Bài viết của đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại Hà Bắc, Đại Lục

[MINH HUỆ 21-08-2020] Trong quá trình thực tu, khi bản thân ở cùng các đồng tu và người thường thì có thể dùng tiêu chuẩn người tu luyện để yêu cầu bản thân. Nhưng trong gia đình lại thường có xu hướng buông lơi, đặc biệt là giữa vợ chồng với nhau, đôi khi có thể nhận thức được rằng phải tu bản thân, nhưng đa số chỉ dừng lại ở bề mặt, thỉnh thoảng còn muốn tranh cãi lại hai câu. Do tôi không nghiêm túc trong tu luyện nên đã mất đi cơ hội đề cao hết lần này đến lần khác.

1. Chỉ chú trọng bề mặt chứ không thực tu, khiến nhân tâm bị dùi sơ hở

Vào một buổi sáng mùa hè năm ngoái, khi tôi trở về từ nhà đồng tu, tôi đi đường vòng để mua một trái dưa hấu cho cháu trai, gần 12 giờ trưa mới về đến nhà. Vừa bước vô cửa thì chồng liền mắng: “Bây giờ mấy giờ rồi em mới về! Em không làm tròn trách nhiệm…” trong miệng nói ra toàn những lời không kiền tịnh. Tôi biết là anh ấy sợ, nên tôi nhẫn không lên tiếng và vội vàng nấu cơm. Anh ấy thấy tôi phớt lờ nên ồn ào đủ rồi thì cũng thôi.

Sau đó tôi lại đi ra ngoài, tất bật về đến nhà đúng ngay giờ cơm, đôi khi anh ấy la mắng om sòm, tôi cũng không quan tâm. Tuy nhiên anh ấy dần trở nên tệ hơn, lắm lúc chỉ vì một chuyện nhỏ xíu hay một câu nói, thì liền mượn cớ nổi đóa lên. Ban đầu tôi cũng không màng đến anh ấy, mặc kệ anh ấy muốn làm gì thì làm. Nhưng vì trong tâm không nhẫn được vững, nên liền nói lại anh ấy hai câu. Vậy là lúc đó coi như xong, anh ấy càng nói những lời khó nghe hơn.

Trong tâm tôi nghĩ: Vì sao anh ấy ngày càng kỳ khôi thế này, trước đây đâu có vậy! Lúc này, bỗng nhiên tôi nhận ra rằng chẳng phải Sư phụ mượn miệng anh ấy để nhắc nhở mình sao?

Tôi tĩnh tâm xuống hướng nội tìm, tôi biết mình có sơ hở trong mối quan hệ với chồng, trong tu luyện, không có nghiêm túc tu bản thân. Tôi cũng biết anh ấy đang giúp mình tu, tôi nghĩ chỉ cần không tranh đấu với anh ấy là được rồi, mặc dù tôi tỏ ra xem nhẹ nhưng lại cảm thấy bất bình trong tâm. Tôi luôn nghĩ: Anh thật vô lý, không biết tôn trọng người khác, chẳng đáng để mình quan tâm! Anh thích nói gì cứ nói vậy. Rồi tôi lại nghĩ: Mình cần tìm bản thân ở phương diện nào đây?! Bề mặt là không tranh không đấu nhưng thực tế là không tu bản thân, lại còn mê hoặc bản thân. Tôi đã coi điều này như ma nạn, bản thân chỉ làm được nhẫn trong sự bất lực. Vô hình trung dưỡng thành oán hận, tật đố, những nhân tâm này bị giả tướng che đậy bên ngoài, đây là sự buông lơi và giải đãi ý thức trong tu luyện, chỉ chú trọng bề mặt chứ không tu thực chất! Tôi nhất định phải nghiêm túc học Pháp, học nhiều hơn để quy chính lại bản thân.

