Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 29-09-2020] Ông Nguỵ Xuân Vũ, một kỹ sư hoá học và là một cư dân của thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, đã qua đời vào ngày 14 tháng 4 năm 2020, 18 năm sau khi ông buộc phải trở thành một người vô gia cư vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công. Ông hưởng dương 56 tuổi.

Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ năm 1999.

Ông Nguỵ đã bị bắt năm lần và bị tra tấn vì tu luyện Pháp Luân Công. Ngày 2 tháng 9 năm 2001, ông đã trốn thoát khỏi trung tâm tẩy não và buộc phải rời khỏi nhà sống trôi dạt nhằm tránh bị bức hại thêm nữa. Vì đức tin của mình, vợ ông đã ly dị ông và cha mẹ ông đã qua đời dưới áp lực vô cùng to lớn từ phía ĐCSTQ. Ông Nguỵ không thể gặp được con trai lần cuối cùng trước lúc lâm chung do sự bùng phát của dịch virus corona.

70506850adb540697f0d715f0c16d4cc.jpg

Ông Nguỵ Xuân Vũ

Ông Nguỵ chỉ để lại một ít quần áo, thẻ căn cước được cấp chưa đầy hai năm trước cùng một vài tấm ảnh bị mờ được chụp 20 năm trước sau khi ông bị tra tấn tàn bạo trại trại tạm giam Số 2 Trường Xuân.

Trong số những vật dụng của ông Nguỵ có hai tài liệu quan trọng. Một là đơn kiện hình sự dài 11 trang mà ông đã kiện Giang Trạch Dân, cựu độc tài Trung Quốc, người đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công. Tài liệu kia là đơn xin quay trở lại làm việc của ông, ký vào ngày 8 tháng 1 năm 2018.

Trong tài liệu thứ hai, ông viết về việc mình đã phải trở thành một người vô gia cư ra sao vào năm 2001 sau khi thoát khỏi trung tâm tẩy não, và ông đã nghĩ về các đồng nghiệp của mình, hy vọng họ có thể hiểu rõ về Pháp Luân Công và không bị những lời dối trá của ĐCSTQ lừa gạt.

Năm 2018, ông Nguỵ quay trở lại Trường Xuân và chuyển quyền sở hữu căn nhà của ông cho con trai, người đã bị tước đoạt tình thương của cha từ năm 12 tuổi. Ông cũng đến nơi làm việc cũ để nộp đơn xin làm việc nhưng công ty bảo rằng hãy chờ tin của họ. Cho đến khi qua đời, ông chưa từng nghe được tin hồi âm từ nơi làm việc.

Sau đây là câu chuyện của ông.

Từ một người nông dân trở thành kỹ sư đạt giải

Tôi sinh vào tháng 2 năm 1964 ở thị trấn Thạch Đầu Hà, huyện Hoa Nam, tỉnh Hắc Long Giang. Cha mẹ tôi là những nông dân cần cù lao động và tôi là con út trong năm anh em. Cha tôi chưa từng đến trường nhưng ông rất thông minh và kiên quyết cho tất cả chúng tôi đi học. Ông thà thuê người giúp đỡ trong mùa gặt bận rộn chứ không gọi chúng tôi ra khỏi bàn học để làm việc đồng áng.

Bốn chị gái của tôi trở thành các giáo viên, kế toán và công chức nhà nước. Tôi đỗ vào trường Đại học Công nghiệp Vũ Hán với chuyên ngành kỹ sư hoá học. Gia đình chúng tôi đã trở thành một câu chuyện thành công ở địa phương, có chút danh tiếng, mọi người đều rất ngưỡng mộ.

23e1396c3741df8992c3f9cdb1eb52cd.jpg

Ông Nguỵ Xuân Vũ thời trẻ

Ngay khi tốt nghiệp đại học vào năm 1986, tôi bắt đầu làm việc tại một công ty sản xuất ô tô ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, nơi Pháp Luân Công được truyền ra công chúng lần đầu tiên.

Năm 1992, tôi được phong cấp bậc kỹ sư chuyên nghiệp. Tôi luôn tận tâm và có trách nhiệm trong công việc. Tôi từng được vinh danh là một nhân viên kiểu mẫu trong viện thiết kế. Năm 1997, ở tuổi 33, tôi trở thành tổ trưởng tổ chuyên môn với tư cách là cố cán kỹ thuật trong đơn vị công tác của mình.

