Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

[MINH HUỆ 09-09-2020] Gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thực hiện một chiến dịch “xóa sổ” trên phạm vi toàn quốc nhằm nỗ lực buộc tất cả các học viên Pháp Luân Công trong danh sách đen của chính quyền phải từ bỏ đức tin của mình. Báo cáo này tập trung vào thành phố Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên, nơi bắt đầu chiến dịch đối với các học viên trong danh sách đen.

Cảnh sát địa phương đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau nhằm nỗ lực buộc các học viên từ bỏ đức tin của họ, kể cả việc nỗ lực xúi giục một cụ bà 86 tuổi phải nói dối rằng cụ đã ngừng tu luyện Pháp Luân Công. Một số cảnh sát đe dọa các học viên rằng tương lai của con cháu họ sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không chịu từ bỏ đức tin của mình. Khi gặp các học viên, cảnh sát thường sử dụng những câu lập lờ, chẳng hạn như “Ông/Bà vẫn đang làm việc ‘đó’ chứ?” hoặc “Thoái khỏi ‘cái đó’” khi gây sức ép buộc các học viên từ bỏ đức tin của họ. Nhà của một số học viên đã bị lục soát trong những lần ‘thăm hỏi’ như vậy, và một số người thân của các học viên đã bị sách nhiễu.

Dưới đây là một số trường hợp bị sách nhiễu.

Cụ bà 86 tuổi bị xúi giục phải nói dối về đức tin của mình

Cụ bà Tống Đức quý, 86 tuổi, ở thôn Thái An, quận Giang Dương, đã bị 5 cán bộ thôn và cảnh sát sách nhiễu vào tháng 6 năm 2020.

Vài ngày trước đó, cụ Tống bị ngã. Đúng vào ngày cảnh sát đến sách nhiễu cụ Tống, một số người dân trong thôn cũng tình cờ đến thăm cụ. Cảnh sát ghi lại tên của những thôn dân đó. Một người dân trong thôn đến muộn hơn một chút để sửa bóng đèn cho cụ Tống đã bị yêu cầu phải mở túi cho cảnh sát kiểm tra.

Do khả năng vận động của cụ Tống bị hạn chế nên cụ phải ngồi trong nhà. La Quyên, nữ cảnh sát trưởng của Đồn cảnh sát Thái An, đã vào phòng của cụ Tống và tịch thu các tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công của cụ. Khi cụ Tống chất vấn về hành động của những cán bộ này, họ nói với cụ rằng chính quyền không cho phép cụ sở hữu các tài liệu đó.

Sau đó, một người đàn ông không rõ danh tính đã cảnh báo cụ Tống rằng sau này sẽ có nhiều người hơn nữa từ các cấp chính quyền khác nhau đến gặp cụ và tốt hơn hết cụ nên nói với họ rằng cụ đã ngừng tu luyện Pháp Luân Công.

Cụ Tống nói với người đàn ông này rằng cụ tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công và cụ sẽ không bao giờ nói dối bất cứ ai.

Cả nhóm đến tất cả 3 lần, và lần nào cũng như lần nào, người đàn ông đó đều yêu cầu cụ Tống nói dối rằng cụ đã ngừng tu luyện. Khi cụ Tống vẫn không lay động, người đàn ông trở nên bực bội và nói rằng tất cả mọi người đều đã làm theo lệnh của ông ta, ngoại trừ cụ.

“Ông nói thế nào tôi phải làm theo như ông nói sao? Vậy nếu ông bảo tôi đi giết người tôi cũng nên làm theo ông ư?” Cụ Tống hỏi.

Cụ tiếp tục giải thích rằng cụ bị ngã và đã hồi phục trong vòng hai ngày và có thể tự lo cho các nhu cầu cơ bản của mình và cụ nói rằng sự hồi phục của cụ là nhờ tu luyện Pháp Luân Công.

“Tôi đã tu luyện Pháp Luân Công hơn 20 năm và đã thu được rất nhiều lợi ích. Tôi không thể nói dối rằng tôi đã ngừng tu luyện được. Làm người cần có lương tâm” cụ nói.

Cụ Tống cũng nói với người đàn ông rằng cho dù là ai đến nói chuyện với cụ, cụ đều sẽ trả lời trung thực với họ.

Trong chuyến thăm lần thứ hai, các nhân viên nói với con trai cụ rằng nếu ông hợp tác với chính quyền thuyết phục cụ Tống nói dối thì mỗi tháng ông sẽ nhận được 200 nhân dân tệ .

Khi có người hỏi cụ Tống rằng ai đã mua xe hỗ trợ tập đi cho cụ, cụ nói rằng chiếc xe đó là do cháu gái cụ mua. Người này sau đó đã đe dọa cụ Tống rằng nếu cụ tiếp tục tu luyện, chắt của cụ sẽ không thể gia nhập quân đội.

