Bài viết của một học viên Pháp Luân Công ở New Zealand

[MINH HUỆ 24-04-2020] Đã 21 năm kể từ khi 10.000 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc Thỉnh nguyện ôn hòa trước Văn phòng Kháng cáo Quốc gia ở Bắc Kinh ngày 25 tháng 4 năm 1999. Trước đó hai ngày, ở Thiên Tân, họ đã yêu cầu chính phủ thả 45 học viên bị bắt giữ. Họ cũng yêu cầu chính phủ bảo vệ quyền cơ bản được thực hành tín ngưỡng của mình. Cuộc thỉnh nguyện này đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế và được coi là cuộc thỉnh nguyện ôn hòa và lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Bài viết này là lời tường thuật của một học viên về vụ bắt giữ ở Viện Giáo dục Thiên Tân (nay là Trường Đại học Sư phạm Thiên Tân), sự kiện đã dẫn đến cuộc kháng nghị lớn ở Bắc Kinh. Cô cho biết cô rất ấn tượng trước sự thiện lương, dung nhẫn của các học viên, nó trái ngược hẳn với sự thô bạo của cảnh sát Thiên Tân.

Dưới đây là lời kể của cô về những gì đã xảy ra dẫn đến sự kiện ngày 25 tháng 4.

Nhà khoa học có mối quan hệ mật thiết với một quan chức cấp cao của ĐCSTQ vu khống Pháp Luân Công

Ngày 11 tháng 4 năm 1999, nhà vật lý học Hà Tộ Hưu công bố bài báo có tựa đề “Tôi không ủng hộ việc thanh thiếu niên luyện tập khí công” đăng trong một tạp chí do Viện Giáo dục Thiên Tân xuất bản. Ông ta là một nhà phê bình khí công và là người họ hàng của La Cán, người đứng đầu Ủy ban Chính trị và Pháp luật, một cơ quan có quyền cao hơn pháp luật, chuyên trách giám sát ngành tư pháp và an ninh quốc gia. Trong bài báo này, ông ta đã vu khống Pháp Luân Công và nhà sáng lập pháp môn. Ông còn tuyên bố Pháp Luân Công có thể gây bệnh tâm thần.

Các học viên ở Thiên Tân quyết định phải làm sáng tỏ sự thật về Pháp Luân Công cho các nhà chức trách địa phương. Họ đã viết thư gửi tới các quan chức kể những câu chuyện của chính mình về việc pháp môn này đã giúp họ cải thiện sức khỏe toàn diện như thế nào. Từ ngày 18 đến 24 tháng 4 năm 1999, ngày nào các học viên cũng tập trung tại khuôn viên của Viện Giáo dục Thiên Tân, kêu gọi các biên tập viên cải chính lại những tuyên bố sai về Pháp Luân Công trong bài báo của Hà Tộ Hưu.

Hành vi tự phát mà có kỷ luật

Tại thời điểm đó, tôi mới học Pháp Luân Công được có một năm. Dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn như vậy, nhưng cuộc sống của tôi đã có những thay đổi rất lớn, bệnh tim và xơ gan của tôi đã biến mất, và tôi sống tích cực hơn nhiều. Tôi không muốn ngồi yên, để mặc cho người dân hiểu sai về pháp môn đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi đã cùng các học viên đến Viện Giáo dục Thiên Tân.

Sáng ngày 21 tháng 4 năm 1999, tôi đã đến đó. Tôi thấy các học viên đang ngồi trật tự ngoài hành lang và quanh các góc trong khuôn viên viện. Họ không chắn lối đi lại của mọi người và không gây ảnh hưởng tới các lớp học. Họ lặng lẽ chờ đợi các biên tập viên của tạp chí ra gặp họ.

Các học viên cũng giảm thiểu việc ăn uống để tránh dùng nhà vệ sinh. Lúc thực sự cần phải đi, họ chỉ sử dụng những nhà vệ sinh bên ngoài khuôn viên của viện. Thỉnh thoảng lại có một học viên đi thu gom rác của mọi người đem đi nơi khác. Khuôn viên luôn giữ được sự trật tự, sạch sẽ, dù có đến hàng nghìn học viên ở đó cả ngày.

Cư dân cùng chủ doanh nghiệp gần đó đã tới để xem chuyện gì đang xảy ra. Sau khi nói chuyện với các học viên, nhiều người trong số họ đã rất ấn tượng: “Thật đáng kinh ngạc, nhiều người ở đây thế này mà không có lấy một tiếng ồn. Các bạn thật kỷ luật.”