Trở ngại do sức khoẻ kém

Khi cuộc sống dường như đang đầy hứa hẹn, tôi đã bị hạ gục bởi suy giảm sức khoẻ do nhiều năm dốc sức làm việc. Đầu năm 1997, tôi rơi vào tuyệt vọng và muốn nhảy lầu từ tòa nhà chung cư của mình. Cuối cùng tôi đã không làm điều đó khi nghĩ đến vợ và con trai.

Cuối năm 1995, tôi đột nhiên mất ngủ trong đêm mà tôi đến Thâm Quyến công tác, kể từ đó tôi hàng ngày đều mất ngủ. Vài ngày sau, công ty bảo tôi nhanh chóng quay trở lại vì tôi được giao cho một dự án rất lớn. Tôi nhanh chóng quay về. Ban đầu, tôi dựa vào thuốc ngủ nhưng nó nhanh chóng không có hiệu quả.

Bắt đầu từ ngày thứ ba của Tết Nguyên đán năm 1996, hàng ngày tôi đều phải làm thêm giờ mỗi ngày và không có thời gian để đi kiểm tra sức khoẻ. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ đi kiểm tra sau khi kết thúc dự án và nghỉ ngơi một thời gian. Dù không thoải mái nhưng tôi vẫn tiếp tục. Không ngờ, khi bộ bản vẽ thiết kế gần hoàn thành, mẫu xe thay đổi và tôi phải vẽ lại. Tôi lại bắt đầu làm việc tăng ca mỗi ngày và không thể ngủ.

Cơ thể tôi ngày càng yếu, đầu và hai mắt sưng lên, suy nghĩ ngày càng kém nhanh nhẹn. Có lúc tôi cảm thấy mắt trái cộm lên và dùng tay để dụi. Tôi vẫn nghĩ về việc đến bệnh viện khi kết thúc dự án.

Một năm trôi qua, vào đầu năm 1997, cơ thể của tôi không thể chịu nổi nữa. Tôi không thể ngủ được và chán ăn. Cả ngày tâm phiền ý loạn, tính tình trở nên nóng nảy. Cảm giác não tôi giống như một tảng đá. Tôi không thể nhớ những gì đồng nghiệp vừa nói. Tôi quyết định đến bệnh viện kiểm tra khi không thể làm việc và được bảo rằng tôi bị bệnh tăng nhãn áp, nhồi máu não, mất ngủ và teo dây thần kinh thị giác hai mắt.

Tôi đã thuê một chuyên gia nổi tiếng để phẫu thuật và sau đó đã đến Bệnh viện Số 2 Thành phố Trường Xuân để xoa bóp và tiêm thuốc thường xuyên. Nhồi máu não và tăng nhãn áp của tôi đã giảm. Cuối cùng tôi có thể ngủ và không còn lo lắng nóng nảy nữa. Tuy nhiên, tình trạng của tôi không ổn định và tôi không dám đọc sách hay xem TV.

Tôi quay trở lại làm việc sau khi nghỉ ngơi ba tháng. Lãnh đạo quan tâm đến tôi và đưa cho tôi một bản vẽ để hiệu chỉnh. Tôi nhìn nó trong 25 phút và các căn bệnh cũ tái phát. Tôi bắt đầu đến tất cả bệnh viện và thử các thuốc Tây y và Trung y. Ngay khi nhìn vào những thứ đầy màu sắc, tôi cảm thấy rằng mình đang đứng trên một con thuyền nhỏ và mất thăng bằng, tôi không thể bất kỳ việc gì.

Tìm được ánh sáng cuối đường hầm

Khi tôi đang vật lộn trong thống khổ, một đồng nghiệp về hưu đưa cho tôi các băng ghi âm của Nhà sáng lập Pháp Luân Công vào ngày 2 tháng 1 năm 1998. Tôi đã nghe hết băng ghi âm một lượt và hiểu được ý nghĩa của cuộc sống.

Ngày 7 tháng 1 năm 1998, năm ngày sau khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, tất cả căn bệnh của tôi đã biến mất. Tôi có thể quay trở lại làm việc. Những căn bệnh khác cũng được chữa lành và hai mắt không còn đau nữa.

Tôi bắt đầu chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công trong cuộc sống hàng ngày. Tôi quan tâm hơn đến những khó khăn của người khác và không còn yêu cầu đòi bồi hoàn trong công việc. Tôi cũng ngừng chọn những công việc mà giám sát giao. Có lần, giám sát gọi tôi đến phòng riêng và hỏi ông ấy nên cho tôi bao nhiêu điểm (điểm sẽ ảnh hưởng đến thưởng của chúng tôi). Tôi nói ông hãy đánh giá công bằng và ông nhận xét nếu mọi người đều giống tôi thì những lãnh đạo như họ sẽ trở nên dễ dàng.

Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, tôi từng chơi mạt chược và đánh bài với đồng nghiệp vào cuối tuần, tôi cũng lăng mạ người khác. Sau khi tu luyện, tôi đã bỏ những tật xấu này và ngừng chửi bới người khác.

Tuân theo nguyên lý Nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn để trở thành một người tốt đã khiến cuộc sống của tôi dễ chịu hơn nhiều.

Bắt đầu bị bắt giữ liên tục

Sau khi Giang Trạch Dân bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, tôi đã cố gắng nói với mọi người về việc tôi đã hưởng lợi ích từ việc tu luyện Pháp Luân Công nhưng tôi đã bị bắt nhiều lần.

Bị bắt và giam giữ lần thứ nhất

Tháng 8 năm 1999, khi tôi đang giặt quần áo thì cảnh sát của Đồn Công an Tứ Liên Đại Nhai gọi đến và bảo tôi tới đồn. Ngay khi đến nơi, một người hỏi tôi Pháp Luân Công có phải là tà giáo không. Tôi phủ nhận và đã bị bắt. Tôi bị giam 15 ngày ở trại tạm giam Khí Xa Hán.

Bị bắt lần thứ hai và tra tấn trong trại tạm giam

Ngày 6 tháng 10 năm 2000, tôi đến Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh để luyện công như là một cách để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Tôi đã bị bắt và bị cảnh sát của thành phố Trường Xuân còng tay đưa về Trường Xuân.

Khi trên chuyến tàu quay về Trường Xuân, cảnh sát đã thu phí giường ngủ của mỗi học viên Pháp Luân Công, nhưng lại để 5-6 học viên dùng một chiếc giường. Trên chuyến đi, tôi thấy cảnh sát còng tay một nữ học viên Pháp Luân Công ở lối đi. Cô bị họ đánh đá, nhổ nước bọt vào mặt và bị chửi mắng.

0cedf736c3022db9e1db131b214a7ce6.jpg

Minh họa tra tấn: Dội nước lạnh

Sau khi quay về Trường Xuân, ban đầu tôi bị giam ở Cục Công an Thành phố Trường Xuân. Ngày 9 tháng 10 năm 2000, tôi bị chuyển đến trại tạm giam Số 2 Trường Xuân. Ngay khi đến sảnh của trại trạm giam, một cảnh sát trẻ đã xô ngã tôi và đánh vào mặt tôi.

Tôi bị giam 27 ngày và thường xuyên bị tù nhân đánh đập. Họ thường túm tóc tôi và đập đầu tôi vào tường. Tôi bị dội 50 đến 60 xô nước lạnh. Họ cũng dùng một cây kim đâm vào móng tay tôi và liên tục đánh vào phần trong của chân tôi, khiến chân tôi bị bầm tím và không thể đi hay duỗi ra trong hơn 10 ngày. Họ cũng dùng móc quần áo đánh vào mắt cá chân của tôi mạnh đến nỗi khiến màng xương của tôi bị thương nghiêm trọng, việc này gây ra một cái lỗ ở chân phải của tôi. Sau đó chân tôi bị mưng mủ và trở nên sưng phồng và nó khiến tôi bị sốt.

78c1671a839b6b29a59e5673aff3b8f5.jpg

bbd71e526d2104854e38b1c64d3caac3.jpg

Tra tấn đã gây ra một cái lỗ ở chân phải của ông Nguỵ. Các tấm hình được chụp 15 ngày sau khi ông đi điều trị.

Cảnh sát đã truyền dịch và hướng dẫn các tù nhân bị ghẻ nhỏ thuốc cho tôi. Không có biện pháp khử trùng nào, các tù nhân cố đâm kim vào khiến lòng bàn chân của tôi sưng tấy. Tôi không biết họ tiêm thuốc gì. Sau khi tiêm, tôi sốt cả ngày và cảm thấy buồn ngủ.

Tôi cũng bị ép phải ngồi trên một cái ghế đẩu nhỏ mỗi ngày từ sáng đến tối. Cách tra tấn này khiến mông tôi bị mưng mủ.

