Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc

[MINH HUỆ 09-06-2021] Bà Kháng Kim Anh, một học viên Pháp Luân Công thành phố Cách Nhĩ Mộc, tỉnh Thanh Hải, đã bị bỏ tù hai năm rưỡi vì đức tin của mình sau khi bị bắt vào tháng 3 năm 2017. Bà được thả vào tháng 9 năm 2019 và nhận được thông báo từ Cục An sinh Xã hội (CASXH) thành phố Cách Nhĩ Mộc vào tháng 12 năm 2020, yêu cầu bà hoàn lại tiền trợ cấp hưu trí mà bà đã nhận trong thời gian bị giam giữ.

Bà Kháng ngoài 60 tuổi, đã liên hệ với CASXH và cảnh báo rằng yêu cầu của họ là trái pháp luật.

Sau đó vào ngày 20 tháng 4 năm 2021 bà nhận được giấy triệu tập của tòa án, cho biết rằng CASXH đã kiện bà về tội thu lợi bất chính. Cụ thể hơn, CASXH yêu cầu bà phải hoàn lại các khoản trợ cấp hưu trí tổng cộng 127.999 nhân dân tệ.

Trong phiên xét xử vào ngày 14 tháng 5, bà Kháng đã tự bào chữa cho mình (bản báo cáo của bà được đính kèm bên dưới), yêu cầu hủy bỏ vụ kiện do không có cơ sở pháp lý. Thẩm phán đã không công bố phán quyết vào ngày hôm đó.

Vào ngày 31 tháng 5, bà Kháng đã nhận được phán quyết của tòa án (số “2021 – Vụ kiện dân sự Thanh Hải 2801 liên quan đến Vụ kiện 1083”). “Tòa án đã thụ lý vụ kiện vào ngày 12 tháng 4 năm 2021, do Cục An sinh Xã hội Cách Nhĩ Mộc (CASXH) đệ đơn kiện đối với bà Kháng Kim Anh về hành vi thu lợi bất chính. Nguyên đơn đã gửi yêu cầu lên tòa án vào ngày 31 tháng 5 yêu cầu rút lại vụ kiện này“, phán quyết viết:” Căn cứ vào Luật tố tụng dân sự Trung Quốc, Khoản 1 Điều 154, tòa án đồng ý cho yêu cầu của nguyên đơn là Cục An sinh Xã hội Cách Nhĩ Mộc rút lại đơn kiện.”

Theo những người trong cuộc, thẩm phán đã dành nhiều thời gian để đánh giá vụ kiện và thậm chí đã lên tỉnh để họp với tòa án tỉnh. Kết luận tại cuộc họp là Tòa án Thành phố Cách Nhĩ Mộc không nên xử vụ này.

Bản báo cáo tự bào chữa của bà Kháng

Dưới đây là toàn bộ nội dung bản báo cáo tự bào chữa của bà Kháng với tiêu đề “Đề nghị của bị đơn yêu cầu Tòa án hủy bỏ vụ kiện dựa trên pháp luật”

Sự thật và lý do:

1. Vụ kiện này không thuộc phạm vi tố tụng dân sự

Thu lợi bất chính xảy ra khi một bên hưởng lợi bằng chi phí của bên khác trong một điều kiện không công bằng, điều này làm phá vỡ mối quan hệ quyền – nghĩa vụ bình thường giữa hai bên. Vụ kiện của nguyên đơn dựa trên chính sách của Bộ Lao động và An sinh Xã hội (Số 2001-44), trong đó quy định rằng những người đang trong thời gian thụ án không được hưởng trợ cấp lương hưu. Do đó, nguyên đơn yêu cầu bồi hoàn lại tiền trợ cấp hưu trí đã trả cho bị đơn trong thời gian bị giam giữ. Do đó, yêu cầu của nguyên đơn được thực hiện theo thẩm quyền của mình, điều này khiến bị đơn chịu bất công. Nói cách khác, nguyên đơn và bị đơn không phải là hai bên bình đẳng tham gia tố tụng dân sự, cũng không phải là tranh chấp dân sự giữa hai bên. Bị đơn cũng không nợ nguyên đơn. Do đó, trường hợp này không thuộc phạm vi tố tụng dân sự.

