghĩ là tương đối thông thạo việc này, nhưng đều bị từ chối với lý do không phải việc của họ. Các đồng tu này đều là đồng tu đến từ Đại Lục, trong lòng tôi cảm thấy rằng nếu họ là người Đài Loan, chắc chắn sẽ có thể dễ trao đổi hơn và sẵn sàng giúp đỡ hơn.

Một lần tình cờ, tôi nghe thấy một đồng nghiệp Đại Lục ngồi bên cạnh nói về trải nghiệm của anh ấy khi còn nhỏ, bị bức hại, bị lục soát và người nhà bị giam giữ. Trong lòng tôi cảm thấy rất chấn động, vì trước đây tôi chỉ là thông qua mạng hoặc TV mà nghe được những câu chuyện đồng tu ở Đại Lục bị bức hại, không ngờ chính những đồng nghiệp ngồi bên cạnh mình lại là những người mà chính họ đã trải qua bức hại. Hơn nữa ở đây không phải là thiểu số, nhiều đồng nghiệp trẻ tuổi từ Đại Lục ở bên cạnh tôi, họ đã từng trải qua cuộc bức hại khi còn nhỏ, nhưng họ đều dựa vào chính tín với Đại Pháp và kiên trì cho đến bây giờ. Trong lòng tôi đã dấy lên sự ngưỡng mộ đối với họ.

Khi tham gia tập huấn cho nhân viên mới, tôi đã xem phim tài liệu về sự thành lập của hạng mục truyền thông, thấy được muôn vàn gian nan của các học viên Đại Lục khi kiến lập kênh truyền thông, có những người không quản ngại khó khăn vất vả mà kiên trì trong hạng mục truyền thông mười mấy năm trời, trong lòng tôi lại càng ngưỡng mộ họ! Và tôi cảm thấy rằng mỗi đệ tử Đại Pháp đều không hề đơn giản!

Người tu luyện cần chiểu theo nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn”. Chúng ta có thể thiện đãi chúng sinh, gia đình và bạn bè, tại sao chúng ta không thể thiện đãi với các đồng tu xung quanh mình? Vì vậy, tôi yêu cầu bản thân phải đối xử tốt với các đồng tu xung quanh mình và phải đứng từ góc độ của đối phương mà nghĩ cho họ, hiểu được rằng một số đồng tu Đại Lục đã sống trong văn hóa Đảng của Đại Lục trong nhiều thập kỷ, nhiều thói quen mà họ đã dưỡng thành không thể thay đổi trong chốc lát. Ngoài ra, hãy nhìn nhiều hơn vào ưu điểm, mặt tốt của những người khác, nhìn vào những đồng tu trước đây sống rất tốt hoặc có công việc rất tốt, mọi người đã vì chứng thực Pháp, cứu độ chúng sinh mà buông bỏ rất nhiều thứ để đến với hạng mục truyền thông, chẳng phải nên cổ vũ lẫn nhau, trao cho nhau sự ấm áp hay sao? Dần dần, tôi thấy rằng mỗi đồng tu đều có một phương diện đáng yêu và một phương diện đáng ngưỡng mộ, những đồng tu có thói quen không tốt kia cũng đang dần dần chuyển biến trong Pháp. Cái tâm phân biệt đó cũng dần dần ngày càng phai nhạt.

3. Tu khứ tâm tranh đấu, tâm hiển thị và tâm tự tôn

Từ nhỏ thành tích học tập của tôi đã rất tốt, tốt nghiệp đỗ vào một trường hạng nhất, sau khi ra trường công việc đầu tiên cũng làm ở một công ty lớn. Ngoài ra tôi vào Tổng bộ làm việc vì có nhiều kỹ năng mà lúc đó người trong bộ phận kỹ thuật chưa biết, vừa bước vào Tổng bộ tôi phải học cách dạy dỗ và dẫn dắt người khác, vì vậy trong lòng tôi cảm thấy mình vượt trội hơn những người khác. Ngoài ra, khi thời gian làm việc tại công ty càng ngày càng lâu, ngày càng tham gia vào nhiều dự án, trách nhiệm ngày càng lớn, vài trò đảm nhiệm ngày càng trọng yếu, dần dần, tôi trở thành trưởng nhóm của một nhóm, càng cảm thấy rằng các thành viên của nhóm cần phải lắng nghe tôi, cái tâm tự ngã kia đã bất tri bất giác mà phình to lên.

