Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc
[MINH HUỆ 11-12-2020] Ông Trần Canh, một giáo viên ở huyện Bình Đàm, tỉnh Phúc Kiến, đã bị bắt trên đường đi làm vào ngày 26 tháng 2 năm 2020. Ông đã bị bí mật kết án tù 3 năm 3 tháng và bị chuyển đến trại tù Phúc Thanh vào ngày 19 tháng 11 sau khi đơn kháng án của ông bị bác bỏ.
Ông Trần bị buộc tội gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và phá hoại việc thực thi pháp luật vì đăng trên mạng xã hội thông tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, một môn tu luyện bị chính quyền cộng sản Trung Quốc đàn áp từ năm 1999.
Ông Trần Canh
Từ khi ông bị bắt, vợ và con gái ông đã bị mất ngủ, lo lắng trước tình hình hiện tại của ông. Cảnh sát cũng đã sách nhiễu gia đình ông nhiều lần và cố gắng thu thập thêm thông tin làm bằng chứng để buộc tội ông, nhưng đã bị người nhà ông từ chối.
Mẹ ông Trần 78 tuổi và bố ông 88 tuổi đã đi hàng ngàn dặm đến các sở cảnh sát và cơ quan chính quyền khác để khiếu nại, đồng thời đề nghị công an phải trả tự do cho ông nhưng cũng không có tác dụng. Trại giam địa phương cũng lợi dịch việc đại dịch Covid-19 hoành hành làm cái cớ để chặn việc gia đình ông đến hoặc thậm chí là chặn cả thư mà gia đình ông gửi đến cho họ. Các cơ quan chính quyền cũng không cho gia đình ông biết thông tin về việc xét xử ông và tình trạng hiện thời của ông.
Cảnh sát mới đây đã đe dọa mẹ của ông Trần, cũng là một học viên Pháp Luân Công, rằng: “Bà không thể gặp con bà nếu bà tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công”.
Có được một cuộc đời mới sau khi tu luyện Pháp Luân Công
Hồi nhỏ, ông Trần là một đứa trẻ ít nói nhưng rất có ý thức. Ông rất trung thực và học tốt ở trường, ông luôn bị bắt nạt nhưng ông không bao giờ đánh lại, mà chỉ giữ im lặng. Tính cách của ông trở nên hướng nội và không muốn nói chuyện với người khác. Ông không biết cần phải sống thế nào và cảm thấy bất lực.
Sau khi ông Trần bắt đầu tập Pháp Luân Công, ông đã trở thành một người vui vẻ, lạc quan và khỏe mạnh. Ông sống theo Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn của Đại Pháp, ông rất tốt bụng và thân thiện. Pháp Luân Công đã cho ông Trần một cuộc đời mới.
Ông Trần thường giúp đỡ hàng xóm sửa chữa đồ điện hỏng, ông tự dùng tiền của mình để mua các phụ tùng thay thế và không bao giờ lấy tiền của họ. Có lần có một ngôi nhà bị cháy, ông Trần đã nhảy qua cửa sổ để dập tắt lửa. Sau đó, mọi người muốn đưa ông tiền và hiện vật để cảm ơn ông nhưng ông chỉ cười và từ chối nhận bất cứ thứ gì. Những người quen biết ông đều rất tôn trọng ông.
Ông Trần đã dạy học trong hơn 30 năm, hơn nữa ông còn có tài viết thư pháp. Tác phẩm của ông đã nhiều lần được treo trưng bày tại các triển lãm thư pháp địa phương.
Bản thư pháp của ông Trần
Nhiều lần bị bắt, kết án và tra tấn trong tù
Sau khi chính quyền Trung Quốc phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, ông Trần đã đi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện yêu cầu chính phủ ngừng việc bức hại và trả lại thanh danh cho Sư phụ Lý (người sáng lập môn tu luyện Pháp Luân Công), nhưng ông đã bị bắt giam trong nhiều tháng. Một giáo viên khác cũng là học viên đã đi cùng ông là ông Tiêu Dưỡng Long sau đó đã bị tra tấn đến chết trong đồn cảnh sát ở tuổi 32.
Một số giáo viên khác ở cùng trường nơi ông Trần dạy học đã khiếu nại đòi trả tự do cho ông vì họ biết rằng Pháp Luân Công đang bị vu khống và bị oan. Ngay cả đội trưởng của Đội An ninh nội địa của Sở Cảnh sát địa phương cũng thừa nhận rằng ông Trần là một người tốt nhưng họ vẫn phải bắt ông để giữ vị trí công việc của họ.
