Bài viết của Khinh Chu  

[MINH HUỆ 23-10-2020] Thời xưa có câu: Vạn ác dâm vi thủ. Một khi sinh ra niệm tà dâm thì các chủng ác niệm đều tới, tội nghiệp chồng chất cũng từ đó mà sinh ra; hết thảy thiện niệm cũng vì vậy mà biến mất. Văn Xương Đế Quân từng nói: “Thiên đạo họa dâm, kỳ báo thậm tốc. Nhân chi bất úy, mộng mộng vô tri. Cẩu hạnh kiểm chi bất tu, tức tai ương chi lập chí.” Ý tứ là, Thượng thiên thường giáng tai họa cho người háo sắc tham dâm, hơn nữa báo ứng đến vô cùng nhanh. Có một số người ngu muội tựa như nằm mộng mà điên đảo vô tri, không biết sợ hãi điều gì. Nếu như phóng túng, không biết kiểm điểm hành vi của bản thân thì người này sẽ gặp phải tai ương giáng xuống vào một lúc nào đó.

Xã hội hiện nay tràn ngập vật chất, dục vọng và sắc tình, chúng đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế hệ sau. Chúng ta thường hay nhìn thấy rất nhiều người vì mỹ sắc mà mất đi quyền lực, thanh danh ô uế, hủy hại bản thân, quả thực khiến cho người ta cảm thấy tiếc nuối.

Khổng Tử nói: “Thiếu chi thời, huyết khí vị định, giới chi tại sắc.” Khổng Tử nhắc nhở nam nữ thuở thiếu thời cần phải chú ý bảo dưỡng thân thể. Thân thể lúc đó tựa như cây cỏ vừa mới bắt đầu đơm nụ, lại tựa như côn trùng còn đang ngủ đông. Nếu như ngắt bỏ chồi non vào lúc cây cỏ đương lúc sinh trưởng thì chồi non sẽ khô héo; đương lúc ấu trùng ngủ đông mà lại đào hang của chúng thì ấu trùng sẽ chết hết.

Người Trung Quốc thời xưa không liếc ngang liếc dọc, luôn giữ thái độ tôn kính và lễ nghĩa, yêu cầu đối với nam nữ đặc biệt nghiêm khắc, thậm chí chỉ cần máy động niệm đầu thì xem như đã phạm lỗi lầm lớn, hại người hại mình. Bên dưới xin nêu ra mấy ví dụ về giới niệm tà dâm mà đắc được phúc báo của Thần linh.

Thanh kiếm trí huệ đoạn đứt sợi tơ tình

Tống Nhân Tông Triệu Trinh là vị hoàng đế thứ tư của triều Tống, ông tại vị bốn mươi hai năm và là người chấp chính lâu nhất trong các hoàng đế triều Tống. Ông sinh ra với tính tình khiêm nhường và đôn hậu. Quan can gián Vương Tố đã từng khuyên răn Nhân Tông không được gần gũi nữ sắc, Nhân Tông bèn đáp: “Mấy ngày gần đây, xác thực là Vương Đức Dụng có dâng hiến mỹ nữ cho trẫm, các nàng ấy đang ở trong cung, trẫm thấy rất vừa ý, bây giờ khanh bảo trẫm bỏ mặc các nàng ấy sao.”

Vương Tố nói: “Hôm nay thần khuyên bệ hạ vì e rằng bệ hạ sẽ bị nữ sắc mê hoặc.”

Nhân Tông nghe xong vẻ mặt có chút ngượng ngùng nhưng ông vẫn lệnh cho thái giám: “Hãy ban thưởng ba trăm quan tiền cho mỗi mỹ nữ do Vương Đức Dụng gửi đến, rồi lập tức tiễn họ rời khỏi cung, làm xong việc thì quay lại báo cho trẫm biết.”

Lời nói vừa xong thì Nhân Tông vẫn còn gạt nước mắt.

Vương Tố thấy vậy bèn nói: “Bệ hạ chấp nhận lời tấu của thần là đúng, nhưng cũng không cần phải vội vàng làm ngay như vậy. Dù gì các nàng ấy cũng đã vào cung rồi, tốt hơn là để qua một đoạn thời gian nữa rồi hãy tiễn họ đi vào lúc thích hợp là được.”

