Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục
[MINH HUỆ 22-09-2020] Tôi là đệ tử Đại Pháp bắt đầu tu luyện vào năm 2017, tôi muốn nhân dịp Pháp hội lần này để chia sẻ một chút về việc tu luyện bản thân trong công tác và bước từng bước đi cho chân chính. Hơn cả, Sư phụ đã trợ giúp tôi hóa giải những khúc mắc khó giải quyết như thế nào trong quá trình tu luyện của tôi.
Suy nghĩ cho người khác trước, từ “gây khó dễ” trở thành “ủng hộ”
Tôi làm công việc giáo viên vừa vặn đã gần hai năm, trong công việc, tôi không sử dụng Wechat mà các công việc chủ yếu của nhà trường lại đều thông báo thông qua Wechat. Nhờ có sự an bài tỉ mỉ của Sư phụ nên tôi đã có thể nhận được các thông báo của nhà trường từ bạn bè, đồng nghiệp khi họ ngẫu nhiên nói chuyện phiếm hoặc là bằng các loại phương thức khác nhau. Nhờ vậy, dù tôi không sử dụng Wechat nhưng cũng không hề ảnh hưởng đến công tác của mình. Nhưng sau khi dịch bệnh bùng phát, tất cả giáo viên đều phải làm việc ở nhà khiến tôi không có điều kiện làm việc với các đồng nghiệp. Vậy nên tôi đã không có cách nào để biết được các thông báo của nhà trường từ đồng nghiệp như trước nữa.
Giáo viên chủ nhiệm khối biết tôi không dùng Wechat nên mỗi lần có thông báo, đều đã chủ động thông báo lại một lần nữa cho tôi. Nhưng dần dần, vị này có phần không kiên nhẫn được nữa thế là cô ấy phàn nàn với phó hiệu trưởng về việc tôi không có Wechat, làm ảnh hưởng đến công việc của cô ấy và một số công việc của nhà trường. Phó hiệu trưởng gọi điện cho tôi, vừa quan tâm vừa ép buộc để tôi phải sử dụng, cuối cùng còn yêu cầu tôi nhất định phải cài đặt Wechat trong 1-2 ngày tới.
Bởi vì giáo viên chủ nhiệm khối từ trước đến giờ hay gây chuyện thị phi, những giáo viên khác đều có thành kiến với tính cách này của cô ấy và trong lòng tôi cũng sinh ra chút bất mãn: “Có gì nói trực tiếp với tôi không được sao, sao lại phải nói với lãnh đạo vậy” – tôi thầm nghĩ. Nhưng bản thân tôi cũng hiểu người tu luyện không được phép oán hận người khác, cho nên tôi tận lực khắc chế những ý nghĩ không tốt của mình. Đối với Wechat, tôi biết là tôi không thể giả bộ cài đặt được, nhưng cũng không thể từ chối mãi việc không sử dụng.
Sư phụ giảng:
“Tuy nhiên thường khi mâu thuẫn đến, [nếu] chẳng làm kích động đến tâm linh người ta, [thì] không đáng kể, không tác dụng, không đề cao được”. (Chuyển Pháp Luân)
Chỉ vài ngày sau đó, khảo nghiệm lại tới. Cuối tuần, tôi thu dọn đồ đạc, điện thoại di động để chế độ yên lặng. Đến chiều, tôi ngẫu nhiên cầm điện thoại lên xem, thấy có 7-8 cuộc gọi nhỡ; trong đó có cuộc gọi nhỡ của phó hiệu trưởng, có giáo viên chủ nhiệm khối gọi, có đồng nghiệp gọi và còn có vài tin nhắn khác nữa. Tôi nhanh chóng gọi lại cho giáo viên chủ nhiệm khối, cô ấy nói là có cuộc họp giáo viên của toàn trường.
