Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Đài Loan

[MINH HUỆ 09-12-2020] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính! Chào các bạn đồng tu!

Tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp đến từ Đào Nguyên. Lần đầu tiên tôi đến Hồng Kông là vào ngày 1 tháng 7 năm 2007, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc. Chuyến thăm Hồng Kông gần đây nhất là vào dịp Tết Nguyên đán năm 2020, trong lúc tại đây đang diễn ra các hoạt động phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đại lục.

Tôi luôn cảm thấy bản thân phải có trách nhiệm với Hồng Kông, điều mà tôi không lý giải được. Sự kết nối này tiếp tục thúc đẩy tôi tiến về phía trước. Khi chúng tôi không thể đến Hồng Kông, những cảnh tôi từng tham gia trong các cuộc diễn hành ở Hồng Kông và giảng chân tướng tại các điểm du lịch thường xuất hiện trong tâm trí tôi. Tôi tự hỏi: “Tại sao mình không cảm thấy khẩn cấp cứu người ở Đài Loan như ở Hồng Kông?”

Trở thành trưởng nhóm

Sư phụ giảng:

“Có thể tu được không hoàn toàn [dựa] xem chư vị có thể nhẫn chịu không, có thể phó xuất không, có thể chịu khổ không. Nếu dốc lòng quyết tâm, khó khăn nào cũng không ngăn được, [thì] tôi nói rằng, [nó sẽ] không thành vấn đề.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Bất cứ khi nào tôi ở Hồng Kông, những lời giảng của Sư phụ liền thường xuyên xuất hiện trong tâm trí tôi, khích lệ tôi tiếp tục. Tôi không đếm được số lần mình đã đến đó. Tôi hiếm khi bỏ lỡ các cuộc diễn hành, và thậm chí còn sử dụng kỳ nghỉ phép hàng năm và những ngày nghỉ lễ của mình để đến Hồng Kông và ở lại đó để giảng chân tướng. Đôi khi, chỉ mới quay lại Đài Loan được một tuần, tôi đã bay trở lại để tham gia diễn hành.

Tôi chưa bao giờ nghĩ về số tiền mà tôi đã chi tiêu cho những chuyến đi này. Tại sao vậy? Tôi cảm thấy việc đó tựa như tính số tiền tôi dùng để mua thực phẩm kể từ khi tôi được sinh ra. Tôi không chắc đó có phải là do thái độ của tôi đối với các hoạt động giảng chân tướng ở Hồng Kông hay không, nhưng giấy phép nhập cảnh của tôi luôn được chấp thuận và tôi có thể qua hải quan sân bay thành công.

Tôi là một công chức. Khi con tôi còn nhỏ, tôi mang cháu theo cùng. Vì vậy, trong vài năm đầu tiên, tôi cần phải chi tiêu rất tiết kiệm để có thể tiếp tục đến Hồng Kông. Sau này, khi con tôi đi học ở Vân Lâm, thì tôi chỉ cần trả một vé máy bay, gánh nặng tài chính của tôi trở nên nhẹ hơn và tôi có thể đến Hồng Kông thường xuyên hơn.

Trong lần đầu tiên đến Hồng Kông, tôi lo lắng mình sẽ bị hải quan từ chối, vì vậy tôi không muốn trở thành trưởng nhóm. Sau đó, tôi nhận trách nhiệm giúp các học viên mua vé máy bay giá rẻ trực tuyến để giảm bớt gánh nặng tài chính và hướng dẫn người già đến phòng vệ sinh. Tôi bắt đầu giống như một hướng dẫn viên du lịch của một công ty du lịch dẫn các học viên khác đi tàu đến các khu vực khác nhau của Hồng Kông để giảng chân tướng.

Giảng chân tướng ở Hồng Kông giống như đi đánh trận – chúng tôi không thể thư giãn. Cần phải chuẩn bị rất nhiều thứ trước cuộc diễn hành, và chúng tôi phải nhắc nhở các học viên khác phát chính niệm, hướng dẫn các học viên đang chờ học thuộc lòng và nhẩm “Luận Ngữ” v.v.. Có một nhóm học viên làm việc rất hiệu quả, họ giúp đỡ chúng tôi trong mọi cuộc diễn hành, bao gồm tìm kiếm các học viên nam và nữ phù hợp để cầm cờ lớn, thay quần áo và xếp hàng, điều phối các nhóm biểu diễn các bài công pháp, duy trì khoảng cách giữa các hàng học viên trong các cuộc diễn hành, giao tiếp với cảnh sát Hồng Kông, v.v.. Mỗi trải nghiệm là một bước đệm và một cơ hội tu luyện.

