Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc
[MINH HUỆ 28-04-2021] Một người phụ nữ ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam đã bị bỏ tù 2 lần vì tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân của Trung Quốc bị chính quyền cộng sản Trung Quốc đàn áp từ năm 1999. Trong khi ở trong tù, bà Đường Ngọc đã bị cho thôi việc, và bà đã bị từ chối quyền xin về hưu sớm ở tuổi 50.
Bà Đường, 51 tuổi, một cư dân ở quận Tây Sơn, Côn Minh, từng là một nhân viên của Công viên Tây Hoa. Không lâu sau khi bà theo tập Pháp Luân Công năm 1996, tất cả các căn bệnh mãn tính của bà bao gồm đau đầu thần kinh, bệnh tim, hay bị lạnh người, tim đập nhanh và mạnh, và các vấn đề về phụ khoa đã biến mất.
Bà Đường đã từng rất nóng tính do các vấn đề sức khỏe của mình. Việc tu luyện Pháp Luân Công đã giúp bà hồi phục và cũng có được một thái độ tích cực đối với cuộc sống. Bà làm việc rất tận tâm và xây dựng các mối quan hệ gia đình hài hòa.
Vì bà từ chối từ bỏ Pháp Luân Công sau khi cuộc đàn áp bắt đầu, bà đã nhiều lần bị tạm giam, bị bỏ tù và tra tấn trong 20 năm qua. Không có lương hưu, bà đang sống nhờ trợ cấp thất nghiệp và rất khó cân bằng chi tiêu cho cuộc sống.
Bị bỏ tù một năm rưỡi
Ba cảnh sát ở đồn cảnh sát Đại Quan, Côn Minh, đã bắt bà Đường trên đường phố ngày 23 tháng 6 năm 2008. Họ khám túi xách của bà tại đồn cảnh sát và tìm thấy vài cuốn Cửu Bình và một số tư liệu về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Họ đã đánh bà rất tàn bạo và sau đó còng tay bà vào một cái ghế gỗ cho đến 4h sáng. Bà bị đưa đến trại tạm giam Ngũ Hoa ngày hôm sau.
Viện kiểm sát thành phố Côn Minh đã truy tố bà vào ngày 23 tháng 12 năm 2008. Tòa trung thẩm thành phố Côn Minh đã xét xử bà vào ngày 19 tháng 11 năm 2009 và kết án bà 1 năm 6 tháng tù. Bà bị chuyển đến trại tạm giam Quan Độ và bị giam ở đó cho đến khi mãn hạn tù. Bà không được cấp đủ đồ ăn khi đến bữa và không được tắm. Bà cũng bị đem ra phơi dưới cái lạnh khắc nghiệt ở ngoài trời và một xương sườn của bà bị gãy.
Bị bắt và bị xét xử không công bằng
Bà Đường đã bị bắt ở gần Trường Y tỉnh Vân Nam vào khoảng 7h tối ngày 30 tháng 9 năm 2011. Vương Trung Phòng ở Sở An ninh Nội địa đã tịch thu xe đạp điện của bà Đường. Cảnh sát cũng lục soát nhà bà mà không có lệnh khám nhà và tịch thu các cuốn sách Pháp Luân Công, ảnh của người sáng lập Pháp Luân Công, một máy tính, 2 điện thoại di động và các tư liệu thông tin về Pháp Luân Công của bà. Họ không cung cấp danh sách những thứ mà họ tịch thu.
Cảnh sát đã đánh đập bà ở đồn cảnh sát Đông Lộ. Hai đầu gối bà sưng lên, và người bà bị thâm tím. Bà không thể ngồi xuống hay đứng lên. Bà cũng bị còng hai tay ra sau lưng.
Khi cảnh sát đưa bà Đường đến bệnh viện để khám sức khỏe để chuẩn bị tạm giam bà, các cảnh sát đã giữ đầu bà, đập đầu bà vào tường và vặn các ngón tay bà. Những vết thương mà bà Đường bị cuối cùng đã khiến cho trại tạm giam quận Tây Sơn từ chối tiếp nhận bà.