Cúp điện thoại, tôi vội vàng lên mạng để tham gia vào cuộc họp trực tuyến của trường. Nhưng khi tôi đăng nhập thì chồng tôi cũng đồng thời gọi điện thoại tới, nói cho tôi biết có đồng nghiệp của tôi gọi điện cho anh ấy báo tôi vào họp. Vừa lúc này thì tôi cũng đã đăng nhập vào được cuộc họp, kết quả là phó hiệu trưởng ngay tại cuộc họp mắng tôi. Tôi vội vàng giải thích rằng điện thoại tôi để im lặng không có đổ chuông, nên không biết có người gọi tới. Nghe vậy, phó hiệu trưởng càng nổi giận hơn, nói hôm qua đã thông báo rồi, tại cô không dùng Wechat, v.v. Mấy câu nói tiếp sau đó đến lúc này thì tôi đã quên rồi, dù sao thì nó cũng đều rất khó nghe. Lúc này, cuộc điện thoại mà chồng tôi gọi đến vẫn đang còn chưa tắt, chồng tôi ở bên kia đều nghe hết. Trong cuộc họp có rất nhiều vị lãnh đạo, giáo viên và các quản lý; vậy mà tôi bị mắng ngay trước mặt nhiều người như vậy (còn có cả chồng của tôi), thật là rất xấu hổ!
Tâm oán hận vừa mới khởi lên: “Nếu không phải vì chủ nhiệm khối tố cáo tôi thì tôi cũng sẽ không bị phó hiệu trưởng quở trách ngay trong cuộc họp như vậy!”. Tôi lập tức ý thức được điều này không đúng, tôi bắt đầu cưỡng ép không để bản thân sinh tâm oán hận, nhưng càng đè ép xuống thì nó lại càng nổi lên, không thể tiêu trừ triệt để được.
Sau đó, tôi bắt đầu nhớ đến lời Sư phụ giảng:
“…làm việc gì đều luôn luôn cân nhắc đến người khác”. (Chuyển Pháp Luân)
Tôi ý thức được rằng, chủ nhiệm khối không có nghĩa vụ trong việc mỗi lần có thông tin thì đều phải báo cho tôi biết, nhưng cô ấy lại báo cho tôi, tôi hẳn là nên cảm kích cô ấy. Vả lại, mẹ chồng của cô ấy là người Hồ Bắc, vì chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên bà ấy không thể rời khỏi Hồ Bắc. Điều này dẫn đến việc chủ nhiệm khối phải tự mình vừa chăm con nhỏ vừa công tác, còn phải thông báo cho tôi tình hình, xác thực là không hề dễ dàng gì. Hơn nữa, có lẽ cô ấy cũng không phải là “tố cáo” tôi, cũng có thể chỉ là cùng lãnh đạo thuận miệng nhắc đến, mình không thể dùng tâm không tốt để suy diễn về người khác.
Nghĩ đến đây, đột nhiên cảm thấy vị chủ nhiệm này thật tốt, là do bản thân mình đã làm không tốt. Lúc này, tâm oán hận cũng không còn chút nào. Đương nhiên, tôi vẫn tiếp tục hướng nội tìm, nhất định mình vẫn còn sai sót ở đâu đó, mới làm cho lãnh đạo yêu cầu tôi cài đặt Wechat.
Sau lại phát hiện là gần đây tôi sử dụng điện thoại vào việc giải trí tương đối nhiều. Tiếp theo đó, tôi lại tiến thêm một bước, suy nghĩ về chuyện cài đặt Wechat, nếu như thuận theo ý tứ của chủ nhiệm khối và phó hiệu trưởng mà cài đặt, kỳ thực là sẽ không tốt đối với họ, không thể để họ tạo nghiệp được, nghĩ đến đây, trong lòng tôi thoải mái hẳn lên.
Sau đó, khi tôi gọi điện thoại nói xin lỗi phó hiệu trưởng, lúc này ông ấy giống như chưa từng xảy ra chuyện gì vậy, việc Wechat cũng không hề nhắc tới một câu nào, cũng không ép tôi cài đặt nữa. Về sau, chủ nhiệm khối không những đích thân thông báo lại cho tôi khi nhà trường có việc, mà còn đặc biệt chiếu cố tôi, bất cứ chuyện gì cũng suy xét cho tôi. Thật đúng là khi đã nắm được cơ điểm rồi thì ma nạn liền được hóa giải. Con xin cảm tạ Sư phụ!
