Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 03-10-2020] Ngày 30 tháng 9 năm 2020, ngay trước Ngày Quốc khánh Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã tổ chức mít-tinh trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington DC. Họ kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và chúc mừng hơn 360 triệu người Trung Quốc đã thoái xuất ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.

b113495a15bfac980dfa28e5937161d2.jpg

Các học viên tổ chức mít-tinh trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington DC vào ngày 30 tháng 9 năm 2020

Tại buổi mít-tinh, một số học viên đã thuật lại những bức hại mà họ đã phải gánh chịu dưới sự cầm quyền của ĐCSTQ. Họ kêu gọi người Trung Quốc hãy nhận rõ bản chất thực sự của ĐCSTQ và tuyên bố thoái xuất ĐCSTQ để có một tương lai bình an.

c0fa15e33c4cbc3a49b2467c02122c27.jpg

Bà Trương Ngọc Hoa được mời gặp mặt Tổng thống Trump vào tháng 7 năm 2019

Chồng bị cảnh sát giữ lại sau khi được thả khỏi nhà tù

Bà Trương Ngọc Hoa, nguyên chủ nhiệm bộ môn tiếng Nga của Đại học Sư phạm Nam Kinh, đã gặp mặt Tổng thống Trump tại Nhà Trắng vào tháng 7 năm 2019 và trình bày về việc ĐCSTQ đã bức hại chồng bà như thế nào. Chồng bà Trương, ông Mã Chấn Vũ, nguyên là kỹ sư của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, đã bị cầm tù ba năm sau khi ông gửi thông tin về Pháp Luân Đại Pháp cho các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ.

Thời hạn tù của ông kết thúc vào ngày 19 tháng 9 năm 2020. Nhà tù Tô Châu ở tỉnh Giang Tô cho biết ông đã được thả và giao cho cảnh sát Nam Kinh, nhưng bà Trương không thể liên lạc được với ông.

Ông Chấn Vũ đang bị giam giữ tại Đồn cảnh sát Tỏa Kim, quận Huyền Vũ, Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Tại đây ông bị giam trong một căn phòng và bị cảnh sát giám sát. Cảnh sát đã đe dọa người thân trong gia đình ông, kể cả người mẹ già đã ngoài 80 tuổi và yêu cầu họ không được liên lạc với vợ ông. Họ cũng đe dọa các học viên Pháp Luân Đại Pháp địa phương và yêu cầu họ không được liên lạc hay gặp ông Mã Chấn Vũ, dọa rằng sẽ bắt giữ họ nếu họ làm như vậy.

Cách đây hai tháng, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo đã ban hành một tuyên bố lên án cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Đại Pháp. Tuyên bố này hối thúc ĐCSTQ chấm dứt cuộc bức hại và trả tự do cho tất cả các học viên bị cầm tù, và ông Mã Chấn Vũ đã được đề cập đến trong tuyên bố này.

Bà Trương phát biểu tại buổi mít-tinh: “Tôi lo lắng cho sự an nguy của ông Chấn Vũ, chồng tôi. Tôi không biết liệu cảnh sát có cấp thức ăn cho ông ấy hay không. Và nếu có, thì liệu thức ăn đó có an toàn không? Ở Trung Quốc, rất nhiều trường hợp tử vong bị gán do nguyên nhân ‘đau tim đột ngột’ hoặc ‘tự sát’.”

Bà Trương kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế lên án ĐCSTQ và chính quyền Nam Kinh, đồng thời hối thúc họ trả tự do cho chồng là ông Mã Chấn Vũ.

