Bài viết của Chung Thanh

[MINH HUỆ 18-3-2019] Bệnh viện An Khang – những bệnh viện tâm thần được bảo mật cao độ thuộc sự quản lý trực tiếp của Bộ Công an Trung Quốc – đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ghi nhận là những nơi vi phạm nhân quyền trong các báo cáo quốc gia về thực tiễn nhân quyền thường niên ở Trung Quốc trong nhiều năm qua.

Tra tấn tinh thần được áp dụng rất phổ biến với các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc, trong đó có các học viên Pháp Luân Công. Ông Giang Thiên Dũng, một luật sư nhân quyền nối tiếng đã đối đầu với chính quyền cộng sản Trung Quốc, ông đã bị cưỡng ép uống loại thuốc không rõ nguồn gốc trong khi ông bị giam giữ trong một bệnh viện dạng này. Ông Tạ Yến Ích, một luật sư khác ở Bắc Kinh, nói rằng hầu hết các luật sư nhân quyền bị bắt giữ vào ngày 9 tháng 7 năm 2015 được gọi là “Sự kiện 709,” trong đó hơn 100 luật sư và nhà hoạt động nhân quyền trở thành mục tiêu của chính quyền trong ngày hôm đó đã bị cưỡng ép uống thuốc không rõ nguồn gốc. Ông Tạ bị uống thuốc trong gần hai tháng.

Đối với các học viên Pháp Luân Công, cuộc bức hại thậm chí còn nghiêm trọng và bí mật hơn. Một cuộc khảo sát của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) đã phát hiện rằng 83% các bệnh viện tâm thần ở Trung Quốc đã tiếp nhận học viên Pháp Luân Công và cưỡng chế họ phải sử dụng thuốc tâm thần. Quản lý tại các bệnh viện chính này biết rằng các học viên bị giam giữ không bị bệnh tâm thần, nhưng họ được ra lệnh giam giữ các học viên bằng mọi thủ đoạn.

Ở các bệnh viện An Khang, tình hình còn tồi tệ hơn gấp rất nhiều bởi lẽ các bệnh viện này do công an quản lý trực tiếp. Hàng chục bệnh viện kiểu như vậy tồn tại ở Trung Quốc và họ tham gia rất nhiều vào cuộc bức hại Pháp Luân Công từ tháng 7 năm 1999. Theo một tài liệu được gọi là văn kiện nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì “khi cần có thể sử dụng thuốc để đạt được mục đích chuyển hóa các học viên”.

Các trường hợp dưới đây liên quan tới sự ngược đãi các học viên Pháp Luân Công tại các cơ sở của An Khang.

Tiêm thuốc không rõ nguồn gốc

Lấy danh nghĩa là để “điều trị tâm thần”, các viên chức và các chuyên gia y tế tại các bệnh viện An Khang đã tiêm thuốc phá hủy thần kinh ghiêm trọng, sử dụng phương pháp điện châm cường độ cực hạn, bức thực, đánh đập và hạn chế các học viên Pháp Luân Công trên ghế sắt hòng ép buộc họ từ bỏ đức tin của mình. Trong đó, tiêm thuốc là cách thức tra tấn tồi tệ nhất, nó không chỉ khiến nạn nhân đau đớn tột cùng, mà còn khiến họ bị rối loạn tinh thần hoặc tử vong.

Trong một trường hợp, một số học viên, trong đó có bà Lương Chí Cần đã bị bắt vào mùa thu năm 2000 và bị đưa tới bệnh viện An Khang ở Đường Sơn, ở đó họ đã bị tiêm thuốc không rõ nguồn gốc. Những học viên đó nói rằng họ đã đau đớn trong một thời gian dài với các triệu chứng như khó chịu ở tim, cứng lưỡi, đi lại khó khăn, căng thẳng, tư duy và hành động dị thường, mất trí nhớ và suy yếu tinh thần. Bà Lương đã bị bệnh tim và hai lần đột quỵ sau khi bị ép sử dụng thuốc. Bà Thiệu Lệ Yến đã bị rối loạn tinh thần. Bà Lý Phượng Trân đã bị mất trí nhớ, trở nên hốc hác và không thể tự chăm sóc bản thân. Bà Nghê Anh Cầm đã bị tàn tật gần ba năm và qua đời năm 2009.

