Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Hồng Kông
[MINH HUỆ 02-04-2021] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính! Xin chào các bạn đồng tu!
Khi còn làm việc ở Bắc Kinh, tôi biết một đồng nghiệp tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Anh ấy đã mời tôi tham dự lớp học chín ngày của Sư phụ. Sau khi xem xong bài giảng đầu tiên, tôi đã quyết định bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.
Trân quý thời gian được ở bên cạnh Sư phụ
Sư phụ đã giảng Pháp tại Hồng Kông vào năm 1995, 1996 và 1997. Lớp giảng Pháp đầu tiên diễn ra ở Đại Dữ Sơn vào ngày 13 tháng 5 năm 1995. Sau đó Sư phụ đã quay lại Hồng Kông hai lần vào năm 1996. Lần đầu tiên Sư phụ giảng Pháp cho một nhóm nhỏ khoảng 20 người. Lần thứ hai được tổ chức ở một trường học vào ngày 15 tháng 7, có khoảng 70 người tham dự. Tôi đã vô cùng may mắn khi được tham dự lớp học và được nghe Sư phụ giảng Pháp.
Tôi ngồi cạnh lối đi. Khi Sư phụ đi ngang qua tôi, tôi đã đứng dậy và hợp thập chào Ngài. Sư phụ đã nói ba lần: “Tốt lắm”. Thấy vậy, trong tâm tôi vô cùng phấn khích.
Sau khi kết thúc bài giảng, mọi người đều muốn chụp hình chung với Sư phụ. Khi đứng cạnh Sư phụ tôi mới nhận ra Ngài phi thường cao lớn. Dù đã kiễng chân lên nhưng tôi vẫn không thể đứng đến vai Ngài. Sư phụ bảo tôi hãy di chuyển lên một chút để không bị che khuất mặt, vì thế tôi đã di chuyển lại gần Sư phụ hơn.
Khoảng 70 học viên ở Hồng Kông đã chụp ảnh cùng Sư phụ vào cuối buổi giảng Pháp ngày 15 tháng 7 năm 1995.
Sau đó Sư phụ bắt tay với từng học viên. Khi Sư phụ rời đi, tôi vô cùng may mắn được đi chung thang máy với Ngài và Sư phụ lại bắt tay tôi thêm một lần nữa.
Kể từ khi bước vào tu luyện, tôi coi nhẹ danh lợi và sự thăng tiến trong công việc. Sư phụ đã giảng về việc thành lập trạm phụ đạo và tôi cũng muốn tham gia. Khi Sư phụ chuẩn bị rời đi, tôi cầm trên tay cuốn Chuyển Pháp Luân và tìm cơ hội thích hợp để hỏi Sư phụ về việc đó. Ngay khi Sư phụ chuẩn bị bước vào trong xe tôi liền hỏi: “Thưa Sư phụ, khi nào thì chúng ta sẽ xây dựng trạm phụ đạo? Ngài sẽ đặt nó ở đâu?”. Tôi nhớ là Sư phụ đã không trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi, nhưng Ngài bảo tôi đại ý rằng hãy tu luyện ở Hồng Kông vì môi trường nơi đây phức tạp và có thể đề cao nhanh chóng (đây không phải nguyên văn lời của Sư phụ). Vì vậy tôi đã từ bỏ dự định chuyển đến Vancouver, Canada và ở lại Hồng Kông tu luyện.
Mỗi khi hồi tưởng lại cuộc gặp với Sư phụ, tôi đều cảm thấy vô cùng vinh hạnh. Những hồi ức này quả thực vô cùng trân quý.
Bị cảnh sát Thâm Quyến phong bế trong tám giờ
Ngày 20 tháng 7 năm 1999, Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu phát động cuộc bức hại tà ác nhắm vào Pháp Luân Đại Pháp. Thời điểm đó, tôi thường đi công tác giữa Hồng Kông và Thâm Quyến. Nhà của tôi nằm trên một sườn đồi ở Thâm Quyến và tôi vẫn luyện công trên đồi mỗi ngày. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, tôi vẫn duy trì việc luyện công và không có bất cứ chuyện gì xảy ra.
Một ngày khi tôi từ Thâm Quyến trở về Hồng Kông, một học viên đã gọi điện và hỏi ý kiến tôi về sự việc học viên Triệu Kim Hoa ở Sơn Đông đã bị tra tấn đến chết. Tôi nói: “Các học viên chúng ta đều là những người tốt. Sư phụ đã giảng rằng chúng ta phải trở thành người tốt hơn nữa. Chúng ta không tham gia chính trị. Chính ĐCSTQ đã biến cuộc bức hại thành một vấn đề chính trị”.
Một tuần sau, khi tôi trở lại Thâm Quyến, những cảnh sát mặc thường phục đã đứng sẵn ở đó đợi tôi. Bởi tôi đã tiết lộ tên của mình khi nói chuyện với một học viên ở Hồng Kông, nên các đặc vụ Trung Cộng ở Hồng Kông đã nắm được danh tính của tôi. Vì thế cảnh sát ở Thâm Quyến đã tìm ra tôi.
Tôi lái xe vào khu vườn trong nhà và đóng cổng lại. Lúc đó khoảng 10 giờ sáng. Một cảnh sát mặc thường phục lấy lý do kiểm tra hộ khẩu nhà tôi đã lấy ra một tấm ảnh của tôi và gõ cửa sau khi xác minh đó đúng là tôi. Một giờ sau, có thêm bốn cảnh sát tới và muốn đưa tôi tới đồn cảnh sát Sa Hà.