Trước khi phóng thích bà Đường, cảnh sát đã bắt chị bà ký vào một bản cam kết theo dõi bà. Họ đe dọa là sẽ kết án bà 7 năm tù nếu bà đi ra ngoài phổ biến thông tin về Pháp Luân Công trong vòng một năm sau khi được phóng thích. Họ cũng bảo bà Đường điểm chỉ ngón tay lên bản tuyên bố nhưng bà từ chối. Bà được trả tự do theo bảo lãnh vào khoảng 10h tối cùng ngày. Cảnh sát đã trả lại xe đạp điện cho bà nhưng không trả lại những thứ khác.
Ba tháng sau đó, vào ngày 27 tháng 12 năm 2011, một cảnh sát từ Phòng An ninh Nội địa quận Tây Sơn và 3 quan chức từ Viện kiểm sát thành phố Côn Minh đã đập cửa nhà bố mẹ bà Đường, nơi bà đang ở. Họ đe dọa sẽ bỏ tù chung thân bà nếu bà lại đi phát những tư liệu vạch trần cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ.
Viện kiểm sát thành phố Côn Minh đã đưa bản cáo trạng đối với bà Đường đến nhà bố mẹ bà vào ngày 6 tháng 1 năm 2012 khi bà không có mặt ở đó. Khoảng 2 tháng sau đó, bà nhận được thông báo tham dự phiên tòa xét xử trong một vài ngày tại Tòa trung thẩm thành phố Côn Minh. Bà từ chối thừa nhận việc bức hại này và không đến đó. Thay vào đó, bà đã viết một bức thư kiện và gửi đến các cơ quan chính quyền liên quan. Bà đã không nghe lại gì về việc xét xử của tòa án.
Nhiều lần bị bắt và bị đánh đập tàn bạo
Bốn người từ Phòng 610 và Tòa án quận Tây Sơn đã đột nhập vào nhà bà Đường vào ngày 25 tháng 1 năm 2013. Bà không có ở nhà lúc đó nhưng bố mẹ bà, đều đã ngoài 80 tuổi, có mặt ở đó. Bố bà bị tàn tật và phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của bà Đường. Bốn cảnh sát đã lục soát nhà và tịch thu nhiều đồ vật khác nhau. Họ đã đẩy mẹ bà ngã xuống sàn, đe dọa hai vợ chồng già, và bắt mẹ bà Đường điểm chỉ ngón tay vào một tài liệu.
Vào ngày 1 tháng 9 năm 2013, bà Đường tình cờ phát những tư liệu thông tin về Pháp Luân Công cho một cảnh sát mặc thường phục, và người đó đã báo cho đồn cảnh sát Lương Nguyên. Ngay lập tức, 9 cảnh sát đã đến và cố lôi bà lên một xe cảnh sát. Bà đã kháng cự mạnh mẽ, và phải mất khoảng 1 tiếng họ mới đưa được bà vào xe bằng cách cấu véo và vặn tay bà. Hai cánh tay bà vì thế mà bị đầy vết bầm tím.
Trên đường đi, một người trong số họ đã ấn đầu bà xuống và một người khác giẫm lên hai bàn chân bà. Họ đưa bà đến đồn cảnh sát Lương Nguyên ở Côn Minh. Những tư liệu về Pháp Luân Công và những đồ dùng khác của bà ở trong túi xách đã bị tịch thu mà không có giấy biên nhận. Trước khi bà được phóng thích, cảnh sát đã ra lệnh cho bà có mặt tại Phòng An ninh Nội địa quận Tây Sơn vào ngày 3 tháng 9, và đe dọa sẽ sách nhiễu người bố già đau yếu của bà nếu bà không tuân theo yêu cầu của họ.