Trước khi cuộc diễn hành bắt đầu, tôi thường bị đau bụng. Cơn đau khó có thể chịu đựng được, trong khi bên ngoài nhà vệ sinh các học viên đang đứng xếp hàng rất dài. Cuối cùng khi tôi đến lượt, tôi không dám chiếm dụng quá nhiều thời gian vì có rất nhiều học viên đang đợi phía sau tôi. Tôi nói với bụng mình: “Không sao đâu, bạn vẫn ổn. Không có vấn đề gì cả.“ Tôi đã phát chính niệm để loại bỏ mọi can nhiễu.

Có lần, tôi cảm thấy khó chịu không nói nên lời. Trời rất nóng, đầu tôi thì cảm thấy nặng nề trong khi chân thì cảm thấy nhẹ nhàng. Tôi không thể ăn dù chỉ một miếng, nhưng tôi biết mình phải ăn thứ gì đó vì tôi cần năng lượng để đi bộ diễn hành. Tôi đổ nước vào hộp cơm của mình và nói với Sư phụ: “Sư phụ, con cần ăn một chút gì đó” và tôi đã ăn một miếng cơm. Tôi từ từ tiếp tục cầu xin Sư phụ giúp đỡ và ăn từng miếng cơm một. Bằng cách này, tôi đã có thể ăn hết hộp cơm. Tôi buông bỏ ý nghĩ rằng có điều gì đó không ổn. Thật vậy, không có gì xảy ra và mọi thứ đều ổn.

Trong mỗi cuộc diễn hành, tôi đều đeo một chiếc máy quay phim trên cổ. Nhờ vậy, các đồng phạm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dọc đường cũng e dè hơn. Đồng thời, tôi cũng cần mang theo loa, đeo bộ đàm, xách nước cho các học viên khác để cung cấp thêm, đảm bảo hàng trước và hàng sau duy trì khoảng cách trên đường đi.

Bởi vì có rất nhiều học viên đến từ các quốc gia khác nhau, nên tôi cũng cần mang các bảng hiệu bằng các ngôn ngữ khác nhau để yêu cầu họ phối hợp. Chúng tôi đã kháng cự lại những nỗ lực của cảnh sát Hồng Kông trong việc họ muốn giảm chiều rộng đội hình diễn hành của chúng tôi. Tôi cũng cần nhắc các học viên không đi quá gần nhau, nếu không người qua đường sẽ không thể nhìn rõ các biểu ngữ và phương tiện truyền thông không thể chụp ảnh thông tin được viết trên biểu ngữ. Đối mặt những khảo nghiệm với cảnh sát Hồng Kông và các học viên khác, tôi nhận ra rằng sự kiên trì mà tôi đã cố gắng duy trì thường trở thành một cơ hội tu luyện lớn và quan trọng đối với tôi.

Giúp Hồng Kông là cơ hội tu luyện của tôi

Trong khi tham gia các hoạt động ở Hồng Kông, tôi không phân tích xem mình đang làm gì hoặc có bất kỳ chấp trước nào hay không. Ngay cả khi nhận nhiều nhiệm vụ cùng một lúc, tôi đều có thể hoàn thành chúng một cách nhanh chóng và đáng kinh ngạc. Khi ấy tâm tôi rất trong sáng, chỉ để tâm vào việc phối hợp cùng các đồng tu khác. Khi các học viên Hồng Kông yêu cầu nhóm của chúng tôi đến một địa điểm nhất định để phát báo, việc đầu tiên tôi làm là chỉ định người già đứng tại một địa điểm cố định để họ không bị lạc. Trong lúc diễn hành, tôi chỉ định các học viên có kinh nghiệm chăm sóc các học viên mới hơn. Tôi ghi lại các vị trí còn trống và số lượng nhiều học viên tham gia. Tôi đứng ở điểm dừng cuối cùng để dẫn các học viên trở lại điểm tập trung lúc cuối buổi.

Khi chúng tôi đến điểm cuối của cuộc diễn hành, thường có ít người xem hơn. Tôi tăng cường chính niệm của mình và bắt đầu đi phân phát báo. Tôi nhắc nhở bản thân về Pháp của Sư phụ và thiện ý nhìn chúng sinh. Tôi tự nhắc mình rằng họ là những chúng sinh đang chờ đợi để minh bạch chân tướng. Khi tôi nhìn thấy một nhóm người đang đứng ở đằng xa, tôi liền phát chính niệm về phía họ. Rất nhiều người đã sẵn lòng nhận báo. Đôi khi mọi người trông có vẻ như không nhìn thấy tôi khi họ đi ngang qua, nhưng sau đó họ đột nhiên lại hỏi xin một tờ báo.