Nhân Tông nói: “Trẫm tuy là bậc đế vương, nhưng cũng xem trọng cảm tình như dân thường. Lỡ các nàng ấy ở lại đây lâu, trẫm vì tình thâm lại không nỡ để các nàng ấy rời đi.”

Tụng viết: “Nhân giả nhân dã, nhân nghĩa hữu đạo, nhân giả nhẫn dã, nhẫn khổ nhẫn lao, Nhân Tông nhẫn dục, thượng hành hạ hiệu, thái bình thịnh thế, dĩ nhân vi hiệu.” (dịch nghĩa: Là một người khoan hậu, nhân nghĩa có đạo, biết nhẫn chịu khổ cực, Nhân Tông nhẫn chịu ham muốn, bên trên làm bên dưới bắt chước theo, thái bình thịnh thế, lấy nhân đức làm tên hiệu)

Giới sắc khuyến thiện

Địch Nhân Kiệt, xuất thân ở Thái Nguyên, là tể tướng của triều Đường. Lúc Địch Nhân Kiệt còn nhỏ, mặt trắng như ngọc, lông mày dài nhỏ, có đôi mắt đẹp, tướng mạo to lớn bất phàm. Trên đường lên kinh ứng thí, Địch Nhân Kiệt dừng chân tá túc ở một lữ quán. Màn đêm yên tĩnh, thư sinh họ Địch đang đọc sách dưới ngọn đèn dầu, bỗng dưng xuất hiện một thiếu phụ lẻn bước vào thư phòng. Thiếu phụ vốn là con dâu của người chủ quán trọ, phu quân nàng ấy qua đời không lâu sau khi hai người kết hôn. Ban ngày nhìn thấy Địch Nhân Kiệt tuấn tú phi phàm, cho nên tối đến nàng ấy lấy cớ sang mượn mồi lửa để dụ dỗ Địch Nhân Kiệt. Địch Nhân Kiệt biết rõ tình ý của nàng nên đã thiện ý nói: “Nhìn cô nương trẻ đẹp lay động lòng người thế này khiến cho ta nhớ lại câu chuyện của lão hòa thượng.”

Thiếu phụ tỏ ra hiếu kỳ nên đã hỏi xem rốt cuộc là chuyện gì. Địch Nhân Kiệt bèn khuyên giải thiếu phụ: “Trước khi lên kinh, ta sống ở xa nhà, ta đi vào chùa đọc sách. Lão hòa thượng trong chùa đã từng nhắc nhở ta rằng: ‘Tướng mạo cậu đường hoàng, tương lai nhất định sẽ hiển danh phú quý, nhưng cậu phải nhớ cho kỹ điều này, tuyệt đối không thể tham luyến sắc dục, phạm tội tà dâm, nếu không sẽ hủy mất tiền trình tương lai.’ Những lời lão hòa thượng dạy bảo, ta vẫn luôn khắc ghi trong tâm. Cô nương có thể gắng mình thủ tiết, thật đáng khen ngợi, chớ nên vì một lúc manh động mà làm bại hoại danh tiết của mình. Hơn nữa, cô nương còn có mẹ già và con nhỏ cần cô gánh vác chăm sóc, mỹ đức thủ tiết của phụ nữ thời xưa đáng để người đời tán tụng.”

Sau khi thiếu phụ nghe xong Địch Nhân Kiệt nói như vậy, nàng ấy cảm động đến rơi lệ, nước mắt giàn giụa bái tạ Địch Nhân Kiệt: “Cảm tạ ân công đại đức, từ nay về sau, thiếp nhất định kiên trì giữ vững tiết hạnh để báo đáp ân công hôm nay dạy bảo.”

Sau đó, thiếu phụ bái thêm ba lạy rồi mới rời đi.

Tụng viết: “Thiếu niên chi thời, giới chi tại sắc, mạc hủy tiền trình, thỉnh khán Nhân Kiệt, cánh năng khuyến thiện, trung trinh thủ tiết, tự lợi lợi tha, truyền đăng bất diệt.” (dịch nghĩa: Thuở thiếu thời, giới cấm sắc dục tuyệt không hủy mất tiền trình tương lai, hãy nhìn Địch Nhân Kiệt có thể khuyến thiện người khác giữ gìn trinh tiết, lợi mình lợi người, truyền mãi muôn đời.)