635cc8ce86c7b4c0063f8f806158e504.jpg

Ảnh mông của ông Nguỵ bị mưng mủ

Các tù nhân cũng kẹp chặt hai ngón tay của tôi lại và nhét vào giữa một cái bàn chải đánh răng. Họ xoay mạnh bàn chải và thích thú khi thấy các ngón tay của tôi bị vò nát đến biến dạng.

e3010eb4f6d3db1605731f422537e18e.jpg

Minh hoạ tra tấn: Kẹp bàn chải đánh răng vào giữa các ngón tay

Cuối tháng 10, các tù nhân mở cửa sổ cho không khí lạnh tràn vào. Những người khác mặc quần áo dày trong khi tôi phải mặc đồ tù nhân, khiến tôi run rẩy trong cái lạnh.

Khi ngủ vào buổi tối, mọi người phải nằm nghiêng để ngủ. Vì tôi hay ngáy khi ngủ, tù nhân được giao nhiệm vụ sẽ đá vào đầu tôi cho đến khi tôi tỉnh dậy. Tôi không thể ngủ.

Trong những lần tra tấn này, một số dường như là do những tù nhân thực hiện, nhưng ai cũng biết rằng nếu không có sự chỉ đạo và chấp thuận từ các lính canh, họ sẽ không làm như thế.

Sau đó, tôi bị đưa đến một trại lao động. Vì chân tôi tím đen và sưng đến nỗi không thể mang giày nên trại từ chối nhận tôi. Cảnh sát đã cho tôi được chữa trị ở Bệnh viện Công nhân của Nhà máy Ô tô Số 1. Nhờ sự giúp đỡ của một người tốt bụng, án lao động cưỡng bức của tôi đã bị huỷ.

Sau khi về nhà, tôi bị ghẻ và không thể ngủ vào ban đêm. Nơi làm việc đã từ chối cho tôi quay lại làm việc và ép tôi phải viết một tuyên bố bảo đảm, không có sự lựa chọn, tôi đã viết và khóc hơn nửa giờ sau đó.

Lần bắt giữ thứ ba và bị cầm tù trong trung tâm tẩy não

Ngày 12 tháng 6 năm 2001, văn phòng khu phố đã xúi giục một nhóm người đến nơi làm việc của tôi và bảo tôi “đi học” ở trung tâm tẩy não. Vì dự án của tôi sắp kết thúc và tôi phải chuyển giao cho một đồng nghiệp khác nên tôi nói rằng tôi không thể đi. Sau đó họ cố ép tôi viết tuyên bố từ bỏ đức tin của mình. Tôi đã từ chối và bảo hành vi của họ là phi pháp. Khi tôi từ chối đi cùng họ, họ đã cưỡng ép đưa tôi vào xe họ và đưa tôi đến Trung tâm tẩy não Hưng Long Sơn.

Giám sát của tôi đi cùng tôi đến trung tâm tẩy não. Khi ông ấy rời đi, tôi cố tiễn ông ra ngoài một cách lịch sự nhưng bị cảnh sát Trứ lôi trở lại. Anh ta đánh vào mặt và đầu tôi khiến cho kính của tôi văng ra ngoài. Vì tôi không trả lời khi anh ta hỏi Pháp Luân Công có phải là tà giáo không nên anh ta tiếp tục đánh tôi và đập đầu tôi vào tường. Anh ta chỉ ngừng lại khi đã kiệt sức. Tuy nhiên, việc tra tấn chưa dừng lại. Anh ta bảo tôi đứng quay mặt vào tường trong một giờ trước khi cho tôi vào phòng. Ngay hôm sau, tôi thấy hai tay của anh ta đầy băng y tế.

Khi vào phòng, tôi thấy một thanh niên trẻ với hai mắt bị đen. Một cảnh sát tên là Trương Chinh Chấn đã đánh anh ấy. Tôi cũng thấy một nữ học viên Pháp Luân Công hơn 60 tuổi, bà ấy nói rằng bị Trương đánh đập tàn bạo đến nỗi phải dựa vào tường khi đi vào nhà vệ sinh. Thậm chí hơn một tháng sau, bà vẫn còn đau đến mức không dám đi lại.

Trung tâm tẩy não được quản lý tương tự như một nhà tù. Chúng tôi ở tầng một với các cửa sổ cao hai tầng và có song sắt. Cửa sổ không được lắp màn che nên chúng tôi thường xuyên bị muỗi cắn trong mùa hè. Thông thường, chúng tôi không được rời khỏi phòng và chúng tôi cần phải xin phép hai cảnh sát đứng canh bên ngoài phòng nếu muốn đi vệ sinh. Nếu họ không vui, chúng tôi sẽ không được đi vệ sinh và phải mất một thời gian lâu trước khi chúng tôi được cho ra ngoài.