Tuy nhiên, nhiều đồng nghiệp trong bộ phận kỹ thuật có kiến ​​thức chuyên môn cao, thậm chí có người đã từng làm việc trong các công ty lớn nổi tiếng, khi thảo luận công việc đều cảm thấy ý kiến của mình là tốt nhất. Có lần, tôi không thể quen với cách làm việc của một đồng nghiệp, trong tâm nghĩ dựa vào kinh nghiệm đã trải qua của bản thân thì không nên làm vậy, tôi không kìm được tức giận nói với anh ta: “Cách làm của anh quá thiếu chuyên nghiệp!“. Anh ấy trong tâm không phục, đáp lại tôi rằng, anh ấy thấy điều tôi biết cũng không nhiều hơn anh. Lúc đó, nhìn đồng tu này tôi thấy cái gì cũng ngang tai trái mắt, thậm chí khi trông thấy anh ấy là tôi muốn tránh mặt không gặp. Nhưng Sư phụ giảng rằng:

“Họ làm sao, chư vị cũng làm vậy, thì chư vị chẳng phải người thường là gì? Chư vị không những không giống hắn mà tranh mà đấu, mà trong tâm chư vị phải không hận hắn, thật sự không thể hận hắn. Một khi chư vị hận hắn, thì chẳng phải chư vị tức giận là gì? Chư vị chưa thực hiện được ‘Nhẫn’. Chúng tôi giảng Chân Thiện Nhẫn; ‘Thiện’ của chư vị cũng chẳng còn có nữa.” (Chuyển Pháp Luân)

Sau đó, tôi bình tĩnh lại hướng nội tìm, cảm thấy rất hối hận, tại sao mình không làm được Nhẫn! Hơn nữa, tại sao tôi không thể đứng tại góc độ của đối phương để nghĩ cho họ? Nhất định anh ấy phải có lý do chính đáng để làm điều này sau khi đã cân nhắc, chỉ có điều nó khác với cách làm của tôi mà thôi.

Sau đó, tôi phải hợp tác với đồng tu này để hoàn thành một công việc, anh ấy yêu cầu tôi sửa đổi mã nguồn của tôi thì anh ấy mới có thể dễ vận hành hơn. Mặc dù thoạt đầu trong tâm tôi nghĩ, tại sao tôi phải thay đổi chứ? Tôi thấy rằng theo góc độ chuyên môn thông thường thì anh ấy nên đổi mã nguồn chứ không phải tôi! Nhưng khi tôi nhớ Sư phụ giảng:

“Đối đích thị tha

Thác đích thị ngã” (Thuỳ thị thùy phi, Hồng Ngâm 3)

Tạm dịch:

“Cái đúng là họ

Cái sai là mình”

Tôi đột nhiên cảm thấy việc này có gì mà phải tranh cãi? Chỉ cần công việc này có thể hoàn thành suôn sẻ, thì ai phải sửa mã nguồn chẳng phải đều như nhau sao? Thế rồi, trong lòng tôi không phàn nàn nữa mà sửa theo cách mà anh ấy nói, sau đó, tôi cảm thấy mình thật sự đã buông tâm xuống được, trong lòng rất thoải mái! Sau đó tôi nhìn bạn đồng tu này cũng không còn chướng mắt như trước nữa!

4. Đối diện với sự tịch mịch

Ở trong hạng mục truyền thông hơn một năm, điều khó chịu đựng nhất chính là cái tâm cảm thấy cô đơn, tịch mịch. Có một lần vào ngày lễ Giáng sinh, công ty hiếm khi được nghỉ phép, nhưng vì không có người nhà ở bên cạnh, không tìm được bạn bè đi cùng, bạn cùng phòng cũng đều không có ở đó, tôi thấy buồn chán cô liêu nên một mình ra ngoài đi loanh quanh đây đó, nhìn thấy người ta tụm ba tụm năm trên đường mà lòng tôi bất chợt tuôn trào nước mắt.

Đôi khi, khi tôi nhìn thấy những bức ảnh của người thường là bạn bè hoặc người nhà ăn uống chơi bời trên các nền tảng mạng xã hội, tôi cảm thấy ngưỡng mộ, ghen tị và thậm chí là đau lòng, thấy cảm thương cho bản thân tại sao mình còn trẻ vẫn chưa chơi bời thỏa sức, mà lại phải trói mình trong công việc như thế này?

Bởi vì tôi sợ tịch mịch và cảm thấy nhân sinh tẻ nhạt, tôi bắt đầu muốn theo đuổi thứ mà người thường gọi là “vui vẻ”, có lúc có thể là tìm cầu những cái ăn ngon và những trò vui vẻ; có lúc có thể là theo dõi các chương trình truyền hình và phim ảnh, tưởng tượng mình là nhân vật chính trong bộ phim đó, trải nghiệm một cuộc sống khác; đôi khi đó có thể là tìm kiếm niềm vui khi trò chuyện với bạn bè; đôi khi có thể là tìm kiếm bạn đời, lập gia đình, mong muốn mang lại niềm vui hạnh phúc cho cuộc sống. Hy vọng rằng những điều đó có thể làm vơi đi cảm giác tịch mịch và cảm giác thống khổ trước sự cô liêu của cõi nhân sinh.

Mặc dù khi thưởng thức những thú vui này sẽ kích thích thần kinh gây nghiện, cảm thấy thích thú, vui vẻ và tạm quên đi những cảm giác thống khổ, nhưng sau khi làm những việc khiến mình cảm thấy thú vị này, điều đọng lại sau đó là một cảm giác trống rỗng càng thêm sâu thẳm hơn, không cách nào có thể đạt được cảm giác thỏa mãn. Có một số việc biết rõ rằng không nên làm nhưng không thể kiềm chế dục vọng của bản thân, làm xong việc chỉ biết tự trách bản thân, mỗi lần lại tự nhủ bản thân lần sau sẽ làm tốt, nhưng rồi cứ lặp lại như thế, vẫn cứ trong vòng luẩn quẩn mãi không thôi.