Cũng có những người hợp thập chào và xin một tờ báo. Một số du khách Trung Quốc đã hỏi xin thêm để chuyển cho bạn bè và người thân. Sau Tết Nguyên đán, hầu hết các học viên đã quay trở lại Đài Loan và thiếu nhân lực. Tôi bắt đầu phân phát tài liệu giảng chân tướng từ 1 giờ trưa đến 7 giờ tối. Khi chính niệm của tôi mạnh, tôi có thể tặng được rất nhiều tài liệu, nhưng khi chính niệm không đủ, thì rất khó phát. Tất cả những điều này đều là khảo nghiệm về tầng thứ tu luyện của tôi.

Sư phụ giảng:

“Mà khi cuộc bức hại bắt đầu, trong tình huống tàn khốc mà biểu hiện một cách chính diện, thì so với trong hoàn cảnh nới lỏng mà biểu hiện chính diện, thì là khác nhau.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Miền Tây Mỹ Quốc năm 2015)

Khi đọc câu này, bản thân tôi ngộ được rằng trong khi môi trường Hồng Kông rất nghiêm ngặt và khó khăn, có thể tham gia vào các hoạt động giảng chân tướng là cơ hội mà Sư phụ đã ban cấp cho chúng ta. Vì vậy, tôi không ngừng khuyến khích các đồng tu cùng tôi đến Hồng Kông.

Bình thường khi đang làm việc, tôi thường không làm ba việc tận tâm như vậy, nhưng mỗi lần đến Hồng Kông, tôi cảm thấy đó là một cơ hội để nạp năng lượng cho mình. Ngoài việc học hai bài giảng Pháp với các học viên khác, tôi cũng tự mình đọc các bài giảng khác của Sư phụ. Tôi coi Hồng Kông là cơ hội để mình đề cao.

Xác định những suy nghĩ tiêu cực do các chấp trước của con người tạo thành

Trong hai đến ba năm qua, rất nhiều giấy phép xin nhập cảnh vào Hồng Kông của các học viên đã bị từ chối hoặc học viên bị trục xuất, bao gồm cả các thành viên trong nhóm. Tôi nhận thức rằng bức hại nhắm vào các đồng tu cũng là bức hại nhắm vào mình, vì mỗi người trong nhóm đều đang đảm nhận các vai trò được chỉ định riêng cho từng người. Sau khi làm việc cùng nhau trong thời gian dài, chúng tôi đã phối hợp rất tốt. Khi những học viên này đột nhiên không thể vào Hồng Kông, chúng tôi cần phải đảm nhận luôn vai trò của họ. May mắn thay, được Sư phụ bảo hộ và chăm sóc, chúng tôi đã hoàn thành điều này.

Khi không có đủ chính niệm, tôi cũng bị dao động bởi những lần bị trục xuất. Năm ngoái, tôi đã tham gia cả hai cuộc diễn hành ngày 25 tháng 4 và ngày 13 tháng 5 ở Hồng Kông. Vào ngày 16 tháng 4 năm 2019, tôi có vài suy nghĩ. Tôi phát chính niệm như thường lệ và đã có thể qua được cửa của hải quan cùng các học viên khác. Tâm tôi rất thanh tịnh nên tôi đã thông quan nhanh chóng.

Tuy nhiên ngày hôm đó và ngày hôm sau, một số học viên bị trục xuất về Đài Loan. Một số học viên dự tính sẽ tham gia cuộc diễn hành ngày 13 tháng 5 đã không được cấp phép nhập cảnh. Vì vậy, tôi có một số suy nghĩ mang chứa tình. Vào ngày 11 tháng 5 năm 2019, khi tôi đến Hồng Kông, một cảm giác sợ hãi mạnh mẽ không biết từ đâu đột nhiên bao trùm tôi. Tôi lo lắng liệu mình có thể qua được hải quan hay không.

Tôi nhớ lại lời nhắc nhở của một học viên rằng hãy ghi nhớ và niệm Pháp của Sư phụ, như bài “Phạ Xá?” trong Hồng Ngâm II và bài “Chính niệm” trong Tinh Tấn Yếu Chỉ III. Tôi cũng tiếp tục phát chính niệm.