2. Lương hưu là sở hữu cá nhân, không phải là sở hữu của Nhà nước. Không có tổ chức hoặc cá nhân nào được phép tịch thu.

Hệ thống lương hưu dựa trên quan hệ hợp đồng lao động và yêu cầu cả người sử dụng lao động và người lao động đóng góp. Trợ cấp hưu trí là một phần trong tổng số tiền được hưởng của nhân viên và thu nhập hợp pháp của họ. Sau khi đến độ tuổi cần thiết, người lao động đủ điều kiện để nhận trợ cấp hưu trí. Vì trợ cấp hưu trí được tài trợ bởi sự đóng góp chung của người sử dụng lao động và người lao động, cả hai đều là sở hữu cá nhân nên đều sẽ được Hiến pháp bảo vệ. Trừ khi luật có quy định khác, không tổ chức hoặc cá nhân nào có quyền tước quyền sở hữu của những người lao động đủ tiêu chuẩn đối với trợ cấp lương hưu của họ.

Tại Trung Quốc, các khoản đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động của họ được quản lý bởi Cục An sinh xã hội (CASXH), Cục An sinh Xã hội (CASXH) sau đó sẽ chi trả trợ cấp hưu trí khi nhân viên đến tuổi nghỉ hưu. Do đó, CASXH chỉ đóng vai trò quản lý các quỹ hưu trí, không có nghĩa đó là quyền sở hữu của nhà nước. Phân phối các khoản thanh toán lương hưu không phải là một hoạt động từ thiện do CASXH thực hiện mà là một nghĩa vụ pháp lý của CASXH đối với những người về hưu. Từ góc độ trách nhiệm, thẩm quyền của CASXH được giới hạn trong việc quản lý và truy thu bắt buộc các khoản đóng góp từ người sử dụng lao động và người lao động. Cơ quan này không có quyền hợp pháp để tiếp quản hoặc chấm dứt quyền sở hữu lương hưu. Do đó, vì quỹ lương hưu là tài sản riêng hợp pháp của bị đơn, nên nguyên đơn không có thẩm quyền khấu trừ, ngừng cấp phát hoặc yêu cầu hoàn lại các khoản trợ cấp hưu trí đã được cấp.

Dưới góc độ trách nhiệm hình sự, luật hình sự nước ta không có quy định bắt buộc phải tạm dừng chi trả lương hưu của những người đang trong thời gian thụ án. Các hình phạt được áp dụng để hạn chế quyền tự do thân thể của cá nhân bao gồm án tử hình, án chung thân, tù có thời hạn, giam giữ và quản thúc tại gia. Các hình phạt khác bao gồm tước quyền công dân, phạt tiền và tịch thu tài sản cá nhân. Nhưng những hình phạt này phải được xác định bằng bản án hình sự từ tòa án và được thực hiện bởi cơ quan pháp luật thông qua các thủ tục pháp lý. Việc nguyên đơn tạm dừng và thu hồi lương hưu từ bị đơn là không dựa trên cơ sở pháp lý hoặc phán quyết của tòa án. Hơn nữa, ngay cả khi có cơ sở pháp lý để dừng việc chi trả hưu trí, tòa án không thể phạt tiền và tạm dừng chi trả lương hưu cùng một lúc; nếu không, hành động đó sẽ vi phạm việc bảo vệ chống lại nguy cơ kép trong luật hình sự. Thêm vào đó, quỹ hưu trí không phải là thu nhập cá nhân bất hợp pháp và không thể bị tịch thu.

3. Việc khấu trừ lương hưu trong thời gian bị giam giữ vi phạm Hiến pháp và các luật khác

Chính sách từ Bộ Lao động và An sinh Xã hội (số 2001- 44) và một số văn phòng ASXH địa phương đã vi phạm Hiến pháp, Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các luật khác. Dưới góc độ pháp lý, chính sách này không thể được tính là một luật hành chính. Một số chính sách địa phương chỉ là quy định của chính quyền và thấp hơn nhiều so với thẩm quyền pháp lý của Hiến pháp và các luật khác.

Mặt khác, lương hưu của công dân được bảo vệ bởi Hiến pháp, Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội. Dưới góc độ pháp lý, bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào trái với Hiến pháp và các luật khác đều không có giá trị pháp lý. Cả Hiến pháp và các luật khác đều không cho phép tạm dừng chi trả lương hưu nếu một người về hưu bị giam giữ. Ngoài ra, theo Luật Lập pháp, các quy định của chính quyền hoặc quy định của bộ ban ngành không thể làm suy yếu quyền tự do của công dân. Do đó, chính sách trên từ CASXH và các luật khác là không hợp lệ. Dưới đây là phân tích chi tiết.

