Bài viết của Hoa Xuân Minh
[MINH HUỆ 23-06-2020] Đường Thiệu là người Kinh Triệu, Trường An. Ông là cháu trai của Sử bộ thượng thư Đường Lâm, là một người có học vấn uyên bác và đa tài. Ông giữ chức quan cao cấp trong triều đình đương thời. Nhà hàng xóm đối diện nhà ông có một người tên là Lý Mạc. Ông thường hay tìm Lý Mạc nói chuyện bông đùa, có lúc ông còn mời Lý Mạc về nhà ăn uống.
Thê tử của ông cảm thấy khó hiểu nên bèn hỏi: “Phu quân chức cao quyền trọng, cớ sao phu quân lại giao du với một người cấp thấp hơn mình?”
Đường Thiệu vừa cười vừa nói: “Sau này ta sẽ nói cho phu nhân biết nguyên do.”
Vào ngày 12 tháng 10 năm Tiên Thiên thứ 2 (năm 713 SCN), Đường Thiệu trịnh trọng nói với thê tử của mình: “Hiền thê à, hôm nay ta đã có thể nói nguyên do cho nàng biết rồi. Từ thuở bé, ta vốn có công năng đặc dị, có thể biết được những việc trong đời trước của mình, nhưng ta vẫn luôn chưa kể chuyện này cho người khác nghe.”
“Đời trước ta đã từng là một cô gái. Ta được gả cho con trai của nhà họ Vương ở Bá Lăng vào năm 16 tuổi. Mẹ chồng đối xử với ta cực kỳ hà khắc nên ta rất sợ bà ấy. Vào năm ta tròn 17 tuổi, một ngày trước tiết Đông Chí năm đó, sau khi làm xong bữa tối, ta đã thấm mệt, nhưng mẹ chồng lại bảo ta đi may vá quần áo. Bà ấy bảo là cần có áo váy để mặc tiếp đãi khách khứa vào ngày hôm sau. Thế nên, ta đành phải chong đèn may vá thâu đêm.”
“Rồi bỗng nhiên có một con chó từ đâu chạy đến, nó đụng đổ ngọn đèn dầu khiến cho vết dầu loang ra quần áo. Ta quá tức giận nên đã lớn tiếng mắng con chó kia. Con chó bèn chui ngay xuống gầm giường. Ta liền thắp nến để lau sạch vết dầu trên áo, nhưng dù ta có lau thế nào cũng không sạch hết được. Lúc đó ta vừa lo vừa giận nên đã vơ lấy cây kéo đâm con chó kia. Lần thứ nhất ta đâm trúng cổ của nó, rồi cây kéo đột nhiên bị gãy mất. Ta bèn dùng một cây kéo khác đâm nhát chí mạng vào con chó khiến nó chết ngay sau đó.”
“Có lẽ do bị ức chế trong thời gian dài nên ta đã qua đời vào năm vừa tròn 19 tuổi. Sau đó, ta đã chuyển sinh thành ta trong đời này. Con chó đã bị ta đâm chết năm xưa đời này chuyển sinh thành Lý Mạc. Thường ngày ta mời anh ấy về nhà ăn uống là để chuộc lại tội lỗi lấy đi mạng sống của anh ấy khi xưa. Ngày mai ta sẽ chết và người giết ta chắc chắn sẽ là Lý Mạc. Mãi cho đến một ngày trước khi ta chết, ta mới có thể kể cho nàng nghe về những chuyện này. Ai cũng không thể tránh khỏi thiên lý nhân quả báo ứng. Hiền thê à, nàng không cần phải đau buồn vì ta.”
Vào ngày hôm sau (ngày 13 tháng 10 năm Tiên Thiên thứ 2), Đường Huyền Tông dừng chân ở dưới núi Ly để cử hành lễ duyệt binh. Ngày hôm đó có 200 nghìn tướng sĩ tập trung ở núi Ly, cờ hiệu kéo dài hàng chục dặm. Huyền Tông tinh thần phấn khởi đã đích thân bước ra đánh trống. Thế nhưng, Binh bộ thượng thư Quách Nguyên Chấn đột nhiên đứng ra dâng tấu khiến cho màn diễn tập bị gián đoạn, đội hình duyệt binh cũng bị lộn xộn. Huyền Tông vô cùng tức giận nên đã hạ chỉ lôi Quách Nguyên Chấn ra dưới cột cờ chém đầu. Trương Tể tướng liền bảo mọi người quỳ xuống cầu xin tha tội cho Quách Nguyên Chấn. Ông nói rằng Quách Nguyên Chấn là đại công thần của đất nước nên cần xá miễn án tử hình. Do vậy, Huyền Tông đã xử lưu đày Quách Nguyên Chấn đến Tân Châu (ngày nay là Tân Hưng, Quảng Đông). Huyền Tông vẫn chưa nguôi cơn giận, cho nên ông đã hạ lệnh chém đầu Đường Thiệu vì tội quân lễ không nghiêm. Trong lúc quần thần chưa kịp can ngăn, Kim Ngô tướng quân Lý Mạc đã lập tức xuống tay hành hình. Kỳ lạ thay, lưỡi đao chém xuống lần thứ nhất liền bị gãy làm đôi, nên Lý Mạc đã đổi sang lưỡi đao khác để chém đầu Đường Thiệu. Quả là báo ứng không sai chút nào, cũng là xuống đao hai lần mới giết chết được!
Sau đó, Đường Huyền Tông cảm thấy hối hận về việc xử chém Đường Thiệu. Ông ấy đổ lỗi cho Lý Mạc xuống đao quá nhanh nên đã vĩnh viễn khai trừ anh ta ra khỏi triều đình.
(Trích từ “Thái Bình Quảng Ký”)
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2020/6/23/唐紹償還宿債-408091.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/7/5/185750.html
Đăng ngày 23-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.