Vào thời trung và hậu Đường, trong lúc thi nhân Trần Đào lánh nạn chiến tranh ở Hồng Châu (hiện nay là vùng Giang Tây), người bạn thân đã tìm một cô nương tài sắc vẹn toàn đồng hành cùng với ông. Trần Đào bèn làm thơ để từ chối khéo bạn mình:

“Cận lai thi tư thanh ư thủy,
Lão khứ phong tình bác tự vân.
Dĩ hướng thăng thiên đắc môn hộ,
Cẩm khâm thâm quý Trác Văn Quân.”

Dịch nghĩa:

Gần đây mạch thơ trong như nước,
Vứt bỏ tình cảm nhẹ tựa mây bay.
Lòng này đã hướng về cõi trời,
Chăn gấm phụ lòng Trác Văn Quân.

Người thời xưa cự tuyệt thỉnh cầu quá phận của người khác nhưng vẫn chừa lại lối đi cho đối phương, quả là thiện lương và trí huệ biết bao!

Cự tuyệt trao thân gửi phận, đề tên lên bảng vàng

Phí Xu, tự Đạo Xu, người Quảng Đô. Vào năm Tuyên Hòa thứ hai (năm 1120) thời hoàng đế Tống Huy Tông, Phí Xu lên đường đến Biện Lương, Đông Kinh. Lúc sắp vào thành Trường An (hiện nay là Tây An), Phí Xu dừng chân tá túc ở lữ quán dưới chân con dốc Yên Chi vào lúc hoàng hôn. Cô chủ quán trọ tíu ta tíu tít mời gọi Phí Xu hết sức ân cần chu đáo.

Giữa đêm khuya thanh vắng, cô chủ đến gặp Phí Xu để trao thân gửi phận. Phí Xu kinh ngạc nói: “Cô nương cớ sao phải làm như vậy?” Cô chủ quán trọ bèn giải thích: “Phụ thân của thiếp là người ở Biện Lương, Đông Kinh; gia đình chuyên bán sản phẩm tơ lụa, nhà thiếp cũng ở nơi đó. Thiếp được gả cho gia đình chủ quán trọ này, bây giờ phu quân đã qua đời, thiếp không còn nơi nương tựa, cho nên mạo muội không biết xấu hổ đến tìm huynh.”

Phí Xu nói: “Tôi hiểu tình cảnh của cô nương, nhưng tôi cần phải đến kinh thành, sau khi đến nơi, tôi sẽ giúp cô tìm phụ thân để ông ấy phái người đến đón cô về, cô cũng đừng oán than nữa.”

Nghe xong, người thiếu phụ vô cùng xấu hổ vội vã rời đi.

Sau khi Phí Xu đến kinh thành, tìm đến phụ thân của cô chủ quán trọ, rồi thuật lại toàn bộ sự tình cho ông ấy nghe một lượt. Phụ thân cô bèn nói: “Mấy ngày trước, đêm hôm lão nằm mơ thấy con gái mình mất đi trinh tiết cho người ta; nếu lỡ không gặp được tú tài đây thì con gái lão đã nguy hiểm rồi. Thần linh nói cậu là bậc quý nhân, lão không dám quên lời.” Ông lão liền phái người con trai đi đón con gái mình về nhà. Một năm sau đó, Phí Xu đăng bảng khoa cử, làm quan đến chức đại phu, giữ chức Thái thú huyện Ba Đông.

Dương Hy Trọng, tự Quý Đạt; người ở Tân Tân, Thục Châu; chờ mãi vẫn chưa thi đỗ khoa cử, họ Dương bèn tá túc ở một lữ quán tại Thành Đô. Phu nhân ở lữ quán vấn vương tình cảm với Hy Trọng, nhưng Hy Trọng cứng rắn cự tuyệt rồi rời đi. Vợ của Hy Trọng ở nơi quê nhà, tối đến nằm mộng: “Phu quân của cô một mình sống tha hương, có thể giữ vững tiết tháo, là người cương trực thẳng thắn, Thần linh đều biết điều đó, cho nên cậu ta sẽ được hồi báo thi đỗ Trạng Nguyên.” Sau khi người vợ tỉnh giấc, nàng ấy cũng chưa hiểu rốt cục là chuyện gì. Cuối năm đó, Hy Trọng trở về nhà mới biết những việc đã qua. Vào năm tiếp theo, Hy Trọng đỗ đầu khoa bảng trên toàn nước Thục.