Vào đầu tháng 9, ba trong số các nhân viên đó lại đến và cố gắng ép cụ Tống ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Cụ đã từ chối, vì vậy họ yêu cầu cụ không được nói nếu có người hỏi cụ còn tu luyện hay không. Cụ Tống đã trả lời rằng cụ không bị câm.

Vẫn đang trong quá trình hồi phục sau cơn đột quỵ, một phụ nữ ngoài 70 tuổi liên tục bị sách nhiễu

Bà Quế Đại Luật, ngoài 70 tuổi, là một công nhân mỏ khí đốt đã nghỉ hưu. Ngày 27 tháng 7 năm 2020, một nhóm sáu người gồm các cảnh sát từ Đồn cảnh sát thôn Lam Điền và các cán bộ thôn đã đến sách nhiễu bà Quế tại căn hộ được công ty phân cho.

Bà Quế vẫn chưa khỏe nên con gái bà đã không cho những cảnh sát này vào nhà vì sợ họ làm phiền bà. Những nhân viên cảnh sát này đã không hài lòng khi nghe con gái bà nói rằng họ đến đây chỉ để sách nhiễu bà Quế và nói với cô rằng họ đến để thực hiện kiểm tra phúc lợi và xem mẹ cô có còn tu luyện Pháp Luân Công hay không.

Cô nói rằng bà Quế vẫn đang tiếp tục tu luyện. Vừa nói cô vừa đóng cửa lại để không làm phiền đến bà Quế.

“Cô trông giống như một người tu luyện Pháp Luân Công,” những cảnh sát này nói với con gái bà Quế.

“Việc tôi tu luyện hay không không liên quan đến các vị. Đó là tự do tín ngưỡng”, cô nói.

Những cảnh sát này trở nên tức giận và nói với cô rằng Pháp Luân Công không được nhà nước cho phép. Họ bắt đầu hỏi danh tính của cô và mối quan hệ của cô với bà Quế. Cô chỉ nói cô là con gái của bà, và không cung cấp tên.

Do trường kỳ bị sách nhiễu và ngược đãi, cách đây vài năm bà Quế từng có triệu chứng đột quỵ và hiện bà vẫn đang trong quá trình hồi phục. Nghe được cuộc nói chuyện giữa các nhân viên cảnh sát và con gái, bà Quế bước ra và ngồi ở cửa, hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân-Thiện-Nhẫn hảo!”

Sau đó, những cảnh sát này bắt bà Quế phải nêu những lợi ích của việc tu luyện Pháp Luân Công. Vì gặp khó khăn khi nói chuyện, bà chỉ có thể nói những từ đơn giản mà không thành câu hoàn chỉnh. Khi họ tiếp tục gây áp lực với bà, bà chỉ có thể trả lời rằng tu luyện tốt cho sức khỏe.

Theo gia đình bà Quế, trước khi bị đột quỵ bà từng sống một mình. Con gái của bà sau đó đã thuê người chăm sóc cho bà sau khi bà mất khả năng tự chăm sóc bản thân. Mặc cho tình trạng như vậy của bà Quế, cán bộ địa phương vẫn liên tục sách nhiễu bà trong vài năm qua.

Ngày 11 tháng 7 năm 2017, hàng chục cảnh sát đã ập vào nhà bà Quế và lục soát nơi ở của bà, tịch thu nhiều sách và tài liệu Pháp Luân Công của bà, gồm 3 máy nghe nhạc MP3 và 2 loa.

Ngày 6 tháng 3 năm 2019, cảnh sát lại đột nhập vào nhà bà Quế lần nữa, và giữ chặt người chăm sóc cho bà Quế. Người chăm sóc cho bà Quế đã cố gắng nói với họ về Pháp Luân Công và nói rằng những gì họ đang làm là bất hợp pháp. Nhưng cảnh sát đã từ chối lắng nghe và lục soát nơi ở, tịch thu 7 cuốn sách Pháp Luân Công và một số tài liệu. Họ cũng không lập danh sách những đồ đạc bị tịch thu.

Tháng 9 năm 2019, cảnh sát và cán bộ thôn lại đến sách nhiễu bà Quế lần nữa. Bà đã chặn không cho họ vào nhà. Họ đã rời đi sau khi bà hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân-Thiện-Nhẫn hảo!”

Vì phải sống trong sợ hãi trong một thời gian dài nên sự hồi phục của bà Quế tiến triển chậm, con gái bà đã phải bỏ công việc lương cao và chuyển đến ở cùng bà để tiện chăm sóc.

