Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 17-07-2020] Hai học viên Pháp Luân Công tại thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam lần lượt bị bắt vào năm 2019 và 2020 gần đây đã được chuyển đến một bệnh viện tâm thần địa phương vì từ chối từ bỏ đức tin của mình. Cả hai người họ đều bị từ chối được gặp gỡ người thân từ khi bị bắt giữ và gia đình hiện đang rất lo lắng cho tình trạng của họ.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa đã bị đàn áp bởi chính quyền Cộng sản Trung Quốc từ năm 1999. Trong 21 năm qua, rất nhiều học viên Pháp Luân Công khoẻ mạnh đã bị đưa đến bệnh viện tâm thần, nơi họ bị tiêm một loại thuốc gây tổn thương thần kinh và bị tra tấn. Ngoài hai học viên tại tỉnh Hồ Nam, hai học viên khác tại tỉnh Quảng Đông và Liêu Ninh cũng bị đưa đến bệnh viện tâm thần sau khi bị bắt vào năm ngoái.

Ông Lô Vĩnh Lương

Ông Lô Vĩnh Lương, 62 tuổi, bị bắt tại nhà vào ngày 27 tháng 5 năm 2019 trong khi đang đọc các bài giảng của Pháp Luân Công cùng với nhiều học viên khác. Các sách Pháp Luân Công, máy in, ổ ghi DVD, và một số tài liệu cá nhân khác về Pháp Luân Công của ông đều bị tịch thu.

Cảnh sát đã trình hồ sơ của ông Lô lên Viện Kiểm sát quận Lâu vào ngày 2 tháng 7 năm 2019. Công tố viên đã từng hai lần bác bỏ trường hợp của ông Lô vì không có đủ bằng chứng trước khi truy tố và chuyển giao trường hợp của ông đến Toà án quận Lâu vào ngày 26 tháng 12.

Ông Lô bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ thành phố Nhạc Dương sau khi bị bắt và không được phép gặp gỡ người nhà. Theo như những trường hợp tương tự ông Lô, gia đình ông đã cọc 600 nhân dân tệ mỗi tháng từ tháng 7 đến tháng 11 để chi trả chi phí sinh hoạt cho ông, nhưng lính canh không hề cung cấp bữa tối cũng như quần áo ấm cho ông khi thời tiết trở lạnh.

Ông Lô bị đưa đến Bệnh viện Tâm thần Phục hồi Chức năng Nhạc Dương vào đầu tháng 6 năm 2020. Khi gia đình đến trại giam để hỏi thăm về tình hình sức khỏe vài tuần gần đây của ông, lính canh nói rằng ông Lô đang sống rất tốt ở trung tâm giam giữ mà không hề nói với họ rằng ông đã bị chuyển đi nơi khác.

Có báo cáo rằng Toà án quận Lâu đã chuyển giao trường hợp của ông Lô cho Viện Kiểm sát huyện Bình Giang, có thể đây là kết quả của việc tập hợp các trường hợp của Pháp Luân Công ở các khu vực lân cận tới một Viện Kiểm sát và Toá án duy nhất.

Trước lần tố tụng này, ông Lô đã bị bắt và bị giam giữ nhiều lần vì kiên định đức tin của mình. Chi tiết sự việc được ghi nhận trong bản báo các trước đây: Ông Lô Vĩnh Lương vạch trần tội ác của Phòng 610 thành phố Nhạc Dương và Trại lao động cưỡng bức Thiên Tâm tại tỉnh Hồ Nam.

Bà Quách Đan Hà

Bà Quách Đan Hà, 73 tuổi và là một nhân viên kế toán về hưu, đã bị bắt tại nhà vào ngày 17 tháng 3 năm 2020. Cảnh sát lục soát nhà bà và xô đẩy bà một cách thô bạo trong khi tiến hành bắt giữ. Sự bạo hành của cảnh sát đã khiến bà bị nôn mửa. Bà Quách bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ số 2 thành phố Thẩm Dương sau khi bị bắt và bị đưa đến Bệnh viện Tâm thần Phục hồi chức năng Nhạc Dương vào cuối tháng 6. Trường hợp của bà cũng được trình lên Viện Kiểm sát huyện Bình Giang vào khoảng giữa tháng 7.