Nhìn thấy nữ sắc không động tâm, sống thọ đến trăm tuổi, con cháu thi đỗ khoa cử

Vào những năm Gia Hựu thời Tống (1056 – 1063), Hoàng Tĩnh Quốc đảm nhiệm chức phán quan ở Nghi Châu. Trong một đêm nọ, ông đã đến thăm chốn âm ty địa phủ. Quan địa phủ nói với ông: “Nghi Châu có điều tốt đẹp, ông có biết không?” Nói xong quan địa phủ lôi sổ sách ra cho Hoàng Tĩnh Quốc xem. Vốn là đại phu Nhiếp Tòng Chí vào tháng đó năm đó đã xem bệnh cho nhà nào đó tại Hoa Đình, vợ của bệnh nhân ngỏ ý yêu thích Nhiếp Tòng Chí, nhưng ông ấy đã nhất mực từ chối. Sau đó, quan địa phủ dẫn Hoàng Tĩnh Quốc đến bên bờ sông, liền nhìn thấy cai ngục đang nắm tóc một người phụ nữ, cầm dao mổ bụng và lôi ruột cô ta ra để rửa cho sạch. Bên cạnh có một vị tăng nhân lên tiếng: “Người này là vợ của một vị quan nào đó, cô ta dám thông dâm với đại phu Nhiếp Tòng Chí nhưng ông ấy không cho phép. Ông ấy nhìn thấy nữ sắc mà không động tâm, có thể nói là một người phẩm hạnh đoan chính. Thọ mệnh của ông ấy vốn chỉ đến 60 là hết, nhưng do tích được âm đức nên sống đến trăm tuổi, con cháu mỗi đời đều có một người làm quan. Người phụ nữ kia tổn thọ bao nhiêu thì Nhiếp Tòng Chí hưởng thọ thêm bấy nhiêu tuổi. Cho nên tẩy rửa ruột gan cô ta cũng là trừ đi dâm dục.”

Sau khi Hoàng Tĩnh Quốc trở về dương gian, ông đã kể lại chuyện này cho Nhiếp Tòng Chí nghe. Nhiếp Tòng Chí nói: “Ngay cả vợ tôi cũng không biết chuyện này, tôi không nghĩ tới là nó lại được ghi chép vào sổ sách dưới chốn âm phủ.” Về sau, Tòng Chí quả nhiên sống thọ đến trăm tuổi, con cháu hai đời đều thi đỗ khoa cử.

Mọi việc trên thế gian đều được trời đất Thần linh và Diêm vương địa phủ ghi chép tường tận vào sổ sách. Người xưa nói: “Vô vi đại đạo, thiên tri nhân tình. Vô vi yểu minh, thần kiến nhân hình. Tâm ngôn ý ngữ, quỷ văn nhân thanh. Phạm cấm mãn doanh, địa thâu nhân hồn.” (dịch nghĩa: Đại đạo vô vi, ông Trời biết rõ nhân tình. Chốn thâm sâu vô vi, Thần nhìn hình thể con người. Tâm ý và lời nói, quỷ nghe tiếng người. Phạm tội đầy đủ cả thì địa phủ tiếp nhận linh hồn con người.)

Hành thiện cứu khổ cứu nạn, ông Trời ban cho quý tử

Ở Bì Lăng có một ông lão họ Tiền, chuyên hành thiện sự, thế nhưng ông lại không có con trai nối dõi. Trong làng có một người họ Dụ thiếu nợ người khác cho nên đã bị quan phủ bắt giữ. Người vợ bèn đến gặp lão Tiền vay tiền trả nợ. Lão Tiền cho vay đúng số tiền người vợ yêu cầu, hơn nữa ông cũng không làm giấy ghi nợ, chỉ đơn giản là cứu giúp người khác.