Trong lần sách nhiễu gần đây nhất, con gái bà Quế đã cố gắng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Cuối cùng, các cảnh sát nói với cô rằng họ đến chỉ để xem xét một chút và bảo bà Quế không được ra ngoài để đưa bất kỳ tài liệu Pháp Luân Công nào nữa.

Một phụ nữ tiếp tục bị sách nhiễu sau khi mãn hạn tù vì đức tin của mình

Ngày 25 tháng 8 năm 2020, hai viên chức địa phương đã đến nhà của con gái bà Phùng Đức Quỳnh và yêu cầu cô ký vào một văn bản làm chứng rằng họ đã đến gặp nhưng bà Phùng không có ở nhà. Họ cũng bảo cô nói với bà Phùng không được ra ngoài và phát tài liệu Pháp Luân Công và nói rằng nếu bà Phùng đồng ý ngừng tu luyện Pháp Luân Công, họ sẽ báo cáo với chính quyền và sẽ xác minh điều đó với con gái của bà Phùng. Cô trả lời rằng cô không thể đưa ra quyết định thay mẹ mình.

Chính quyền đã nhiều lần sách nhiễu bà Phùng sau khi bà được thả vào năm 2019 khi mãn hạn 2 năm tù vì đức tin của mình. Trước đó, bà đã bị kết án 3 năm vào năm 2008.

Cặp vợ chồng từ chối từ bỏ đức tin

Bà Lý Toàn Anh ở quận Nạp Khê đã làm việc lâu năm tại thị trấn Lam Điền. Ngày 19 tháng 7 năm 2020, bốn viên chức của văn phòng khu phố đã đến nhà hàng nơi bà đang làm việc. Bà Lý đang bận nhưng các viên chức muốn bà ra ngoài nói chuyện. Bà Lý nói với họ rằng bà không có gì để nói với họ và mọi người đều biết bà tu luyện Pháp Luân Công.

Khi bà Lý từ chối nói chuyện với họ, một viên chức nói với bà rằng họ đến để xem bà có còn tu luyện hay không và muốn bà “Từ bỏ thứ đó” (nghĩa là từ bỏ đức tin của mình).

Khi bà Lý từ chối tuân thủ, viên chức nói với bà rằng bà sẽ được hưởng lợi từ việc từ bỏ “thứ đó” và các cháu của bà sẽ không bị ảnh hưởng nếu chúng muốn vào quân đội. Tuy nhiên, bà Lý không bị lung lay bởi những lời nói của họ.

Một lần, chính quyền địa phương và các nhân viên cảnh sát đã đột nhập vào nhà của bà Lý và yêu cầu con trai của bà thay mặt cha mẹ của mình ký vào bản tuyên bố từ bỏ vì chồng của bà Lý, ông Đường Thế Khuê, cũng tu luyện Pháp Luân Công. Bà Lý đã ngăn con trai ký tên.

Một lần khác, chính quyền yêu cầu bạn của con trai bà Lý gọi điện cho con trai bà để thông báo rằng bà Lý đã từ bỏ “thứ đó” và chụp ảnh.

Tháng 6 năm 2020, các viên chức đã coi ông Đường là mục tiêu trong chiến dịch “xóa sổ” và gọi cho ông nhiều lần để cố gắng sắp xếp một cuộc gặp với ông. Tuy nhiên, ông Đường đều từ chối.

Đây không phải là lần đầu tiên 2 vợ chồng họ trở thành mục tiêu bị sách nhiễu vì đức tin của họ.

Ông Đường bị bắt vào năm 2001 và bị bức hại trong hơn hai năm. Ông bí mật bị bắt giữ vào năm 2013 tại một bến xe buýt và nơi giam giữ của ông không được tiết lộ. Vì ông Đường là người chăm sóc duy nhất cho người cha già của mình, ông đã tuyệt thực trong bốn ngày và cuối cùng được trả tự do sau 15 ngày.

Mười năm trước, vào tháng 8 năm 2010, trong khi bà Lý đang làm việc thì cảnh sát địa phương bí mật đưa bà đến trung tâm tẩy não. Bà đã mất tích 10 ngày và gia đình không biết tung tích của bà. Chồng bà, ông Đường, đã đến từng thôn và từng thị trấn để hỏi về bà Lý. Các cơ quan chính quyền liên quan từ chối tiết lộ nơi giam giữ bà và muốn gọi cảnh sát đến bắt chồng bà. Sau đó, gia đình được cho biết rằng bà đang được “giáo dục”.

Nhà bị lục soát, người nhà bị ép phải ký bản tuyên bố thay cho học viên

Tháng 5 năm 2020, 7 viên chức khu phố quận Nạp Khê đã đến nhà bà Tiếu Đạo Tú và gọi bà từ đồng áng trở về nhà.