Nghĩ cho người khác trước, từ “đối chọi gay gắt” trở thành “giúp đỡ lẫn nhau”
Khi tôi bước vào trường học mới phát hiện đây cũng không phải là vùng đất tịnh thổ, cũng minh tranh ám đấu gay gắt. Bởi vì tôi là giáo viên mới, nhà trường sắp xếp cho tôi một giáo viên hướng dẫn. Cô ấy dẫn dắt và giúp đỡ tôi, ở đây tôi tạm gọi cô ấy là giáo viên Z. Nói là giáo viên hướng dẫn nhưng kỳ thực tuổi tác của cô ấy xấp xỉ tôi, chẳng qua là tuổi nghề nhiều hơn tôi một chút, hai chúng tôi còn dạy cùng một khối.
Ban đầu tôi rất kính trọng cô ấy, mong được chỉ bảo, muốn hỏi tình hình và hoạt động của học sinh một chút. Không ngờ cô ấy liền xị mặt, liếc mắt khinh khỉnh nói: “Chính cô muốn làm như thế nào thì làm như thế ấy thôi, tôi cũng không biết”. Vừa đến đã bị chủ nhà tỏ thái độ không khách khí rồi, trong lòng tôi khi đó có chút cảm giác khó chịu.
Sau đó có một hôm, khi tôi vừa mới bước vào văn phòng thì cô ấy đang nói chuyện gì đó, mọi người trong phòng đều cười rất vui vẻ. Kết quả là có một giáo viên nhìn thấy tôi đi vào liền nói: “Này, nhắc đến Tào Tháo là Tào Tháo đến”. Lúc ấy thấy vị giáo viên này biểu hiện cũng có vẻ ngại ngùng, tôi hỏi thăm vài câu rồi rời đi. Mặc dù tôi không có tức giận, nhưng tôi có ấn tượng không tốt về giáo viên Z này.
Không ngờ rằng, đây chỉ là mới bắt đầu, về sau giáo viên Z còn chèn ép tôi khắp nơi. Ví như, khi thi học kỳ, cô ấy ra đề thi, trước khi phát đề thi tôi mới được nhìn đến đề thi. Không chỉ như thế, cô ấy còn tiết lộ đề thi với học sinh của lớp cô ấy. Sau khi có điểm số, thành tích của lớp cô ấy cao hơn rất nhiều so với lớp tôi, cũng vì vậy mà tôi thường xuyên bị lãnh đạo mời đi “nói chuyện”. Là một giáo viên mới, rất muốn có chút thành tích nhưng việc này xảy ra quả là khó khăn đối với tôi. May thay, tôi biết mình là người tu luyện, không thể cũng giống với người thường được. Mỗi lần bị lãnh đạo mời nói chuyện, tôi chưa từng nói bất cứ lời gì bất lợi cho giáo viên Z, chỉ tìm vấn đề ở bản thân mình.
Lúc tôi mới đến công tác ở trường này, ngoài nhiệm vụ dạy học ra, còn được bố trí làm một nhân viên phòng thí nghiệm. Nhân viên phòng thí nghiệm chính là chuẩn bị dụng cụ, vật liệu thí nghiệm cho các giáo viên và học sinh trong trường, công việc rất vất vả, mà thù lao lại ít, cho nên mọi người đều không muốn nhận làm. Khi nhà trường sắp xếp vị trí này cho tôi, tôi nghĩ mình là người mới, những công việc vất vả cực nhọc kia mình cũng nên làm nhiều chút, nên liền tiếp nhận.
Nhưng không bao lâu sau tôi mang thai, lãnh đạo lo lắng tôi không làm được nữa, hỏi tôi có tính toán gì không. Vì không muốn gây thêm phiền toái cho nhà trường, cho nên tôi tiếp tục đảm nhận công việc của phòng thí nghiệm. Tôi vốn nghĩ sau khi mang thai thì giáo viên Z sẽ không để tôi phải chuẩn bị nhiều thí nghiệm cho cô ấy nữa. Nhưng nào ngờ, cô ấy không chỉ tiến hành các thí nghiệm được yêu cầu trong sách giáo khoa, mà còn tăng thêm các thí nghiệm mới ngoài quy định, ngay cả những lớp không có tiết thí nghiệm, cô ấy cũng làm thí nghiệm bù. Mà tất cả các thí nghiệm cô ấy đều muốn các học sinh phân thành từng tổ làm thí nghiệm, việc này khiến cho lượng công việc của giáo viên chuẩn bị đồ thí nghiệm cho học sinh tăng lên gấp mười. Có nhiều tiết thí nghiệm, tôi bận việc từ sáng sớm đến chiều tối, chỉ có lúc ăn cơm giữa trưa mới có thể nghỉ ngơi tại chỗ một lát.
