[MINH HUỆ 27-04-2021] Ngày 24 tháng 4 năm 2021, các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Illinois đã tập trung một cách ôn hòa trước cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Chicago để kỷ niệm cuộc kháng nghị ôn hòa cách đây 22 năm. Họ cũng nói chuyện với những người qua đường về cuộc bức hại tàn bạo đã kéo dài hàng thập kỷ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Pháp Luân Công.
Vào ngày 25 tháng 4 năm 1999, hơn 10.000 học viên Pháp Luân Công đã tới Văn phòng Kháng cáo Quốc gia ở Bắc Kinh để yêu cầu trả tự do cho các học viên bị bắt giữ một cách phi pháp ở Thiên Tân. Sau đó Thủ tướng Chu Dung Cơ đã gặp mặt và nói chuyện với đại diện của các học viên và trả tự do cho các học viên bị giam giữ. Các học viên tập trung gần trụ sở Trung Nam Hải đã dọn dẹp sạch sẽ khu vực và lặng lẽ rời đi.
Sự kiện này đã được các phương tiện truyền thông phương Tây như BBC, Associated Press, và Thời báo New York (New York Times) ca ngợi một cách rộng rãi. Theo như những nội dung các bài báo đó viết thì, đây là một cuộc kháng nghị lớn nhất và ôn hòa nhất kể từ sau vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.
Các học viên giăng các biểu ngữ gần Lãnh sự quán Trung Quốc ở Chicago vào ngày 24 tháng 4 năm 2021
Luyện công tập thể
Hồi ức của các nhân chứng
Bà Chu Lỵ, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã tham gia vào cuộc tỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 nói rằng không khí của buổi thỉnh nguyện năm đó rất ôn hòa và lý trí. Các học viên không nói chuyện to cũng như không gây cản trở giao thông. “Chúng tôi không ‘bao vây’ Trung Nam Hải như những lời tuyên truyền của ĐCSTQ tuyên bố.” Bà Chu giải thích: “Chúng tôi chỉ thực hiện các quyền hợp pháp để yêu cầu trả tự do cho các học viên bị giam giữ một cách phi pháp. Trung tâm Kháng cáo nằm ở bên kia đường với trụ sở Trung Nam Hải.”
Bà Chu Lỵ kể lại sự tham gia vào cuộc thỉnh nguyện ôn hòa năm 1999 ở Bắc Kinh
Vì cuộc thỉnh nguyện năm đó đã được thủ tướng Chu Dung Cơ giải quyết êm đẹp, nên bà Chu nghĩ rằng chính phủ đã biết được rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt. Hai vợ chồng bà cũng như các học viên khác cũng đã tới các phòng kháng cáo ở địa phương nơi họ sinh sống để giảng rõ sự thật. Tuy nhiên, cuộc đàn áp tàn bạo đã nhanh chóng xảy ra. Chỉ trong vòng vài tuần, vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, lãnh đạo của ĐCSTQ lúc đó là Giang Trạch Dân đã tiến hành cuộc đàn áp và bắt giữ các học viên trên toàn quốc. Bà và chồng bà cũng bị bắt giữ.
Bà Trình Uyển Oánh, một người dân ở Bắc Kinh vào thời điểm đó cũng tham gia vào cuộc thỉnh nguyện cùng với các học viên. Khi bà đi tới đường Phủ Hữu, trụ sở Văn phòng Kháng cáo, bà thấy các học viên đã đứng xếp hàng dọc hai bên đường. Vài người đang đứng một cách lặng lẽ trong khi những người khác thì đang luyện các bài công pháp. Lúc đầu, các nhân viên cảnh sát rất lo lắng, nhưng khi thấy các học viên không hề có khẩu hiệu, không có biểu ngữ, thậm chí còn không nói chuyện một cách lớn tiếng, họ đã thấy bớt căng thẳng và bắt đầu vừa hút thuốc lá vừa tán chuyện gẫu với nhau.