Khi bước vào nhà, các viên chức chào hỏi niềm nở người phụ nữ 68 tuổi này và hỏi những câu hỏi như bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ khi nào, liệu bà có còn ra ngoài để tập luyện không, con trai bà đang làm việc ở đâu, phòng ngủ nào của bà, v.v. Sau đó, bốn nhân viên cảnh sát vào phòng ngủ của bà Tiếu mà không được sự cho phép của bà và bắt đầu lục soát tủ và giường của bà.

Vài ngày sau, họ lại đến. Bà Tiếu nói với họ rằng họ đang sách nhiễu và cản trở cuộc sống bình thường của bà.

Bà tiếp tục nói: “Các ông đang làm chậm trễ việc tôi đón cháu trai, và các ông đang làm cho toàn bộ nơi này trở nên lộn xộn. Khi con dâu tôi về, cháu sẽ khóc và la hét với tôi. Chồng tôi mất sớm. Chúng tôi đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ. Khi ngôi nhà bị sập, chúng tôi đã phải ở bên ngoài trong vài tháng. Lúc đó có ai đến thăm hỏi chúng tôi không? Thật không dễ dàng gì với tôi để nuôi dạy hai đứa con của mình. Bây giờ các ông lại đang đối xử với tôi như thế này. ”

Các viên chức sau này yêu cầu bà không được nói những điều này với họ.

Các cảnh sát mặc thường phục bắt đầu lập biên bản về thời điểm bà bắt đầu tu luyện và ai đã khuyên bà tu luyện.

Bà Tiếu nói rằng bà không biết chữ và chỉ nhớ “Chân-Thiện-Nhẫn là tốt”. Các viên chức nói với bà rằng những gì bà nói không thích hợp và sau đó đã bỏ những lời bà nói ra khỏi biên bản. Sau đó, họ đọc bản tuyên bố cho bà Tiếu và đe dọa nếu bà giữ vững đức tin của mình, cháu của bà sẽ khó có cơ hội được tiếp nhận lên đại học.

Các viên chức cũng nói với bà Tiếu rằng họ sẽ nói chuyện với một học viên khác, bà Chu Thế Phương, và nếu bà Chu không chịu nghe, họ sẽ cắt tiền trợ cấp lương hưu.

Ngày 4 tháng 8 năm 2020, các nhân viên cảnh sát đã gọi cho con trai của bà Tiếu và dọa anh phải đến đồn cảnh sát để thanh toán cho vụ việc của mẹ mình.

Cảnh sát cũng đã sách nhiễu học viên Trương Kim Liên. Một cảnh sát hỏi bà Trương liệu bà có còn làm “việc đó” hay không, và bà trả lời rằng bà luôn ghi nhớ ba chữ “Chân-Thiện-Nhẫn” dạy con người ta sống thiện.

Viên cảnh sát vào phòng ngủ của bà Trương và bắt đầu lục soát tủ của bà. Sau đó, viên cảnh sát lên lầu và vào phòng của con gái bà và tiếp tục tìm kiếm. Khi anh ta đến phòng của con rể, bà Trương nói với anh ta rằng anh không thể vào đó vì nó thuộc về con rể của bà. Sau đó viên cảnh sát đã dừng lại.

Sau đó, viên cảnh sát nói rằng anh ta sẽ viết một văn bản nói rằng bà sẽ không tiếp tục tu luyện và bà sẽ đặt dấu vân tay của mình lên đó để xác nhận, và như thế tên của bà sẽ được xóa khỏi danh sách đen. Tuy nhiên, bà Trương nói bà sẽ không tuân thủ.

Bị sách nhiễu nhiều lần nhưng vẫn kiên định giữ vững đức tin

Một số học viên đã bị sách nhiễu nhiều lần nhưng vẫn không từ bỏ đức tin của mình. Tháng 7 năm 2020, chính quyền địa phương đã đến sách nhiễu bà Tôn Khải Tú 3 lần và nói với bà rằng nếu bà quyết định ngừng tu luyện, họ sẽ xóa tên bà khỏi danh sách đen.

“Ai lại từ bỏ môn tu luyện tốt như vậy?! Có gì sai khi làm theo Chân-Thiện-Nhẫn để trở thành một người tốt ư?! Không phải ai cũng có thể tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Các ông có làm được không?” Bà Tôn hỏi. “Chúng tôi không làm gì sai. Đừng đối xử với Pháp Luân Công như vậy ”.

Mặc dù bị nhiều lần sách nhiễu, bà Tôn vẫn từ chối từ bỏ đức tin của mình.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/9/9/411587.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/7/188139.html

Đăng ngày 19-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share