Dấu hiệu đáng lo ngại

Ngày 22 tháng 4 năm 1999, trời bắt đầu mưa. Hôm đó, tôi phát hiện thấy có một chiếc camera giấu sau tấm rèm của một lớp học, luôn chĩa ống kính về phía các học viên. Theo Hác Phượng Quân, một cảnh sát của Cục Cảnh sát Thiên Tân – sau này đã trốn sang Úc, thì có nhiều camera đặt ở các tòa nhà gần kề xung quanh viện và ghi hình được hơn 5.000 học viên có mặt ở đó ngày hôm ấy.

Những người ở phòng biên tập ban đầu đã thừa nhận những lỗi sai trong bài báo đó và hứa sẽ đính chính lại sau khi trao đổi với các học viên. Tuy nhiên, ngay hôm sau, ngày 23 tháng 4, một cảnh sát mặc thường phục tiết lộ rằng bài báo sẽ không được sửa theo lệnh của cấp tối cao.

Chiều cùng ngày, các nhà chức trách nói qua loa phóng thanh trong khuôn viên của viện yêu cầu các học viên hãy rời đi với lời buộc tội chúng tôi đã làm ảnh hưởng tới các lớp học. Họ đe dọa rằng nếu còn định ở lại thì chúng tôi sẽ gặp hậu quả.

Cảnh tượng khích lệ thù thắng cho các học viên

Chúng tôi đã không dao động khi nghe lời cảnh báo đó. Chúng tôi biết mình không gây ảnh hưởng gì tới các lớp học cả, mà xem ra các nhà chức trách của viện đã chịu áp lực khi nói vậy.

Khi một số học viên đang nghĩ cách làm sao để giảng chân tướng tốt hơn cho các cán bộ của viện cũng như các biên tập viên của tờ tạp chí đó, thì mấy học viên thốt lên: “Xem kìa, Pháp Luân trên kia kìa!”

Tôi ngước đầu lên và thấy mặt trời biến thành một Pháp Luân lớn, xoay chuyển xuôi, xoay chuyển ngược chiều kim đồng hồ, nhìn thấy rõ cả biểu tượng chữ Vạn ở giữa. Tôi nhìn xuống thì phát hiện ra có vô số Pháp Luân với đủ kích cỡ, sắc màu trên không trung, trên mặt đất, trên tường và cả trên thân người các học viên. Tôi bật khóc. Các học viên xung quanh tôi đã lặng lẽ cùng chắp tay hợp thập trước ngực. Khoảnh khắc thiêng liêng này kéo dài tầm nửa giờ đồng hồ.

Một nhân viên chạy ra khuôn viên và hô lên với các nhân viên khác: “Nhiều Pháp Luân ở đây quá!” Một nhân viên khác thì thầm: “Thật tuyệt, nó là có thật.” Mọi người bắt đầu trò chuyện một cách hào hứng và một người đã hô lên khi chỉ tay vào một Pháp Luân: “Nhanh! Nhìn kìa, màu đỏ, màu xanh da trời, cả màu xanh nước biển nữa!”

Cuộc chiến giữa Chính và Tà

Tối hôm đó, lúc tôi đang trên đường đi ăn tối, hàng trăm cảnh sát chống bạo động đã tới phủ kín tuyến phố trước viện, cùng với đó là xe cảnh sát và xe buýt. Tôi mau chóng quay trở lại, trong lòng ngập tràn sự bực tức và âu lo. Thật buồn khi thấy cảnh sát, vốn có nhiệm vụ “bảo vệ và phục vụ” nhân dân, lại chĩa vũ khí vào chúng tôi.

Nhưng tôi không hề sợ hãi. Tôi đã gặp được Pháp Luân Công sau bao năm tìm kiếm, tôi đã xác định dù xảy ra tình huống nào, tôi cũng sẽ kiên định và đặt trọn niềm tin vào pháp môn.

Khi màn đêm buông xuống, cảnh sát xông vào khuôn viên viện, ve vẩy những chiếc dùi cui và đe dọa sẽ bắt giữ các học viên vì đã “gây mất trật tự công cộng”.

Chúng tôi đã bắt đầu nhẩm Pháp. Bắt đầu từ một vài người, sau đó là tất cả mọi người có mặt ở đó. Chân lý bất biến của những lời giảng đã tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh và sự can đảm để tiếp tục.