Sư phụ giảng:

“Tu luyện ấy, thực chất chính là bước ra khỏi trạng thái của con người, trừ bỏ cái tâm bị tình dẫn động, trong tu luyện phải dần dần coi nhẹ, từ đó dần dần đề cao bản thân. Có người cảm thấy không có tình thì sống chẳng có mấy ý nghĩa, cũng không xem phim nữa, cũng không tìm bạn [gái] xinh đẹp nữa, cũng không truy cầu đồ ăn ngon nữa, vậy thì chẳng có ý nghĩa gì. Tôi nói với chư vị rằng, đây là chư vị đứng tại góc độ của người thường mà lý giải! Nếu chư vị thăng hoa lên tới cảnh giới cao, chư vị sẽ phát hiện có trạng thái mỹ hảo trong cảnh giới đó, còn mỹ hảo hơn hết thảy mọi thứ của nhân loại, mỹ hảo tới mức không thể diễn tả được, nhưng chư vị muốn đắc được sự mỹ hảo đó, thì chư vị ắt phải buông bỏ cái tâm người thường bị tình dẫn động từ đó mà chấp trước vào lợi ích của con người. Buông bỏ chấp trước của người thường, chư vị mới có thể đắc được [những thứ] tốt đẹp hơn.” (Giảng Pháp tại Lễ thành lập Phật học hội Singapore [1996])

Sư phụ giảng:

“Lẽ nào cảm thấy cô độc? Đi cứu độ chúng sinh, làm các việc mà đệ tử Đại Pháp nên làm, thì tuyệt đối sẽ không có loại cô độc ấy. Trong học Pháp, trong tinh tấn, liệu sẽ có loại cảm giác đó không? Không tinh tấn thì mới có thể nhàn rỗi đi cảm thụ loại cảm thụ kia của người thường, có phải vậy không?” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York 2004)

Đúng vậy! Chẳng phải là vì không thể thực sự buông bỏ tất cả những chấp trước khao khát cuộc sống tươi đẹp, không đặt việc cứu độ chúng sinh lên hàng đầu, tu luyện không đạt mới tạo ra chủng nhân tâm này sao?

Nghĩ đến sự từ bi cứu độ của Sư phụ, nghĩ đến ức vạn năm luân hồi chỉ vì thời khắc cuối cùng này, nghĩ đến chúng sinh trong thế giới của bản thân, dần dần chính niệm càng ngày càng mạnh mẽ. Tu luyện là không có đường tắt, thực sự chỉ có học Pháp nhiều hơn thì mới có thể kiên định chính niệm, chỉ khi có Pháp trong tâm, trong lòng ngập tràn ý chí cứu độ chúng sinh thì những tâm người thường kia mới ngày càng nhạt đi.

Lời kết

Tổng bộ có một hoàn cảnh tu luyện rất tốt, hàng ngày đều có học Pháp, luyện công và phát chính niệm cố định, đi làm chính là đang làm những việc để chứng thực Pháp. Thông thường, bất kể khi đi làm hay trở về ký túc, những người xung quanh đều là đồng tu, được bao quanh bởi trường chính niệm rộng lớn hòa tan trong Pháp, dần dần từng chút buông bỏ những thói xấu đã dưỡng thành trong xã hội người thường, từng chút gột bỏ đi tất cả các loại dục vọng và tâm chấp trước. Mặc dù công việc rất khổ rất mệt, hầu như không có ngày nghỉ. Nhưng chính vì chịu khổ nhiều nên so với trước khi vào hạng mục truyền thông, tôi đã trừ bỏ được nhiều tâm chấp trước hơn, đề cao cũng nhanh hơn. Nhìn các đồng tu xung quanh, một số đồng tu trẻ tuổi hơn mình có thể dậy sớm, chỉ để học Pháp hay luyện công được nhiều hơn; một số đồng tu lớn tuổi hơn mình có thể nghỉ muộn hơn, chỉ để làm được nhiều việc hơn một chút, để cứu được nhiều người hơn; một số đồng tu kiên trì ở lại vị trí của họ trong mười mấy năm trời làm những gì họ nên làm. Nhìn vào những đồng tu này, tôi cảm thấy mình nên tinh tấn hơn, nỗ lực làm tốt ba việc, không phụ lòng từ bi cứu độ của Sư phụ, xứng đáng với danh hiệu đệ tử Đại Pháp thời kỳ Chính Pháp. Hy vọng mọi người đều có thể dụng tâm nắm chắc cơ duyên tu luyện này, kiên định bước đi từng bước vững chắc.

Con xin cảm tạ Sư phụ!

Xin cảm ơn các bạn đồng tu!

(Bài chia sẻ trình bày tại Pháp hội Truyền thông Đại Kỷ Nguyên Tân Đường Nhân 2021)

(Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/31/進入媒体一年多的修炼心得-426423.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/3/193516.html

Đăng ngày 12-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share