Trong khi xếp hàng làm thủ tục hải quan, tôi thấy những người khác đang đứng xếp hàng đều rất vui vẻ. Tôi tự nghĩ mình cũng nên vui mừng vì tôi đang đi du lịch đến Hồng Kông để tham gia sự kiện kỷ niệm sinh nhật Sư tôn. Tôi chắc chắn mình có thể vào được Hồng Kông – sợ gì chứ? Tôi nên vui mừng mới phải!

Sau khi thay đổi suy nghĩ của mình, tôi liền lập tức cảm thấy thoải mái. Khi ấy có hai nhân viên hải quan bước đến và hướng dẫn tôi cùng con trai tôi ra hàng ngoài cùng. Cả hai người họ đều trông rất lịch sự và trẻ trung, và chúng tôi nhanh chóng làm xong thủ tục hải quan.

Trong quá trình này, tôi nhận ra rằng những chấp trước người thường của tôi đã nổi lên. Khi nhớ lại ngày hôm đó, tôi nhận ra rằng một phần của nỗi sợ hãi mà tôi gặp khi thông quan hải quan vào ngày 11 tháng 5 năm 2019 đến từ tâm chứng thực bản thân của mình. Tôi cảm thấy rằng chúng tôi là thành viên của đội công tác, vì vậy chúng tôi phải vào Hồng Kông. Tôi đã minh bạch rằng tâm hoảng loạn và sợ hãi thực sự là chấp trước của tôi.

Lời kết

Sau khi dự luật dẫn độ Hồng Kông bị cưỡng chế thi hành, chúng tôi không thể đến đó để giảng chân tướng nữa. Tôi cảm thấy may mắn vì đã tận dụng tốt những cơ hội mà mình đã có. Thật không may, tôi không còn có thể lấy lại sự tinh tấn mình từng có trước đây. Tôi cần phải suy nghĩ xem làm cách nào để tôi có thể lấy lại trạng thái tinh tấn mà tôi đã có ở Hồng Kông. Vẫn còn rất nhiều cơ hội cứu người, nhưng thời gian eo hẹp. Chúng tôi phải tận dụng tốt khoảng thời gian còn lại vì có rất nhiều chúng sinh chúng tôi cần cứu.

Tuy nhiên, vì tôi không học Pháp đủ, nên chính niệm của tôi cũng yếu. Mặc dù hiểu điểm này, nhưng tôi thấy rất khó để học Pháp đầy đủ. Khi ở Hồng Kông, nhờ học Pháp nhiều, trạng thái tu luyện của tôi đã được cải thiện và việc giảng chân tướng cũng có kết quả tốt.

Tôi tìm một số học viên để học Pháp vào mỗi cuối tuần. Sau buổi học, chúng tôi đã gọi điện thoại giảng chân tướng. Vào các ngày trong tuần, sau khi kết thúc phần việc gọi điện thoại và nghe các học viên khác chia sẻ kinh nghiệm của họ trên nền tảng của hạng mục, tôi tiếp tục học các bài giảng Pháp các nơi của Sư phụ trên nền tảng. Tôi đã làm như vậy liên tục trong vài tuần, và trạng thái tu luyện của tôi cũng đã cải thiện được một chút.

Bằng cách tăng thời lượng học Pháp, tôi đã loại bỏ tâm oán hận mà tôi đã ôm giữ trong nhiều năm. Tôi tiếp tục cố gắng loại bỏ chấp trước này, nhưng nó thật cứng đầu. Khi chính niệm của tôi không mạnh, nó nổi lên và quấy nhiễu tôi. Chỉ thông qua học Pháp nhiều hơn, tôi mới có thể buông bỏ nó.

Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ đoạn Pháp sau của Sư phụ để khích lệ mọi người:

“Các đệ tử Đại Pháp cần phải đi cho tốt con đường của bản thân mình, hoàn thành tốt ba việc; nhất định phải học Pháp tốt, đối đãi nghiêm chỉnh việc học Pháp. Những nơi nào đang thực thi thật tốt cứu độ chúng sinh và chứng thực Pháp, và có biến đổi lớn, nhất định là vì mọi người học Pháp tốt. Những đệ tử Đại Pháp nào có đề cao cá nhân nhanh chóng nhất định là vì coi trọng học Pháp.” (Gửi Pháp hội Úc [2006])

Nếu có bất kỳ chỗ nào chưa đúng với Pháp, tôi hy vọng các đồng tu có thể từ bi chỉ rõ.

Cảm xin cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu!

(Bài chia sẻ giao lưu tâm đắc thể hội tại Pháp hội Đài Loan năm 2020)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/9/416232.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/17/189956.html

Đăng ngày 06-03-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share