Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 25-03-2021] Ông Dương Thành Sơn, 65 tuổi, một cựu nhân viên của Cơ quan Tài nguyên Nước ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, đã từng trải qua thời kỳ “Cách mạng Văn hóa” ở tuổi thiếu niên. Ông lao vào theo đuổi sở thích cá nhân và danh vọng, nhưng ông cảm thấy mình không biết mục đích thực sự của kiếp nhân sinh. Nhiều năm làm việc vất vả và sự thất vọng đã ảnh hưởng tới sức khỏe của ông. Ông rất yếu và luôn cảm thấy mệt mỏi.
Vào những năm 1990, khi ông Dương biết đến Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa, ông cảm thấy những bài giảng Pháp Luân Công đã giúp ông mở rộng tấm lòng và có cái nhìn mới về mọi thứ. Ông đã thôi truy cầu mạnh mẽ lợi ích cá nhân và học được cách chấp nhận thất bại để cuộc sống dễ dàng hơn. Thông qua việc luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công, sức khỏe của ông hồi phục nhanh chóng. Ông cảm thấy mình đã có một cuộc sống mới.
Thế nhưng, mọi thứ đã bị xáo trộn khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đột ngột phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999. Bởi lên tiếng cho đức tin của mình mà ông Dương đã bị kết án 12 năm tù sau khi bị bắt giữ vào năm 2006. Ông không ngừng bị đánh đập, tra tấn và làm nhục. Ông bị thương khắp toàn thân và từng bị mất thị lực sau khi bị đánh vào mắt.
Mặc dù ông không bị mất mạng do bị tra tấn, nhưng nỗi đau 12 năm xa cách cha mẹ già và con gái vẫn luôn đè nặng trong tâm.
Bắt giữ và kết án
Ngày 18 tháng 8 năm 2006, khi ông Dương (lúc đó 50 tuổi) vừa ra khỏi căn hộ đi thuê của mình liền bị ba cảnh sát chặn đường lại. Một trong số ba người họ là Dương Chí Trung đã nói rằng họ muốn xem nhà của ông. Không suy nghĩ nhiều, ông Dương đồng ý và để cảnh sát vào trong.
Sau khi nhìn thấy một bức chân dung của Nhà sáng lập Pháp Luân Công ở trong phòng, cảnh sát đã bắt giữ ông Dương và vợ của ông là bà Đỗ Tú Cầm mà không xuất trình giấy tờ tùy thân hay lệnh bắt. Cảnh sát còn lục soát nơi ở và tịch thu tài liệu Pháp Luân Công, máy tính, tất cả tiền mặt, phiếu tiền gửi ngân hàng và đồ trang sức có giá trị của vợ chồng ông.
Ông Dương nghe thấy cảnh sát gọi điện cho Phòng 610, một cơ quan nằm ngoài vòng pháp luật được lập ra chuyên để bức hại Pháp Luân Công, báo cáo rằng họ đã bắt giữ “một thành viên Pháp Luân Công chủ chốt”. Ông và vợ bị đưa tới Đồn Công an Hà Đông và sau đó bị chuyển tới Trại tạm giam Số 1 Quận A Thành.
Vào tháng 9 năm 2006, bà Đỗ bị kết án lao động cưỡng bức (chưa rõ thời hạn) tại Trại lao động Cưỡng Bức Vạn Gia và ông Dương bị Tòa án Quận A Thành kết án 12 năm tù vào tháng 3 năm 2007.
Tra tấn trong Nhà tù Hô Lan
Ban đầu ông Dương bị đưa tới khu tập huấn tăng cường tại Nhà tù Hô Lan vào ngày 4 tháng 4 năm 2007. Bởi ông từ chối viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công sau khi tới đó, lính canh đã xúi giục tù nhân tra tấn ông. Ông bị thương ở chân và gặp khó khăn trong việc đi lại trong hai tuần.
Tra tấn trong Nhà tù Đại Khánh
Ngày 31 tháng 5 năm 2007, ông Dương bị chuyển tới Khu giam Số 5 ở Nhà tù Đại Khánh và bị giam giữ 11 năm ở đó. Bởi kiên định đức tin của mình, ông đã liên tục bị đánh đập và tra tấn.