Sau vài tháng bị giam giữ, ông Trần đã được trả tự do. Một vài ngày sau đó ông đã xin thôi việc và kiên quyết đến Bắc Kinh một lần nữa để thỉnh nguyện. Giám đốc Sở giáo dục đã cố gắng thuyết phục ông đừng đi nhưng ông Trần nói rằng ông đã quyết định rồi, ông phải bước ra để nói cho thế giới biết chân tướng về Đại Pháp. Sau đó, người giám đốc đành chịu và nói: “Nếu anh kiên quyết đi thì đi thôi. Nhưng sau khi anh trở lại, anh vẫn phải tiếp tục dạy học. Anh là một người có tài năng và chúng tôi không thể để mất anh được”.
Tuy nhiên lần đi thỉnh nguyện này, ông Trần lại bị bắt và bị kết án tù không rõ thời hạn.
Trong khi bị giam giữ phi pháp, ông đã bị tra tấn tàn bạo. Ông bị sốc điện bằng dùi cui điện, dòng điện mạnh đến mức thân thể ông bị co giật không kiểm soát được. Thân thể ông cũng bị thâm tím khắp mình do bị đánh đập. Nhưng bất kể là ông bị đánh và chửi như thế nào, ông vẫn bình tĩnh và im lặng. Đức tin của ông vào Pháp Luân Công không bao giờ dao động. Đôi khi, ngay cả những người tra tấn ông cũng không thể tiếp tục được nữa và bật khóc trước sự kiên định của ông Trần.
Có lần ông Trần đã trốn thoát nhưng sau đó ông lại bị bắt khi đi phát tư liệu chân tướng về Pháp Luân Công ở nơi công cộng và bị đưa trở lại trại tù. Biết rằng ông đang bị bức hại, nhiều tù nhân đã đối xử tốt với ông. Họ đưa cho ông quần áo của họ và cắt tóc cho ông. Ông Trần cuối cùng đã được trả tự do sau khi ông tuyệt thực để phản đối.
Thiệt hại về tài chính do bị bức hại
Ông Trần từng dạy ở một trường trung học phổ thông có tiếng, nhưng do sức ép từ chính quyền, ban lãnh đạo nhà trường đã buộc phải giáng ông xuống dạy ở một trường tiểu học. Lương của ông cũng bị giảm. Sau lần bị bắt gần đây, ông đã không thể tiếp tục công việc dạy học của mình.
Ông Trần có một cô con gái đang ở độ tuổi đến trường, cùng người bố 88 tuổi và người mẹ 78 tuổi cần ông nuôi dưỡng. Công việc dạy học của ông là nguồn thu nhập duy nhất và gia đình của ông hiện đang rất khó khăn về mặt tài chính.
Trong nhiều năm qua, ông Trần đã bị cảnh sát nhắm vào vì ông đăng những nội dung phê phán cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên những trang web ở nước ngoài và vì ông đã tải phần mềm vượt tường lửa kiểm duyệt Internet lên WeChat nên ông đã nhiều lần bị đe dọa và sách nhiễu.
Cảnh sát đã lục soát nhà ông Trần một cách bất hợp pháp nhiều lần từ năm 1999. Họ đã tịch thu các cuốn sách Pháp Luân Công, máy tính, máy in và điện thoại di động, v.v. của ông với tổng trị giá hơn 200.000 nhân dân tệ. Có lần cảnh sát đã tống tiền 7.000 tệ của gia đình ông để đổi lấy việc ông Trần được bảo lãnh tại ngoại. Khi ông Trần bị tra tấn và phải nhập viện trong khi bị cảnh sát giam giữ, gia đình ông cũng bị bắt phải chi trả những khoản chi phí y tế cho ông. Một lần khác, cảnh sát đã tống tiền gia đình ông 20.000 tệ.
Trong một lần lục soát nhà ông Trần một cách bất hợp pháp, cảnh sát đã làm vỡ một cái quạt nhưng từ chối không bồi thường cho ông. Một lần khác, khi ông Trần bị bắt giam, cảnh sát đã cố kiểm tra những thông tin được lưu trên điện thoại di động của ông. Lo ngại rằng những thông tin trong điện thoại của mình sẽ dẫn cảnh sát đến những học viên khác và khiến cho họ bị liên lụy, ông Trần đã đập vỡ chiếc điện thoại đó để bảo toàn thông tin cho các học viên khác.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/11/416332.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/21/190017.html
Đăng ngày 09-02-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.