Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại Berlin

[MINH HUỆ 17-09-2020] Ngày 14 tháng 9 năm 2020, một phiên điều trần công khai về việc thông qua một phiên bản của Đạo luật Truy tố Trách nhiệm Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky đã được Nghị viện Đức tổ chức tại Berlin.

Các học viên Pháp Luân Công đã tập trung bên ngoài tòa nhà nghị viện để thể hiện sự ủng hộ đối với việc thông qua đạo luật cho phép chính phủ Đức trừng phạt người nước ngoài vi phạm nhân quyền, đóng băng tài sản của họ ở Đức và cấm nhập cảnh. Năm 2012, Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên phê chuẩn một đạo luật như vậy thành luật như Đạo luật Truy cứu Trách nhiệm theo Pháp trị Magnitsky (Magnitsky Rule of Law Accountability Act). Hoa Kỳ đã sử dụng luật này để xử phạt khoảng 70 quan chức đến từ mười mấy quốc gia.

Các học viên Pháp Luân Công hy vọng rằng Đức và các nước châu Âu khác sẽ thông qua luật giống như đạo luật truy cứu trách nhiệm này và không cung cấp nơi trú ẩn an toàn và thị trường tài chính cho các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có dính líu đến nạn thu hoạch nội tạng trong cuộc bức hại kéo dài 21 năm đối với Pháp Luân Công.

a3ab781460c330acbc15dec5d435fbeb.jpg

Các học viên Pháp Luân Công tổ chức mít-tinh bên ngoài Nghị viện Đức hôm 14 tháng 9 năm 2020 để ủng hộ Đạo luật Truy cứu Trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky; đạo luật này sẽ cho phép Đức trừng phạt các quan chức ĐCSTQ đã tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Tháng 10 năm 2019, ông Ralf Gronau, một kỹ sư người Đức, đã khởi xướng một bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi chính phủ Đức thông qua đạo luật truy cứu trách nhiệm về nhân quyền và xử phạt những kẻ vi phạm nhân quyền. Bản kiến nghị đã thu hút được hơn 80.000 chữ ký, vượt quá ngưỡng cho một phiên điều trần là 50.000 chữ ký. Do đó, Ủy ban Kiến nghị của Nghị viện, còn gọi là Ủy ban Kiến nghị Reichstag, đã tổ chức một phiên điều trần công khai về đạo luật truy tố trách nhiệm và phát sóng trực tiếp phiên điều trần trên trang web của họ.

Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Nghị viện: Đề xuất Đạo luật Truy cứu Trách nhiệm về Nhân quyền cấp Châu Âu

Phát biểu tại phiên điều trần có bà Gyde Jensen, thành viên của Nghị viện Đức (Bundestag), thành viên của Đảng Dân chủ Tự do, và là chủ tịch Ủy ban Nhân quyền và Viện trợ Nhân đạo của Nghị viện. Bà cho biết, một tuần trước, ủy ban của bà đã đệ đơn lên Nghị viện Đức về việc xây dựng một đạo luật truy cứu trách nhiệm tương tự. Đạo luật này sẽ được điều chỉnh để nhắm vào những kẻ tham nhũng và vi phạm nhân quyền, và các hình phạt có thể bao gồm cấm thị thực và đóng băng tài sản ở Đức.

Bà Margarete Bause, thành viên của Nghị viện Đức, thành viên Đảng Xanh, và là phát ngôn viên của cơ quan Nhân quyền, đã đánh giá cao ông Gronau vì đã khởi xướng bản kiến nghị dẫn đến phiên điều trần công khai. Bà kiến nghị Đức nên thực hiện việc này ở hai cấp độ: luật của Đức và luật ở Liên minh châu Âu (EU).

Bộ Ngoại giao: Ủng hộ Đạo luật Truy cứu Trách nhiệm về Nhân quyền EU

Bà Petra Sigmund, Vụ trưởng phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Đức, cho biết giữa các thành viên EU, không có bất đồng nào về các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, bao gồm cả các trại tập trung ở tỉnh Tân Cương và Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông.

Một số quốc gia ở châu Âu đã thông qua và thực hiện một số biện pháp trừng phạt ở cấp quốc gia, và EU hiện đang thúc đẩy một thỏa thuận ở cấp độ EU.

Bà Sigmund cho biết, “Chúng tôi tin tưởng rằng EU có thể thống nhất thông qua các biện pháp trừng phạt đối với các vấn đề vi phạm nhân quyền của Trung Quốc khi Đức giữ vai trò chủ tịch luân phiên hoặc ngay sau đó.”

Các chuyên gia giải thích bằng chứng về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc

Ông Ralf Gronau, người khởi xướng kiến nghị, đã phát biểu tại buổi điều trần và trả lời các câu hỏi của các thành viên của Nghị viện Đức tham dự phiên điều trần. Ông cho hay đạo luật truy tố trách nhiệm nhân quyền sẽ nhắm vào các quan chức chính phủ đã vi phạm nghiêm trọng nhân quyền. Đạo luật này sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống của dân thường Trung Quốc, nhưng sẽ là cú sốc cho những kẻ chủ mưu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Phát biểu tại phiên điều trần có ông Lý Hội Cách, giáo sư y khoa của Đại học Mainz. Ông giải thích vai trò mà Vương Lập Quân, cựu giám đốc Sở Công an Trùng Khánh, đã thực hiện trong việc thu hoạch nội tạng. Ông Lý giải thích rằng Vương đã thừa nhận một trung tâm cấy ghép nội tạng do Sở Công an Trùng Khánh quản lý đã tiến hành hơn 2.000 thí nghiệm trong hai năm. Các thí nghiệm trên quy mô lớn như vậy đã đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về nguồn gốc của các cơ quan nội tạng này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/9/17/411915.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/9/27/186954.html

Đăng ngày 02-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share