Cảnh sát bắt đầu xô đẩy và hành hung những học viên không tuân thủ. Một học viên cao niên trong lúc bị xô đẩy và đánh đập đã nói với cảnh sát rằng: “Xin hãy dừng việc các anh đang làm lại. Nếu không có Pháp Luân Công, chắc tôi đã chết vì bệnh tim rồi…” Giọng của bà yếu dần cho tới khi bất tỉnh.

Bốn cảnh sát lôi một học viên cao niên nữa đi. Áo quần của bà bị cuộn lên, tấm lưng trần cọ trên mặt đất khi bị cảnh sát lôi ra ngoài và quẳng xuống đường.

“Các anh không được đánh đứa bé, nó còn quá nhỏ”, một học viên trẻ nói với một cảnh sát sau khi thấy anh ta đánh một bé gái. Học viên này còn chưa nói dứt, viên cảnh sát này đã đập đầu anh vào góc tường. Máu tuôn chảy trên đầu anh và anh đã bị ném vào một chiếc xe buýt.

Vô số cảnh tượng tàn bạo đã xảy ra ngay trước mắt tôi: một cảnh sát túm tóc một phụ nữ và giẫm lên chân cô; một cảnh sát khác liên tục đá vào một học viên đang nằm trên mặt đất; một học viên nữ bị ngã nhào sau khi bị một cảnh sát dùng chiếc loa cầm tay thúc vào ngực. Sự tàn bạo của cảnh sát đã vượt xa tầm kiểm soát trước mắt tôi. Các học viên lần lượt bị kéo lên những chiếc xe buýt của cảnh sát.

Tổng cộng đã có 45 học viên bị bắt giữ đêm hôm đó. Vậy mà, sau đó, cảnh sát trưởng Thiên Tân lại tuyên bố trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) rằng các cảnh sát không tấn công hay bắt giữ ai cả.

Chính quyền dàn hàng cho các học viên

Sau khi bị buộc phải rời khỏi Viện, chúng tôi đã tới tòa thị chính của thành phố yêu cầu thả các học viên bị bắt giữ. Chúng tôi người đứng, người ngồi trật tự trước tòa nhà của chính quyền thành phố. Đã quá nửa đêm, nhưng chúng tôi vẫn kiên nhẫn chờ đợi – chúng tôi biết một số cảnh sát vẫn còn ở bên trong và theo dõi chúng tôi.

Một người đàn ông bước ra và cảnh báo chúng tôi hãy rời đi. Một học viên đáp lời: “Hãy thả những người các anh bắt ra. Nếu không, chúng tôi sẽ ở đây đến sáng. Chúng tôi muốn công lý.” Sau một hồi nghĩ ngợi, người đàn ông này đã cho vài học viên vào bên trong. Lúc ấy, ông ta bảo các học viên rằng nếu không được Bắc Kinh cho phép, các học viên sẽ không được thả ra.

Ông ta nói: “Hãy đến Bắc Kinh đi. Chỉ đến đó mới giải quyết được vấn đề của các vị.”

thỉnh nguyện ôn hòa

Những lời đó nói ra, liền có hơn 10.000 học viên ở Bắc Kinh và các khu vực lân cận đã xuất hiện trước Văn phòng Kháng cáo Quốc gia ở Bắc Kinh vào ngày 25 tháng 4. Năm học viên đại diện được vào trong văn phòng và đưa ra ba yêu cầu: Thả các học viên bị bắt giữ ở Thiên Tân, đảm bảo môi trường pháp lý cho các học viên tu luyện, và dỡ bỏ lệnh cấm phát hành sách của Pháp Luân Công.

Thủ tướng bấy giờ là Chu Dung Cơ nhắc lại rằng chính phủ sẽ không can thiệp vào việc luyện khí công ở nơi công cộng và ra lệnh cho cảnh sát Thiên Tân thả các học viên ra. Tối cùng ngày, cảnh sát Thiên Tân đã thả các học viên ra. Rất nhanh chóng, các học viên bên ngoài Văn phòng Kháng cáo đã lặng lẹ rời đi một cách hết sức trật tự. Trên mặt đất không có lấy một cọng rác. Các học viên thậm chí còn dọn sạch đầu mẩu thuốc lá của các cảnh sát bỏ lại.

Từ Viện Giáo dục Thiên Tân cho tới Văn phòng Kháng cáo Quốc gia ở Bắc Kinh, các học viên đã thể hiện tinh thần cao thượng và thái độ khoan dung của mình khi đối mặt với chế độ tà ác.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/4/24/404283.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/4/30/184260.html

Đăng ngày 05-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share