Bà Đường lại bị tố cáo và bị bắt vì đi phát những tư liệu về Pháp Luân Công vào ngày 18 tháng 8 năm 2015. Bà bị còng tay ra sau lưng tại đồn cảnh sát và bị đánh đập tàn bạo. Bà bị nhiều vết thương ở đầu, đùi và cánh tay. Bà được phóng thích sau 5h chiều.
Bà Đường bị thâm tím do bị đánh đập
Chỉ 2 tháng sau đó, bà Đường lại bị bắt vào ngày 27 tháng 10 năm 2015. Cảnh sát đã lục soát nhà bà trong khi bố mẹ bà ở nhà và tịch thu nhiều đồ dùng cá nhân của bà. Cảnh sát đưa bà đi khám sức khỏe trước khi chuyển bà đến trại tạm giam địa phương. Một xương sườn bên phải của bà đã bị gãy do bị đánh đập. Bà được phóng thích vào ngày 29 tháng 10.
Bị kết án 3,5 năm tù
Một tháng sau đó, vào ngày 26 tháng 11 năm 2015, cảnh sát đã bắt bà Đường một lần nữa và đưa bà đến đồn cảnh sát Vĩnh Xương. Trong 12 giờ bà bị tạm giam ở đó, cảnh sát đã đánh bà, dán băng dính vào miệng bà để ngăn bà hô to “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, và còng tay bà vào một chiếc ghế. Họ cũng khiêng bà và đập đầu bà vào tường. Bà không được cấp chút đồ ăn nào và không được phép ngủ.
Dựng lại cảnh tra tấn: Đập đầu nạn nhân vào tường
Bà bị đưa đến Tòa trung thẩm thành phố Côn Minh vào ngày hôm sau, nhưng không có phiên xét xử chính thức nào và thẩm phán chỉ yêu cầu bà ký vào một vài tài liệu. Bà bị đưa đến trại tạm giam thành phố Côn Minh vào buổi chiều.
Bà Đường sau đó nhận được một bản án 3,5 năm tù đề ngày 26 tháng 11 năm 2015, ngày mà bà bị bắt. Bà đã kháng án nhưng không có tác dụng.
Ở trại tạm giam Côn Minh, bà bị bắt phải lao động nặng nhọc. Bà bị phạt bắt đứng ở hành lang nếu bà không hoàn thành định mức. Gia đình bà không biết bà ở đâu trong hơn 1 năm bà bị giam ở đó, vì thế họ không thể gửi tiền hay đồ dùng hàng ngày vào cho bà. Bà đã phải giúp những người bị giam khác làm công việc lao động của họ để đổi lấy một số đồ dùng và đồ ăn.
Bà Đường bị chuyển đến Trại tù nữ số 2 tỉnh Vân Nam vào ngày 14 tháng 1 năm 2017. Các lính gác đã tịch thu tất cả các đồ dùng hàng ngày mà bà mang theo từ trại tạm giam. Họ đã tìm cách bắt bà phải viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Khi bà từ chối viết, các lính gác đã ra lệnh cho các tù nhân khác gây rắc rối cho bà. Bà đã bị phát bệnh trĩ và phải chịu đau trong hơn 100 tiếng đồng hồ trước khi được điều trị y tế.
Bà Đường bị chuyển đến một khu khác 3 tháng sau đó, nơi có 2 tù nhân được lệnh theo dõi bà suốt ngày đêm. Bà không được phép nói chuyện với bất cứ ai và phải viết các báo cáo tư tưởng hàng tuần. Bà bị viêm loét và nhiễm trùng nghiêm trọng ở hai bàn chân vì phải đi giầy của trại tù, và bà chỉ được phép đi dép lê sau nhiều lần đề nghị với các lính gác tù. Cũng có một lần bà Đường bị đau tim và bị co giật.
Gia đình bà không được thông báo khi bà bị đưa vào tù. Chỉ hơn 1 năm rưỡi sau đó họ mới biết bà bị giam ở trại tù nào và chị bà mới có thể đến thăm bà. Khi đó, bố mẹ bà đã qua đời sau khi phải sống dưới sự lo sợ trong thời gian dài vì cảnh sát Phòng 610 đã ập vào nhà họ nhiều lần trong khi bà Đường bị giam.