Hầu hết những người ở Trung Quốc ngày đó đều biết đến Pháp Luân Đại Pháp. Khi chứng kiến một cuộc thỉnh nguyện ôn hòa, quy mô lớn như vậy, nhiều người đã rất ngạc nhiên. “Một thanh niên đi xe máy đã dừng lại và nói chuyện với chúng tôi. Cậu ấy nói rằng rất khó có thể tìm thấy một nhóm lớn những người ôn hòa như chúng tôi”, bà Chu giải thích, “Một người thân của tôi cũng muốn tu luyện. Thậm chí tới cả các cảnh sát cũng xúc động khi chứng kiến các học viên rất lặng lẽ và sau đó dọn dẹp sạch sẽ nơi đứng trước khi ra về.”
Tham gia luyện công
Khi phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, Giang Trạch Dân tuyên bố rằng ông ta sẽ xóa sổ môn tu luyện tinh thần này chỉ trong vòng ba tháng. Tuy nhiên, Pháp Luân Đại Pháp không chỉ đứng vững được trong cuộc bức hại tàn khốc này mà còn thu hút được nhiều người hơn nữa tham gia vào tu luyện trong những năm qua.
Học viên mới Molly Brinson
Vào khoảng tháng Ba, bà Molly Brinson, một chuyên gia về y tế sống ở Chicago đã gần 30 năm nhìn thấy một video có nội dung về Pháp Luân Đại Pháp. “Điều khiến cho tôi ngạc nhiên nhất là pháp môn này không chỉ cải thiện về sức khỏe mà còn khiến cho chúng ta trở thành những con người tốt hơn”, bà nói. Kết quả là vài tuần sau, bà đã tới khu phố người Hoa ở Chicago để học các bài công pháp.
Bà Brinson nói rằng trái tim bà như tan vỡ khi biết được về những gì mà các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc phải chịu đựng để giữ vững đức tin của mình: “Sự kiên trì của họ cho thấy sự trân quý của nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, một nguyên lý mà các học viên đôi khi phải đánh đổi cả mạng sống của mình để gìn giữ.” Bà nói và điều đó khiến bà cảm thấy rằng Pháp Luân Đại Pháp chính là điều mà bà đã đi tìm kiếm suốt cả đời mình. “Cuộc sống của chúng ta đôi khi có những cung bậc thăng trầm, nhưng những điều đó đã hướng dẫn cho chúng ta trở thành những người tốt hơn – và bạn có thể tìm được những điều đó trong Pháp Luân Đại Pháp”, bà giải thích.
Sự ủng hộ của những người qua đường
Các học viên đã trưng bày những biểu ngữ có thông điệp “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và “Chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công”. Họ cũng phân phát những tờ rơi thông tin cho những người qua đường. Nhiều người đã dừng lại để tìm hiểu thêm thông tin, vài lái xe đi ngang qua đã bấm còi để biểu thị sự ủng hộ trước những nỗ lực của các học viên.
Ông JD Johns, một người dân ở Chicago nói rằng ông thích chụp ảnh và đã chụp nhiều ảnh về những hoạt động của các học viên và chia sẻ chúng với bạn bè mình. Ông nói những gì mà các học viên đang làm là phù hợp với tinh thần của nước Mỹ, theo đuổi tự do và độc lập. Xuất thân trong một gia đình bảo thủ, ông tin rằng mọi người phải được quyền tự do tín ngưỡng. Ông cảm ơn các học viên vì những nỗ lực của họ và ủng hộ họ trong việc phơi bày những tội ác của ĐCSTQ.
Matt và Michelle Kamer
Đây là lần đầu tiên Matt và Michelle Kamer nghe nói về Pháp Luân Đại Pháp. Malt nói rằng anh thích thiền nhưng không thể hình dung được làm sao mà các học viên có thể giữ được sự điềm tĩnh, an hòa ở một trung tâm thành phố ồn ào và đông đúc như Chicago. “Điều này thật tuyệt vời”, anh nói.
Cả Ryan Lehman và Kim Berryman đã ký vào đơn thỉnh nguyện kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại ở Trung Quốc. “Cuộc đàn áp thật khủng khiếp và chúng tôi hy vọng nó sẽ sớm chấm dứt”, Ryan nói.
Mauricio Ramirez làm việc trong một nhà hàng gần đó. “Suốt tám năm qua, tôi đã chứng kiến cách những học viên này phản đối cuộc đàn áp tàn bạo ở Trung Quốc thông qua những biện pháp hòa bình và bền bỉ như thế”, ông nói: “Xã hội chúng ta cần những con người như họ”.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/4/27/423897.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/29/192092p.html
Đăng ngày 02-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.