Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-05-2021] Ngày 19 tháng 5 năm 2021, ba người dân ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang bị đưa ra xét xử sau khi nhà chức trách nghi ngờ họ treo những biểu ngữ Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Một học viên khác bị bắt giữ cùng với ba học viên nhưng đã bị đưa ra truy tố trong một vụ án riêng khác của bà.

Biểu ngữ lần đầu xuất hiện bên lề đường ở huyện Đỗ Mông vào tháng 1 năm 2020. Ngày 5 tháng 2 năm 2020, sau khi quan sát hình ảnh ghi lại từ camera giám sát, cảnh sát đã bắt giữ anh Lý Hạ Long, 32 tuổi mặc dù anh không tu luyện Pháp Luân Công. Một lúc sau, dì của anh Lý là bà Lý Thục Xuân, 50 tuổi cùng hai học viên Pháp Luân Công khác là bà Dương Hải Hà, 62 tuổi và bà Lưu Thục Bình, 59 tuổi cũng bị bắt giữ.

Khi cảnh sát lục soát nhà bà Lý vào lúc 10h đêm, họ còn bắt giữ cả chồng bà là ông Lưu Phúc Bân, người vừa mới được trả tự do sau khi thụ án 10 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công.

Cảnh sát đã giật lấy chìa khóa nhà của bà Dương và bà Lưu. Họ lục soát nhà bà Dương khi không có ai ở nhà và tịch thu các sách Pháp Luân Công, một máy in, một máy tính xách tay và 20.000 nhân dân tệ tiền mặt của bà. Sách Pháp Luân Công của bà Lưu cũng bị lấy đi khi cảnh sát kéo tới lục soát nhà của bà.

Vào sáng sớm ngày hôm sau, ông Lưu đã được trả tự do và vợ ông là bà Lý cũng được bảo lãnh tại ngoại. Bà Dương và bà Lưu bị đưa tới Trại tạm giam Thành phố Đại Khánh, nhưng trại tạm giam từ chối tiếp nhận họ vì tình trạng sức khỏe yếu. Sau đó, họ được trả tự do vào buổi chiều cùng ngày. Anh Lý bị giam giữ tại trại tạm giam huyện Đỗ Mông hai ngày và xe ô tô riêng của anh vẫn đang bị tạm giữ tại Sở Cảnh sát huyện Đỗ Mông.

Vào ngày 24 tháng 7 năm 2020, cả bà Dương và bà Lưu đều bị bắt giữ một lần nữa. Buổi chiều cùng ngày, bà Dương đã được bảo lãnh tại ngoại. Trong khi đó bà Lưu bị đưa tới bệnh viện để khám sức khỏe, nhưng bà từ chối tuân thủ và bà bị đưa tới sở cảnh sát huyện để thẩm vấn. Bởi bà từ chối ký vào biên bản thẩm vấn, nên cảnh sát đã ghì đầu bà xuống bàn, còng tay bà ra sau lưng và cưỡng chế lấy dấu vân tay của bà vào biên bản thẩm vấn. Bà đã được trả tự do vào khoảng 2 giờ chiều cùng ngày.

Ngày 11 tháng 1 năm 2021, cảnh sát kéo tới nhà bà Dương và bắt giữ bà lần thứ ba. Trong khoảng thời gian đó, một nhóm cảnh sát khác đã bắt giữ bà Lý khi bà vừa mới đi mua sắm trở về. Anh Lý cũng bị bắt giữ nhưng được bảo lãnh tại ngoại vào cùng ngày hôm đó. Cả bà Dương và bà Lý đều bị đưa đến trại tạm giam huyện Đỗ Mông và sau đó bị chuyển tới trại tạm giam Số 2 Thành phố Đại Khánh vào tháng 3.

Vài tuần sau, vào tháng 4, anh Lý bị bắt giữ lần từ ba và bị giam giữ trong trại tạm giam huyện Đỗ Mông.

Cảnh sát trình hồ sơ vụ án của anh Lý, bà Lý và bà Dương tới Viện kiểm sát Nhượng Hồ Lộ, ngay sau đó Viện kiểm sát đã cáo buộc họ “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật,” một cái cớ được quy chuẩn nhằm kết tội các học viên Pháp Luân Công.

