Bài viết của Thường Nhẫn

[MINH HUỆ 01-12-2020] Vào tháng 7 năm 2020, thành phố Đài Trung của Đài Loan đã thay thế camera giám sát ở các đường hầm đường bộ sau khi một số cư dân phát hiện camera được sản xuất tại Trung Quốc. Các camera lắp đặt ở Đài Trung được sản xuất bởi Hikvision, một công ty Trung Quốc thuộc sở hữu của nhà nước chuyên cung cấp thiết bị giám sát video cho các mục đích dân sự và quân sự. Công ty này đang bị chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt vì có liên quan đến việc các vụ vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Mối quan ngại của Đài Loan không phải là không có cơ sở. Trung Quốc đã tích cực quảng bá công nghệ giám sát kỹ thuật số của mình tới “các nước đang phát triển” với các dự án như thành phố thông minh và “con đường tơ lụa kỹ thuật số” sử dụng camera giám sát do Hikvision cung cấp. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang sử dụng công nghệ này làm phương tiện củng cố sự cai trị độc tài của mình và xâm hại quyền tự do của chính công dân nước này, cả trong đời thực lẫn trên Internet.

Theo báo cáo mới nhất của Ngôi nhà Tự do (Freedom House) mang tên Tự do trên mạng (Freedom on the Net), Trung Quốc được xếp hạng là quốc gia lạm dụng quyền tự do internet nhất thế giới trong sáu năm liên tiếp. Năm ngoái, cho dù có đại dịch, chính phủ Trung Quốc vẫn tăng cường kiểm soát internet và giám sát một cách có hệ thống. Báo cáo cho biết, “Bằng chứng mới đã xuất hiện về các công ty công nghệ Trung Quốc hỗ trợ hoạt động giám sát của chính phủ một cách có hệ thống.“

Gần đây, cơ sở dữ liệu bị rò rỉ từ Công ty Công nghệ Thông tin Dữ liệu Chấn Hoa của Trung Quốc bao gồm thông tin của ít nhất 2,4 triệu người ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới. Trong đó có các chính trị gia, người của hoàng gia, người nổi tiếng, và nhân vật quân sự,… Những thông tin này được cho là thu thập cho các cơ quan quân sự và tình báo của Trung Quốc.

Sự tồn tại của một cơ sở dữ liệu như vậy không có gì đáng ngạc nhiên đối với những người đã quen với các chiêu bài của cộng sản. Phó trưởng Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Matt Pottinger cho biết, “Thu thập hồ sơ luôn là một đặc điểm của các chế độ theo chủ nghĩa Lenin. Cũng như trước đây, tài liệu hiện được sử dụng để tác động và đe dọa, khen thưởng và tống tiền, tâng bốc và hạ nhục, chia rẽ và chinh phục.”

Đạo luật Tình báo Trung Quốc yêu cầu tất cả các công ty Trung Quốc phải tuân thủ bất kỳ yêu cầu pháp lý nào từ các cơ quan nhà nước trong việc giao dữ liệu mà họ có trên máy chủ. Các công ty Trung Quốc hoạt động bên ngoài Trung Quốc cũng không ngoại lệ.

Công ty an ninh mạng Palo Alto Networks đã phát hiện ra rằng hai ứng dụng Android của gã khổng lồ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc, là Bản đồ Baidu (Baidu Maps) và Hộp Tìm kiếm Baidu (Baidu Search Box), đã thu thập thông tin nhạy cảm của người dùng trong khi người dùng không hề hay biết, vì thế mà xâm phạm đến bảo mật trực tuyến của họ. Với những phát hiện này, Google gần đây đã xóa hai ứng dụng này.

Tencent, công ty mẹ của WeChat, cũng là nhà phát hành trò chơi điện tử lớn nhất thế giới, đã đầu tư vào 16 công ty trò chơi bên ngoài Trung Quốc, trong đó có Fortnite Studio và Riot Games. Một số nhà phân tích tin rằng thông tin thu thập từ người chơi điện tử, chẳng hạn như tên người dùng, vị trí, mẫu giọng nói và thông tin thanh toán, có thể còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bảo mật hơn cho công chúng so với thông tin thu thập từ người dùng WeChat. Ngoài ra, các điểm kết nối (plug-in) của phần mềm trò chơi điện tử có thể bị cơ quan tình báo ĐCSTQ sử dụng để tải xuống và tải lên các tệp từ máy tính của người dùng.