Sau khi chuyện đã xong, con gái của vợ chồng ông Dụ đến tận nhà họ Tiền nói lời cảm ơn. Vợ của lão Tiền nhìn thấy con gái nhà kia xinh đẹp nên đã dạm hỏi nàng ấy về làm tiểu thiếp. Vợ chồng ông Dụ cũng đồng ý việc cưới xin. Nhưng lão Tiền bèn nói: “Thừa cơ người khác gặp nạn bắt ép người ta chính là bất nhân, lão đây cứu giúp người vốn dĩ xuất phát từ thiện tâm, bây giờ còn muốn cưới con gái nhà người ta chẳng phải là bất nghĩa hay sao. Lão thà chịu không có con trai còn hơn. Lão tuyệt đối không có ý làm như vậy.”

Vợ chồng họ Dụ nghe xong hết sức cảm động, bái tạ lão Tiền rồi rời đi. Buổi tối hôm đó, vợ của lão Tiền nằm mộng nhìn thấy Thiên Thần nói với bà ấy: “Chồng bà hành thiện cứu người, hơn nữa ông ấy còn có thể cứu khổ cứu nạn, không thèm muốn con gái nhà người ta, ông ấy đã tích được rất nhiều âm đức cho nên ta ban cho bà quý tử.” Một năm sau, Tiền phu nhân quả nhiên sinh hạ một bé trai, đặt tên là Thiên Tứ. Năm 18 tuổi, Thiên Tứ tham gia khoa cử, về sau ra làm quan đến chức Ngự sử.

Liễu Hạ Huệ ‘phiên bản hiện đại’

Trên mạng có lưu truyền một mẩu chuyện như sau: Một chàng sinh viên đại học gia cảnh bần cùng, ngoại hình không có gì bắt mắt, thành tích học tập cũng tầm thường. Thời còn học cao trung, chàng ta quen biết với một bạn học nữ, sau khi lên đại học, hai người yêu nhau nhưng mỗi người lại ở một nơi. Có một hôm người bạn gái đến thăm bạn trai, và chủ động trao thân cho chàng, nhưng chàng ta đã khắc chế bản thân vững vàng, cự tuyệt hành vi chung sống với nhau trước khi kết hôn. Chính vì việc này nên người bạn gái đã chia tay với chàng sinh viên. Về sau, chàng sinh viên này đã được một đài truyền hình nổi tiếng ở Thâm Quyến tuyển dụng làm việc. Đài truyền hình này là nơi mà rất nhiều người ưu tú tìm đủ mọi cách để ứng tuyển vào làm nhưng không vào được, thế nhưng chàng sinh viên kia lại nhận được công việc tốt như vậy. Một người không hề ưu tú trong mắt người khác nhưng con đường sự nghiệp của anh ta lại hết sức suôn sẻ, quả là khiến cho nhiều người cảm thấy khó hiểu.

Người xưa nói: “Người nhìn thấy nữ sắc không sinh niệm tà dâm ắt sẽ tích được âm đức to lớn và đắc đại phúc báo.” Người ngoài trông thấy náo nhiệt, người trong cuộc tìm kiếm ý nghĩa nội hàm. Người tu luyện hiểu rõ nguyên nhân sâu xa, chính là vì chàng sinh viên này biết giữ chừng mực với người bạn gái cho nên anh ấy đã được Thần linh ban phúc, mới biểu hiện ra vận may như vậy.

Tư Mã Quang từng nói trong gia huấn: “Tích tiền dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng thủ; tích thư dĩ di tử tôn, tử tôn vị tất năng độc; bất như tích âm đức ư minh minh chi trung dĩ vi tử tôn trường cửu chi kế.” (Dịch nghĩa: tích trữ tiền để lại cho con cháu không nhất định là chúng có thể giữ được, để lại sách vở cho con cháu không nhất định là chúng có thể đọc; không giống như tích đức trong lúc tối tăm để lại cho con cháu có thể tính kế dài lâu.)


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2020/10/23/古今事例-拒絕淫邪得到神靈賜福-414132.html

Đăng ngày 30-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share