Thứ nhất, chính sách từ Bộ Lao động và An sinh xã hội (số 2001- 44) đã vi phạm Hiến pháp, Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội. Ví dụ, Điều 44 của Hiến pháp quy định: “Nhà nước áp dụng chế độ hưu trí đối với công nhân, viên chức của các doanh nghiệp, tổ chức và đối với các cơ quan chức năng của Nhà nước theo luật định. Sinh kế của người đã nghỉ hưu do Nhà nước và xã hội đảm bảo”.

Điều 72 của Luật Lao động quy định: “Các nguồn quỹ bảo hiểm xã hội sẽ được xác định theo các loại bảo hiểm và thực hiện phương thức tích lũy thống nhất các quỹ bảo hiểm. Người sử dụng lao động và cá nhân người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và đóng bảo hiểm xã hội”.

Điều 73 của Luật Lao động quy định: “Mức bảo hiểm xã hội phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội và tính bền vững của xã hội”.

Điều 16 của Luật Bảo hiểm Xã hội quy định: “Mỗi người lao động phải tham gia hệ thống bảo hiểm hưu trí cơ bản; người sử dụng lao động và người lao động sẽ cùng nhau đóng góp bảo hiểm hưu trí cơ bản.”

Điều 16 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: “Người tham gia bảo hiểm hưu trí cơ bản được hưởng lương hưu cơ bản hàng tháng nếu thời gian đóng góp tích lũy của thành viên đó không dưới mười lăm năm kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu hợp pháp. Nếu thời gian đóng góp tích lũy của thành viên tham gia bảo hiểm hưu trí cơ bản dưới mười lăm năm khi thành viên đó đến tuổi nghỉ hưu hợp pháp, thì thành viên đó có thể nhận bảo hiểm hưu trí cơ bản hàng tháng sau khi thành viên thực hiện đóng góp các khoản theo yêu cầu trong mười lăm năm.“ Luật này không đề cập đến các trường hợp ngoại lệ. Điều đó có nghĩa là người lao động có thể nhận được lương hưu trong thời gian bị giam giữ.

Thứ hai, chính sách của Bộ Lao động và An sinh Xã hội (số 2001- 44) không hợp lệ vì nó vi phạm luật ở cấp cao hơn.

Điều 80 của Luật Pháp chế quy định: “Hiệu lực của các quy tắc địa phương cao hơn các quy định của chính quyền địa phương cùng cấp hoặc dưới cấp tương ứng. Hiệu lực của các quy tắc do chính quyền nhân dân tỉnh hoặc khu tự trị cao hơn các quy tắc do chính quyền nhân dân của các thành phố tương đối lớn trong phạm vi hành chính của tỉnh và khu tự trị”.

Điều 82 của Luật Pháp chế quy định: “Hiệu lực các quy tắc của các cơ quan bộ ban ngành khác nhau là bình đẳng giữa các cơ quan bộ ban ngành, và hiệu lực các quy tắc của các cơ quan bộ ban ngành và các quy tắc của chính quyền địa phương là ngang nhau giữa các cơ quan bộ ban ngành và chính quyền địa phương; phạm vị sẽ được giới hạn trong các giới hạn thẩm quyền tương ứng của họ.”

Do đó, việc dừng chi trả lương hưu trong thời gian tạm giam là vi phạm Điều 73 Luật Lao động và Điều 16 Luật Bảo hiểm xã hội. Do đó không hợp lệ theo Luật Pháp chế.

Trên cơ sở phân tích trên, theo quy định tại Điều 208 Hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về khả năng áp dụng Luật tố tụng dân sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tòa án nên bác bỏ các trường hợp quy định tại Điều 124 Luật tố tụng dân sự.

Lạm dụng quyền lực

Trong cuộc tranh luận cuối cùng tại tòa, nguyên đơn viện dẫn một chính sách của Hội đồng Nhà nước (Tài liệu số 2000 – 42), “Vì bị đơn đã ngồi tù và được chức trách nhà tù cung cấp chi phí hàng ngày theo Luật Nhà tù, trợ cấp lương hưu không còn đủ điều kiện để được nhận.”

Bà Kháng đã bác bỏ lập luận trên: “Nếu Nhà nước nói rằng một bị cáo phải tự chi trả chi phí sinh hoạt của mình trong thời gian ngồi tù, thì điều này nên đến từ một cơ quan tài chính của chính phủ chứ không phải từ CASXH. Thêm vào đó, lương hưu không phải là chi phí sinh hoạt hoặc “đảm bảo cuộc sống tối thiểu”; đúng hơn, nó thuộc về gia đình của bị cáo, bao gồm cả chi phí để chăm sóc người già và nuôi dạy trẻ em. Nếu bị tước quyền này với lý do chi phí sinh hoạt hàng ngày được cung cấp trong thời gian bị giam giữ, thì bị cáo đã bị tước quyền sinh sống cơ bản, giáo dục con cái và chăm sóc người già. Điều này vi phạm quyền cơ bản của con người.”