Hơn nữa, ĐCSTQ đang lợi dụng Liên Hợp Quốc để mở rộng phạm vi giám sát của mình. Theo các bản ghi nhớ ký kết giữa Ban Kinh tế Xã hội của Liên Hợp Quốc và chính phủ Trung Quốc, Trung Quốc sẽ thành lập Trung tâm Không gian địa Toàn cầu của Liên Hợp Quốc (U.N. Global Geospatial Center) tại huyện Đức Thanh, tỉnh Chiết Giang và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Dữ liệu Lớn ở Hàng Châu để phục vụ công tác triển khai Kế hoạch Phát triển Bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc.

Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Phố Wall (Wall Street Journal) ngày 7 tháng 10 năm 2020, có tiêu đề “Trung Quốc lợi dụng Liên Hợp Quốc để mở rộng phạm vi giám sát”, tác giả Claudia Rosett viết, “Lời hứa mở rộng không gian địa và dữ liệu lớn Liên Hợp Quốc-Trung Quốc của ông Tập sẽ cho phép lập bản đồ chi tiết về mọi thứ từ địa hình và cơ sở hạ tầng đến hành vi của con người, vào mọi thời khắc và trên toàn cầu. Trung Quốc, dưới sức ảnh hưởng của nó, đã tích lũy và có trường hợp còn đánh cắp hàng loạt thông tin trên toàn thế giới. Tuy nhiên, cái mác hợp pháp của Liên Hợp Quốc sẽ giúp Bắc Kinh dễ dàng hơn trong việc lưu ghi các luồng thông tin của các quốc gia thành viên, tác động đến các yêu cầu và các chuẩn của Liên Hợp Quốc trong việc phân loại, tổng hợp, và nhập thông tin vào hệ thống của Liên Hợp Quốc — và triển khai chế độ chuyên chế công nghệ của Chinese language Communist Occasion (một tổ chức cộng sản tiếng Trung) trên toàn thế giới.”

Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Mark Warner, một cựu giám đốc điều hành viễn thông, đã đăng trên twitter, “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn ảnh hưởng đến toàn bộ thế hệ công nghệ tiếp theo, kể cả trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản đang phát triển một mô hình quản trị công nghệ khiến tất cả chúng ta phải lo lắng.”

Để chống lại tham vọng toàn cầu của Trung Quốc, chính phủ Hoa Kỳ đang dẫn đầu nỗ lực giải quyết mối đe dọa của ĐCSTQ trong không gian mạng. Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố vào ngày 29 tháng 4 năm 2020, rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ bắt đầu yêu cầu một “đường dẫn sạch” cho toàn bộ dữ liệu lưu thông trên mạng 5G giữa các cơ sở Ngoại giao của Hoa Kỳ và trong nước Mỹ. Ông Pompeo cho biết, “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể để bảo đảm an toàn cho dữ liệu quan trọng và mạng lưới của chúng tôi trước Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Ngày 4 tháng 8 năm 2020, ông Pompeo công bố việc mở rộng sáng kiến Đường Dẫn Sạch (Clean Path) thành Mạng Sạch (Clean Network) để đảm bảo dữ liệu truyền trên mạng 5G tới các cơ sở ngoại giao của Hoa Kỳ ở nước ngoài và tại Mỹ được bảo mật theo tiêu chuẩn tín nhiệm kỹ thuật số được quốc tế chấp nhận. Đến tháng 11, Mạng Sạch đã tăng lên 52 quốc gia thành viên đóng góp 2/3 tổng sản lượng kinh tế toàn cầu. Ông kêu gọi các đồng minh và đối tác ở cả cấp chính phủ và các khu vực tư nhân trên toàn thế giới cùng tham gia nỗ lực bảo mật dữ liệu khỏi ĐCSTQ.

Ủy ban châu Âu, cùng với các quốc gia thành viên EU, đã phát hành hộp công cụ an ninh mạng 5G (5G Cybersecurity Toolbox), trong đó xác định các tiêu chí và đưa ra các biện pháp rõ ràng để tránh việc sử dụng các nhà cung cấp “rủi ro cao” trong mạng sạch. 27 thành viên NATO đã cam kết trở thành “Quốc gia Sạch” Clean Countries bằng cách chỉ cho phép các nhà cung cấp đáng tin cậy trong mạng 5G của họ. Trong chuyến thăm tới tám quốc gia châu Âu, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Keith Krach cho biết, “Các quốc gia và công ty hiện đã hiểu rằng vấn đề trung tâm không phải là về công nghệ, mà là lòng tin.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/1/415850.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/12/11/188722.html

Đăng ngày 13-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share