Tôi đã không mở cửa. Tôi hỏi họ tại sao muốn đưa tôi tới đồn cảnh sát. Họ nói đây là nghĩa vụ của tôi và tôi không được quyền hỏi. Họ còn đe doạ sẽ bắt giữ tôi nếu tôi không mở cửa. Nhưng tôi vẫn từ chối hợp tác.
Sau đó, trưởng đồn cảnh sát Nam Đầu ở Thâm Quyến đã gọi điện cho tôi và hỏi tôi lý do từ chối mở cửa. Tôi trả lời rằng: “Tôi là một công dân Hồng Kông. Anh có thể xác minh việc này với cảnh sát Hồng Kông. Hãy nói cho tôi biết tôi đã vi phạm luật gì? Nếu tôi phạm luật thì đáng lý là do cảnh sát Hồng Kông tới bắt giữ. Vì các anh không thể nói rõ tôi vi phạm luật nào nên tại sao tôi phải mở cửa? Tôi là một công dân ngay thẳng và làm việc đường đường chính chính – tại sao các anh muốn bắt giữ tôi? Sao các anh không đi bắt giữ những kẻ hành ác?”
Tôi đã từ chối mở cửa và bị cảnh sát khoá chặt cửa.
Tôi thường nói về vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp với các đồng nghiệp của mình và vài người trong số họ đã trở thành các học viên. Khi họ biết tôi bị mắc kẹt ở nhà, họ đã gọi điện cho thư ký của tôi ở Hồng Kông. Tôi đã dặn trước thư ký của mình rằng nếu cậu ấy nhận được cuộc gọi nào từ Thâm Quyến, thì có nghĩa là tôi đang gặp rắc rối. Tôi nói: “Nếu điều đó xảy ra thì cậu phải gọi cho giới truyền thông”; cậu ấy đã liên hệ với họ. Vấn đề của tôi đã được đưa tin và tên của tôi xuất hiện trên tiêu đề của các tờ báo Hồng Kông.
Một phóng viên sau đó đã nói với tôi rằng: “Tôi đã nghe được mọi điều anh nói với cảnh sát”. (Tôi không biết bằng cách nào mà anh ấy có thể nghe được cuộc đối thoại giữa tôi và cảnh sát). Anh ấy nói: “Những gì anh nói đều đúng. Anh là một người chính thường. Tất cả học viên Pháp Luân Đại Pháp đều rất xuất sắc. Anh đã đúng khi không mở cửa cho cảnh sát”.
Nhờ có Sư phụ bảo hộ, ngày hôm sau tôi đã có thể trở về Hồng Kông một cách an toàn. Cũng kể từ đó, tôi bắt đầu giảng chân tướng và vạch trần cuộc bức hại cùng các đồng tu ở Hồng Kông.
Thỉnh nguyện ôn hoà phản đối cuộc bức hại
Các phương tiện truyền thông nhà nước do ĐCSTQ kiểm soát đã đăng các báo cáo bôi nhọ Đại Pháp và đầu độc người dân toàn thế giới. Đại Pháp đã bị vu khống và các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Hồng Kông chúng tôi cảm thấy vô cùng thống khổ trong tâm. Vào cuối tháng 7 năm 1999, trong nhiều tháng liên tục chúng tôi đã ngồi tĩnh toạ 24 giờ đối diện với toà báo Tân Hoa Xã (kênh thông tấn nhà nước chính thức của ĐCSTQ). Sau đó tôi thường làm việc ban ngày và ban đêm thì đến đó thiền định, bắt đầu từ 12h đêm cho đến 5 giờ sáng ngày hôm sau. Tôi cũng sẽ đến đó vào những ngày cuối tuần và ngày nghỉ lễ.
Hàng ngày, chúng tôi treo các tấm biểu ngữ với dòng chữ: “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Pháp Luân Đại Pháp là Chính Pháp” đối diện với lối vào toà báo và cùng nhau đọc Chuyển Pháp Luân. Các phóng viên đã phỏng vấn chúng tôi. Thông qua thiên mục, tôi nhìn thấy Pháp thân của Sư phụ mỗi ngày đều ở bên cạnh chúng tôi.
Thông thường, đầu tiên chúng tôi sẽ nhẩm đọc Luận Ngữ ba lần liên tục. Tôi nhìn thấy Pháp thân của Sư phụ nói với các phóng viên rằng hãy đứng yên ở đó. Sau khi chúng tôi đọc Luận Ngữ xong thì các phóng viên mới tiến đến phỏng vấn. Từng học viên chúng tôi giảng rõ chân tướng Đại Pháp cho các phóng viên và kể cho họ nghe trải nghiệm tu luyện cá nhân của mình. Các câu chuyện của họ đều rất tuyệt vời!
Một ngày nọ, khi 10 người chúng tôi đang ngồi đọc Chuyển Pháp Luân thì đột nhiên cánh cửa toà soạn báo bị vỡ tan. Chúng tôi cảm thấy đây là một dấu hiệu báo trước rằng những hoang ngôn của ĐCSTQ cuối cùng sẽ vỡ tan giống như cánh cửa kính.
Chớp mắt đã 25 năm trôi qua kể từ khi tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp vào năm 1996. Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, trong khoảng thời gian này, các học viên khác và tôi vẫn tu luyện tinh tấn và kiên định, trợ Sư Chính Pháp. Dù phải trải qua nhiều sóng gió, nhưng tín tâm của chúng tôi ngày càng mạnh mẽ hơn. Tôi cảm thấy vô cùng vinh hạnh vì được ở bên Sư phụ trợ Sư Chính Pháp!
(Bài chia sẻ kinh nghiệm tu luyện tại điểm chân tướng ở Hồng Kông năm 2021)
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/2/422878.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/5/191739.html
Đăng ngày 03-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.