Vào tối ngày 18 tháng 8 năm 2007, vì không tham gia điểm danh nên ông đã bị lính canh đánh đập. Ông bị thương ở mắt và mất thị lực trong một thời gian dài. Ông còn bị tức ngực kéo dài.
Từ năm 2008 tới tháng 10 năm 2009, ông thường bì bỏ đói vì không mặc quần áo tù.
Ngày 1 tháng 6 năm 2010, khi ông từ chối lao động không lương, lính canh và tù nhân đã nhốt ông vào một cái lồng sắt nhỏ hơn một mét khối. Ông bị đá vào cổ và nó khiến ông gần như mất khả năng vận động. Ông vẫn không thể giữ thẳng cổ hoàn toàn trong suốt một năm.
https://www.minghui.org/mh/article_images/2011-4-13-minghui-jinanevils.jpg
Vẽ minh họa phương thực tra tấn: Nhốt trong lồng sắt
Ngày 2 tháng 6 năm 2010, phó trưởng khu giam Dư Trường Giang đánh đập và đá ông một lần nữa.
Trong một cuộc kiểm tra toàn nhà tù của Phòng 610 Hắc Long Giang vào ngày 13 tháng 1 năm 2011, lính canh tại Nhà tù Đại Khánh đã in 20 biểu ngữ phỉ báng Pháp Luân Công. Họ ra lệnh cho ông Dương đọc những biểu ngữ đó trước các đặc vụ Phòng 610, nhưng ông từ chối hợp tác.
Lính canh rất tức giận. Họ đưa ông Dương vào phòng thẩm vấn, đóng rèm cửa và lột trần ông. Họ đá ông, đấm vào mặt và người ông. Hoắc Vĩ Đông, trưởng khu giam giữ đã sử dụng khúc gỗ dày để đánh đập ông. Mũi của ông bị chảy máu và răng thì bị lung lay và một chiếc răng đã bị rụng ngay sau đó.
Vào ngày 19 tháng 10 năm 2012, phó khu giam giữ họ Dư đã triệu tập ông Dương tới phòng thẩm vấn và yêu cầu ông báo cáo danh tính khi bước vào phòng của ông ta theo quy định dành cho tù nhân. Ông Vương trả lời: “Tôi không phải là tù nhân. Tôi sẽ không báo cáo.”
Dư tháo thắt lưng da ở trên tường và quất ông Dương. Anh ta còn dùng dùi cui để đánh vào đầu ông Dương. Sau khi ông Dương ngã khụy xuống sàn nhà, Dư đá vào xương sườn của ông. Việc đánh đập khiến ông Dương bị đau đầu trong hai tuần, đau xương sườn và khó thở hơn một tháng.
Vào ngày 24 tháng 3 năm 2014, sáu học viên Pháp Luân Công gồm ông Dương, ông Phó Văn Xương, ông Vương Kim Ngọc, ông Trương Bảo Thắng, ông Vương Khôn và ông Trương Hưng Quốc đã từ chối lao động không công (may quần áo).
Một lính canh tên Trương Chí Kiệt đã hỏi các học viên tại sao không làm việc, cả ông Phó và ông Dương đều trả lời: “Chúng tôi không phạm tội. Chúng tôi không thể làm việc đó.”
Trương rất tức giận và đẩy ông Dương sang một bên và ra tay tàn nhẫn với ông. Mắt trái của ông sưng lên và chảy máu, đầu ông choáng váng. Ông nói: “Anh có biết anh đang phạm pháp khi đánh tôi không?” Đáp lại, Trương còn đánh đập ông tàn bạo hơn. Những học viên khác cố gắng ngăn cản Trương, nhưng rất lâu sau đó anh ta mới dừng lại.
Một lính canh khác là Lục Tương Vũ đã ra lệnh cho các tù nhân lột quần áo của sáu học viên và đốt chúng. Sau đó họ để mặc các học viên đứng khỏa thân hòng làm nhục họ và khiến họ lạnh cóng. Các học viên vẫn từ chối lao động cho nhà tù. Lính canh đã bỏ đói họ một đêm.
Cuối cùng, vào ngày 16 tháng 8 năm 2018, ông Dương đã được trả tự do, những cả tâm và thân ông đều bị đã tổn thương nghiêm trọng
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/3/25/422520.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/27/191596.html
Đăng ngày 18-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.