Ngày 19 tháng 5 năm 2021, ba người họ bị Tòa án quận Nhượng Hồ Lộ đưa ra xét xử trong trại tạm giam. Chủ tọa phiên tòa, Vương Quảng Minh đã tiến hành phiên tòa xét xử thông qua ứng dụng Wechat trên điện thoại di động với lý do rằng thiết bị ghi hình trong phòng xét xử bị hỏng. Ông ta chỉ cho phép một người nhà của mỗi học viên tham dự phiên xét xử, người nhà học viên chỉ có thể nghe giọng nói của họ mà không nhìn thấy họ.

Cả bà Dương và bà Lý đều có luật sư riêng đại diện, luật sư đã biện hộ vô tội cho hai học viên.

Phiên xét xử diễn ra trong một giờ đồng hồ, công tố viên Phong Quang đã gọi sai tên của bị cáo trong quá trình xét xử. Ông ta còn cố gắng ép bà Lý thừa nhận tội của các học viên khác, nhưng bà đã từ chối làm theo. Vào cuối phiên xét xử, công tố viên đề nghị kết án bà Dương 8 năm, bà Lý 5 năm và anh Lý một năm tù.

Một học viên khác là bà Lưu bị bắt giữ lần thứ ba vào giữa tháng 4 và bị giam giữ tại trại tạm giam huyện Đỗ Mông. Cảnh sát đã trình riêng hồ sơ vụ án của bà tới Viện Kiểm sát quận Nhượng Hồ Lộ vào ngày 10 tháng 5. Hiện bà đang đối mặt với truy tố.

Bức hại trong quá khứ của bà Dương và bà Lý

Bà Dương từng bị ung thư vú và sau khi phẫu thuật cắt bỏ hai vú, vết mổ vẫn không được chữa lành trong nhiều năm. Bởi không đủ khả năng để chi trả cho chi phí điều trị, bà đã phải chịu đựng sự đau đớn tột cùng và phải dựa vào sự chăm sóc của gia đình.

Ngay sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997, bà đã hoàn toàn hồi phục và bà nhận trách nhiệm chăm sóc cho người cha nằm liệt giường. Với sự chăm sóc tận tâm của bà, cha bà không bị lở loét da thịt do nằm liệt giường và ra đi thanh thản.

Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, bà Dương đã bị bắt giữ và giam giữ nhiều lần vì lên tiếng cho Pháp Luân Công.

Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, bà Lý đã phải vật lột với bệnh tim, bệnh viêm phế quản và hen suyễn nghiêm trọng. Gia đình bà phải sống dựa vào thu nhập ít ỏi của chồng và bà thường phải vay tiền của người thân và bạn bè để đi khám bệnh. Nhưng sức khỏe của bà vẫn ngày càng suy giảm.

Vào mùa đông năm 1996, khi chứng kiến bệnh phổi và bệnh tim nghiêm trọng của mẹ bà đã phục hồi nhanh chóng sau khi tu luyện Pháp Luân Công, bà cũng bắt đầu tu luyện và sức khỏe của bà cũng đã phục hồi. Bà đã tìm được việc làm và giúp gia đình trả nợ.

Vào tháng 9 năm 2002, 16 tháng sau khi bà Lý sinh con trai, bà đã bị kết án một năm lao động cưỡng bức. Bởi bà từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, nên lính canh đã cưỡng ép bà ngồi trên ghế đẩu nhỏ nhiều giờ mà không được cử động và đôi khi họ còn còng tay bà ra sau lưng hoặc còng tay bà vào vật cố định trên mặt đất. Bà còn phải chịu đựng nhiệt độ “đóng băng” và bị sốc điện bằng dùi cui điện.

Năm 2009, bà Lý đã bị kết án hai năm lao động cưỡng bức một lần nữa. Vào ngày bà bị chuyển từ trại tạm giam huyện Đỗ Mông tới Trung tâm Cai nghiện Ma túy Cáp Nhĩ Tân (hoạt động như một trại lao động), con gái 16 tuổi của bà đã chạy theo xe cảnh sát và khóc đòi mẹ.

Trong trại lao động, bà Lý bị cưỡng bức lao động tăng cường trong nhiều giờ mà không được trả công. Bà đã được trả tự do vào tháng 4 năm 2011.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/28/426296.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/10/193629.html

Đăng ngày 19-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share