Chuyện này đối với một người bình thường mà nói, đều là rất vất vả, huống nữa là tôi còn đang mang thai. Có khi đến lúc kết thúc công việc, mệt mỏi đứng dậy không nổi, bụng dưới trĩu xuống rất nặng, còn phải để chồng đến tận trường đưa tôi về nhà. Bởi vì phải chuẩn bị nhiều cho các tiết thí nghiệm nên tôi thường xuyên không có thời gian soạn bài, kéo theo đó là thành tích của học sinh càng kém. Cộng thêm giáo viên Z có yêu cầu rất cao đối với thí nghiệm, nếu như không làm theo ý muốn của cô ấy thì cô ấy sẵn sàng to tiếng quát mắng tôi vài câu … Dần dần tâm oán hận của tôi ngày càng tăng thêm.
Thông qua học Pháp, tôi cũng nhận ra được rằng không nên oán hận cô ấy, có thể là do trước kia tôi thiếu nợ cô ấy. Nhưng mà, có những khi tâm trạng không tốt thì những oán hận này lại nổi lên. Bởi vì tôi tu luyện một mình, xung quanh không có đồng tu để giao lưu chia sẻ, tiếp xúc cũng đều là những người thường, bạn bè đưa ra biện pháp cho tôi nhưng đều là những biện pháp của người thường, tôi không muốn tranh đấu với cô ấy. Cho nên đoạn thời gian ấy tu tâm thật vất vả.
Sau khi tôi sinh con, hết thảy những tranh đấu trong trường học dường như không còn liên quan đến tôi nữa. Nhưng sau khi kết thúc thời gian nghỉ sinh, lại đến lúc phải đi làm và phân công lại công việc. Giáo viên Z trao đổi với tôi, vẫn để cho tôi tiếp tục công việc của phòng thí nghiệm. Tôi lại nghĩ đến đoạn thời gian trước đó, trong tâm cảm thấy sợ hãi, mệt mỏi, hơn nữa tôi còn có con nhỏ, tôi không có nhiều tinh lực để chuẩn bị cho phòng thí nghiệm.
Lúc ấy, tôi không có đứng ở gốc độ “vì người khác” mà là hoàn toàn là vì bản thân mà suy nghĩ, cho nên tôi quyết không nhận việc ở phòng thí nghiệm nữa. Ở thời điểm quyết liệt nhất, suýt chút nữa là tôi gào to lên, cô ấy cũng nói rất nhiều câu khó nghe, châm chọc khiêu khích nên hai chúng tôi đều rất bực bội.
Về đến nhà, tôi suy nghĩ: Đứng từ góc độ của Pháp mà nói, tôi tranh đấu với người thường, không vì người khác mà suy nghĩ, những việc tôi làm khẳng định là không đúng. Nhưng mà tôi lại tự bào chữa cho mình, nếu như tiếp nhận công việc này, con tôi còn nhỏ như vậy, không thể thường xuyên làm thêm giờ, như vậy căn bản là tôi không thể hoàn thành công việc được.
Hiện giờ nghĩ lại, tôi thấy lúc đó, nói cho cùng là không đặt Pháp lên hàng đầu, không hoàn toàn tín Sư tín Pháp. Không tin tưởng Sư phụ sẽ an bài những điều tốt đẹp nhất cho đệ tử.
Tuy nhiên, tôi không thể ngờ rằng do dịch “viêm phổi Vũ Hán” bùng phát, khiến tất cả trường học phải nghỉ học và đổi sang hình thức học trực tuyến, căn bản cũng không cần chuẩn bị thí nghiệm. Lúc này tôi mới ý thức được, nguyên lai của hết thảy sự việc đều nằm trong lòng bàn tay của Sư phụ. Hết thảy ma nạn chẳng qua là để đệ tử Đại Pháp đề cao tâm tính. Tôi vạn phần hối hận, hối hận những hành vi của mình mang đến những tổn thương cho người khác.