Bức hại về tài chính
Nơi làm việc của bà Đường đã bắt bà phải nghỉ hưu sớm vào tháng 12 năm 2002 và bà lẽ ra phải được nhận 1.100 tệ mỗi tháng từ ngày 1 tháng 12 năm 2002 đến ngày 15 tháng 1 năm 2019. Tuy nhiên, nơi làm việc của bà đã giảm mức trả hàng tháng cho bà xuống 800 tệ bắt đầu từ tháng 9 năm 2011 mà không giải thích gì.
Vào năm 2017, Công viên Tây Hoa đã gọi những nhân viên đã bị bắt nghỉ việc bao gồm cà bà Đường quay trở lại, theo một quy định mới, và yêu cầu họ quay trở lại làm việc. Vì bà Đường đang phải thi hành bản án tù thứ 2, nơi làm việc của bà đã cho bà nghỉ việc và dừng chi trả số tiền 800 tệ hàng tháng của bà, với cái cớ rằng bà đã nhỡ lịch làm việc trong hơn 15 ngày.
Khi đó, bà Đường đã có 32 năm làm việc và đã đóng bảo hiểm xã hội trong 27 năm. Bà được thông báo rằng theo những chính sách liên quan, bà sẽ không được xin về hưu sớm (50 tuổi là tuổi nghỉ hưu sớm hợp pháp ở Trung Quốc) bởi vì bà đã bị cho thôi việc. Hơn nữa, bà sẽ phải tự đóng bảo hiểm xã hội (hơn 17.000 tệ một năm) từ năm 2017 đến 2025 (khi bà đủ 55 tuổi, tuổi nghỉ hưu bình thường ở Trung Quốc) nếu bà muốn xin nghỉ hưu và nhận lương hưu.
Không có lương hưu hay nguồn thu nhập nào khác, bà Đường đã phải dựa vào trợ cấp thất nghiệp ít ỏi để sống qua ngày sau khi bà được ra khỏi tù năm 2019. Không thể tự đóng bảo hiểm xã hội, bà đã phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan: nếu không được nhận lương hưu, bà không thể đóng bảo hiểm xã hội, nhưng nếu không đóng bảo hiểm xã hội bà sẽ không được nhận lương hưu.
Tiếp tục bị sách nhiễu
Khi bà Đường được phóng thích ngày 14 tháng 5 năm 2019, một nhân viên Phòng 610 quận Tây Sơn và cảnh sát đã gặp bà ở cổng trại tù và thông báo cho bà đến đồn cảnh sát Kim Bích để điểm chỉ ngón tay vào các tài liệu và làm một bản tuyên bố. Một tuần sau đó, Trương Húc, một cảnh sát từ đồn cảnh sát Kim Bích, đã đến nhà bà và ra lệnh cho bà ký vào một lá thư cảnh cáo hứa không tham dự bất cứ cuộc tụ họp công cộng nào. Anh ta liên tục chụp ảnh bà.
Kể từ đó, cảnh sát từ đồn cảnh sát Kim Bích, bao gồm Trương Húc, và các cảnh sát ở đồn cảnh sát Đông Lộ đã đến nhà bà Đường nhiều lần. Bà bị ra lệnh phải báo cáo với đồn cảnh sát hoặc phải ký các lá thư cảnh cáo khác nữa.
Cảnh sát và nhân viên ủy ban cư trú cũng thường hỏi những người ở các cửa hàng ở gần nhà bà là bà đã đi đâu, và họ gọi điện cho gia đình bà để kiểm tra xem bà đang ở đâu. Gia đình bà không có lựa chọn nào khác là cắt đứt các mối quan hệ của họ với bà.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/28/423930.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/22/193268.html
Đăng ngày 05-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.