Tương tự như ông Lô, bà Quách đã nhiều lần bị bức hại vì đức tin của mình trong suốt 21 năm qua, đặc biệt là vào những năm đầu của cuộc đàn áp khi mà bà bị bắt mỗi năm một lần từ năm 1999 đến năm 2003.

Bà Quách bị bắt lần đầu tiên vào ngày 20 tháng 12 năm 1999, tại Quảng trường Thiên An Môn khi bà tới đây để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Cảnh sát đã đập đầu bà vào cửa sổ xe cảnh sát. Trong lúc thẩm vấn, một sĩ quan đã còng tay và dùng gậy đánh, đá và đập đầu bà vào tường. Bà đã bất tỉnh và sau đó bị nhốt trong một cái lồng sắt.

Bà Quách sau đó đã bị chuyển về Nhạc Dương và bị giam giữ trong một tháng. Bà bị bắt phải trả 500 nhân dân tệ cho chi phí ăn uống và bị tống tiền 6.900 nhân dân tệ.

Bà bị bắt lần nữa vào tháng 7 năm 2000 và bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ Thành phố Nhạc Dương trong hơn 40 ngày. Cảnh sát cũng cưỡng ép bà phải trả 3.000 nhân dân tệ phí trái phiếu bảo lãnh.

Sáu tháng sau, bà Quách tiếp tục bị bắt giữ tại nhà vào ngày 16 tháng 1 năm 2001. Cảnh sát thậm chí không để bà kịp mang giày. Bà bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ Thành phố Nhạc Dương trong ba tháng và bị bắt phải nộp một số tiền không rõ là bao nhiêu.

Lần bị bắt tiếp theo của bà là vào ngày 6 tháng 2 năm 2002, khi bà đang làm việc nhà. Lần này bà bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ Thành phố Nhạc Dương trong vòng sáu tháng. Bà đã ba lần tuyệt thực và số ngày tuyệt thực lần lượt là 7 ngày, 18 ngày và 7 ngày để phản đối bức hại. Lính canh đã bức thực bà và có lần bà đã bị trói trên giường chết trong tư thế kéo căng tứ chi suốt hai ngày. Bà cũng bị bắt phải nộp 5.000 nhân dân tệ.

Bà Quách bị bắt lần nữa vào ngày 10 tháng 8 năm 2003, sau khi bị tố cáo vì phân phát tài liệu về Pháp Luân Công trước cổng cơ quan chính quyền thành phố Nhạc Dương. Lúc đầu bà bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ Hồ Tân và sau đó bị chuyển đến Trung tâm giam giữ số 1 thành phố Nhạc Dương, cuối cùng bà bị giam tại Trại lao động cưỡng bức Bạch Mã Thất Lũng trong một năm.

Không lâu sau khi được thả, bà lại bị bắt một lần nữa vào tháng 7 năm 2005 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Bà bị giam tại Trung tâm Giam giữ Thành phố Nhạc Dương và bị cưỡng ép phải nộp 4.500 nhân dân tệ.

Việc bà Quách liên tục bị bắt và giam giữ đã khiến chồng của bà, một viên chính quyền cảm thấy bị áp lực vô cùng. Ông thường đánh đập và sỉ nhục bà. Bà Quách không hề oán hận và vẫn chăm sóc ông chu đáo sau khi ông mắc một căn bệnh nan y giai đoạn cuối và phải nằm liệt giường.

Sau khi chồng bà qua đời, bà đã để lại căn nhà chung và toàn bộ tài sản của chồng cho ba người con ở cuộc hôn nhân trước của chồng và chỉ giữ một phần nhỏ cho mình và con trai.

Bài viết liên quan:

Thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam: Chín học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ, hai người bị sách nhiễu trong hai tuần


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/17/409122.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/2/186149.html

Đăng ngày 14-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share