Khi tôi học Pháp và đọc đến đoạn:

“Như mọi người đã biết, [khi đã] đạt đến tầng La Hán, [thì] gặp sự việc gì cũng không để trong tâm, hết thảy những sự việc nơi người thường đều hoàn toàn không để tâm, đều là vui vẻ thoải mái; chịu thiệt thòi lớn đến mấy, vẫn cứ vui vẻ thoải mái.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Trong tâm tôi nghĩ: Vì sao mình không làm được “gặp sự việc gì cũng không để trong tâm, đều là vui vẻ thoải mái”? Nhớ lại đoạn thời gian này, tôi không nghiêm túc tu luyện, để nhân tâm có sơ hở và bị dùi vào, không tu bản thân mà đổi lại tích tụ quá nhiều oán thì làm sao có thể “vui vẻ thoải mái” được chứ!

2. Sư phụ điểm ngộ và mọi thứ bừng sáng tỏ

Tôi nhớ Sư phụ từng giảng đoạn Pháp này:

“Chư vị không cải biến cái Lý của con người vốn được hình thành vào tận xương cốt cả trăm nghìn năm ở người thường ấy, thì chư vị vẫn không bỏ đi được cái tầng xác bề mặt của con người, nên không cách nào viên mãn.” (Lời cảnh tỉnh, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Tôi đọc thầm từng chữ từng chữ, đọc đi đọc lại và dường như minh bạch ra điều gì đó, trong nháy mắt chợt hiểu ra, Sư phụ triển hiện cho tôi nội hàm của một tầng Pháp lý: A! Lý của con người là phản lý! Trong tâm tôi cảm động reo lên: “Sư phụ ơi, con hiểu rồi! Con thật sự hiểu rồi!” Trong chớp mắt, một “thứ gì đó” bế tắc và hành hạ trong lồng ngực tôi 50 năm qua (do lúc trẻ buồn bực tức giận với mẹ chồng tạo thành. Chỉ cần nóng nảy một chút, trong tâm khó chịu một chút thì liền lo lắng và thở không nổi), cái thứ đó đột nhiên giải thể, “soạt” một cái, tất cả đều biến mất, trong tâm giống như một cái ống rỗng lớn, thông thoáng và sáng bừng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Tôi chưa bao giờ cảm thấy thoải mái và chấn động như vậy! Sự chấn động bất ngờ này, loại cảm thụ ấy không thể dùng ngôn ngữ biểu đạt hết được. Trong tâm tôi cảm động đến rơi nước mắt, trong lòng chỉ vang lên một câu: “Cảm tạ Sư phụ! Thật cảm tạ Sư phụ!”

Nhờ sự điểm ngộ của Sư phụ, tôi hiểu ra rằng vì sao trước đây mình luôn vượt quan tâm tính rất chậm chạp, gặp mâu thuẫn cũng hướng nội tìm, cũng có thể tìm thấy bản thân có nhiều tâm chấp trước, trong thực tu dần dần tu bỏ được không ít, đặc biệt là khi tìm thiếu sót ở bản thân một cách vô điều kiện, tìm được rất gian nan, cảm thấy rất khổ, rất khổ. Dẫu vậy, vẫn luôn có những nút thắt không thể giải quyết, ví như: Mình không có làm gì sai, vì sao lại mắng oan mình, không nói lý lẽ, làm nhục nhân cách mình như vậy, v.v..

Bây giờ nghĩ lại, đây chẳng phải là lý của con người hay sao? Tôi bị mắc kẹt trong cái lý luẩn quẩn của người thường mãi không ra được. Trong khi mục đích cuối cùng của người tu luyện chúng ta là phải bước ra khỏi cái tầng bề mặt con người này! Khi tôi đứng ở một góc độ khác và nhìn ngược lại cái lý của con người, điều này giúp tôi tìm ra và thanh lý những nhân tâm không tốt như oán hận, tật đố, thể diện, tự ngã, ủy khuất, v.v.! Tôi nhận ra rằng, cải biến quan niệm từ căn bản mới có thể thật sự tu bản thân và bước ra khỏi trạng thái con người!