Sau khi bị đưa tới bệnh viên An Khang ở Tây An vào tháng 9 năm 2002, toàn thân bà Trương Kim Lan bị tê liệt và mất tri giác sau khi bị tiêm thuốc. Vì tính mạng của bà nguy kịch nên chức trách bệnh viện đã gọi người nhà đến đón bà về. Bà Trương đã phải sống trong đau khổ về thể xác cho đến khi qua đời vào năm 2008.

Thường xuyên bị cho uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc

Ngoài việc tiêm thuốc, các bệnh viện này còn thường xuyên sử dụng các loại thuốc khác để tăng cường tra tấn hoặc một số trường hợp, họ còn khiến nạn nhân bị tâm thần để che đậy sự tàn bạo trước đó.

Ông Dương Bảo Xuân, một học viên ở thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc cũng bị tra tấn vô cùng dã man trong Trại Lao động Cưỡng bức Hàm Đan năm 2002, đến nỗi chân phải của ông phải cắt bỏ. Để trốn tránh trách nhiệm, các quan chức trại lao động đã gửi ông Dương tới bệnh viện An Khang ba lần. Uống thuốc thường xuyên trong suốt sáu năm, ông Dương đã bị suy nhược tinh thần nghiêm trọng. Năm 2009, thời điểm gia đình ông Dương đến đón ông thì hành vi của ông không khác gì một bệnh nhân bị tâm thần nghiêm trọng.

Bí mật, không cần thiết phải bị “kết án” chính thức

Tháng 5 năm 2010, tờ Tin tức Buổi tối Vũ Hán (Wuhan Evening News) đã báo cáo rằng một hội nghị do Bộ Công an tổ chức đã cấm các bệnh viên An Khang tiếp nhận bệnh nhân khác ngoài những bệnh nhân được cảnh sát phê chuẩn. Ngoài ra, mỗi tỉnh được yêu cầu phải thiết lập tối thiểu một bệnh viện An Khang.

Điều đó có nghĩa là các bệnh viện An Khang này hoạt động rất bí mật và có rất ít thông tin về nó. Các bác sỹ tâm thần, học giả hay luật sư, những người có chuyên môn về sức khỏe tinh thần cũng không biết nhiều về các cơ sở dạng này. Các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ trong các bệnh viện An Khang thường bị cấm gia đình vào thăm, nên có rất ít thông tin về những gì diễn ra ở bên trong bệnh viện.

Năm 2013, hệ thống trại lao động cưỡng bức đã được bãi bỏ ở Trung Quốc. Nhưng cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn tiếp diễn và một lượng lớn các học viên Pháp Luân Công vẫn đang bị đưa đến trung tâm tẩy não, bệnh viện tâm thần hay các nhà tù. Bởi chúng thuộc thẩm quyền của cảnh sát, các bệnh viện An Khang đã trở thành nơi thuận tiện và bí mật để tra tấn các học viên. Cũng như những trại lao động, không yêu cầu phải chính thức kết án để đưa một ai đó đến bệnh viện An Khang. Thêm vào đó, trong những bệnh viện này, việc áp dụng các hình thức tra tấn tinh thần chưa thực sự được hủy bỏ.

Bởi số lượng các bệnh viện An Khang là có giới hạn, dưới sự chỉ đạo của Phòng 610 và cảnh sát, các học viên Pháp Luân Công còn bị đưa đến các bệnh viện tâm thần khác để bức hại. Ngoài ra, còn có các báo cáo về việc các học viên bị tử vong hoặc bị thương tích do dùng các thực phẩm và nước uống pha trộn thuốc độc trong khi họ bị ở trong tay cảnh sát.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/3/18/384054.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/3/23/176241.html

Đăng ngày 28-03-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share