Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại London

[MINH HUỆ 29-04-2021] Ngày 25 tháng 4 năm 2021, các học viên Pháp Luân Đại Pháp từ London và các khu vực lân cận đã tập trung gần Đại sứ quán Trung Quốc tại London để tổ chức một cuộc mít-tinh ôn hòa nhân kỷ niệm cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 năm 1999, khi hơn 10.000 học viên đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tự do thực hành tín ngưỡng của họ.

Các học viên trưng bày các bảng thông tin và biểu diễn các bài công pháp. Cuộc mít-tinh khiến mọi người dừng bước và thu hút sự chú ý của những chiếc xe chạy qua.

04a144b627cc5e2e37b77e4c686ed843.jpg

1082bfb11bce1565496247cc8e2fd918.jpg

Các học viên ở Anh đã tổ chức mít-tinh ôn hòa gần Đại sứ quán Trung Quốc để kỷ niệm 22 năm cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ở Bắc Kinh.

Giáo sư Lưu Vĩ đại diện cho Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Anh nói trong bài phát biểu của mình, “Biểu hiện thiện lương, lý tính và ôn hòa của 10.000 học viên thể hiện trong cuộc thỉnh nguyện diễn ra 22 năm trước là minh chứng cho nội tâm trầm tĩnh và lòng can đảm trong việc bảo vệ lương tri. Sự kiện này đã mở ra một tiền lệ trong lịch sử Trung Quốc và đưa môn tu luyện này ra trường quốc tế, khiến nó trở thành tâm điểm chú ý trong cộng đồng thế giới.”

Giáo sư Lưu cho hay, khi các lệnh cấm về virus Trung Cộng (virus corona) được nới lỏng ở Anh, chính phủ đã nới lỏng các quy định về các cuộc tụ họp xã hội. Tuân thủ các quy định của địa phương, các học viên ở London đã nhanh chóng nối lại các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về cuộc bức hại đang diễn ra tại Khu phố Tàu, St. Martin’s Place và các điểm du lịch khác của London. Ông nói thêm rằng bên cạnh cuộc mít-tinh trước Đại sứ quán Trung Quốc tại London, các sự kiện tương tự đã được tổ chức ở các thành phố khác như Birmingham và Nottingham.

Các chính trị gia Vương quốc Anh ủng hộ việc chống lại các vi phạm nhân quyền

0c2ad22703615f951ff0edd2bbd68669.jpg

Ông Greg Hands, Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách Chính sách Thương mại của Vương quốc Anh bày tỏ sự ủng hộ đối với Pháp Luân Công.

Giáo sư Lưu cho biết, trước khi diễn ra các hoạt động kỷ niệm cuộc thỉnh nguyện ôn hòa, các học viên đã viết thư cho các nghị sỹ quốc hội trong khu vực bầu cử của họ về cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với môn tu luyện. Họ giải thích chi tiết về cuộc thỉnh nguyện ôn hòa vào năm 1999 trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc vừa trừng phạt chín công dân và bốn tổ chức của Anh vì chỉ trích các vi phạm nhân quyền của nó.

Một số nghị sỹ đã hồi đáp, bày tỏ sự tôn trọng đối với nhân quyền và ủng hộ tự do tín ngưỡng tôn giáo cũng như niềm tin cá nhân. Họ cũng chỉ trích những tội ác thu hoạch nội tạng mang tính hệ thống do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn nhắm vào các tù nhân lương tâm mà không có sự đồng ý của họ.

Ông Greg Hands, Bộ trưởng Ngoại giao về Chính sách Thương mại của Vương quốc Anh, đã viết trong thư hồi đáp cho bà Dunount thuộc khu vực bầu cử của ông như sau:

“Cảm ơn bà đã liên hệ với tôi về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

“Tôn trọng nhân quyền gồm tín ngưỡng tôn giáo hay niềm tin cá nhân là cơ sở của chính sách đối ngoại của Vương quốc Anh. Do đó, nước Anh vô cùng lo ngại khi cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công và các nhóm khác ở Trung Quốc vẫn tiếp diễn. Thật vậy, những lời chứng về những gì họ đã trải qua là cực kỳ đáng lo ngại. Tôi hoàn toàn đồng ý với lo lắng của bà.”

“Anh thường xuyên đề cập đến vấn đề nhân quyền với Trung Quốc, kể cả tình trạng ngược đãi các tín đồ tôn giáo và các nhóm thiểu số. Trong nhiều dịp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã nhiều lần nêu vấn đề này với người đồng cấp của Trung Quốc. Anh đã thường xuyên nêu lên quan ngại thông qua Liên Hợp Quốc và sẽ tiếp tục.”