Bây giờ nhìn lại, thử nghĩ một chút những gì là oán hận, khổ, bế tắc, nhưng tất cả đã tan như mây khói, có cố cũng không nghĩ ra được, nó cách tôi quá xa, chỉ còn là một chút ký ức mờ nhạt. Tâm trạng của tôi chưa bao giờ được thoải mái như thế, thật sự là thông suốt và tươi sáng từ trong ra đến ngoài! Khác với trước đây, bây giờ tôi cảm thấy bùi ngùi trước biểu hiện của chồng, và rồi anh ấy bắt đầu vui vẻ hơn, thôi không la mắng ồn ào nữa, đôi khi cũng nói vài câu, nhưng đều là những câu đùa hóm hỉnh. Thỉnh thoảng tôi nói điều gì đó, thì anh liền cười ha ha, mỗi ngày còn giành làm nhiều việc hơn.

Giờ đây tôi mới thật sự đọc hiểu được câu Pháp này của Sư phụ:

“Trong tâm chư vị phải hết mực cảm ơn người ta” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Tôi thật sự cảm thấy đúng là người nhà đang giúp đỡ mình!

Từ trong thực tế tôi thể hội được rằng, trước Pháp lý của Đại Pháp, bất cứ lý lẽ nào của con người cũng đều trở nên yếu nhược và lập tức hóa giải, bởi vì đây là lý của vũ trụ!

Thông qua học Pháp và cẩn thận xem xét những trải nghiệm tu luyện trong thời gian này, khiến tôi nhận thức ra được tính nghiêm túc của tu luyện, ấy là học Pháp, thực tu và ngộ Đạo. Chỉ học Pháp mà không thực tu thì đừng đàm luận gì đến ngộ Đạo, muốn thông hiểu Pháp lý thì nhất định phải ma luyện, phải khổ kỳ tâm chí, thì Pháp lý của Đại Pháp mới có thể triển hiện cho bạn, bởi vì đó chính là con đường mà bản thân bạn đã dụng tâm bước qua được.

Bên cạnh đó, tôi cũng có thể hội sâu sắc về cảm giác đau đớn đến khoét tim thấu xương trong quá trình hướng nội tìm vô điều kiện, trong quá trình lật đổ tất cả những quan niệm của con người, nó là một quá trình thoát thai hoán cốt, thật sự là một quá trình bước ra khỏi tầng diện con người, đồng thời cũng là một quá trình chứng thực Pháp.

Tôi dâng hương lên Sư phụ, quỳ xuống trước Pháp tượng của Sư phụ, những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt, trong tâm tôi tràn ngập những lời muốn nói nhưng lại không biết nên nói điều gì, tôi chỉ biết cảm tạ ân, cảm tạ ân vô hạn, công thành viên mãn báo đáp Sư ân!

Cuối cùng tôi muốn chia sẻ với các đồng tu một đoạn Pháp của Sư phụ:

“Gặp mâu thuẫn, mặc kệ lỗi của ai, trước hết tìm [ở] mình. Làm người tu luyện, chư vị mà không dưỡng thành thói quen này, chư vị mà không thể quay ngược lại con người mà xét vấn đề, thì chư vị vĩnh viễn ở tại con người; ít nhất ở chỗ mà chưa làm tốt thì chư vị là tại con người.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019)

Tôi khắc ghi trong tâm lời giáo huấn của Sư phụ, bước đi thật chính, thật tốt những bước cuối cùng này, để không cô phụ sự kỳ vọng và từ bi khổ độ của Sư phụ dành cho đệ tử chúng ta.

Trên đây là chút thể hội trong quá trình tu luyện gần đây, nếu có chỗ nào không đúng, mong từ bi chỉ rõ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/8/21/学法、实修、悟道-410771.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/12/187792.html

Đăng ngày 22-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share