Trong một bức thư gửi thẩm phán và chủ tịch phiên tòa, bà Kháng viết rằng việc tước bỏ tiền cấp dưỡng của những người bị giam giữ có thể bị xem xét là việc lạm dụng quyền lực.

Điều 7 của Luật Bảo hiểm xã hội viết: “Bộ phận quản lý bảo hiểm xã hội của Chính quyền nhân dân địa phương ở cấp quận hoặc huyện sẽ chịu trách nhiệm quản lý bảo hiểm xã hội trong khu vực hành chính của mình. Bất kỳ bộ phận nào có liên quan khác của Chính quyền nhân dân địa phương ở cấp quận hoặc cao hơn sẽ phụ trách các vấn đề về bảo hiểm xã hội trong phạm vi trách nhiệm của mình”.

Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: “Trường hợp cơ quan Bảo hiểm xã hội và nhân viên của mình có hành vi vi phạm trong danh sách sau đây thì cơ quan quản lý Bảo hiểm xã hội sẽ yêu cầu chấn chỉnh. Khi gây thiệt hại cho quỹ bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động hoặc cá nhân thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Thủ trưởng cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp và người chịu trách nhiệm trực tiếp khác sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

(1) Không thực hiện các chức năng theo luật định của bảo hiểm xã hội;

(2) Không nộp quỹ bảo hiểm xã hội vào tài khoản tài chính chuyên biệt;

(3) Nộp thiếu hoặc không chi trả đúng hạn nghĩa vụ hưởng bảo hiểm xã hội;”

Điều 93 Luật Bảo hiểm xã hội viết: “Cán bộ công chức lợi dụng chức vụ quyền hạn, gian dối để trục lợi sẽ bị xử phạt theo pháp luật”.

Điều 60 của Luật Cán bộ công chức mới có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 6 năm 2019 quy định rằng những nhân viên chính quyền làm theo mệnh lệnh nếu vi phạm pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm. Sau đó, bất kỳ ai liên quan đến việc tạm dừng lương hưu, dù là cảnh sát, tòa án, CASXH, hoặc các nhân viên khác, đều có thể bị xem xét là lạm dụng quyền lực.

Trở thành một người tốt hơn

Cuối bản báo cáo bào chữa của mình, bà Kháng nhắc lại rằng việc tạm dừng và thu hồi quỹ hưu trí từ người lao động là bất hợp pháp. Hơn nữa, bà đã làm rõ lý do tại sao bà bị giam giữ ngay từ đầu.

Để trở thành một người tốt hơn và tiết kiệm chi phí y tế cho con mình, bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm dựa trên nguyên lý Chân-Thiện- Nhẫn. Trong quá khứ, bà từng đau khổ vì bệnh tật, thường cãi nhau với con cái, đánh nhau với đồng nghiệp và có một cuộc sống khốn khổ.

Nhưng Pháp Luân Công đã thay đổi tất cả những điều này, khiến bà trở thành một người khỏe mạnh, một người mẹ tốt trong gia đình, một đồng nghiệp thân thiện ở nơi làm việc và một người hữu ích trong cộng đồng. “Tôi hiểu ra rằng mục đích của cuộc sống là trở thành một người tốt hơn theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn,” Bà viết. “Bằng cách buông bỏ những thói quen xấu, tôi có thể không ngừng nâng cao các giá trị đạo đức.”

Tuy nhiên, vì đức tin của mình, bà đã bị giam giữ. Như thể vẫn chưa đủ, chính quyền còn bức hại tài chính đối với bà. Cùng với sự tra tấn thể xác trong thời gian bị giam giữ, bà và gia đình bà đã phải chịu đựng rất nhiều. Những hành vi ngược đãi này phù hợp với chỉ thị của cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân đối với các học viên: “Bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể”.

Bà Kháng cho biết những quan chức tiếp tục bức hại Pháp Luân Công nghĩ rằng họ chỉ đơn giản là tuân theo chính sách của ĐCSTQ, nhưng họ không nhận ra rằng chính sách từ Bộ Lao động và An sinh Xã hội (số 2001-44) đã vi phạm Hiến pháp và các luật khác, cũng như không nhận thấy rằng Luật Công chức mới đã quy định trách nhiệm đối với nhân viên thuộc các cấp chính quyền.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/9/426766.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/11/193647.html

Đăng ngày 22-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share