“Các bộ trưởng trong Bộ Ngoại giao Anh (The Foreign, Commonwealth & Development Office, FCDO) đã xem xét kỹ lưỡng báo cáo điều tra của Tòa án Luận tội Trung Quốc do Liên minh Quốc tế Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép ở Trung Quốc (ETAC) tổ chức. Lập trường của Vương quốc Anh luôn là nếu đúng như vậy thì nạn thu hoạch nội tạng do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn sẽ cấu thành tội vi phạm nhân quyền nghiêm trọng một cách có hệ thống. Chúng tôi đã cử đại diện tham dự phiên điều trần công khai của ETAC và hội nghị tổng kết của tổ chức này, trong đó kết quả điều tra ban đầu đã được công bố. Anh sẽ coi báo cáo này là một trong nhiều nguồn thông tin để đánh giá vấn đề này.”

Người tham gia hồi tưởng lại cuộc thỉnh nguyện lịch sử

Tiến sỹ Dương, quản lý của một công ty nổi tiếng ở London, đã tham gia cuộc thỉnh nguyện cách đây 22 năm và chia sẻ về trải nghiệm khó quên.

Tiến sỹ Dương bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp sau khi nhận được cuốn Chuyển Pháp Luân vào năm 1994. Khi đó, ông còn là sinh viên đại học năm thứ nhất ở Thượng Hải. Ông chia sẻ, “Tôi đã đọc cuốn sách liền một mạch. Thật khó mà dùng lời để diễn tả tôi đã xúc động như thế nào khi đọc những lời giảng trong đó. Nhiều câu hỏi của tôi về cuộc sống đã được giải đáp. Tôi đã hiểu được mục đích của đời người.”

Khi cuộc thỉnh nguyện vào ngày 25 tháng 4 năm 1999 diễn ra, ông đang làm việc tại Bắc Kinh. Ông cảm thấy may mắn khi được tham dự và chứng kiến thời khắc lịch sử của 10.000 học viên thỉnh nguyện ôn hòa cho quyền tự do tu luyện.

22 năm đã trôi qua. Tiến sỹ Dương hiện có một gia đình và sự nghiệp ở Anh, có một cuộc sống hạnh phúc. Ông cho biết, “Dù bận rộn với công việc và gia đình đến đâu, tôi cũng cố gắng tham gia vào các hoạt động nâng cao nhận thức về sự tàn ác của ĐCSTQ. Trong xã hội ngày nay trắng đen đảo ngược, đạo đức xuống dốc đã mang đến tai họa cho không biết bao nhiêu người. Tôi hy vọng nhiều người có thể nhận ra điều này.”

Người mẹ nhiều lần bị bắt giữ vì đức tin hiện đã mất tích

Học viên Vu Minh Tuệ đã tham dự cuộc mít-tinh ngày hôm đó. Ở Trung Quốc, cha mẹ cô đã bị ĐCSTQ tra tấn dã man. Cha cô, ông Vu Tông Hải, là một nghệ sỹ. Mẹ cô, bà Vương My Hoằng, là một kỹ sư cao cấp. Họ đã bị bắt giữ nhiều lần vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Cha mẹ cô bị kết án 15 năm và 11 năm tù vào năm 2001 và 2003. Họ được trả tự do vào năm 2014 và 2016, cuối cùng đã được đoàn tụ vào năm 2016. Thế nhưng, khoảng thời gian yên bình không kéo dài được bao lâu. Ngày 23 tháng 10 năm 2020, mẹ cô lại bị đồn cảnh sát địa phương ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang bắt giữ. Đến nay, bà đã bị giam 6 tháng và gia đình không được biết tình trạng hiện tại của bà.

9a513d6e8c846e9bcc1d56cd5f717db8.jpg

Mẹ của cô Vu Minh Tuệ đã mất tích kể từ ngày 23 tháng 10 năm 2020.

Khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, cô Vu mới chỉ là một đứa trẻ 12 tuổi. Trong hơn một thập kỷ, từ tuổi niên thiếu đến trưởng thành, ĐCSTQ đã tàn nhẫn tước đi quyền được cha mẹ yêu thương của cô.

Cô nói với những người tham dự cuộc mít-tinh, “Tôi không biết khi nào mẹ tôi sẽ được thả. Tôi đến đây hôm nay để phản đối ĐCSTQ vì mẹ tôi không phạm tội khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Cha mẹ tôi hiện đã ngoài 60 tuổi. Họ đã bị bỏ tù 12 năm. Cuộc sống của chúng tôi vô cùng khó khăn. Hiện gia đình tôi không biết mẹ tôi như thế nào. Cảnh sát ở Trung Quốc rất tàn nhẫn. Họ đe dọa cha tôi không được tiết lộ số điện thoại của họ.”

Cô tiếp tục, “Tôi rất lo lắng. Tôi hy vọng họ có thể thả mẹ tôi ngay và trả lại tự do cho bà. Đừng sách nhiễu bà ấy nữa. Không có gì sai khi tin vào Chân – Thiện – Nhẫn.”

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/29/423985.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/5/1/192124.html

Đăng ngày 07-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share