Lần này tôi đứng tại gốc độ của giáo viên Z, một lần nữa xét lại ân oán giữa chúng tôi. Mặc dù giáo viên Z sắp xếp cho tôi rất nhiều thí nghiệm, nhưng mối lần trước khi chuẩn bị thí nghiệm, giáo viên Z đều sẽ nói cặn kẽ với tôi quá trình và những việc cần chú ý, điều này chẳng phải đang giúp tôi nâng cao trình độ chuyên môn hay sao? Trước kia, người học việc đều phải làm việc vất vả trong thời gian dài mới có cơ hội trau dồi kiến thức. Tôi chịu một chút khổ như vậy, trong lòng liền không hài lòng là sao? Cô ấy có khi vì không hài lòng mà tức giận với tôi, cũng bởi vì cô ấy làm việc nghiêm túc còn tôi thì làm không đủ tốt, chẳng lẽ đây không phải là tôi nên học tập cô ấy sao? Hơn nữa, trong khoảng thời gian tôi nghỉ sinh, giáo viên Z đảm nhận dạy thêm một lớp nữa thay cho tôi trong suốt nửa năm, như vậy cô ấy cần phải dụng tâm biết bao nhiêu, chẳng lẽ tôi không nên cảm ơn cô ấy sao?
Vậy mà tôi không những không cảm ơn cô ấy, mà còn xích mích với cô trong chuyện phân công nhiệm vụ, chắc cô ấy đau lòng lắm … Trong tâm dậy sóng, không ngừng tái hiện lại những sự việc trước đây, càng nghĩ càng cảm thấy hổ thẹn. Nói đến thật sự là có chút kỳ lại, nhưng lúc này một chút oán hận tôi cũng không có, giống như là những ân oán trước kia đều không liên quan gì với tôi vậy.
Sau khi trường học hoạt động bình thường trở lại, ngay trong cuộc họp của giáo viên toàn trường, tôi thật tâm bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với giáo viên Z, cảm ơn cô ấy đã âm thầm nỗ lực giúp đỡ tôi trong thời gian tôi nghỉ sinh. Tôi thấy cô ấy cúi đầu nhưng tôi có thể cảm nhận được cô ấy đang nghiêm túc lắng nghe. Thời điểm phân công nhiệm vụ cho học kỳ này, giáo viên Z nói rằng còn cần tôi chuẩn bị cho thí nghiệm, tôi lập tức đồng ý. Cô ấy kinh ngạc nói: “Tôi vốn là chuẩn bị thêm mấy phương án, không nghĩ là cô tiếp nhận ngay, cảm ơn sự phối hợp của cô”. Lúc này tôi mới hiểu được, năm đó tâm tranh đấu mạnh mẽ của tôi đã ảnh hưởng rất lớn đến người khác. Sau khi tôi buông bỏ được tâm oán hận, tôi đã bày tỏ mong muốn được giáo viên Z chỉ bảo thêm, cô ấy như là một người khác vậy, vô cùng hòa ái và thân thiện, giảng giải cặn kẽ cho tôi, hơn nữa còn chủ động chia sẻ với tôi những khó khăn gặp phải khi dạy học.
Tôi có thể minh bạch hơn lời giảng của Sư phụ:
“Quan niệm chuyển
Bại vật diệt
Quang minh hiển”. (Tân sinh, Hồng Ngâm)
Tạm dịch:
“Chuyển quan niệm
Cái xấu diệt
Hiển quang minh”. (Cuộc đời mới Tân sinh, Hồng Ngâm)
Tôi hiểu rằng trong tu luyện tôi còn nhiều thiếu sót, nhưng Sư phụ chưa từng bỏ rơi tôi. Sư phụ thông qua việc giúp tôi tiếp xúc với rất nhiều kiểu người, với các loại sự việc để điểm hóa và giúp tôi đề cao. Từ nay trở đi, tôi cần phải cải biến tâm thái của mình, một lần nữa tinh tấn như thuở ban đầu, không để Sư phụ phải vì tôi mà phiền lòng nhiều như vậy nữa.
Con xin tạ ơn Sư phụ!
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/9/22/412112.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/18/188302.html
Đăng ngày 31-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.