Bị bức hại tàn bạo vì đức tin của mình

Bà Doãn Lệ Bình đã phát biểu tại buổi mít-tinh, thuật lại việc bà đã bị chính quyền cộng sản tra tấn ra sao vì kiên định đức tin của mình. Bà bị bắt giữ bảy lần và sáu lần bị tra tấn đến thập tử nhất sinh. Hậu quả để lại sau những lần bị đánh đập thảm khốc là cột sống của bà bị trật khớp, dẫn đến bại liệt các chi dưới và tiểu tiện mất kiểm soát.

f199496e1ffe0fb88b237a4ba68a652b.jpg

Bà Doãn Lệ Bình kể về việc cột sống bà bị trật khớp ra sao do liên tục bị đánh đập

Mười học viên mà bà Doãn trực tiếp biết đều bị tra tấn đến chết trong cuộc bức hại kéo dài 21 năm của ĐCSTQ. Nhiều học viên ở quê nhà của bà gần đây đã bị bắt giữ. Trong số họ, bà Lưu Khánh Hương đã bị bắt giữ vào tháng 5 và hiện vẫn đang bị giam giữ. Bà Lưu đã 64 tuổi và phải chịu án tù chín năm vì đức tin của mình.

Một học viên khác, bà Phượng Bình từ Thượng Hải cũng phát biểu tại buổi mít-tinh. Bà bị giam giữ tại Trại tạm giam Phong Đài vào năm 2000 vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Đại Pháp tại Bắc Kinh. Cảnh sát đã chỉ đạo các tù nhân đánh đập bà sau khi bà ngăn cản cảnh sát đánh đập một học viên cao tuổi.

Bà kể lại: “Các tù nhân đã dùng đế giày cao su đánh vào mặt tôi. Sau đó họ bắt tôi phải đặt các ngón tay xuống sàn rồi giẫm lên từng ngón một. Họ còn dùng kim khâu chích từng ngón tay tôi, khiến chúng chảy máu.”

Bà bị bắt giữ nhiều lần và cũng bị bức thực để trừng phạt. Dưới áp lực, chồng bà đã phải ly hôn bà và bà bị đuổi việc do cuộc bức hại. Cảnh sát đã nỗ lực ép bà phải từ bỏ đức tin của mình. Khi đó bà mới chỉ hơn 20 tuổi nhưng đã phải chịu đau đớn không thể hình dung nổi do hậu quả của việc bị ngược đãi.

Giải thể ĐCSTQ vì một Trung Quốc tốt đẹp hơn

40bfd54da09eb49ebf3d40ce67aab55b.jpg

Học viên Hạ Bân

“Trung Quốc có thể làm gì khi ĐCSTQ sụp đổ?”, học viên Hạ Bân đặt ra câu hỏi. Ông đã phát biểu tại buổi mít-tinh rằng nhiều người lo lắng liệu Trung Quốc có trải qua sự hỗn loạn và mục nát như đã xảy ra ở Nga khi LIên Xô sụp đổ không.

Đề cập đến phong trào thoái xuất ĐCSTQ mà bắt đầu từ khi cuốn Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản Trung Quốc được Thời báo The Epoch Times xuất bản vào năm 2004, ông cho biết: “Thoái xuất ĐCSTQ là một sự thức tỉnh về tinh thần. Sự thức tỉnh và thanh lọc tinh thần này không xảy ra ở Nga hay ở các nước Đông Âu do Liên Xô lãnh đạo trước đây. Vết tích của Đảng Cộng sản vẫn còn lưu lại ở các quốc gia này mặc dù Đảng Cộng sản đã bị giải thể.”

“Các học viên Pháp Luân Đại Pháp đấu tranh vì quyền tự do tín ngưỡng. Họ kiên định đức tin của mình nhưng trên thực tế họ đặt nền móng cho việc thiết lập lại đạo đức xã hội trên thế giới. Khi con người tin rằng thiện ác hữu báo và tin vào Thần thì họ sẽ có chính tín và có thể tự ước thúc bản thân không làm những điều sai trái. Bầu không khí chính nghĩa này sẽ lan rộng khắp thế giới.”

“Chúng tôi ủng hộ phong trào thoái xuất ĐCSTQ và kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại, để đảm bảo tự do tín ngưỡng và một tương lai tốt đẹp hơn cho Trung Quốc”, ông Hạ cho hay.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/3/413293.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/5/187689.html

Đăng ngày 09-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share