Bài viết của một đệ tử Đại Pháp trẻ tuổi ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 04-09-2020] Tôi đã vô cùng xúc động khi đọc bài chia sẻ kinh nghiệm của một học viên trên trang web Minh Huệ về việc tìm ra chấp trước căn bản. Tôi đã đi đọc lại vài lần và đã rơi nước mắt. Sau đó tôi bắt đầu xem xét lại sự tu luyện của bản thân mình.

Tôi đã nhận ra chấp trước căn bản của mình từ lâu, nhưng tôi chưa làm gì để loại bỏ nó. Tôi muốn thông qua tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, thoát khỏi nỗi khổ luân hồi trong trần thế, lên Thiên thượng hưởng phúc vĩnh cửu, có được cuộc sống tự tại, vô ưu vô lo. Cho nên tôi chấp trước vào viên mãn, nói trắng ra là muốn cầu an dật.

Trong một thời gian, tôi bị cái tình làm cho khốn đốn, nội tâm dày vò, tâm lý bị tình làm cho bất ổn. Tôi bắt đầu đọc và chép tay những đoạn Pháp về phóng hạ chấp trước vào tình và đọc đi đọc lại cho đến khi tâm tôi tĩnh lại mới thôi.

Hành vi này của tôi, nhìn bề ngoài dường như có chính niệm. Tuy nhiên, trong nội tâm tôi đang nghĩ: “Hãy mau phóng hạ xuống, để ta thoải mái một chút. Nếu không, bị tình làm cho khổ sở, thật khó chịu quá!” Lúc đầu, tôi cũng mơ hồ phát hiện ra niệm đầu này, lúc đó tôi cũng có chút cảm giác kỳ quái, nhưng đã không đào sâu hơn.

Cuối cùng, thông qua đọc Pháp của Sư phụ và các bài chia sẻ kinh nghiệm của các học viên, tôi đã có thể ngộ tốt hơn. Tôi nhớ lại chấp trước căn bản của mình, đột nhiên minh bạch: Cơ điểm của việc tôi tích cực muốn tu bỏ cái tình là muốn lợi dụng Sư phụ, lợi dụng Đại Pháp, muốn cầu sự an dật, không muốn khó chịu, dày vò của cái “tôi” giả. Viết đến đây, nước mắt tôi trào ra, trong tâm không ngừng nói với Sư phụ: “Thưa Sư phụ, con thành thật xin lỗi Ngài, đệ tử có tư tâm bẩn thỉu như vậy, đối với phó xuất từ bi của Sư phụ, con lại bất kính như thế.”

Giúp mọi người hiểu chân tướng

Tôi đã hiểu tầm quan trọng của việc giảng chân tướng về Đại Pháp và cuộc đàn áp và khá nhiệt tâm trong việc giảng chân tướng trong nhiều năm qua. Mỗi lần trước khi giảng chân tướng, tôi dành thời gian để học Pháp hoặc nhẩm các bài thơ trong Hồng Ngâm, hơn nữa cũng rất nghiêm túc phát chính niệm. Vậy mà tôi vẫn cảm thấy lo lắng mỗi khi ra ngoài nói chuyện với mọi người. Nhưng cuối cùng tôi đã vượt qua những suy nghĩ tiêu cực đó.

Khi nói chuyện với mọi người, tôi chân thành hy vọng rằng họ có thể biết được chân tướng và được cứu. Trong khoảng hai tiếng đồng hồ, tôi có thể thuyết phục khoảng tám người thoái khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các tổ chức liên đới của nó.

Cùng lúc đó, một giọng nói bên trong tôi nói: “Nếu tôi không giảng chân tướng cho người này, sau khi Chính Pháp kết thúc, mình sẽ bị trừng phạt. Hơn nữa, không giảng chân tướng sẽ không thể nào viên mãn”. Về gốc rễ, đây vẫn là đang duy hộ lợi ích của cái “tôi”.

Lúc ra ngoài giảng chân tướng thuận lợi, trong tâm tôi cảm thấy cao hứng, cảm thấy ngày hôm nay trôi qua rất ý nghĩa. Thế nhưng, căn bản tôi có phải vì chúng sinh được cứu mà cao hứng không? Không phải, là bởi vì người khác nghe tôi nói, cái tâm “viên mãn cá nhân” được thoả mãn.

Lúc giảng chân tướng không thuận lợi, đối phương không nghe, đuổi tôi đi, cái “tôi” kia liền cảm thấy bị đả kích rất sâu đậm, mấy ngày sau đều không nguyện ý muốn đi giảng chân tướng. Đối với chấp trước vào được mất của cái “tôi” này, làm sao tôi có thể thực sự sinh ra thiện niệm chân chính và từ bi đây?

Sư phụ đã giảng:

“Nhưng tư tưởng của Phật giả, Bồ Tát giả [ấy] cực kỳ xấu, [nó truy] cầu tiền. Nó sinh ra ở không gian khác, nó có tư tưởng, nó hiểu biết được một chút [Pháp] lý, nó không dám làm những điều xấu nghiêm trọng, nhưng nó dám làm những điều xấu nhỏ nhặt. Có những lúc nó giúp đỡ con người, nếu không giúp đỡ con người thì [nó] đã hoàn toàn là tà, nên cần phải giết nó.” (Bài giảng thứ năm, Chuyển Pháp Luân)

Phật giả cũng làm điều tốt và giúp người, nhưng chúng chỉ làm điều đó để cầu tiền và cầu không bị giết. Nhưng tôi thì sao? Mặc dù tôi làm ba việc, nhưng trong nội tâm là muốn viên mãn và đạt được cuộc sống thoải mái vĩnh viễn.

Sư phụ đã giảng:

“Bởi vì độ nhân không nói điều kiện, không tính công, không kể thưởng, cũng không kể danh tiếng; so với những nhân vật mẫu mực nơi người thường thì cao hơn hẳn; nó hoàn toàn phát xuất từ tâm từ bi.” (Bài giảng thứ Hai, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhận ra rằng một vị Phật chân chính thì không chấp trước vào “vị tư” mà hoàn toàn là vị tha. Đạo lý này tôi dường như vẫn luôn luôn hiểu, nhưng trong thực tu tự kỷ, lại thường xuyên bị chấp trước căn bản và sự giảo hoạt của “cái tôi” giả thao túng, che giấu, lại còn nghĩ rằng mình tu tốt lắm. Viết đến đây, trong tâm tự nhiên ngộ được một tầng nội hạm của “tu chân”.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/9/4/挖出根本执著-走正修炼之路-411011.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/14/188243.html

Đăng ngày 24-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share