Trung tâm tẩy não ép các học viên xem video lăng mạ Pháp Luân Công mỗi ngày. Chúng tôi cũng bị ép phải nghe một chuyên gia lăng mạ Pháp Luân Công. Tôi bị nhốt trong trung tâm tẩy não gần ba tháng và chính quyền hăm doạ đưa tôi đến một trại lao động nếu tôi từ chối chuyển hoá trước Ngày Quốc khánh.

Để tránh bị bức hại thêm nữa, tôi đã trốn thoát khỏi trung tâm tẩy não vào ngày 2 tháng 9 năm 2001 và đã trở thành người vô gia cư.

Bị bắt vì phân phát đĩa DVD và tài liệu Pháp Luân Công

Cuối tháng 7 năm 2012, tôi bị bắt khi đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công trên đường. Cảnh sát của Cục Anh ninh Nội địa đã thẩm vấn tôi và một người còn đá vào chân tôi. Họ thả tôi ra sau năm tiếng nhưng tịch thu tài liệu và túi của tôi.

Ngày 3 tháng 6 năm 2013, tôi phân phát tài liệu trên đường. Khi tôi đưa tài liệu cho phó Đồn Công an Huyện Hoa Nam, ông ta đã gọi cho cảnh sát khác đến bắt tôi. Tôi bị lục soát người và tài liệu bị tịch thu. Tôi được thả sau hơn hai tiếng.

Bị ly dị và cha mẹ qua đời

Sau khi thoát khỏi trung tâm tẩy não, tôi đã bị mất việc. Vợ tôi bị áp lực và đau khổ. Lo lắng cho tương lai của con trai, cô ấy đã ly dị tôi.

Từ khi 10 tuổi, con trai tôi đã sống trong sợ hãi và tôi không thể chăm sóc cho con từ khi cháu được 12 tuổi. Chúng tôi không thể gặp nhau hơn 10 năm. Nếu không có ông bà ngoại chăm sóc cho hai mẹ con thì họ khó mà tiếp tục sống được.

Chị gái thứ hai và thứ tư của tôi cũng tu luyện Pháp Luân Công và cũng bị bức hại vì đức tin của họ. Chị gái cả lo lắng cho chúng tôi và muốn cứu chúng tôi. Thậm chí chị ấy đã quỳ gối trước mặt bí thư của Uỷ ban Chính trị và Pháp luật để cầu xin giúp đỡ và được bảo rằng phải trả một số tiền. Chị phát sinh bệnh mắt và bị đau đớn cả về thể chất lẫn tinh thần bởi cuộc bức hại.

Khi tôi bị giam, cha tôi đã qua đời vào năm 2001. Mẹ tôi từng tu luyện Pháp Luân Công và được chữa lành mọi căn bệnh. Khi cuộc bức hại bắt đầu, chính quyền đã tịch thu máy phát và các băng ghi âm của Sư phụ Lý. Bà trở nên sợ hãi và ngừng tu luyện. Khi các chị gái và tôi bị bức hại, bả trở nên hoảng sợ và sức khoẻ suy giảm. Bà đã qua đời vào năm 2013.

Tổn thất tài chính vượt quá 1,5 triệu nhân dân tệ

Cuộc bức hại đã gây ra tổn thất kinh tế nặng nề cho tôi, gia đình và người thân. Đến cuối năm 1999, công ty cho mỗi công nhân hơn 20.000 nhân dân tệ như một khoản phụ cấp nhưng tôi không có vì không chịu từ bỏ Pháp Luân Công. Tôi cũng bị tước đoạn thưởng một tháng lương mỗi năm.

Vì từ chối từ bỏ đức tin, nơi làm việc đã tước bỏ cơ hội được thăng tiến làm kỹ sư cao cấp của tôi. Họ cũng giữ lương của tôi khi tôi bị giam trong trại tạm giam.

Trung bình, mỗi công nhân kiếm được khoảng 5.000 nhân dân tệ một tháng trong năm 2000. Từ năm 2000 đến 2015, tôi đã bị tổn thất tài chính vượt quá 1,5 triệu nhân dân tệ.

Trong hơn 10 năm vô gia cư, tôi không có thẻ căn cước vì thế rất khó để kiếm được một công việc ổn định liên quan đến chuyên môn của mình. Tôi dạy kèm cho sinh viên, gác cổng và làm những việc bán thời gian nhưng nó cũng chỉ là một khoản thu nhập ít ỏi.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/9/29/412731.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/14/187806.html

Đăng ngày 23-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share